Vì
sao lại đổ chuyện xây dựng ‘Đô thị thông minh’ cho người dân?
RFA
23/10/2020
Hôm 22 tháng 10 năm 2020,
tại Diễn đàn cấp cao đô thị thông minh ASEAN (ASEAN Smart Cities Summit
& Expo 2020) do Ban Kinh tế trung ương và Bộ Xây dựng phối hợp tổ chức ở
Hà Nội, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc phát biểu cho rằng ‘đô thị thông
minh phải do chính người dân tạo nên, có quy hoạch xã hội tốt nhất’.
Đây không phải là lần đầu
tiên vấn đề xây dựng đô thị thông minh được đề cập đến. Chính quyền Việt Nam từng
hô hào, đầu tư hàng ngàn tỷ đồng xây dựng thành phố thông minh, chính phủ điện
tử... Nay qua phát biểu đó dường như Thủ tướng chuyền quả bóng trách nhiệm này
cho người dân. Vậy thực chất trong phát triển đô thị thông minh, vai trò chính
quyền quan trọng hơn hay sự đóng góp của người dân là quan trọng?
Trả lời RFA hôm 23/10, Ông
Nguyễn Tử Quảng, Tổng Giám đốc Tập đoàn công nghệ BKAV, nhận định:
“Tôi nghĩ vai trò người dân và hạ tầng công nghệ
quan trọng như nhau. Nếu như một hệ thống đô thị thông minh do nhà nước hoặc
các doanh nghiệp có triển khai ra, nhưng người dân không tham gia tương tác, sử
dụng, thì nó cũng không có giá trị. Và ngược lại nếu như chỉ có người dân mà
chính phủ và các doanh nghiệp không đầu tư thì cũng không có tác dụng. Tại Việt
Nam trong khoảng 2 năm trở lại đây, theo đánh giá của tôi, các công ty công nghệ
cũng tương đối tập trung phát triển các giải giáp cho đô thị thông minh. Về
phía lãnh đạo Chính phủ thì họ cũng đưa ra nhiều văn bản quy định, cũng như
tham gia các diễn đàn, như lần này là một ví dụ. Tôi nghĩ xu hướng phát triển
đô thị thông minh đang phát triển theo hướng tốt.”
Theo Tổ chức nghiên cứu
tiêu chuẩn công nghệ viễn thông ITU-T (The ITU Telecommunication
Standardization Sector), một đô thị thông minh bền vững là một thành phố đổi
mới sáng tạo sử dụng các công nghệ thông tin truyền thông và các phương tiện
khác để nâng cao chất lượng cuộc sống, hiệu quả hoạt động dịch vụ đô thị, tính
cạnh tranh, đồng thời đảm bảo đáp ứng được nhu cầu của các thế hệ hiện tại và
tương lai về các khía cạnh kinh tế, xã hội, môi trường và văn hóa...
Tại Việt Nam, theo nhiều
chuyên gia, cứ trào lưu nào xuất hiện trên thế giới... thì sớm muộn gì cũng xuất
hiện ở Việt Nam... đặc biệt xuất hiện qua tuyên truyền và các văn bản của Nhà
nước. Việc áp dụng các xu hướng phát triển của thế giới trên văn bản được các
cơ quan chức năng áp dụng rất nhanh. Nhưng từ lý thuyết đến triển khai vào thực
tế thì không phải lúc nào cũng phù hợp.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Chủ tịch Hội tin học Việt Nam, khi
trao đổi với RFA hôm 23/10 liên quan vấn đề này, cho biết ý kiến của mình:
“Tôi nghĩ việc xây đô thị thông minh là một chủ
trương rất quan trọng, bởi vì với sự tiến bộ về công nghệ thông tin cũng như
các công nghệ khác, thì bây giờ nó có khả năng giúp những đô thị đấy hoạt động
một cách hiệu quả hơn xưa nhiều, từ vấn đề cung cấp năng lượng, nước, bảo vệ
môi trường, cho đến điều phối giao thông và tất cả các lĩnh vực khác...”
Diễn đàn cấp cao đô
thị thông minh ASEAN (ASEAN Smart Cities Summit & Expo 2020) hôm 22 tháng
10 năm 2020 ở Hà Nội. Courtesy chinhphu.vn
Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, đây là một trào lưu rất
đáng quan tâm để thực hiện sao cho tốt nhất. Đáng tiếc, theo ông, ở Việt Nam lại
có một tâm lý chạy theo phong trào, vì vậy ông cho rằng, có lẽ cái gọi là đô thị
thông minh, rồi cách mạng 4.0 cũng đại loại theo phong trào, ai cũng nói, nhưng
chẳng hiểu nội dung của nó là thế nào cả... Ông dẫn chứng:
“Tôi có lần đến nơi gọi là Đô thị Ecopark nổi tiếng
hay khét tiếng một thời, thì thấy những người kinh doanh ở đấy nói đây là đô thị
thông minh thế này thế kia. Nhưng khi đến nơi thì thấy chẳng có gì gọi là thông
minh theo nghĩa thực của từ ngữ cả, đấy chỉ là sáo ngữ, mà người ta rất hay
dùng để lòe thiên hạ. Tôi rất sợ cái đô thị thông minh ở Việt Nam cũng tương tự
như vậy, bây giờ nói về đô thị thông minh họ chủ yếu khoe ra những bảng điện tử
rộng lớn, để cho các quan chức chính phủ có thể nhìn thấy ô tô chạy thế nào, chỗ
nào kẹt xe, chỗ nào có tai nạn... Cái đấy cũng là một khía cạnh, nhưng không phải
là tất cả, nếu ở đâu cũng làm và trương cái ấy lên thì tôi e rằng sẽ rất tốn
kém, mà nó lệch hoàn toàn với ý nghĩa của một đô thị thông minh. Nó bóp méo
khái niệm ấy và gây lãng phí, thậm chí dùng những công cụ như thế vào chuyện
theo dõi người dân chẳng hạn, thì cũng không phải là cái gì hay ho.”
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, phát triển đô thị thông minh phải gắn kết chặt
chẽ với hạ tầng thông tin mạnh, xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính
quyền số trong cách mạng công nghiệp 4.0 và quá trình phát triển đô thị Việt
Nam. Tuy nhiên ông cũng cảnh báo các địa phương không được làm đô thị thông
minh theo kiểu phong trào.
Thủ tướng Việt Nam
Nguyễn Xuân Phúc tại Diễn đàn cấp cao đô thị thông minh ASEAN (ASEAN Smart
Cities Summit & Expo 2020) hôm 22 tháng 10 năm 2020 ở Hà Nội. Courtesy
chinhphu.vn
Vì sao Thủ tướng lại gắn
trách nhiệm của người dân với việc xây dựng thông minh vào thời điểm này, trong
khi người dân tại nhiều đô thị vẫn còn nhiều gánh lo cơm áo gạo tiền?
Điều này cũng thật dễ hiểu,
khi nhiều năm qua chính quyền hô hào, đầu tư hàng ngàn tỷ đồng xây dựng thành
phố thông minh, chính phủ điện tử... Nhưng đến nay hiệu quả vẫn chưa rõ ràng.
Đơn cử như vào ngày
9/12/2019, chính phủ Việt Nam khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia trực
tuyến. Tuy nhiên đến nay nhiều người vẫn cho rằng chỉ mang lại hiệu quả nửa
vời.
Ông T., một người dân ở Sài Gòn cho biết ý kiến của mình về việc này:
“Việc giải quyết giấy tờ qua mạng đúng ra phải phải
quyết từ lâu rồi, thời buổi thông tin internet mà. Phát triển thì cũng giúp cho
người dân một ít thời gian, đỡ mất công đi lại, cái đó thì có. Nhưng lại nảy
sinh ra tiêu cực khác, chẳng hạn rồi cũng phải đích thân đi lấy, nhiều khi có
khâu còn bị tiền cò… hay phải tốn thêm lệ phí để chuyển về nhà. Nhưng không phải
ai cũng làm được, trừ một số người thành thạo vi tính… tin học thì người ta mới
làm được.”
Theo Văn phòng Chính phủ,
Cổng dịch vụ công quốc gia gồm 6 phần chính: cơ sở dữ liệu quốc gia về
thủ tục hành chính; xác thực, đăng nhập một lần; thanh toán trực tuyến; hệ thống
phản ánh, kiến nghị cho người dân, doanh nghiệp; tích hợp các dịch vụ công trực
tuyến của các bộ, ngành, địa phương; hỗ trợ trực tuyến và Tổng đài hỗ trợ.
Hiện Cổng dịch vụ công quốc
gia cung cấp 5 dịch vụ công trực tuyến là: Đổi giấy phép lái xe; thông báo hoạt
động khuyến mại; cấp lại thẻ bảo hiểm y tế do mất, hỏng; dịch vụ cấp điện hạ áp
(phục vụ người dân, hộ gia đình); dịch vụ cấp điện trung áp (phục vụ doanh nghiệp).
Liệu cho đến nay, có nơi
nào tại 63 tỉnh thành của Việt Nam được cho là một đô thị thông minh sau nhiều
năm Chính phủ quy hoạch, hô hào? Ông Nguyễn Tử Quảng, Tổng Giám đốc Tập đoàn
công nghệ BKAV, nói:
“Quy hoạch về đô thị thông minh đã nói rất nhiều tại
Việt Nam, gần đây thì theo tôi nhận định đã có bước phát triển hơn rất nhiều.
Tuy nhiên để nói thật sự có một nơi nào thực sự đã có đô thị thông minh, thì gần
như là chưa có. Có một vài tỉnh có thể hiểu là đang bắt đầu triển khai đô thị
thông minh rõ nét, ví dụ như ở Quảng Ninh chẳng hạn, có thể nói là đô thị thông
minh, nhưng cũng chỉ ở giai đoạn ban đầu.”
Xu hướng đô thị thông
minh trên thế giới được cho là một xu hướng đúng đắn và nhiều nước đã áp dụng
thành công. Nhưng ở thời điểm này, và trong tình trạng Việt Nam hiện nay, nếu
đưa các tỉnh thành vào làm đô thị thông minh, ngay cả ở thành phố lớn như Hà Nội
và TP.HCM thì vẫn chưa thể vì thiếu những yếu tố căn bản. Bản thân người dân
cũng chưa được trang bị gì để góp phần vào công cuộc này.
No comments:
Post a Comment