Friday, 23 October 2020

TRANH LUẬN TỔNG THỐNG MỸ : TRANH LUẬN hay GAMESHOW? (Y Chan - Luật Khoa)

 


Tranh luận tổng thống Mỹ: Tranh luận hay gameshow?

Y Chan  -  Luật Khoa

23/10/2020

https://www.luatkhoa.org/2020/10/tranh-luan-tong-thong-my-tranh-luan-hay-gameshow/

 

Cuộc tranh luận thứ hai, cũng là cuộc tranh luận cuối cùng giữa hai ứng cử viên tổng thống Donald Trump và Joe Biden đã khép lại với một không khí văn minh, bớt thù địch và đỡ hỗn loạn hơn nhiều so với cuộc thứ nhất, phần lớn là nhờ vào luật chơi mới (tắt microphone khi chưa đến lượt) và năng lực kiểm soát tốt của người điều hành chương trình. Nếu bạn là người xem trực tiếp, hay xem lại trích đoạn cuộc tranh luận lần thứ nhất hôm 29/9/2020, khả năng cao bạn đã ngỡ ngàng không hiểu chuyện gì vừa xảy ra.

 

Bạn không phải người duy nhất. Tuy nhiên, cũng có nhiều người rất thích thú trước màn tranh luận này. Họ cảm thấy được giải trí cao độ.

 

Điều đó không đáng ngạc nhiên, nếu người ta biết rằng các cuộc “tranh luận” này, ngay từ buổi sơ khai, đã được thiết kế để giải trí.

 

Hay chính xác hơn, người ta đã bưng y nguyên khuôn thức của một gameshow để dựng nên một chương trình giải trí chính trị cấp cao.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2020/10/presidential-debate-1024x529.png

Cuộc tranh luận tổng thống hôm 29/9 đã tạo ra một cơn lũ ảnh chế trên mạng. Ảnh: AP/Twitter

 

.

Khi các ứng cử viên tổng thống chơi gameshow

 

Giai đoạn cuối thập niên 1950 tại Mỹ được xem là thời điểm hoàng kim của các loại gameshow hỏi đáp, hay còn gọi là “quiz shows”, mà các dạng thức tương tự của nó ngày nay là những chương trình kiểu “Ai là triệu phú”. Các cuộc thi hỏi đáp giành giải thưởng như vậy chiếm hết sóng giờ vàng trên truyền hình.

 

Vào năm 1958, một số người chơi tham gia các gameshow này tiết lộ rằng các cuộc thi đều bị sắp đặt, khi thì có người được cho sẵn đáp án, lúc lại có kẻ bị gài phải trả lời sai, sao cho chương trình luôn kịch tính và hấp dẫn.

 

Sự việc này khiến công chúng phản ứng dữ dội, đòi phải cải tổ lại các chương trình truyền hình. Một số ý kiến cho rằng truyền hình nên dành nhiều thời lượng hơn cho các vấn đề công cộng (public affairs) thay vì chỉ có giải trí.

 

Frank Stanton, một quan chức điều hành truyền hình, người từ lâu đã có ý định tổ chức những cuộc tranh luận chính trị trên truyền hình, lập tức nắm lấy cơ hội và vận động cho sự ra đời của một chương trình mới.

 

Nỗ lực của ông thành công, và cuộc tranh luận đầu tiên trên truyền hình được hai ứng cử viên tổng thống, Richard Nixon của Đảng Cộng hòa và John F. Kennedy của Đảng Dân chủ, đồng ý tham gia.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2020/10/90-1-1024x555.jpeg

Cuộc tranh luận giữa hai ứng viên tổng thống Richard Nixon và John F. Kennedy, ngày 21/10/1960. Ãnh: AP.

 

Nhưng format chương trình như thế nào thì chưa được thống nhất. Ý định ban đầu của Stanton là sẽ có một “ban giám khảo” gồm các phóng viên đưa ra câu hỏi chất vấn những ứng viên. Nhưng cả hai ứng viên tổng thống đều ngần ngừ không chấp thuận trước ý tưởng mới này. Điều đó không khó hiểu khi các ứng viên và đảng phái của họ đều không có ý định “tranh luận” (debate) thật sự cùng nhau. Trong suốt quá trình chuẩn bị, sự kiện này được gọi một cách chính thức là “chương trình cùng xuất hiện” (joint appearance series) giữa các ứng viên.

 

Khi thời gian chuẩn bị gần đến hạn mà các bên vẫn không thống nhất được thể thức chương trình, mọi người quyết định lựa chọn an toàn: dùng thể thức gameshow quen thuộc với tất cả.

 

Nhà đài dùng lại thể thức cuộc thi xưa nay. Người điều khiển chương trình chỉ cần ra những câu hỏi có sẵn. Các ứng viên thì trả lời tùy ý mà không cần phải tranh luận theo đúng nghĩa, cũng không cần trực tiếp đối đầu chất vấn nhau. Mọi người đều vui vẻ. Riêng khán giả, những ai mong đợi một cuộc tranh luận thật sự về các vấn đề dân sinh thiết thực thì thất vọng. Thứ họ có được chỉ là một chương trình giải trí chính trị khác, hay nói như thượng nghị sĩ Mike Mansfield vào thời điểm đó, nó chỉ hơn chút xíu so với một cuộc thi hoa hậu.

 

Frank Stanton sau này bày tỏ sự tiếc nuối, rằng chương trình đã không được thiết kế để cho các ứng cử viên trực tiếp tranh luận cùng nhau, từ đó làm lộ rõ điểm yếu điểm mạnh trong luận điểm của các bên. Stanton cho rằng đó là phương thức tốt nhất, ngay cả khi suy tính đến việc ứng viên thật sự có kỹ năng tranh luận và có ý định tranh luận văn minh, nghiêm túc hay không. Ông tin “một khi đã là ứng viên tổng thống của nước Mỹ, bạn sẽ không ứng xử thô lỗ (misbehave) trước hàng triệu người xem”. 

 

Frank Stanton mất vào năm 2006, 10 năm trước khi Donald Trump đắc cử tổng thống nước Mỹ. Ông đã không có cơ hội chứng kiến sự xuất hiện của một ứng viên tổng thống trái ngược hoàn toàn với trí tưởng tượng xưa nay của mình.

 

.

Có thể biến gameshow trở lại thành một cuộc tranh luận nghiêm túc?

 

Sau đúng 60 năm, gameshow được truyền hình trực tiếp giữa các ứng cử viên tổng thống ở Mỹ vẫn không có bao nhiêu thay đổi về thể thức.

 

Dù được gắn mác là “tranh luận” (debate), những chương trình này chưa bao giờ đạt được yêu cầu tối thiểu của một cuộc tranh luận thật sự giữa các học sinh trung học.

 

Các chính trị gia xuất hiện trên sân khấu để trình diễn nhiều hơn là đốt neuron suy nghĩ, phân tích, lập luận và trình bày vấn đề. Những người điều hành chương trình, cho dù là các nhà báo kỳ cựu, vì nhiều áp lực khác nhau từ nhà đài, đảng phái và cả người ủng hộ các ứng viên, hầu như không bao giờ chất vấn lại những luận điểm của các ứng viên, để cho họ tự do thao thao bất tuyệt, thậm chí là tha hồ nói nhăng nói cuội.

 

Kết quả của các cuộc “tranh luận” như vậy thường nghiêng về phía ai “có vẻ nói hay hơn”, “có vẻ thuyết phục hơn”, hoặc “trông có phong cách hơn”, hay chỉ đơn giản “nói to hơn”.

 

Không ngạc nhiên khi sau cuộc tranh luận thảm họa vào hôm 29/9 giữa Donald Trump và Joe Biden, không ít người, đặc biệt là những ai ở Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan lẫn Hong Kong, đều tỏ ra thích thú và có ấn tượng tích cực với Trump hơn là Biden. Họ xem thứ thô lỗ bốp chát mà Trump trình diễn là “phong thái của kẻ mạnh”, và chê cười cố gắng kiềm chế của Biden là “yếu ớt”.

 

Nhưng Trump không phải tác nhân khiến các cuộc tranh luận chính trị ở Mỹ trở thành một màn tấu hài hỗn loạn. Ông chỉ là nhân vật khuếch đại vấn đề đã có sẵn từ nhiều thập niên qua.

 

Nhiều người đã cố gắng chỉ ra và đề xuất những chỉnh sửa để biến các gameshow chính trị này thật sự trở thành các cuộc tranh luận có ích cho công chúng.

 

Trong số những đề xuất có việc thay đổi thể thức, bắt các ứng viên phải trực tiếp trả lời chất vấn của một nhóm chuyên gia (panel of experts) hoặc/ và cho phép họ tham vấn trực tiếp đội ngũ cố vấn của mình (consult with advisers).

 

Theo đó, thay vì chỉ đơn thuần nhận câu hỏi và trả lời theo ý thích, các ứng viên sẽ bị những chuyên gia trong các lĩnh vực liên quan chất vấn tại chỗ từng luận điểm của mình. Điều này buộc các ứng viên sẽ phải “làm bài tập” kỹ càng, nghiên cứu vấn đề, suy nghĩ cẩn thận và cho ra câu trả lời hợp lý nhất.

 

Nhưng vì các chính trị gia đa phần đều dựa vào đội ngũ cố vấn của họ, nên một đề xuất khác là cho phép các cố vấn trực tiếp tham gia trong buổi tranh luận. Những ứng viên sau khi nhận câu hỏi sẽ có thời gian chuẩn bị và trao đổi với nhóm cố vấn trước khi trình bày phần trả lời.

 

Những đề xuất này thực chất không phải điều mới mẻ gì. Nó là thể thức quá quen thuộc với bất kỳ ai từng tham gia trong những cuộc tranh luận ở các trường học. 

 

Điều ngạc nhiên duy nhất nếu có chỉ là vì sao người ta lại đặt ra yêu cầu tư duy nghiêm khắc với những đứa trẻ, trong khi hỉ hả bỏ qua những trò hề của các chính trị gia muốn lãnh đạo đất nước.

 

Nhưng nói người thì lại phải ngẫm đến ta. Với người dân ở những nước như Việt Nam, ngay cả các trò hề như trên cũng đã là điều xa xỉ. 

 

Khi nào các quan chức lãnh đạo xứ Việt mới dám đường hoàng công khai đối diện với người khác để trực tiếp trả lời những chất vấn của họ?

 

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats