Thói
quen xài đồ gỗ và bài học từ sự sụp đổ xã hội của đảo Phục sinh
Lý Minh - Luật
Khoa
21/10/2020
Theo dõi những thông tin
về tình hình bão lũ ở miền Trung, mối liên hệ giữa việc phá rừng và những đợt lở
đất, lũ quét, lũ ống ngày càng nặng nề hơn không khỏi khiến tôi nhớ đến tác phẩm
“Collapse:
How Societies Choose to Fail or Succeed” (Sụp đổ: Các xã hội đã thất bại
hay thành công như thế nào?) của Jared Diamond. Cuốn sách trả lời cho câu hỏi tại
sao nhiều nền văn minh trong quá khứ đã sụp đổ.
Các bức tượng Moai trên đảo Phục sinh (Easter
Island). Ảnh: AP
Một câu chuyện gây ấn tượng
với tôi là sự sụp đổ của xã hội trên đảo Phục sinh. Đó là một hòn đảo nổi tiếng
nằm ở Đông Nam Thái Bình Dương với 887 bức tượng đá khổng lồ hình mặt người (được
gọi là Moai) được tộc người Rapa Nui cổ tạo ra.
Sau cuộc đua xây Moai, cả
xã hội trên đảo Phục sinh rơi vào tình trạng cạn kiệt các loại cây gỗ lớn vì đã
bị khai thác hết để phục vụ cho việc xây tượng. Không còn cây gỗ lớn trong rừng
dẫn đến việc chim chóc và các động vật sống trong rừng chịu chung số phận. Người
dân Rapa Nui cổ sinh sống bằng cách đánh bắt cá, các loại cây gỗ lớn được dùng
làm thuyền để đánh cá, không có cây gỗ lớn thì không đóng được thuyền và không
đánh được cá. Các nguồn tài nguyên thiên nhiên trên đảo Phục sinh ngày càng cạn
kiệt, tình trạng thiếu thốn lương thực xảy ra dẫn đến những cuộc chiến tranh để
giành giật nguồn sống vốn đã khan hiếm. Xã hội trên đảo Phục sinh rơi vào tình
trạng sụp đổ rồi từ từ biến mất.
Khi đọc xong những câu
chuyện về sự sụp đổ của các xã hội mà Jared Diamond đã mô tả, tôi chợt đặt ra
câu hỏi: Tại sao những con người sống trong xã hội ở đảo Phục sinh lại ngu ngốc
đến thế? Tại sao không có ai nhận ra được việc khai thác các thân cây gỗ lớn để
phục vụ cho việc làm tượng Moai sẽ dẫn tới hậu quả thảm khốc cho cả xã hội? Những
câu hỏi về hành vi của con người dẫn tới sự sụp đổ của các xã hội vẫn cứ luẩn
quẩn trong đầu tôi.
Tôi hay nghĩ rằng con người
là một sinh vật có khả năng học hỏi tốt, những bài học về sự sụp đổ của các xã
hội trong quá khứ sẽ giúp con người hiểu được tầm quan trọng của việc giữ gìn
và bảo vệ rừng, từ đó con người sẽ biết cách bảo vệ nguồn tài nguyên thiên
nhiên mà trái đất trao tặng cho để không dẫn tới sự sụp đổ.
Thế nhưng, khi nhìn lại
những gì đang xảy ra ở Việt Nam, nhìn thấy tâm lý thích sử dụng và tiêu thụ các
vật dụng nội thất có kích thước to lớn trong nhà được làm từ các thân gỗ lớn
như là một cách để khoe khoang sự giàu có của chủ nhân ngôi nhà, tôi chợt nhận
ra có các bài học lịch sử về sự sụp đổ là một chuyện, nhận thức được nguyên
nhân của sự sụp đổ và thay đổi cách suy nghĩ và tư duy để không dẫn đến sụp đổ
là một chuyện khác.
Con người thường không
hành xử theo lý trí như các nhà kinh tế học thường mô tả. Các nhà kinh tế học
cho rằng mỗi khi mua đồ gỗ có kích thước lớn để trang trí trong nhà, mỗi người
sẽ suy nghĩ về hậu quả dài hạn mà bộ đồ gỗ đó gây ra cho xã hội và sau đó quyết
định không mua. Con người thường mua sắm dựa trên cảm xúc, dựa trên những gì mà
những người xung quanh họ nghĩ. Nếu như xã hội Việt Nam coi trọng những người
mua sắm các bộ bàn ghế gỗ đắt tiền, làm từ các thân gỗ lớn được khai thác từ rừng
thì khi đi mua bàn ghế, những người có tiền sẽ lựa chọn các bộ bàn ghế đó để được
mọi người trong xã hội coi trọng.
Ở xã hội của người Rapa
Nui cổ, các bức tượng hình mặt người là dấu hiệu cho thấy sự coi trọng của xã hội
đối với những ai xây được bức tượng đó, ai càng xây dựng được bức tượng với quy
mô lớn hơn, xã hội càng coi trọng người đó. Đó là một cuộc đua không hồi kết.
Vào thời điểm đó, chẳng ai trong xã hội đó quan tâm đến việc rừng sẽ hết và người
sẽ chết. Điều đó cũng tương tự cho cuộc đua phá rừng để đóng bàn ghế, làm nhà của
nhiều người Việt Nam. Chẳng mấy ai khi mua bàn ghế được làm từ các thân gỗ lớn,
mua các thân cây to bằng cái cột đình về làm nhà lại đặt câu hỏi: Có bao nhiêu
người dân miền Trung sẽ bị chết vì mưa lũ mà nguyên nhân một phần là do việc
mua sắm vật dụng của mình gây ra?
Chúng ta không thể nào
đòi hỏi một cá nhân, cho dù đó là đại biểu Quốc hội, có nhận thức về nguyên
nhân và hậu quả sâu xa đến thế. Cuối cùng, họ vẫn là con người, các quyết định
mua sắm vật dụng trong nhà của họ vẫn chịu ảnh hưởng từ những người xung
quanh.
Vậy những người hiểu biết
có thể làm gì? Nhận thức của mỗi cá nhân phụ thuộc vào nhận thức của dư luận xã
hội. Dư luận xã hội lại bị dẫn dắt bởi những cá nhân có hiểu biết vượt lên trên
nhận thức của xã hội. Những người hiểu biết chính là những người có sứ mạng làm
thay đổi nhận thức của xã hội về việc sử dụng các sản phẩm làm từ thân cây lớn là
một hành vi vô đạo đức, vì nó sẽ gây ra bão lũ, làm chết người. Khi có càng nhiều
người nhận thức được việc đó, sẽ tạo nên áp lực từ dư luận lên những cá nhân ra
quyết định mua sắm các bộ bàn ghế làm từ thân cây lớn, từ đó, hành vi và các
quyết định mua sắm vật dụng sẽ thay đổi.
Còn nếu như dư luận xã hội
vẫn cứ tiếp tục xem trọng những người đang ngồi trên các bộ bàn ghế đắt tiền được
làm từ các loại thân gỗ lớn và xem đó là sự giàu có và sang trọng của gia chủ
thì việc mua sắm các loại bàn ghế đó vẫn sẽ tiếp tục tăng lên trong tương lai
và ngày càng được củng cố hơn.
Nhìn lại thì chúng ta thấy
rất rõ ràng cuộc đua xây tượng Moai trên đảo Phục sinh là ngu dốt vì dẫn tới sự
sụp đổ của cả một xã hội. Vậy cuộc đua phá rừng của chúng ta dẫn tới cái chết của
nhiều người dân miền Trung vì bão lũ nên được gọi là gì?
No comments:
Post a Comment