Wednesday, 21 October 2020

THIÊN NHIÊN CUỒNG NỘ (Tuổi Trẻ Online)

 


Thiên nhiên cuồng nộ - Kỳ 1: Lở đất kinh hoàng tại bang Kerala

Tuổi Trẻ Online

20/10/2020 14:00 GMT+7

https://tuoitre.vn/thien-nhien-cuong-no-ky-1-lo-dat-kinh-hoang-tai-bang-kerala-20201020111553457.htm

 

TTO - Mưa ầm ào xối xả từ sáng tới tối. Những con sông tràn bờ ngập mấp mé nóc nhà dân. Những vạt đồi no nước đổ ập chôn vùi nhà cửa, con người. Tại sao? Có biện pháp gì để giảm thiểu thiệt hại?

 

·         Thiên nhiên cuồng nộ và những con số "biết nói"

·         Thiên nhiên cuồng nộ

·         Lời thiên nhiên nhắc nhở

 

https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/586/2020/10/20/sat-lo-16031672432501209059694.jpg

Tìm kiếm người mất tích sau trận lở đất kinh hoàng tại làng Pettimudy tối 6-8-2020 - Ảnh: AFP

 

P.Mayilswami và em trai Ganeshan là thành viên Ủy ban Phát triển sinh thái của bang Kerala (Ấn Độ). Hai anh em chỉ mới học xong bậc tiểu học nhưng được nhiều người biết đến vì đã đóng góp công sức bảo vệ môi trường sống và quản lý du lịch của vườn quốc gia Eravikulam ở huyện Idukki. 

 

Tháng 6-2020, họ rất vui với công việc bảo tồn loài dê núi sừng ngắn Nilgiri Tahr có nguy cơ tuyệt chủng. Mùa sinh sản vừa kết thúc, dê sinh được 155 con trong khi năm ngoái chỉ được 81 con, nâng tổng số bầy dê núi quý hiếm lên 726 con. Do mùa sinh sản năm nay kết thúc trong đại dịch COVID-19, hai anh em bèn đề nghị với người phụ trách sẽ tổ chức bữa tiệc ăn mừng sau đại dịch.

 

“Số ngày mưa giảm, lượng mưa không đổi, nghĩa là chúng ta sẽ có những trận mưa dữ dội hơn.

TS địa lý SARUN SAVITH

 

Chế độ mưa đã thay đổi

 

22h45 ngày 6-8-2020, một trận lở đất kinh hoàng xảy ra tại làng Pettimudy dưới chân đồi Anamalai đã chôn vùi hai anh em Mayilswami và Ganeshan cùng gia đình dưới bùn đất. Một vạt đồi đổ ập xuống khu nhà ở các công nhân trồng chè san bằng các căn nhà lợp tôn. 70 người chết. 40 căn nhà bị phá hủy. Chỉ 12 người của hai gia đình may mắn sống sót. 

 

Mưa liên miên suốt sáu ngày đã làm đất trên đồi Anamalai bị bão hòa, nơi có nhiều đồn điền trồng chè và cà phê. Nước mưa ngấm xuống lòng đất trong cao điểm mùa mưa đã làm giảm độ kết dính giữa bùn và đá. Khi đất no nước bắt đầu rơi xuống cùng với đá, lở đất xảy ra.

 

Suốt tuần trước đó, mưa lớn gần như cô lập khu nhà công nhân. Do mất điện bốn ngày nên điện thoại di động không còn pin. Những người sống ở khu nhà gần đó chỉ thức dậy khi nghe âm thanh lở đất nhưng họ không thể làm gì vì trời tối như mực. Do trường học đóng cửa để giãn cách xã hội, 18 em học sinh không ở trong ký túc xá mà trở về nhà. Tất cả đều bị chôn vùi trong vụ lở đất.

 

Trước đó từ trận lụt năm 2018, ngoài công tác di dời người dân ra khỏi các vùng nguy hiểm và tổ chức tái định cư cho dân, chính quyền bang Kerala bắt đầu lập bản đồ nguy cơ sạt lở đất ở cấp độ của bang. Theo bản đồ của Cơ quan Quản lý thảm họa bang Kerala, hơn 30% diện tích huyện Idukki có nguy cơ xảy ra lở đất. Đặc biệt tình hình lở đất rất nguy cấp ở thành phố Munnar và các khu vực xung quanh.

 

Bang Kerala đối mặt với thời tiết khắc nghiệt hơn trong vài năm nay. Sau đợt hạn hán lớn năm 2015 đến bão Okhi năm 2017 rồi lũ lớn và lở đất trong hai năm 2018 và 2019. Thời tiết cực đoan khó lường như mưa lớn với cường độ cao xuất phát từ nguyên nhân biến đổi khí hậu. Ví dụ bang Kerala nhận được lượng mưa nhiều hơn 164% so với bình thường từ ngày 1 đến 19-8-2018 dẫn đến lũ lụt nghiêm trọng và lở đất làm 498 người thiệt mạng. Gần 341 điểm lở đất được ghi nhận ở 10 huyện, riêng huyện Idukki có 143 vụ lở đất.

 

Tiến sĩ địa lý Sarun Savith ở Đại học Sree Sankaracharya Sanskrit (bang Kerala) nhận xét: "Chất lượng đất kém do chia cắt rừng và độc canh đã góp phần gây ra thảm họa nhưng nguyên nhân chính là mưa. Mô hình gió mùa ở Kerala đã thay đổi mạnh trong 10 năm qua. Số ngày mưa giảm, lượng mưa vẫn không đổi, nghĩa là chúng ta sẽ có những trận mưa dữ dội hơn. 

 

Trước đây khu vực này nhận lượng mưa lớn nhất vào tháng 6 và tháng 8 sẽ là tháng khô hạn. Thế nhưng hiện tại chúng ta đang nhận lượng mưa lớn nhất vào tháng 8 trong khi mặt đất đã no nước, do đó có nhiều khả năng xảy ra lở đất hơn".

 

Chuyên gia Gopakumar Cholayil ở Học viện Giáo dục biến đổi khí hậu và nghiên cứu thuộc Đại học Nông nghiệp Kerala giải thích chế độ mưa ở bang Kerala đã thay đổi đáng kể trong hai năm qua. Lượng mưa tối thiểu xảy ra vào tháng 6 và tháng 7, sau đó lượng mưa dữ dội trong tháng 8 và tháng 9 với cường độ mưa cũng tăng lên.

 

https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/586/2020/10/20/sat-lo-1-1603167279180445696365.jpg

Ngoài nguyên nhân tự nhiên, sạt lở đất có thể xảy ra do con người - Ảnh: indianexpress.com

 

Bàn tay can thiệp của con người

 

Sạt lở đất là chuyển động lớn của đá, mảnh vụn và đất được kích hoạt bởi các nguyên nhân tự nhiên như động đất hoặc mưa lớn. Tuy nhiên, tiến sĩ T.V.Sajeev ở Viện Nghiên cứu rừng bang Kerala nhận xét các nguyên nhân do con người như khai thác đá, san đồi để xây dựng nhà cửa, xây dựng đường lớn trên núi, khai thác mỏ, xây đập thủy điện cùng lối canh tác độc canh là các yếu tố góp phần gây ra sạt lở đất vì hủy hoại sườn đồi, tác động đến hệ thống thoát nước tự nhiên bằng cách lấy đi đất đá và thực vật làm đất trở nên tơi xốp hơn khiến đồi núi dễ bị sạt lở hơn.

 

Nhà địa chất thủy văn V.R.Haridas nhận xét mùa mưa năm nay có cường độ mạnh hơn kèm gió mạnh nên các sườn đồi ở làng Pettimudy đã bão hòa nước. Ông giải thích: "Mưa kéo dài có nguy cơ gây ra chuyển động ngang và làm tăng khả năng trượt của phần đất quá tải".

 

Tại Ấn Độ, 420.000km2 tương đương 12,6% diện tích nằm trong đối tượng dễ bị sạt lở. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Sheffield (Anh) đã phân tích 5.031 vụ lở đất chết người trên thế giới và nhận thấy Ấn Độ là một trong các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi các vụ lở đất chết người do con người gây ra trong giai đoạn 2004-2016.

 

Nghiên cứu cho thấy tại Ấn Độ có 10.900 người thiệt mạng trong 829 vụ lở đất, chiếm 18% tổng số người chết. Ấn Độ chiếm 28% số vụ lở đất do xây dựng, kế đến là Trung Quốc (9%) và Pakistan (6%). Trong tổng số vụ lở đất do trời mưa, 16% xảy ra ở Ấn Độ. Trong số này, 77% xảy ra trong đợt gió mùa. Ấn Độ cũng chiếm tỉ lệ sạt lở đất tối đa do khai thác mỏ với 12%, tiếp theo là Indonesia (11,7%) và Trung Quốc (10%).

 

Khoảng 4h sáng ngày 17-4-2012, nước rò rỉ từ đường hầm dự án thủy điện Chamera III ở huyện Chamba (bang Himachal Pradesh) khiến ngọn đồi có nguy cơ sạt lở. 40 gia đình cư trú dưới đồi được chuyển đến nơi an toàn trước khi lở đất ập xuống phá hủy nhà cửa và 8ha trang trại bậc thang. Các nhà hoạt động đã vận động phản đối xây dựng dự án thủy điện trên dãy Himalaya với lý do sự cố như trên là bằng chứng cho thấy địa chất yếu không thể đáp ứng chiến lược phát triển quy mô lớn.

 

V.R.Haridas đánh giá lở đất và các hiện tượng liên quan là một thực tế mới đối với bang Kerala và bang cần phát triển chiến lược dài hạn để giải quyết mối đe dọa này. Ông nhận xét: "Những thay đổi xảy ra trong ba năm qua có một mô hình chung cho thấy cấu trúc đất ở Kerala đã thay đổi đáng kể không chịu được mưa lớn. Nếu không xây dựng các phương pháp tiếp cận toàn diện và khoa học, lở đất với số thương vong lớn sẽ trở thành hiện tượng xảy ra hằng năm".

 

Một công trình nghiên cứu ở Ấn Độ đã phân tích các quy định về xây dựng tại 8 thành phố ở vùng Himalaya. Kết quả cho thấy các quy định về sử dụng đất không tính đến bối cảnh địa môi trường cụ thể của từng khu vực khác nhau, do đó quy định được áp dụng như nhau bất kể địa hình, hướng dốc và khả năng nguy hiểm khác nhau. Chiến lược quản lý rủi ro sạt lở đất quốc gia do Viện Quản lý thảm họa quốc gia Ấn Độ công bố vào tháng 9-2019 cũng đã ghi nhận vấn đề này.

 

************

 

Biến đổi khí hậu ở châu Á dẫn đến lũ lụt nhiều hơn và dữ dội hơn. Tuy nhiên, nếu chỉ giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính chưa đủ mà còn phải ngăn chặn tác hại do con người gây ra.

 

>> Kỳ tới: Nuôi dưỡng các vùng đất ngập nước

 

                                                      ***

 

Vì sao lở đất thường kèm theo những tiếng nổ lớn?

TTO - Trong các vụ sạt lở đất, nhân chứng cho biết đã nghe thấy những tiếng nổ lớn trước khi đất đá đổ xuống. Phải chăng trận lở đất nào cũng được ‘kích hoạt’ bằng những vụ nổ lớn?

 

HOÀNG DUY LONG

 

------------------------------------------------------------------------------------

.

.

Thiên nhiên cuồng nộ - Kỳ 2: Lũ lụt và những giải pháp lâu dài   

Tuổi Trẻ Online

21/10/2020 06:01 GMT+7

https://tuoitre.vn/thien-nhien-cuong-no-ky-2-lu-lut-va-nhung-giai-phap-lau-dai-20201020203647874.htm

 

TTO - Công ty môi giới bảo hiểm Aon (Anh) đã công bố báo cáo tháng 9-2020 với đầu đề "Tóm tắt thảm họa toàn cầu".

 

https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/586/2020/10/20/ky-2-anh-1-2-sat-lo-1read-only-1603200858448132461376.jpg

Lũ lụt nghiêm trọng tại huyện Bà Dương, tỉnh Giang Tây (Trung Quốc) tháng 7-2020 - Ảnh: Alamy

 


Các trận lũ gần đây báo hiệu tần suất, cường độ lũ lụt và xói mòn sông có nguy cơ gia tăng trong những năm tới.

Ông KAISER REJVE

 

Báo cáo cho biết tại Trung Quốc, Bộ Quản lý khẩn cấp ghi nhận đã có 278 người thiệt mạng và hơn 1,4 triệu căn nhà bị hư hại hoặc bị phá hủy do dải hội tụ gây mưa Mei-yu trong năm nay. Tổng thiệt hại kinh tế có thể vượt trên 220 tỉ nhân dân tệ (32 tỉ USD).

 

Mưa bất thường, lũ nghiêm trọng

 

Theo báo chí Trung Quốc, tính đến cuối tháng 9-2020, Trung Quốc đã trải qua 21 trận lũ có đánh số (lũ ở quy mô lớn nhất định), tăng gấp 1,6 lần so với năm trước và đạt mức kỷ lục lịch sử kể từ năm 1998. Lũ lụt đã xảy ra trên sáu con sông chính, trong đó có sông Dương Tử và sông Hoàng Hà. 

 

Tổng cộng có 833 con sông ở Trung Quốc đã vượt mức báo động, nhiều hơn 80% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó có 267 con sông vượt mức an toàn và 77 con sông lên mức cao lịch sử. Năm 2020, lượng mưa trung bình ở Trung Quốc đạt 616mm, nhiều hơn 13% so với cùng kỳ năm trước và cao thứ hai kể từ năm 1961. Lũ lụt đã làm 2,7 triệu người phải sơ tán và khoảng 63 triệu người bị ảnh hưởng.

 

Ở khu vực châu Á, các nước phải đương đầu với lũ quét, lở đất, lụt lội gồm có miền bắc và tây bắc Pakistan; vùng trung tây Nepal; tỉnh Tây Kalimantan, tỉnh Tây Java và thủ đô Jakarta của Indonesia. Riêng tại Bangladesh, số người chết trong lũ lụt đã lên tới 257 người. Vào trung tuần tháng 7-2020, nước lũ đã nhấn chìm đến 1/3 diện tích Bangladesh.

 

Thủ đô Jakarta (Indonesia) từng hứng chịu lũ lụt ngay trong Tết Nguyên đán 2020 làm ít nhất 23 người thiệt mạng. Đây là trận lũ làm nhiều người thiệt mạng nhất ở Jakarta kể từ lũ lụt năm 2013. Trời mưa xối xả. Nước dâng lên rất nhanh. Hàng chục ngàn người phải sơ tán đến nơi trú ẩn tạm thời. Nhà cửa và xe cộ ngập trong nước và bùn. Người dân di chuyển bằng xuồng bơm hơi hoặc ruột xe. Ở Bekasi ngoại ô Jakarta, nước lên cao đến tận tầng 2.

 

Nhật cũng không xa lạ gì với thiên tai và đã chứng kiến thời tiết ngày càng cực đoan hơn. Các trận mưa kỷ lục ở tỉnh Kumamoto trên đảo Kyushu trong tháng 7-2020 đã làm ít nhất 65 người thiệt mạng. Một số khu vực thuộc tỉnh Chiba vẫn còn bị sốc với cơn bão lớn vào tháng 9-2019 làm hư hại hơn 70.000 căn nhà, gây mất điện nhiều ngày ảnh hưởng đến hàng chục ngàn dân.

 

Lượng mưa cực lớn từ tháng 6-2020 dẫn đến lũ lụt nghiêm trọng đã xảy ra ở nhiều nơi tại Đông Nam Á, Đông Á và Nam Á như ở Nhật, Trung Quốc, Indonesia, Hàn Quốc, Nepal, Pakistan, Mông Cổ và Ấn Độ. Ông Kaiser Rejve - giám đốc tổ chức nhân đạo CARE Bangladesh - nhận xét: "Trong những năm gần đây, tần suất lũ lụt bất thường tăng lên đáng kể ở Bangladesh, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Các trận lũ gần đây báo hiệu tần suất và cường độ lũ lụt và xói mòn sông có nguy cơ gia tăng trong những năm tới".

 

Nhiều nghiên cứu đã khẳng định tại châu Á - khu vực đông dân nhất thế giới, lũ lụt sẽ xảy ra nhiều hơn và mùa mưa sẽ ngày càng dữ dội hơn do hiện tượng biến đổi khí hậu. Một nghiên cứu đăng trên tạp chí khoa học Nature Communications (Anh) hồi năm ngoái dự báo đến năm 2050 sẽ có 300 triệu người sống trong các khu vực có thể xảy ra lũ lụt do biến đổi khí hậu. Hầu hết trong số đó sống tại các nước châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh và Việt Nam.

 

Một nghiên cứu trên tạp chí Scientific Reports (Anh) tháng 7-2020 nhận xét nếu nguy cơ lũ lụt gia tăng trên toàn cầu trong 80 năm tới, phần lớn dân số có nguy cơ cao sẽ cư trú ở châu Á. Báo cáo tháng 8-2020 của Viện nghiên cứu toàn cầu McKinsey (Mỹ) ghi nhận lũ lụt tác động đến kinh tế châu Á lớn hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Nhà khoa học Ruslan Fakhrutdinov ghi nhận: "Đến năm 2050, 75% nguồn vốn toàn cầu phải đương đầu với nguy cơ lũ lụt ở châu Á. Ấn Độ và các vùng ven biển Đông Nam Á sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất".

 

https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/586/2020/10/20/ky-2-anh-2-2-sat-lo-1read-only-16032009119411122632.jpg

Đánh bắt cá nuôi sống bao đời người dân trên Biển Hồ, Campuchia - Ảnh: Geo

 

Các yếu tố phi khí hậu

 

Châu Á chịu trách nhiệm phần lớn lượng khí thải carbon gây hiệu ứng nhà kính. Tuy nhiên đối với lũ lụt, giảm khí thải về ngắn hạn và trung hạn ít có tác động vì lượng mưa lớn và nước biển dâng (hai yếu tố dẫn đến lũ lụt) xảy ra do lượng khí thải trong quá khứ. Do đó cần đặc biệt chú ý thêm đến các yếu tố phi khí hậu như di dân và phát triển kinh tế.

 

Nhà kinh tế học Abhas Jha - chuyên gia tại Ngân hàng Thế giới - ước tính mỗi tuần có khoảng 1 triệu người chuyển đến khu vực thành thị. Điều tồi tệ ở chỗ hiện tượng này chủ yếu xảy ra tại các thành phố vừa và nhỏ thiếu khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. Số dân tăng lên trong khi cơ sở hạ tầng thiếu thốn tại các vùng có nguy cơ cao sẽ khiến lũ lụt gây thiệt hại kinh tế lớn hơn. Hàng loạt thành phố châu Á với số dân sống dọc bờ biển hoặc ven sông ngày càng tăng lên đồng nghĩa với số lượng người ở các khu vực dễ bị lũ lụt cũng tăng lên.

 

Ngoài ra còn có những thay đổi môi trường khác do con người gây ra như tàn phá rừng ngập mặn ven biển trên diện rộng để nuôi trồng. Rừng ngập mặn có công dụng làm giảm nước biển dâng do bão và nước biển xâm nhập đất liền. Mất các vùng đất ngập nước và các bể chứa nước tự nhiên có nghĩa là nhiều thành phố châu Á dễ bị ngập lụt hơn ngay cả khi không tính đến yếu tố biến đổi khí hậu.

 

Chuyên gia Abhas Jha mong muốn thay đổi từ "cơ sở hạ tầng xám" gồm đập, kênh và quản lý nước quy mô lớn sang "cơ sở hạ tầng xanh" tức gia tăng khả năng hấp thụ nước ở thành phố thông qua quản lý cảnh quan và khôi phục các hệ sinh thái như đồng bằng ngập nước, vùng đất ngập nước và rừng ngập mặn. Ông nhận định: "Khi nỗ lực giải quyết lũ lụt, các thành phố thường chú trọng quá nhiều đến cơ sở hạ tầng xám. Đó là một phần của giải pháp nhưng không phải là giải pháp toàn diện. Chúng ta phải cân bằng giữa cơ sở hạ tầng xanh và cơ sở hạ tầng xám hoặc thiết kế đô thị nhạy cảm với nước".

 

Nhà nghiên cứu Sayanangshu Modak tại Trung tâm Kolkata thuộc Quỹ Nhà quan sát nghiên cứu (Ấn Độ) đánh giá điều quan trọng hơn hết là phải xây dựng vùng đồng bằng ngập nước để con sông có đủ không gian thích hợp dành cho lũ bất ngờ và đóng góp vào các hệ sinh thái. Vùng ngập nước còn giúp nhiều sinh vật phát triển phong phú và đa dạng phù hợp với dòng chảy.

 

GS Jayanta Bandyopadhyay - chuyên gia hàng đầu về sông ngòi - đã nêu quan điểm mới và liên ngành xem các con sông không chỉ chuyên chở nước mà còn chuyên chở các vật liệu hòa tan đa dạng như năng lượng và trầm tích để cùng hỗ trợ cho nhiều môi trường sống và đa dạng sinh học. Trên cơ sở đó, dòng chảy lớn của các con sông ở Đông Nam Á và Nam Á mang tính chất sống còn vì nước chuyển phù sa và chất dinh dưỡng cho đất. Bởi thế lũ trên sông Mekong đã góp phần duy trì hệ sinh thái Biển Hồ ở Campuchia và ngành công nghiệp đánh bắt.

 

Sống chung với lũ nhỏ và hưởng lợi từ lũ như người dân Đông Nam Á và Nam Á đã làm theo truyền thống sẽ làm giảm nguy cơ lũ lớn.

 

                                                              ***

Xu hướng dành không gian cho sông đã được chú ý đến nhiều năm nay. Hà Lan ủng hộ ý tưởng này mặc dù trước đây từng đề xướng xây dựng đê ngăn lũ. Xu hướng này đã xuất hiện trên nhiều vùng châu thổ như sông Rhine-Meuse-Scheldt (Hà Lan), sông Châu Giang (Trung Quốc), sông Mekong (Việt Nam), sông Zambezi-Limpopo (Mozambique) và sông Mississippi (Mỹ). Công trình xây dựng "cứng" như kè và đập sẽ được thay thế bằng các biện pháp "mềm" như để nước tràn bờ trên vùng ngập nước.

 

Vùng Sahel vốn là thảo nguyên khô cằn, giờ lại bị ngập nặng. Các nghiên cứu ghi nhận do rừng bị tàn phá nên mưa lũ càng trở nên khốc liệt.

 

Kỳ tới: Mất rừng, mưa lũ càng khốc liệt

 

                                                                ***

Mưa lũ miền Trung

Tuổi Trẻ Online

https://tuoitre.vn/mua-lu-mien-trung-e313.htm

 

 

---------------------------------------------------------------------------------------------

.

Mưa lũ và nạn phá rừng ở Miền Trung   

Nhật Hạ

Thứ năm, 15/10/2020 12:07 (GMT+7)

https://kinhtemoitruong.vn/mua-lu-va-nan-pha-rung-o-mien-trung-50379.html

 

Bão chồng bão, lũ chồng lũ, kỷ lục bão lũ liên tục bị xô đổ, nhiều tai nạn thương tâm là những gì đã xảy ra trong đợt bão, lũ lịch sử tại miền Trung. Bên cạnh yếu tố biến đổi khí hậu, nạn phá rừng cũng là nguyên nhân khiến mưa lũ ngày càng bất thường.

 

https://ktmt.vnmediacdn.com/images/2020/10/15/9-1602737414-mua-lu-mien-trung-1.jpg

Người chồng ngã quỵ bên biển nước mênh mông khi chứng kiến dòng nước lũ hung dữ cuốn trôi người vợ và đứa con còn chưa kịp chào đời. (Ảnh: Internet)

 

Mưa, bão triền miên là điều bất thường

 

Lũ ngập tới nóc nhà không còn lạ gì với người dân miền Trung. Nhưng trong đợt này, người dân vẫn trở tay không kịp vì lũ lên quá nhanh. Chỉ kịp di dời những tài sản có giá trị lên cao. Thậm chí, có những nơi người dân không kịp sơ tán, phải leo lên nóc nhà, chờ lực lượng chức năng đến giải cứu. Đến 16h ngày 14/10, mưa lũ tại miền Trung và Tây Nguyên những ngày qua đã làm 44 người chết và 6 người mất tích.

 

Ngập lụt xảy ra diện rộng ở toàn bộ 6 tỉnh thành Trung Trung Bộ. Tổng kết ban đầu về mưa cho thấy đã xuất hiện những giá trị lịch sử, từ tổng lượng mưa 10 ngày đầu tháng cho đến giá trị lượng mưa ngày. Kỷ lục mới tại Đông Hà và Khe Sanh - Quảng Trị lần lượt là 391 và 463mm. Tại A Lưới, Thừa Thiên - Huế là 593mm.

 

Kỷ lục về lũ cũng vừa mới xác lập cách đây vài ngày tại sông Bồ ở Thừa Thiên - Huế và sông Hiếu ở Quảng Trị.

 

Theo các chuyên gia, mưa lũ triền miên, bão xuất hiện liên tục ở miền Trung là bất thường. Lý giải về việc xuất hiện bão dồn dập, ông Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, nguyên nhân chính thứ nhất là trạng thái đại dương chuyển sang Lanina. Trong các năm Lanina thì ở Biển Đông sẽ có nhiều bão và Việt Nam sẽ mưa nhiều hơn.

 

Thứ hai, trong tháng 10, không khí lạnh bắt đầu hoạt động khá mạnh, liên tục có các đợt tăng áp từ phía Bắc cho nên gió Đông Bắc trên khu vực Biển Đông cũng rất mạnh. Thứ ba, mặt biển trên khu vực Biển Đông còn đang khá ấm, nhiệt độ khá cao 28-30 độ C, thuận lợi cho việc hình thành bão.

 

3 điều kiện ấy khiến cho tháng 10, tháng 11 sẽ có bão liên tiếp hình thành trên Biển Đông.

 

https://ktmt.vnmediacdn.com/images/2020/10/15/9-1602737412-mua-lu-mien-trung-3.jpg

Nước lũ bao vây TP.Hội An, tỉnh Quang Nam. (Ảnh: Zing)

 

Hệ lụy từ phát triển thủy điện

 

Tuy nhiên, bên cạnh yếu tố biến đổi khí hậu thì nhiều ý kiến cũng cho rằng là do thủy điện xả lũ. Theo báo Tuổi trẻ, tại cuộc họp ứng phó với bão số 6 và mưa lớn do Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai diễn ra ngày 11/10, Đại tá Nguyễn Hữu Hùng - Phó chánh văn phòng Ủy ban quốc gia về ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho rằng, dù mưa lớn nhưng hiện nay các hồ chứa, hồ thủy điện ở khu vực miền Trung vẫn còn dung tích để cắt lũ.

 

Tuy nhiên, việc điều tiết xả lũ vừa qua gây nên ngập lụt, nhiều nơi bị ảnh hưởng là do xả lũ. Do đó, ông Hùng đề nghị phải xả lũ theo đúng quy trình và có thông báo để an toàn, báo động cho người dân và các lực lượng đang tham gia ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ.

 

Còn đại diện Bộ Công Thương cho biết, bộ nhận định đặc điểm đợt mưa lũ này tập trung ở đồng bằng ven biển và vùng trung du các tỉnh Trung Bộ. Còn khu vực giúp các hồ tích được nước ở vùng núi thì không giữ được nước nên mưa lúc nào xuống lúc đó. Vì thế Bộ Công Thương cùng các tỉnh cố gắng điều hành các hồ để vừa đảm bảo không ngập lụt ở hạ du vừa đảm bảo vận hành đúng theo mùa lũ.

 

"Nhận định thủy điện xả lũ gây ngập lụt là chưa toàn diện, không đúng" - đại diện bộ Công thương phản ứng.

 

Những năm qua, các dự án thủy điện ồ ạt phát triển ở miền Trung, Tây Nguyên đã để lại rất nhiều hệ lụy về môi trường tự nhiên. Thủy điện đang là những mối họa treo trên đầu các khu dân cư khi không kiểm soát quy hoạch, thi công, vận hành. Ở Huế, vụ sạt lở thủy điện Rào Trăng 3 đã khiến hàng chục người gặp nạn, trong đó có 17 công nhân của công ty thủy điện và 13 người trong lực lượng cứu hộ mất tích.

 

https://ktmt.vnmediacdn.com/images/2020/10/15/9-1602737415-mua-lu-mien-trung-2-2.jpg

Nhà điều hành thủy điện Rào Trăng 3 đã bị đất đá vùi lấp, không còn dấu vết. (Ảnh: Internet)

 

Mới đây, trao đổi với báo Đất Việt, PGS.TS Đào Trọng Tứ –Trưởng ban điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu) lo ngại, cơ chế chính sách luôn khuyến khích các nhà đầu tư, trong khi phát triển thủy điện giúp nhà đầu tư và cả địa phương đều thu về những khoản lợi ích rất lớn.

 

Vì điều này, có hiện tượng phát triển thủy điện tràn lan, phá vỡ quy hoạch, gây ra những mối hiểm họa khôn lường.

 

Vị PGS nhấn mạnh, áp thấp nhiệt đới, lũ nhỏ và vừa nếu được kiểm soát tốt thậm chí còn mang lại những lợi ích rất lớn cho các tỉnh miền Trung. Trong bối cảnh các tỉnh miền Trung đang phải đối mặt với những nguy cơ thiếu nước, xâm nhập mặn, áp thấp nhiệt đới lại là nhân tố giúp miền Trung giải quyết tốt hiện trạng này.

 

Tuy nhiên, cùng với những lợi ích thì cũng là những rủi ro. Nếu trước đây khi chưa có nhiều thủy điện, mưa lũ, áp thấp nhiệt đới có thể gây mưa lớn, nước đổ về nhiều nhưng lưu lượng nước cũng được tỏa đi và thoát nước rất nhanh, không gây ra thiệt hại quá lớn.

Điều đáng ngại hiện nay chính là thực trạng phát triển quá nhiều thủy điện, phát triển thủy điện tràn lan...

 

Thủy điện phát triển tới đâu tình trạng chặt phá rừng đi tới đó. Chặt phá rừng để làm thủy điện, chặt phá rừng xây hồ chứa, cách hành xử với sông, núi như vậy thì chắc chắn sông, núi sẽ phải trả lời.

 

Rừng xanh không ngừng “chảy máu”

 

Ngoài tình trạng xây dựng thủy điện tràn lan, thì căn nguyên đã được gọi tên đó chính là nạn bạt núi làm dự án và phá rừng đến cạn kiệt.

 

Theo số liệu của Tổng cục Lâm nghiệp, trong 4 năm từ 2016 - 2019, diện tích rừng bị thiệt hại lên tới 7.283ha, tức mỗi năm Việt Nam mất đi 2.430ha rừng.

 

Theo nhận định của Viện Điều tra và quy hoạch rừng, lý do chính khiến diện tích rừng tự nhiên bị giảm sút là do việc chuyển đổi mục đích sử dụng, khai thác quá mức, đặc biệt là tại 2 khu vực duyên hải miền Trung và Tây Nguyên.

 

Một thực tế đang diễn ra là diện tích rừng phòng hộ đang ngày càng suy giảm; thay vào đó là gia tăng diện tích rừng sản xuất. Nguyên nhân là do người dân đốt rừng làm nương rẫy. Báo cáo của Cục Kiểm lâm cho biết, hiện nay, tình trạng đốt rừng làm nương rẫy ngày càng phức tạp hơn, nên cơ quan chức năng khó phát hiện.

 

Theo chuyên gia lâm nghiệp - GS Nguyễn Ngọc Lung, rừng phát huy hiệu quả trong việc chắn gió, cản sức nước và góp phần làm suy yếu sức mạnh của gió tại các vùng mà bão đi qua. Mặt khác, rễ của cây cũng sẽ góp phần hút nước lũ.

 

Hậu quả của việc phá rừng là tình trạng biến đổi khí hậu, hiệu ứng nhà kính làm trái đất ấm dần lên, hạn hán, nước biển dâng cao, ô nhiễm môi sinh, đói kém… Theo Tổng cục Phòng, Chống thiên tai, mỗi năm nước ta xảy ra khoảng 10-15 trận lũ quét, sạt lở đất, đặc biệt là tại các vùng núi phía Bắc, Trung bộ, Tây Nguyên và Đông Nam bộ. Thời tiết cực đoan, mưa lớn, mưa kéo dài là nguyên nhân kích hoạt lũ quét và sạt lở đất, cuốn theo cây cối, đất đá, thậm chí tính mạng, tài sản của con người. Mưa bão lũ xảy ra ở nước ta ngày càng tăng; trở thành mối đe dọa nguy hại đến cuộc sống con người và nền kinh tế đất nước.

 

Ngoài do biến đổi khí hậu, đặc điểm địa lý thì tình trạng mưa lũ ở nước ta trở nên nghiêm trọng, khốc liệt hơn là do nạn chặt phá rừng. Chính điều này gây ra sự suy giảm thảm thực vật ở lưu vực; khả năng cản trở dòng chảy khi mưa lũ giảm, khiến tốc độ di chuyển của mưa lũ nhanh hơn.

 

Trong một thời gian dài, hậu quả của việc phá rừng đã khiến diện tích rừng phòng hộ, đầu nguồn tại các tỉnh thành tại miền Trung bị san bằng để làm thủy điện, gây khó khăn khiến cho việc điều tiết nước ở khu vực thượng nguồn bị ảnh hưởng khi mưa lớn.

 

Diện tích rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn bị chặt phá gây mất khả năng điều tiết nước ở thượng nguồn khi xảy ra mưa lớn. Đây chính là nguyên nhân khiến mưa lũ, lũ lụt… nghiêm trọng hơn. Rừng đầu nguồn bị chặt phá cũng khiến cho cường độ của nước dâng lên cao hơn, lũ đi nhanh hơn.

 

Nhật Hạ

·         Miền Trung thiệt hại nặng nề do mưa lũ

·         Bốn trận động đất trong một ngày ở Quảng Ngãi, liên quan gì đến mưa lũ?

·         Mưa, lũ ở miền Trung đã làm 44 người thiệt mạng

 

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats