Sunday, 11 October 2020

TÂM LÝ BẤT LỰC TRƯỚC BẤT CÔNG (Phạm Phú Khải)

 


Tâm lý bất lực trước bất công

Phạm Phú Khải

10/10/2020

https://www.voatiengviet.com/a/tam-ly-bat-luc-truoc-bat-cong/5615118.html

 

Trong 10 bộ phim được xem nhiều nhất từ xưa đến năm 2019, đo lường qua số tiền thu hoạch được, có đến 6 phim về siêu anh hùng, trong đó ba tập Avengers của Marvel chiếm áp đảo [1]. Các phim còn lại, gồm Avatar, Titanic, Jurassic World và Furious 7, đều đề cao tính gan dạ, anh hùng của các nhân vật chính trong các phim này.

 

Đến năm 2020 thì có chút thay đổi thứ tự, với phim The Lion King, phim làm lại năm 2019, chiếm thứ 6 về tổng thu hoạch; Frozen II, chiếm thứ 10; Harry Potter and the Deathly Hallows Part 2, chiếm thứ 12 [2].

 

Ngay cả với phim The Lion King, Frozen I và II, Harry Potter v.v… thì cũng đều đề cao cái thiện, gan dạ và chính nghĩa chống lại cái ác, hèn nhát và vô luân.

 

Câu hỏi là, “Tại sao thế giới phim ảnh cũng như các sản phẩm liên quan đến (siêu) anh hùng lại có sức thu hút người ta mãnh liệt đến thế?”.

 

Phải chăng nó liên quan mật thiết đến sự bất lực và công lý?

 

Có phải vì phần lớn con người khắp nơi chỉ biết lo cho bản thân và thiếu tinh thần gan dạ để bảo vệ công lý cho chính mình và người khác?

 

Đã là con người, tất cả chúng ta, đều ít hay nhiều đã từng trải qua những kinh nghiệm đau thương về sự bất công. Mức độ có thể khác nhau, tùy theo hoàn cảnh, môi trường, xã hội/đất nước đang sống, mà sự cảm nhận của mỗi người về công lý cũng khác.

 

Nhưng hầu như ai cũng trải nghiệm về bất công, ngay cả khi còn rất nhỏ. Nó có thể đeo đuổi cả đời người. Giáo sư Morton Deutsch, thuộc đại học Columbia, một trong những người sáng lập về lĩnh vực giải quyết xung đột, đã đóng góp đáng kể trong ngành tâm lý để góp phần làm cho thế giới công bằng và bình an hơn [3]. Deutsch, từ lúc 5 tuổi, đã bắt đầu trải nghiệm bất công, và khi lớn lên cũng có trải nghiệm về loại trừ, phân biệt và định kiến. Những kinh nghiệm này đã thôi thúc ông một nhu cầu lớn. Đó là để tìm hiểu và giải quyết sự bất công.

 

Trên thực tế, trẻ con, lúc chỉ 15 tháng, đã có thể cảm nhận được sự đối xử bất công hay không công bằng rồi [4]. Những ký ức về bất công này có khi cũng là động lực tích cực để con người sau cùng mang lại những cống hiến quan trọng cho nhân loại, như Deutsch và bao người khác đã làm. Nhưng ngược lại, cũng có những người trải nghiệm bất công và sau này chỉ còn lại trong người hận thù và báo oán.

 

Người dân sống trong các nền dân chủ pháp quyền (rule of law) chắc sẽ không cảm nhận sự bất công nhiều như người dân sống trong các chế độ độc tài cai trị bằng luật (rule by law). Nơi thường coi luật chỉ là công cụ, và nếu cần thì sử dụng luật rừng. Tuy thế, trong thời đại thông tin này, sự cảm nhận về bất công mang tính tập thể, quốc gia và toàn cầu. Nó không nhất thiết xảy ra cho mình, hay xảy ra nơi mình đang sống, mà có thể là gia đình, tập thể, cộng đồng, đất nước hay xuyên quốc gia. Người Việt ngàn năm qua luôn cảm thấy Trung Quốc tìm cách khống chế và cai trị dân tộc mình. Còn đối với những người lưu vong thì tâm tư tình cảm thường gắn liền với quê hương của họ. Chẳng hạn, vụ án Hồ Duy Hải, Đồng Tâm, hay bao nhiêu những bất công chồng chất ngút ngàn từ hơn 45 năm qua, và trước đó nữa, tiếp tục đè nặng lên tâm hồn người Việt Nam khắp mọi nơi trên thế giới. (Trong lúc viết bài này, tôi nhận được tin cô Phạm Đoan Trang đã bị bắt. Những gì cô Trang làm, lẽ ra, là vô cùng cần thiết cho mọi xã hội, luôn được khuyến khích trong thể chế dân chủ. Trong khi những người như cô lại là cái gai cần bứng trong thể chế cường quyền.)

 

Sự cảm nhận về bất công này, ở khắp mọi nơi, dễ làm cho nhiều người cảm thấy chán nản, bi quan về con người, xa lánh cuộc đời thường v.v... Cảm giác bất lực chiếm ngự tâm hồn của nhiều người Việt yêu nước. Có những người chọn con đường tâm linh cho cuộc đời còn lại của mình.

 

Tự trong thâm tâm, chúng ta đều biết siêu anh hùng là hư cấu. Sẽ không xảy ra ngoài đời. Tuy thế, bỏ thời gian ra xem một bộ phim (siêu) anh hùng, trong đó những kẻ gây tội ác sẽ bị trừng phạt một cách thỏa đáng bởi (siêu) anh hùng, giúp cho người xem cảm thấy công lý phần nào được thực thi. Coi xong cảm thấy bớt ấm ức trong lòng. Khi kẻ ác bị tiêu diệt, cả rạp phim vỗ tay ào ào như chính mình được bồi thường công lý. Cho nên người ta sẵn sàng bỏ tiền đi coi một thước phim giải trí, coi xong cảm thấy thỏa mãn vì đó là những gì tự trong thâm tâm họ muốn nhìn thấy, cũng là một phần thưởng tinh thần.

 

Ai mà không mong muốn nhìn thấy công lý! Ai mà không mong muốn sống trong một xã hội mà trong đó công lý được bảo vệ! Nhưng thực tế thì ở đâu cũng đầy dẫy những bất công lớn nhỏ khác nhau. Nếu không là hệ thống công lý thì cũng là sự bất toàn của con người!

 

Điều oái ăm là những kẻ cai trị cũng cảm nhận bất công trước khi họ lên nắm quyền. Khi nắm quyền trong tay, lắm người phản bội lại mong đợi chung. Có khi còn tạo ra bao nhiêu tội ác và bất công khác sau đó.

 

Vì lẽ đó, các phim (siêu) anh hùng thu hút thị hiếu người ta, vì nó đáp ứng nhu cầu tâm lý căn bản của con người. Các phim chuyện về siêu anh hùng dựa trên một số giả định chung: tranh đấu cho công lý mà hệ thống hiện hữu bất lực; bảo vệ người vô tội mà hệ thống công quyền không hoàn thành; các nhân vật (siêu) anh hùng là người gan dạ và sẵn sàng hy sinh cho người khác [5]. Các nhân vật này truyền cảm hứng không những cho người lớn mà còn cho trẻ con rất nhiều.

 

Trước những bất công, những kẻ gây nên tội ác tầy trời mà lại ngang nhiên hoành hành trên những chấn thương chưa hề phai nhòa, chưa hề lành lặn, người ta dần dần mất kiên nhẫn.

 

Họ không tin vào tiến trình. Tiến trình mất thì giờ. Họ trông mong vào kết quả. Kết quả càng sớm càng tốt.

 

Khi siêu anh hùng không hiện hữu, người ta lại mong đợi vào minh quân, vào một vĩ nhân, vào một lãnh đạo mạnh (strongman). Vladimir Putin của Nga, Tập Cận Bình của Trung Quốc, Rodrigo Duderte của Phi Luật Tân, Prayut Chan-o-Cha của Thái Lan, Nicolás Maduro của Venezuela, Recep Tayyip Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ, Viktor Orban của Hungary, Mohammed bin Salman cùa Saudi Arabia, hay Ayatullah Ali Khamenei của Iran [6]. Chủ nghĩa cường quyền, vì thế, đã gia tăng tại nhiều nơi trên thế giới và sẽ còn ở đây một thời gian [7].

 

Tại Mỹ, những người bầu chọn ông Donald Trump làm tổng thống năm 2016, và cũng có thể tiếp tục bầu lại cho ông năm 2020. Đó là vì phần lớn, nếu không phải tất cả, tin rằng ông Trump là người mạnh mẽ và dám nói dám làm. Họ tin rằng chỉ có Trump mới kiềm chế được Trung Quốc và các nước khác đang lợi dụng hay thách thức nước Mỹ.

 

Khi sai trái hay tội ác, xảy ra cho mình, gia đình hay đất nước mình, ai cũng muốn công lý được thực thi. Khi người ta cảm thấy bất công tràn ngập mà công lý thì không được thực thi, người ta dần dần đánh mất niềm tin vào các định chế, cơ quan công quyền, hiến pháp và pháp luật. Toàn là những cái đã là nền tảng vận hành quốc gia có cả mấy trăm năm qua, như trường hợp của Mỹ. Khi người dân không hiểu nó được xây dựng ra sao, vận hành ra sao, cải tiến ra sao, thì không thể nào mong đợi họ sẽ bảo vệ nó. Các nhà dân túy dễ thành công vì họ đánh thẳng vào thành trì quyền lực, gán cho nó nhãn hiệu tham nhũng, bất công, vô hiệu v.v…

 

Xây dựng công lý, dân chủ, pháp quyền v.v… mất rất nhiều công sức và thời gian. Nếu không kiên nhẫn thì sẽ không thể nào xây dựng nó. Tiến trình xây dựng còn quan trọng hơn kết quả đạt được. Bởi vì kết quả phụ thuộc vào tiến trình. Và trong tiến trình đó, con người học hỏi liên tục để cải thiện chính mình và phương pháp thực hiện. Con người không hoàn hảo nên sẽ có nhiều lỗi lầm trên con đường xây dựng này. Người ta cần chấp nhận sự bất toàn nhưng luôn tìm cách hoàn thiện. Công lý, dân chủ, pháp quyền, không thể là những thứ xin cho, mà là phải tự đánh đổi bằng mồ hôi nước mắt của mọi công dân trong mọi thời đại, xây dựng và vun đắp. Được như thế thì mới bền vững. Nếu thế hệ mới không học bài học lịch sử thì có nguy cơ sao lãng và rồi làm sập nó hay bị phá sập.

 

Tâm lý bất lực trước bất công dễ đưa đến những suy nghĩ, quyết định và hành xử liên quan mật thiết đến sự cuồng tín lãnh đạo, bất chấp mọi chứng cớ hay lý luận trước mặt.

Nhưng nếu ảo tưởng mong đợi vào (siêu) anh hùng, những lãnh đạo mạnh, vào các biện pháp huyền diệu, mà không dựa trên các khả năng bất toàn và các giới hạn thực tế của con người, và các hệ thống do con người làm ra, thì hệ quả sẽ vô cùng tai hại.

 

Mỗi thời đại, con người cần đọc và học lịch sử. Lịch sử tái diễn khi số người tìm hiểu chỉ là thiểu số, và những kẻ cầm quyền lại tham lam và dốt nát. Khi đa số chỉ biết nghĩ cho quyền lợi của mình, thay vì cái chung, thì làm sao đối đầu với một tập thể có tổ chức với súng đạn trong tay.

 

Đó là mối nguy cơ dẫn đến sự lên ngôi của kẻ mạnh, chế độ cường quyền, chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa xét lại, v.v… Nhất là trong thời đại của tin giả tràn ngập ngày nay.

 

                                                    ***

Tài liệu tham khảo:

 

1. Travis Clark, John Lynch, “The 10 highest-grossing movies of all time, including 'Avengers: Endgame'”, Business Insider Australia, 5 April 2018. Đó là các phim “Avengers: Endgame” (2019), “Star Wars: The Force Awakens” (2015), “Avengers: Infinity War” (2018), “Marvel’s The Avengers” (2012), “Avengers: Age of Ultron” (2015), “Black Panther” (2018).

 

2. Newsday.com Staff, “The biggest box office hits of all time”, Newsday, 14 September 2020.

 

3. Peter T. Coleman, “Addressing Injustice: Why and How Do People Seek Justice?”, Psychology Today, 21 September 2017.

 

4. Eileen Kennedy-Moore, “The Roots of Social Justice—Kids’ Responses to Inequality”, Psychology Today, 30 September 2016.

 

5. Robin S. Rosenberg, “Superheroes Are Everywhere in the News”, Psychology Today, 3 February 2011; Mikhail Lyubansky, “How Super Is Superhero Justice?”, Psychology Today, 6 February 2012.

 

6. Ian Bremner, “The 'Strongmen Era' Is Here. Here’s What It Means for You”, Time magazine, 3 May 2018.

 

7. Tony Walker, “The rise of strongman politics”, La Trobe University, 24 July 2018.

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats