Monday, 12 October 2020

HAI BÀI THƠ CỦA PHAN KHÔI ẨN MÌNH 73 NĂM Ở SÀI GÒN (Phan An Sa)

 


Hai bài thơ của Phan Khôi ẩn mình 73 năm ở Sài Gòn 

Phan An Sa

11:24 | Chủ nhật, 11/10/2020

https://nguoidothi.net.vn/hai-bai-tho-cua-phan-khoian-minh-73-nam-o-sai-gon-25691.html

 

Tôi có thói quen cứ lâu lâu lại vào Google, gõ từ khóa Phan Khôi để xem có bài nào mới viết về ông không? Hầu như lần nào cũng có những bài như vậy và tôi đọc bằng hết.

 

 

Tối 20.9.2020 tôi cũng làm thế và được đọc liền mấy bài mới, ví như bài Nhà báo, nhà văn, nhà văn hóa - tư tưởng Phan Khôi của tác giả Hương Thảo đăng trên báo Thanh Hóa - Cơ quan của Đảng bộ đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Thanh Hóa.

 

Bài báo mở đầu: "Nhắc đến tiến trình vận động và phát triển của văn hóa, tư tưởng và báo chí Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX không ai có thể phủ nhận những đóng góp cũng như vai trò to lớn của nhà báo, nhà văn, nhà văn hóa - tư tưởng xuất sắc Phan Khôi (1887 - 1959)”. Và kết luận: “Ông đã tạo ra được tiếng nói phản biện xã hội tích cực, sâu sắc, tựa như một ngọn giáo luôn lao về phía trước, trở thành hình mẫu trí thức đáng để thế hệ con cháu hôm nay học tập, noi theo”.

 

Nhưng may mắn hơn những lần khác, là lần này tôi còn tìm được bài Trang thơ Phan Khôi (13 bài thơ, 2 bài dịch) của trang web www.thivien.net. Trong Lời chào mừng các độc giả, Thi viện cho biết chính thức ra mắt và hoạt động từ ngày 28.6.2004 với mục tiêu sưu tầm và lưu trữ các bài thơ của Việt Nam và tất cả các nước trên thế giới, hiện nay Thi viện là thư viện thơ đầy đủ nhất.

 

https://uploads.nguoidothi.net.vn/content/db3820f2-0b28-4127-a685-f517437f7185.jpg

Học giả Phan Khôi sinh ngày 6.10.1887 tại làng Bảo An, huyện Điện Bàn (Quảng Nam), mất tại Hà Nội ngày 16.1.1959. Ảnh: TL

 

Đóng góp to lớn của các thành viên từ khắp nơi trên thế giới, cùng với hệ thống kiểm duyệt, phân loại công phu, đã giúp Thi viện trở thành một địa chỉ tin cậy cho tất cả mọi người yêu thơ với hàng vạn độc giả mỗi ngày. Đến ngày tôi vào đọc, thư viện đã có 82.061 bài thơ của 4.436 tác giả từ 103 nước, trong đó có 55.548 bài tiếng Việt, 16.126 bài chữ Hán, 10.387 bài thuộc các ngôn ngữ khác; thơ của các thành viên có 26.810 bài của 1.152 tác giả; diễn đàn có 3436 chủ đề.

 

Là người không mấy hiểu biết về thơ, nhưng tôi vẫn thấy choáng ngợp trước một quy mô như thế. Đặc biệt, tại hạng mục “Những bài thơ mới nhất” của Trang thơ Phan Khôi, có hai bài thơ chữ Hán, là Xuân Áng tức cảnh (kỳ 1) và Xuân Áng tức cảnh (kỳ 2) với các thông tin: nguồn: Đông Xuyên; Tuyển tập thơ Hán - Việt; nhà xuất bản Cảo Thơm 1975; đăng bởi hongha83 vào ngày 19.4.2020, đã sửa 2 lần, lần cuối lúc 9:10.

 

Đọc đến đây tôi mừng khôn xiết kể, vì hai bài thơ này thật sự là mới trong sự hiểu biết của tôi, trước đây tôi chưa bao giờ có thông tin về chúng. Trong sưu tập Phan Khôi - Tác phẩm đăng báo, in sách 1948 - 1958 của Lại Nguyên Ân cũng không có, vì chắc chắn Phan Khôi không gửi đăng báo trong hoàn cảnh cuộc kháng chiến chống Pháp mới chỉ bắt đầu với rất nhiều khó khăn, gian khổ.

 

Trong lòng tôi lúc đó vang lên lời cảm ơn Đông Xuyên, cảm ơn nhà xuất bản Cảo Thơm, cảm ơn Thi viện và cảm ơn bạn thành viên hongha83 đã đăng bài thơ, vì tất cả họ đã cho tôi cơ hội tiếp cận hai tác phẩm thơ của Phan Khôi, mà tôi và đại gia đình, vì không biết, đã bỏ sót trong quá trình sưu tầm để đưa vào Phụ lục của tác phẩm Phan Khôi Di cảo (bản chưa đầy đủ) đã hoàn thành bản thảo và hiện đang nằm ở nhà xuất bản.

 

Nếu hai bài thơ không được nhà thơ Đông Xuyên và Cảo Thơm xuất bản trong Tuyển tập thơ Hán - Việt ở Sài Gòn năm 1975, thì khả năng mất đi vĩnh viễn hai bài thơ của Phan Khôi, là 100%. Và nếu bây giờ không có Thi viện, không có bạn thành viên hongha83 đăng lên và chúng tôi không kịp phát hiện, thì mất đi cơ hội công bố kịp thời hai bài thơ đó trong tác phẩm Phan Khôi Di cảo (bản chưa đầy đủ) sắp ra mắt nay mai.  

 

Nguyên văn chữ Hán của hai bài thơ, bản phiên âm và bản dịch thơ của Đông Xuyên là do tôi copy từ trang web www.thivien.net, bởi tôi không biết chữ Hán, cũng không biết niêm luật thơ Đường. Nhưng như vậy tôi vẫn chưa hết phân vân, không biết bài thơ được đưa lên mạng đã thật chuẩn xác chưa?

 

Để cho thật an tâm, tôi có lời với Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, nhờ ông soát xét lại giùm; và nếu không có gì trở ngại thì giúp tôi dịch nghĩa, dịch thơ; để cùng với bản dịch thơ của Đông Xuyên, giúp cho độc giả thời nay hiểu được cái hay của hai bài thơ cách nay những 73 năm, lại là thơ chữ Hán.

 

https://uploads.nguoidothi.net.vn//content/bb3a85a6-fb6a-4512-97d6-864f4ce5254a.jpg

Hai bài thơ Xuân Áng tức cảnh (kỳ 1) và Xuân Áng tức cảnh (kỳ 2) của Phan Khôi lưu trữ trên Thi viện

 

Giáo sư Nguyễn Huệ Chi vui lòng giúp đỡ và tôi có cơ hội sử dụng bản chữ Hán của ông gửi cho vì nó đẹp hơn bản tôi copy. Ông còn cho biết, hai bài thơ này hay, không khó dịch vì tác giả không dùng điển. Ông cố dịch thật sát, để độc giả hiểu được cái hay của bài thơ tức cảnh khi cụ Phan đến một vùng trung du núi non mới lạ mà cụ rất có cảm tình vì phong tục ở đây chất phác, dân chúng chăm chỉ làm ăn, đời sống no đủ.

 

Chỉ có cụm từ khu lê (驅黎) thì khu là khuaxualùa tức là chăn dắt, rong ruổi; nhưng còn  là gì?  có nhiều nghĩa: nghĩa trời sắp sáng, cũng có nghĩa là đám đông, lại cũng có nghĩa là đen. Ông cho rằng trong văn cảnh của bài thơ, chữ  dùng theo nghĩa đen là đúng nhất, biểu trưng cho con vật có màu đen, tức là con trâu, và ông dịch theo nghĩa đó. Đó cũng là nghĩa mà cụ Đông Xuyên đã dùng.

 

Giáo sư Nguyễn Huệ Chi cho biết thêm, khi đọc bản dịch thơ của cụ Đông Xuyên thì thấy cụ dịch khá hay và cách dùng chữ độc đáo, nhưng do muốn giữ được cấu trúc đối của hai cặp câu trong bài nên khi dịch cụ đã phải đổi câu trên xuống câu dưới, và ở cả hai bài cụ đều phải đổi như vậy. Vì thế Giáo sư Nguyễn Huệ Chi tự mình dịch hai bản khác, dịch đúng trình tự từng câu một chứ không đổi vị trí câu và cũng vẫn giữ nghệ thuật đối của nguyên tác, coi như đây là một version của Giáo sư Nguyễn Huệ Chi phụ vào bên cạnh version của cụ Đông Xuyên.

 

Hai bài thơ đó, với nguyên văn chữ Hán, phiên âm, dịch nghĩa, dịch thơ của nhà thơ Đông Xuyên và của Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, như dưới đây:

 

春盎即景

(其一)

青山三面斷還連,

中有山村雜水田。

 樸野民風存古誼,

 盈餘穀食屢豐年。

 竹筒負水攀層磴,

 飯裹驅黎趁曉烟。

 獨對翠微傲猿鳥,

 偶因避地得林泉。

 

Phiên âm:  

Xuân Áng tức cảnh

(Kỳ 1)

Thanh sơn tam diện đoạn hoàn liên,

Trung hữu sơn thôn tạp thủy điền.

Phác dã dân phong tồn cổ nghị,

Doanh dư cốc thực lũ phong niên.

Trúc đồng phụ thủy phan tằng đặng,

Phạn khỏa khu lê sấn hiểu yên.

Độc đối thúy vi ngạo viên điểu,

Ngẫu nhân tỵ địa đắc lâm tuyền.

 

Dịch nghĩa:                 

Tức cảnh ở Xuân Áng

(Bài 1)

Ba mặt núi xanh chập chùng, đứt rồi lại nối,

Xóm núi nằm ở giữa, chen lẫn với ruộng nước.

Phong tục dân chúng thuần phác, còn giữ những tình cảm cổ xưa,

Lúa má dư thừa, năm này năm khác luôn được mùa.

Ống tre mang nước, vin từng bậc đá leo lên,

Đùm cơm xua trâu, đuổi theo làn khói sớm.

Một mình ta đối diện khoảng xanh bát ngát, ngạo với lũ chim vượn,

Ngẫu nhiên đi lánh nạn lại được cái thú lâm tuyền.

Bản dịch nghĩa của Nguyễn Huệ Chi (2020) 

                                                       

Dịch thơ: 

Xuân Áng(1) tức cảnh

(Kỳ 1)

Ba mặt non xanh đứt lại liền,

Giữa là xóm núi, ruộng đồng chen.

Thật thà quen thói, dân theo cổ,

Thừa thãi hằng năm, lúa được rền.

Khói sớm, đùm cơm, trâu đuổi tới...

Đá tầng, ống trúc, nước đeo lên...

Rừng xanh lánh nạn, đùa chim vượn,

Cái thú lâm tuyền được ngẫu nhiên!

Đông Xuyên dịch (1975)                

 

Bản dịch khác:

Tức cảnh ở Xuân Áng

(Bài 1)

Ba bề đứt nối núi xanh vây,

Xóm núi nằm trong, ruộng nước quây.

Tục cổ còn nguyên, đời chất phác,

Mùa màng sung túc, lúa đong đầy.

Ống tre mang nước, tầng cao vịn,

Cơm nắm xua trâu, khói sớm bay.

Ngạo với vượn chim, ông lánh nạn,

Không dưng được thú suối rừng này.

Nguyễn Huệ Chi dịch (2020)

 

春盎即景

(其二)

蒼碧盈盈望不窮,

禾麻成隴樹成叢。

礦泉青障流間白,

林火黃昏分外紅。

耕罷村翁鋤荷月,

浴歸少婦髮梳風。

羣山俯揖如邀客,

便欲攜家老此中。

 

Phiên âm:

Thương bích doanh doanh vọng bất cùng,

Hòa ma thành lũng thụ thành tùng.

Khoáng tuyền thanh chướng lưu gian bạch,

Lâm hỏa hoàng hôn phận ngoại hồng

Canh bãi thôn ông sừ hạ nguyệt,

Dục quy thiếu phụ phát sơ phong.

Quần sơn phủ ấp như yêu khách,

Tiện dục huề gia lão thử trung.

 

Dịch nghĩa:

Tức cảnh ở Xuân Áng

(Bài 2)

Xanh biếc đầy tràn nhìn ngút mắt,

Lúa đay mọc thành gò lũng, cây cối mọc thành lùm bụi.

Bên này là đá khoáng, bên kia bờ xanh um, làn nước trắng xóa chảy ở giữa,

Lửa rừng cháy giữa hoàng hôn, màn trời hồng lên ngoài khoảng ấy.

Cày xong, thôn ông mang bừa đội trăng về nhà.

Đi tắm trở về, thiếu phụ chải mái tóc trong làn gió.

Cả đám núi phủ phục vái chào như mời khách,

Khiến cho lão cũng muốn dẫn cả gia đình lên sống già ở đây.

Bản dịch nghĩa của Nguyễn Huệ Chi (2020)

 

Dịch thơ:                    

Xuân Áng tức cảnh

(Kỳ 2) 

Biếc biếc, xanh xanh, vun vút xa…

Lùm cây, nương lá ngó bao la!

Chiều vàng, lửa đỏ ven rừng đốt,

Đập biếc, làn trong suối mỏ pha

Tóc gió tắm về, hong mụ trẻ,

Bừa trăng cày đoạn, vác ông già.

Lom khom dãy núi như mời khách,

Muốn dọn nhà lên... sống tuổi già.

Đông Xuyên dịch (1975)

 

Tuyển tập thơ Hán - Việt (Nhà xuất bản Cảo Thơm, Sài Gòn, 1975)

Chú thích: (1) Xuân Áng: tên làng ở miền Bắc, nơi Phan Khôi tản cư thời kháng chiến, song không rõ thuộc tỉnh nào (nguyên chú).

 

 

Bản dịch khác:          

Tức cảnh ở Xuân Áng

(Bài 2)

Ngút mắt đầy tràn, xanh biếc ngời,

Chòm cây lũng lúa trải nơi nơi.

Bờ xanh, đá suối, trắng phau nước,

Tối sẫm, lửa rừng, hồng rực trời.

Cày hết, đội trăng, bừa lão vác,

Tắm về, chải gió, tóc cô phơi.

Núi non cúi ngửa như mời khách:

Rước cả nhà lên sống trọn đời.

Nguyễn Huệ Chi dịch (2020)

 

Tôi bỏ ra nhiều ngày liền để tìm hiểu trên Google, tìm đến Từ điển mở tiếng Việt Wikipedia, tìm nhiều bài viết liên quan đến các tình tiết mà tôi chưa hiểu chung quanh hai bài thơ mới tìm thấy, và bước đầu đã có kết quả để có thể thông báo tới quý độc giả.

Nhà xuất bản Cảo Thơm thì cũng giống như các nhà xuất bản khác ở miền Nam trước mùa xuân năm 1975, là của tư nhân, chủ sở hữu là ông Hồ Hải. Cảo Thơm hoạt động suốt những năm 60, 70 của thế kỷ trước, đóng góp nhiều cho sự nghiệp xuất bản.

Cái chú thích (nguyên chú) thì không rõ là của Đông Xuyên hay của nhà xuất bản Cảo Thơm. Cũng may là tôi có biết về điều này, nên mạo muội thay mặt cho Đông Xuyên, cho nhà xuất bản Cảo Thơm, để nói rõ hơn về cái chú thích đó.

 

Xuân Áng là xã - chứ không phải làng - thuộc huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ, cách sông Thao vài cây số về phía hữu ngạn, là vùng trung du, nhiều đồi núi, dân làng sống quần tụ đông đúc. Đầu năm 1947, Phan Khôi từ thị xã Hà Đông đi về Vân Đình, rồi đến Hòa Xá tìm gặp Thế Lữ, ông tham gia Đoàn Văn hóa Kháng chiến, cùng các vị Thế Lữ, Song Kim, Tô Ngọc Vân, Tô Hoài, Tạ Mỹ Duật, Bùi Huy Phồn, gia đình Nguyễn Đình Thi, gia đình Nguyễn Xuân Khoát, gia đình Đỗ Nhuận đi bộ lên Sơn Tây, rồi đi bộ dọc sông Hồng lên Phú Thọ, đi tàu hỏa đến Vĩnh Chân.

 

https://uploads.nguoidothi.net.vn/content/2ac6f0c7-45d3-4de0-aa51-d693769fecf1.jpg

Vị trí xã Xuân Áng, thuộc huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ trên bản đồ vệ tinh của Google. Ảnh: TL

 

Tại ga Phú Thọ, các vị Nguyễn Huy Tưởng, Thành Thế Vỹ, Phan Kế An, Mai Văn Hiến đón đoàn, nghỉ lại ít ngày cho lại sức, rồi tiếp tục di chuyển đến huyện Hạ Hòa. Xuân Áng cùng các xã lân cận như Gia Điền, Chu Hưng, Ấm Thượng, Ấm Hạ, Đại Phạm, Yên Kỳ…, cho tới các làng xã khác của Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Sơn Tây ngày nay, gốc là vùng đất cổ, là trung tâm sinh tụ đầu tiên của dân tộc Việt Nam thời Âu Lạc.

 

Đầu kháng chiến chống Pháp, nhiều cơ quan Trung ương và Liên khu 10 đóng trụ sở ở đây. Hội Văn nghệ Việt Nam, sau ngày thành lập, cũng đóng tại xóm Gốc Gạo, xã Gia Điền. Tại xã Xuân Áng, chính quyền và nhân dân nhường cho các văn nghệ sĩ nhiều gian nhà gỗ rộng rãi để làm chỗ ở và chỗ làm việc, có thêm các vị Thanh Tịnh, Ngô Huy Quỳnh, Nguyễn Khang.

 

Phan Khôi người làng Bảo An, thuộc Gò Nổi, xứ Quảng, bốn bề sông nước. Đời ông đi đây đi đó đã nhiều, nhưng để sống lâu dài tại một vùng trung du nhiều đồi núi như Xuân Áng, thì đây là lần đầu. Vì vậy, chắc chắn mảnh đất và con người nơi đây đã gây cho ông những cảm xúc mới lạ, nên việc ông làm bài thơ Xuân Áng tức cảnh (1 và 2) là điều dễ hiểu. Như vậy, chắc chắn Phan Khôi làm bài thơ này vào năm 1947, là thời gian ông sống và làm việc tại Xuân Áng, Hạ Hòa, Phú Thọ; trước khi ông cùng các cơ quan văn hóa, văn nghệ di chuyển tới những địa phương khác, như Chiêm Hóa (Tuyên Quang) hay Đại Từ (Thái Nguyên), v.v.. 

 

https://uploads.nguoidothi.net.vn/content/267e022b-4f92-4153-9459-c53bbb6abcb2.jpg

Phan Khôi (người đội nón) chụp chung với Tố Hữu (bìa phải), Văn Cao (bìa trái) và Tú Mỡ tại Việt Bắc - Ảnh: TLGĐ

 

Đến đây, có một câu hỏi đặt ra là: thơ tức cảnh, nên bài thơ có vẻ như tự nó ra đời theo quy luật tức cảnh sinh tình, chứ không do chủ ý của tác giả; đến khi ra đời rồi thì nó chỉ dành cho chính tác giả ngâm ngợi, thưởng thức, chứ không phải để phổ biến; vậy bằng cách nào Đông Xuyên lại có nó để rồi tuyển vô cuốn Tuyển tập thơ Hán - Việt xuất bản năm 1975 ở Sài Gòn, cách thời điểm bài thơ ra đời đến 28 năm? Và, quãng thời gian 28 năm đó ở Sài Gòn, ai là người giữ gìn, bảo quản bài thơ, để cuối cùng nó được Đông Xuyên tuyển chọn?

 

Trả lời cho được câu hỏi này là một sự khó cả về thời gian lẫn không gian, phải tìm hiểu rộng một chút, kỹ một chút, cũng như phải xét đến các mối quan hệ có thể có giữa tác giả bài thơ với các nhà thơ khác cùng thời, trong đó có Đông Xuyên? Nghĩ vậy, tôi vừa lần mò tìm kiếm vừa tự lý sự: không có gì là không thể! Và bắt đầu từ việc tìm hiểu Đông Xuyên là ai?

 

Đông Xuyên (1906 - 1994) là nhà thơ, tên thật là Nguyễn Gia Trụ, dòng dõi nhà Nho ở làng Đông Ngạc (làng Vẽ), phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông, nay là Hà Nội. Hồi nhỏ ông học chữ Hán, năm 16 tuổi chuyển sang học chữ Quốc ngữ và tiếng Pháp. Ông làm nghề thuế quan, thích làm thơ, năm 1930 có thơ đăng trên An Nam tạp chí, được Tản Đà khen ngợi, từ đó thường xuyên có thơ đăng trên các tờ Phụ nữ tân vănVăn học tập sanBách khoaSinh lựcVăn đànPhổ thôngVăn hóa nguyệt san. Năm 1954 ông di cư vào Nam, làm ở Nha quan thuế Sài Gòn cho tới khi nghỉ hưu. Học giả Nguyễn Hiến Lê và Giản Chi là bạn ông.

 

Nhà thơ Đông Xuyên đã xuất bản các tập thơ: Mấy vần thơ (1936); Thuyền thơ (nhà xuất bản Nguyễn Hiến Lê, tháng 7.1958); Gió nồm (gồm thơ sáng tác và thơ dịch, tự in ronéo để tặng thân hữu); Bến chiềuTuyển tập thơ Hán - Việt (tuyển chọn và dịch); ngoài ra, ông còn dịch gần 40 truyện Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh (Trung Quốc).

Chúng ta hãy thưởng thức hai bài thơ của nhà thơ Đông Xuyên.

 

Nhớ Lương Sơn

Từ bữa anh về xuôi,

Âm thầm tôi với tôi.

Tình đời ngây mặt nước,

Tin bạn ngóng chân trời…

Trà sớm thơ ngâm lạnh,

Đèn khuya râu mọc dài.

Súng rền, năm sắp hết,

Sông núi rộn lòng ai!

(Rút từ tập Thuyền thơ)

 

60 tuổi tự đề

Tên bay vùn vụt…tháng ngày trôi…

Bấm đốt, niên hoa sáu chục rồi.

Đất nước chia đôi, trang sử đọc,

Mái đầu bạc nửa, bóng gương soi.

Dành cho xã hội con mươi đứa,

Góp với thi lâm bút một ngòi.

Thời thế nhường này, thân thế ấy,

Vui? buồn? nhắp chén, hỏi hoa mai. 

Xuân Ất Tỵ (1965)

 

Trong mọi tài liệu, tư liệu còn lưu giữ được, tôi chưa thấy có tư liệu, tài liệu nào chứng tỏ Phan Khôi và Đông Xuyên có bất cứ mối quan hệ nào, vào bất cứ thời gian nào. Nhưng quan hệ giữa Phan Khôi với Vũ Hoàng Chương thì có, rất tâm đầu ý hợp, dù quan hệ đó chỉ rất ngắn và tại một thời điểm lịch sử hết sức ngặt nghèo, rồi thôi, ai đi đường nấy; thậm chí, vì thời cuộc biến chuyển mà người thì ở bên này, người thì ở bên kia chiến tuyến, đối lập nhau; chứ nhân cách và tâm hồn thơ của họ thì hoàn toàn có thể hòa hợp để trở thành tri kỷ. Và tôi lại tiếp tục đi tìm Vũ Hoàng Chương.

 

Vũ Hoàng Chương (1916 - 1976), sinh tại Nam Định, nguyên quán xã Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Thuở nhỏ ông học chữ Hán ở nhà, rồi lên thành phố Nam Định học tiểu học, lên Hà Nội học ở trường Albert Sarraut, đỗ Tú tài năm 1937. Năm 1938 ông học trường Luật, nhưng bỏ, đi làm ở Sở Hỏa xa Đông Dương. Năm 1941 ông bỏ Sở Hỏa xa, đi học Cử nhân toán tại Hà Nội, rồi lại bỏ dở để đi dạy học ở Hải Phòng nhưng không ngừng sáng tác thơ và kịch thơ. Năm 1942, ông lập Ban kịch Hà Nội cùng Chu Ngọc và Nguyễn Bính, công diễn vở kịch thơ Vân muội tại Nhà hát lớn Hà Nội.

 

Sau tháng 8.1945, ông về Nam Định, tổ chức diễn vở kịch Lên đường của Hoàng Cầm. Năm 1950 ông hồi cư về Hà Nội, dạy toán, rồi dạy văn. Năm 1954 ông di cư vào Nam, sống tại Sài Gòn, dạy học và sáng tác thơ. Ông hai lần nhận Giải thưởng Văn chương vào năm 1959 và năm 1972, được vinh danh là Thi bá Việt Nam. Từ 1969 đến 1973 ông là Chủ tịch Trung tâm Văn bút Việt Nam ở Sài Gòn.

 

Ngày 13.4.1976 chính quyền bắt giam ông tại khám Chí Hòa, bị bệnh nặng, ông được đưa về nhà và 5 ngày sau thì qua đời (6.5.1976). Ông để lại 15 tập thơ xuất bản từ năm 1940 đến năm 1973 với hơn 500 bài thơ, cùng 3 vở kịch thơ Trương ChiVân muội và Hồng Diệp.

 

Phan Khôi và Vũ Hoàng Chương gặp nhau chỉ có một lần duy nhất, mà rất ngắn, chỉ mấy ngày, hồi cuối năm 1946. Hồi đó, theo giấy mời của Bộ Nội vụ chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Phan Khôi từ Bảo An ra tới Hà Nội ngày 6.7.1946 để dự Hội nghị Văn hóa Toàn quốc. Ông trú tại nhà Lê Dư, em rể ông. Ở Hà Nội, lần đầu tiên Phan Khôi gặp Vũ Hoàng Chương tại tư gia của Thế Lữ ở bãi Phúc Xá bên bờ sông Hồng, rồi hai người đi Nam Định; tại đó, họ, một già một trẻ, đã làm cuộc đàm đạo văn chương suốt hai ngày tròn và hai đêm trắng với nỗi thống khoái của cả hai.

 

Mới đây, một trang facebook cá nhân cho biết: nhà thơ Vũ Hoàng Chương, trong cuốn hồi ký Ta đã làm chi đời ta, nhà xuất bản Trương Vĩnh Ký, Sài Gòn, 1974, cho biết: năm 1946 [phải là năm 1947 mới đúng - PAS], lúc gia đình nhà thơ đang ở tại lỵ phủ Xuân Trường, Nam Định, thì nhận được thư của Phan Khôi đến từ Thái Nguyên [phải là Phú Thọ mới đúng - PAS]. Thư vỏn vẹn chỉ có một bài thơ luật, không có đầu đề [chúng tôi tạm đặt là Thơ gửi Vũ Hoàng Chương - PAS].

 

Thơ gửi Vũ Hoàng Chương

Ngừng tim lặng óc bặt dòng tình

Tai mắt như không phải của mình

Thấy dưới ánh trăng muôn khúc nhạc

Nghe trong tiếng ếch một màu xanh

Suối tiên đắm đuối bao cho chán

Khối mộng vờn mơn mãi chửa thành

Thú ấy từ lâu không có nữa

Ngủ say thức tỉnh dậy buồn tênh

 

Ngay sau đó, Vũ Hoàng Chương họa lại bài thơ của Phan Khôi vừa gửi cho mình. Bài thơ họa như sau:

 

Trời vô tâm quá, đất vô tình

Biết gửi vào đâu cái “chính mình”

Tiếng ếch đã trùm lên tiếng sóng

Màu đen lại ngả xuống màu xanh

Uổng cho thơ dẫu bày trăm trận

Ngán nhẽ sầu khôn phá một thành

Tưởng tới nguồn Đào thôi lại tiếc

Con thuyền đêm ấy nhẹ tênh tênh

 

Bài thơ họa được gửi trở lại cho Phan Khôi, nhưng không có hồi âm, có thể vì ông đã lại di chuyển đến địa phương khác, nên không nhận được. Có lẽ phải khẳng định điều này: Phan Khôi và Vũ Hoàng Chương, tuy mới gặp nhau lần đầu, nhưng giữa họ đã hình thành một mối thâm tình, đủ để Phan Khôi có thơ gửi cho Vũ Hoàng Chương, chứ không gửi cho một ai khác. Và đến lượt mình, cũng bằng mối thâm tình như thế, Vũ Hoàng Chương đã có ngay bài thơ họa, gửi Phan Khôi.

 

https://uploads.nguoidothi.net.vn/content/b9e2c10c-2c52-4c4f-a282-3e670d32d9ee.jpg

Nhà thơ Vũ Hoàng Chương (ảnh Đặng Tiến sưu tầm) và hồi ký Ta đã làm chi đời ta - Nhà xuất bản Trương Vĩnh Ký (Sài Gòn) in năm 1974, được tái bản dưới tên gọi bút ký bởi NXB Văn Hóa - Văn Nghệ, DominoBooks tháng 10.2018

 

Đến đây tôi tạm coi là mình đã đi đến đích, tức là đã có thể trả lời được câu hỏi: bằng cách nào mà bài thơ Xuân Áng tức cảnh (1 và 2) của Phan Khôi làm năm 1947 ở Phú Thọ - trong hoàn cảnh các địa phương bị chia cắt bởi chiến sự ngày một lan rộng, giao thông liên lạc bị cách trở - mà 28 năm sau (1975) nhà thơ Đông Xuyên ở Sài Gòn lại có bài thơ đó để đưa vào Tuyển tập thơ Hán - Việt?

 

Câu trả lời của tôi chỉ có thể là: năm 1947 Phan Khôi không chỉ có bài Thơ gửi Vũ Hoàng Chương mà còn có bài Xuân Áng tức cảnh (1 và 2) gửi cho thi sĩ họ Vũ nữa. Năm 1954, cả Vũ Hoàng Chương, cả Đông Xuyên đều di cư vào Nam và sống tại Sài Gòn, mỗi người một nghề nghiệp khác nhau, nhưng cùng dâng mình cho thơ, nên chắc chắn họ biết nhau, thậm chí thân nhau. Và trong một hoàn cảnh nào đó, trong một lúc nào đó, bằng vào một sự gửi gắm nào đó, Vũ Hoàng Chương đã trao bài thơ Xuân Áng tức cảnh (1 và 2) cho Đông Xuyên.

 

Tôi cho mình suy đoán như thế là có lý, chỉ có một con đường đó thôi, để nhà thơ Đông Xuyên có được bài thơ Xuân Áng tức cảnh (1 và 2) của Phan Khôi, chứ khó có con đường nào khác.

 

Hiềm một nỗi: vẫn còn một chút băn khoăn, là khi dẫn lại sự tích Vũ Hoàng Chương họa thơ Phan Khôi, chủ nhân trang facebook nói trên dùng cụm từ “Thư vỏn vẹn chỉ có một bài thơ luật” [đồng nghĩa với việc không có bài Xuân Áng tức cảnh (1 và 2) - PAS].

 

Hy vọng cụm từ đó là của người dẫn, chứ không phải của thi sĩ họ Vũ viết trong hồi ký! Sự suy đoán của tôi, nhờ thế mà trở nên đáng tin cậy, để giờ đây chúng ta có thể suy ngẫm về sự kiện: bài thơ Xuân Áng tức cảnh (1 và 2) của Phan Khôi làm năm 1947 ở Phú Thọ, ẩn mình chỗ nhà thơ Vũ Hoàng Chương ở Sài Gòn 28 năm (1947 - 1975), rồi được trao cho nhà thơ Đông Xuyên và ẩn mình 45 năm nữa (1975 - 2020) trong Tuyển tập thơ Hán - Việt ở Sài Gòn; để đến bây giờ, nhờ có trang web www.thivien.net, tôi và quý độc giả mới biết, mới được đọc và thưởng thức.

 

Cuộc ẩn mình ở Sài Gòn của Xuân Áng tức cảnh (1 và 2) lâu đến 73 năm! Số phận kỳ lạ của hai bài thơ chứng minh cho triết lý nhân sinh ở đời Cái còn thì vẫn còn nguyên / Cái tan thì tưởng vững bền cũng tan của Trần Đăng Khoa.

 

Vâng, cái còn thì ở đây ta thấy rồi!

 

Còn cái tan, nếu không phải ngày mai, thì cũng ngày sau thôi!

 

Phan An Sa

 

                                                      ***

 

https://uploads.nguoidothi.net.vn//content/5737505f-0d75-4d95-9d35-50ec1e68ff0e.jpg

Phan An Sa là con trai út của học giả Phan Khôi. Ông từng dành 6 năm để hoàn thiện bản thảo tác phẩm "Nắng được thì cứ nắng - Phan Khôi từ Sông Hương đến Nhân Văn" với hi vọng có thể giúp người đương thời hiểu rõ hơn cuộc đời của cha ông – học giả Phan Khôi, tác gia quan trọng của báo chí, văn học, văn hóa tư tưởng Việt Nam suốt các giai đoạn 1900-1930, 1930-1945, 1945-1954, 1954-1960. 

 

Năm 2013, "Nắng được thì cứ nắng - Phan Khôi từ Sông Hương đến Nhân Văn" đã nhận được giải thưởng hạng mục Phê bình Lý luận văn học của Hội Nhà văn Hà Nội.

 

---------------

LIÊN QUAN

 

 

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats