Friday, 23 October 2020

DONALD TRUMP VẪN MONG ĐỢI MỘT LIỆU PHÁP CHỐNG COVID-19 VÀO THÁNG 11 NÀY (The Economist)

 


Donald Trump vẫn mong đợi một liệu pháp chống covid-19 vào tháng mười một này

The Economist  

Người dịch: Tom Nguyen, Huy Nguyen

23/10/2020

https://www.the-interpreter.org/post/donald-trump-mong-doi-lieu-phap-covid-19-thang-11

 

 

Translated from The Economist article Donald Trump is hoping for a covid-19 treatment by November

 

Và điều này có thể xảy ra.

 

Ngày 18 tháng 07, 2020

 

                                                     ***

 

Nhiều người chỉ cười khẩy mỗi khi nhắc đến ngài tổng thống. Phương cách đối phó với đại dịch của ông dường như sai lầm về mọi mặt. Ông cổ xuý một loại thuốc trị sốt rét thất bại, tuyên bố virus sẽ biến mất, và thậm chí còn nói 99% các ca bệnh covid-19 là vô hại. Không đáng ngạc nhiên khi dư luận nghi ngờ lời hứa hẹn của ông Donald Trump về một vaccine hay thuốc chữa bệnh vào cuối năm nay. Nhưng biết đâu ông lại đúng? Dù sao thì chính phủ cũng đang chi hơn 13 tỷ USD theo đuổi một chiến lược gấp rút nhằm đạt mục tiêu này.

 

Việc thúc đẩy chi tiêu cho kế hoạch phát triển vaccine được bắt đầu từ tháng tư. Chiến dịch “Thần Tốc” (Operation Warp Speed – OWS) là sự hợp tác giữa Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh với Bộ Quốc phòng cùng hàng loạt các cơ quan y tế khác. Mục tiêu của chiến dịch là mang lại 300 triệu liều vaccine cho đầu tháng giêng sắp tới. Chiến dịch “Thần Tốc” cũng đang nhắm tới phương pháp trị liệu bằng kháng thể vốn là một phần trong chiến lược chung của chính phủ nhằm đẩy nhanh giai đoạn phát triển thuốc và các xét nghiệm chẩn đoán. Tuy nhiên với nỗ lực này, chính phủ đã gây bức xúc trong dư luận quốc tế hồi cuối tháng sáu khi mua lại gần như toàn bộ lượng thuốc remdesivir mà công ty dược Gilead có cho quý tiếp theo.

 

Ông Peter Bach, giám đốc của trung tâm chính sách y tế và kết quả thuộc một viện nghiên cứu tại New York, coi nỗ lực trên là việc mở van dòng tiền từ chính quyền liên bang. Ba tỷ dollar ngân sách liên bang đã được chi cho hai loại vaccine lần lượt được sản xuất bởi AstraZeneca và Novavax. Công ty công nghệ sinh học Moderna được cấp 483 triệu USD. Thỏa thuận với AstraZeneca bao gồm việc đặt hàng sớm 300 triệu liều vaccine; những liều đầu tiên có thể sẽ sẵn sàng ngay từ tháng mười năm nay. Novavax đã đồng ý cung cấp 100 triệu liều vaccine vào “cuối năm 2020.” Thỏa thuận với Moderna mở đường cho việc sản xuất “quy mô lớn” trong năm 2020. Ngân sách chi cho các nhà phát triển vaccine cũng nhằm mục đích giúp các doanh nghiệp này mở rộng việc nghiên cứu và sản xuất ở quy mô lớn.

 

Trong thực tế, chính phủ có thể đang trợ cấp cho quá trình tạo ra một sản phẩm mang rủi ro thất bại. Tuy chiến lược này vốn cũng đang được triển khai tại nhiều quốc gia khác và nó cần thiết cho việc rút ngắn nhiều tháng trời cho thời gian phát triển vaccine. Các doanh nghiệp có lẽ sẽ đợi hiệu quả rõ ràng qua thử nghiệm lâm sàng rồi mới đầu tư sản xuất. Hiện nay, chiến dịch Thần Tốc đang đầu tư vào nhiều loại vaccine khác nhau vì lo ngại một số loại sẽ không thành công. Quy mô của chiến lược này lớn đến mức công suất sản xuất ống tiêm trên toàn quốc cũng đang được tăng cường cho tương xứng.

 

Mặc dù chiến dịch Thần Tốc được coi là sự hợp tác công tư, chính phủ lại đang dốc rất nhiều tiền và chịu nhiều rủi ro. Ông Matthew Kavanagh, giảng viên y tế toàn cầu tại đại học Georgetown, lo ngại rằng chính phủ đang để doanh nghiệp nắm đằng chuôi, và quy trình đấu thầu còn thiếu minh bạch. Nhiều người cũng lo ngại về giá cả của vaccine sau này. Những động thái của Hoa Kỳ nhằm tiếp cận nguồn cung cấp vaccine từ Đức và Pháp cũng đã gây tranh cãi trong dư luận các nước này.

 

Giới chỉ trích từ ủy ban Châu u, có cả lãnh đạo của công ty dược phẩm Sanofi là ông Paul Hudson, cáo buộc ủy ban đã chậm chân so với Hoa Kỳ trong việc tài trợ nghiên cứu covid-19. Tuy nhiên, việc chính phủ Mỹ mua hàng loạt remdesivir đã khiến các nước phát triển khác bất ngờ và lo ngại về sự thiếu thốn loại dược phẩm giúp rút ngắn thời gian phục hồi cho chính công dân nước mình. Động thái thâu tóm nguồn cung cho này tạo nên hình ảnh xấu trên trường quốc tế, bởi lẽ các cuộc thử nghiệm lâm sàng cho dược phẩm này còn cần đến các bệnh nhân ở Đức, Hy Lạp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây Ban Nha và Anh.

 

Một điều ít được chú ý hơn nhưng lại mang nhiều hậu quả tiềm ẩn là động thái tương tự khi Hoa Kỳ vào ngày 7 tháng 7 qua chiến dịch Thần Tốc, ký một thỏa thuận trị giá 450 triệu USD với thuốc Regeneron, theo đó mua lại gần như toàn bộ nguồn cung ba tháng tới cho một liệu pháp đầy hứa hẹn đang trong thử nghiệm, REGN-COV2. Nếu thành công, phần lớn các quốc gia khác sẽ không có cơ hội tiếp cận nó. Một phát ngôn viên cho hay công ty này đang lên kế hoạch nhằm đáp ứng nhu cầu ở các nơi khác.

 

Không phải doanh nghiệp nào trong ngành dược cũng mặn mà với tiền trợ cấp từ chính phủ. Gã khổng lồ dược phẩm Pfizer đã từ chối nhận tiền từ OWS. Người đứng đầu, ông Albert Bourla, cho rằng làm việc với chính quyền sẽ kìm hãm công ty. Mối lo ngại này dường như là có cơ sở. Hoạt động của Moderna, một công ty công nghệ sinh học, đang có dấu hiệu chững lại với những báo cáo về mâu thuẫn giữa doanh nghiệp này và chính quyền liên bang trong việc lên kế hoạch thử nghiệm lâm sàng.

 

Tuy vậy, sự sốt sắng của ngành dược phẩm trong việc tìm kiếm phương pháp điều trị cùng với nguồn tiền tài trợ từ chiến dịch Thần Tốc (cũng như từ các chính phủ khác) đã mang lại nhiều bước tiến trong xét nghiệm, thuốc điều trị và vaccines. AstraZeneca đã tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối, Moderna và Pfizer được dự đoán sẽ bắt đầu giai đoạn thử nghiệm tương tự trước khi mùa hè kết thúc. Kể cả người cẩn trọng với vaccines nhất như Anthony Fauci, giám đốc Viện Quốc Gia về Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm, nghĩ rằng kết quả của sự hiệu quả từ vaccine sẽ đến vào tháng chín. Nếu số liệu từ các thử nghiệm lâm sàng khẳng định sự hiệu quả của một vaccine nào đó, cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) sẽ phải đưa ra quyết định có nên dùng quyền hạn “Chuẩn thuận khẩn cấp” hay không.

 

Giả định những vaccine thật sự hiệu quả, tình hình khả quan nhất là quyền hạn “Chuẩn thuận khẩn cấp” có thể được sử dụng cho một loại vaccine trước ngày bầu cử vào tháng 11 này. Kết quả từ các thử nghiệm lâm sàng cho thuốc Regeneron đang được mong đợi sẽ có vào cuối mùa hè. Nếu hiệu quả, chính quyền liên bang dường như sẽ nắm trong tay nguồn cung cấp thuốc lớn nhất thế giới. Tất cả điều này đồng nghĩa với việc ông Trump có lý do chính đáng khi tin rằng sẽ có thuốc điều trị hoặc vaccine vào trước cuối năm. Quan trọng hơn nữa là việc các nhà phân tích ở Morgan Stanley cho rằng những số liệu cho thấy triển vọng trong các tháng sắp tới sẽ giúp các nhà đầu tư nhìn thấy được “ánh sáng” đằng sau những tin tức tiêu cực về sự phục hồi kinh tế. Điều này sẽ là một lợi thế lớn cho ông Trump trong các cuộc thăm dò ý kiến.

 

Bên cạnh đó, những tiến triển này cũng làm dấy lên những lo ngại rằng chính phủ có thể gây áp lực để buộc Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) “đi tắt” trong việc phê duyệt vaccine. Giám đốc FDA Stephen Hahn nói rằng điều này sẽ không xảy ra. Tuy nhiên, cơ quan của ông đã bị chỉ trích khi thông qua quyền hạn “Chuẩn thuận khẩn cấp” cho thuốc trị sốt rét hydroxychloroquine. Việc phê duyệt này dường như chỉ để cứu vị Tổng Thống đương nhiệm khỏi bị bẽ mặt vì trước đó ông đã ủng hộ việc sử dụng loại thuốc này để điều trị Covid-19 mà không có bất cứ bằng chứng xác thực nào.

 

Việc tự tin vào vaccine điều trị Covid-19 là điều cần thiết. Nhưng bên cạnh đó, nhiều người lo lắng rằng phong trào chống vaccine (anti-vaccine) sẽ ảnh hưởng đến việc đón nhận vaccine mới của người dân. Một cuộc khảo sát vào tháng 5 cho thấy rằng một nửa số người Mỹ được khảo sát nói họ sẽ tiêm vaccine, và một phần năm số đó nói rằng họ sẽ từ chối. Tuy vậy, lịch sử ghi nhận rằng chỉ cần một đại dịch là đủ lý do để khiến nhiều người thay đổi quan điểm của mình. Điển hình là dịch Sởi ở Disneyland California năm 2014 đã khiến tỷ lệ tiêm phòng cho trẻ em tăng mạnh. Đại dịch lần này đã khiến nhu cầu vaccine phòng cúm từ công ty sản xuất thuốc theo toa, SingleCare, tăng đột biến (500% so với bình thường).

 

Với kinh nghiệm từ việc tiêm phòng cúm, kể cả khi vaccine điều trị Covid-19 chỉ hiệu quả 50% và dù chỉ có một nửa dân số tiêm phòng thì nó cũng sẽ cứu được rất nhiều người. Mặc dù vậy, mối lo ngại lớn hơn nằm ở khả năng vaccine có đến được những người mang nguy cơ cao mắc Covid-19 hay không. Tỷ lệ tiêm phòng vaccine cúm vẫn có sự khác biệt giữa các chủng tộc. Người Mỹ da đen, người Mỹ mang gốc và không mang gốc Tây Ban Nha vốn có tỷ lệ tiêm phòng thấp hơn từ 9% đến 12% so với người Mỹ da trắng.

 

Những liệu pháp thành công, cụ thể là phương pháp thứ được ủng hộ bởi chiến dịch Thần Tốc, có thể cho ông Trump một điều gì đó để khoe khoang trong chiến dịch vận động tranh cử của mình trên Zoom. Tuy vậy, điều đó dường như cũng không khiến sự tăng mạnh các ca mắc mới Covid-19 trở nên lu mờ (xem thêm). Chính quyền Tổng Thống Trump khá hăng hái trong việc vẽ nền hình tượng anh hùng cho chiến dịch Thần Tốc khi miêu tả tổ chức này là “một trong những thành tựu khoa học và nhân đạo vĩ đại nhất trong lịch sử.” Thực tế cho thấy rằng kể cả khi nỗ lực quốc tế có thể giúp tích lũy kiến thức để đánh bại Covid-19, nước Mỹ có vẻ không hề sẵn sàng chia sẻ những tiến bộ trong lĩnh vực nhân đạo cho bất kỳ quốc gia nào khác.

 

Chính quyền Tổng thống đương nhiệm đã từ chối tham gia vào các nỗ lực toàn cầu nhằm hợp sức phát triển vaccine. Vào ngày 7 tháng 7, chính quyền Trump tuyên bố rằng họ có thể sẽ rút khỏi tổ chức Y Tế Thế Giới vốn đóng vai trò chủ chốt trong việc phân phối vaccines, thuốc điều trị và các xét nghiệm chẩn đoán. Có lập luận cho rằng tiêm phòng vaccine sẽ được triển khai hiệu quả hơn nếu được chuyển tới những nhóm dân cư có nguy cơ cao trên khắp thế giới hơn là việc tiêm phòng đại trà ở một vài quốc gia phát triển như Hoa Kỳ. Chính quyền của Tổng thống Trump có vẻ như không bị thuyết phục bởi lập luận này, và ông Trump đã tuyên bố nước Mỹ là trên hết.

 

Người dịch: Tom Nguyen, Huy Nguyen

Biên tập: Tri Luong

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats