Friday, 9 October 2020

BẢN TIN NGÀY 9-10-2020 (BTV Tiếng Dân)

 



BẢN TIN NGÀY 9-10-2020

BTV Tiếng Dân

09/10/2020

https://baotiengdan.com/2020/10/09/ban-tin-ngay-9-10-2020/

 

Báo Thanh Niên đưa tin: Mỹ, Nhật quan ngại về hành vi ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông. Hãng tin Kyodo thông báo về cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi với ông Kevin Schneider, Tư lệnh Các lực lượng Mỹ ở Nhật, chia sẻ quan ngại về các hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông: “Trong khi thảo luận, hai bên tái khẳng định tầm quan trọng của liên minh Mỹ – Nhật trong việc duy trì hòa bình và an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”.

 

Thêm diễn biến mới ở Biển Đông: Canada kêu gọi NATO theo dõi các hoạt động của Trung Quốc, theo RFI. Tại hội thảo bàn tròn Globsec, bộ trưởng Quốc Phòng Canada lên án Bắc Kinh vụ dùng đòn “ngoại giao con tin”, bắt giữ 2 công dân để gây áp lực với Ottawa, đồng thời lên tiếng về vấn đề Biển Đông và cho rằng cộng đồng quốc tế đang nhìn thấy rõ những “tham vọng thực thụ” của TQ.

 

Phía Canada chủ trương, NATO cần theo dõi các hoạt động của Bắc Kinh trong vùng biển này bởi vì “công luận cần được bảo đảm rằng đây là một quyết tâm tập thể và Liên Minh Bắc Đại Tây Dương cần đưa ra một tín hiệu mạnh mẽ về chính sách phòng thủ và khả năng răn đe”.

 

Cũng tin Biển Đông, báo Thời Đại có bài: San hô Biển Đông bị tàn phá vì Trung Quốc bồi đắp đảo. GS John McManus chuyên ngành Hải sinh học thuộc ĐH Miami ở bang Florida của Mỹ cho biết: “Chúng ta luôn đối diện nguy cơ biến mất ngành đánh bắt hải sản ven biển, và theo chúng tôi thì nguyên do ngành này chưa biến mất là vì các loài cá vẫn đang từ các rạn san hô ở ngoài khơi bơi vào. Vì vậy, chúng ta phải bảo vệ các rạn san hô đó”.

 

GS McManus cho biết, một số rạn san hô ở Biển Đông đã “biến mất vĩnh viễn” vì bị con người bồi đắp, xây dựng các căn cứ quân sự ngay trên san hô. Ông nói: “Nếu con người bồi đắp xây dựng một thứ gì đó, nếu con người trút đất cát, gạch đá… xuống, chắc chắn sẽ không có cách nào để hồi phục”.

 

Mời đọc thêm: Mỹ – Nhật quan ngại về hoạt động hàng hải mở rộng của Trung Quốc ở Biển Đông (VTC). – Nhật Bản sẽ thành lập 3 đơn vị tác chiến điện tử trên biển Hoa Đông để đối phó Trung Quốc (TP). – Truyền thông Trung Quốc: Ngư dân Việt Nam quay cảnh tàu sân bay Sơn Đông (GT). 

 

.

Tổng Liên đoàn Lao động vs ĐH Tôn Đức Thắng

 

Trang Kiểm Tin cho biết: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu làm rõ việc đình chỉ chức vụ Hiệu trưởng trái luật ở trường Đại học Tôn Đức Thắng. Một nguồn tin riêng của trang này tiết lộ, “chiều nay 9/10, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có buổi họp với Văn phòng Chính phủ và đã có chỉ đạo liên quan đến việc đình chỉ chức vụ Hiệu trưởng đối với ông Lê Vinh Danh và một số vấn đề của trường”.

 

Phó Thủ tướng Đam yêu cầu Bộ GD&ĐT cử một đoàn công tác vào làm việc gấp với trường ĐH Tôn Đức Thắng để làm rõ, “tại sao đến thời điểm này vẫn chưa thành lập Hội đồng trường, đồng thời làm rõ việc đình chỉ trái luật chức vụ Hiệu trưởng đối với ông Lê Vinh Danh”. Hiện tại, vẫn chưa có báo “lề đảng” nào đưa tin này.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2020/10/Img1-6-1024x634.jpg

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong buổi thăm gặp ban lãnh đạo ĐH Tôn Đức Thắng năm 2014. Ảnh: ĐH Tôn Đức Thắng/FB Kiểm Tin

 

Nhà báo Bạch Hoàn đặt câu hỏi“Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, người ký quyết định cho phép trường Đại học Tôn Đức Thắng thực hiện thí điểm tự chủ, đổi mới, cũng từng nói tự chủ là con đường duy nhất, là con đường không thể quay lại. Vậy lẽ nào ông Đam để cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vin vào cái mác chủ quản để kỷ luật một cá nhân đã có nhiều đóng góp…”

 

Trước đó, nhà báo Trương Châu Hữu Danh chia sẻ trang cuối trong “41 trang của Kiểm toán nhà nước về các sai phạm Tổng Liên Đoàn lao động Việt Nam và 19 phụ lục đủ để mở đường cho 3 – 4 đại án tại đây”:

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2020/10/Img2-6.jpg

 

Nhà báo Trung Bảo viết: Sự bất công mang tên Tổng Liên đoàn. Ông Bảo kể, năm 2017, một chủ doanh nghiệp ở Tiền Giang tha thiết xin tỉnh giao hoặc cho thuê đất để có thể xây nhà ở cho công nhân, theo đúng Luật Nhà ở 2014 và nghị quyết số 20 của Ban chấp hành TƯ CSVN, nhưng không được giao/ thuê đất. Cùng thời điểm đó, Tổng LĐLĐ được tỉnh Tiền Giang giao 2 hecta đất công để xây khu Thiết chế Công đoàn, thực chất là xây chung cư để bán và cho công nhân thuê.

 

Mãi đến tháng 9/2020, dự án “phù phép” đất công nói trên mới bị Kiểm toán Nhà nước “chỉ ra những sai phạm trong việc sử dụng kinh phí lẫn tư cách pháp nhân của TLĐ. Dự án này hình thành trong thời điểm ông Bùi Văn Cường làm Chủ tịch TLĐ”. Bùi Văn Cường chính là Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk đương nhiệm, bị công luận cho là đứng sau vụ bắt cóc giảng viên Phạm Đình Quý của ĐH Tôn Đức Thắng. 

 

Báo Giáo Dục VN có bài: Luật sư cho rằng Tổng liên đoàn lập hội đồng kỷ luật ông Danh không đúng luật. LS Nguyễn Thành Công nhận định: “Theo góc độ chuyên môn, thì tôi thấy ở việc thành lập Hội đồng kỷ luật và tiến hành kỷ luật Giáo sư Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng là chưa phù hợp về thẩm quyền theo quy định của pháp luật”. Theo LS Công, vì ĐH Tôn Đức Thắng đã tự chủ nên cơ quan có thẩm quyền ở đây là Hội đồng trường, chứ không phải Tổng LĐLĐ.

 

Mời đọc thêm: Phó Thủ tướng chỉ đạo làm rõ việc đình chỉ chức vụ Hiệu trưởng đại học Tôn Đức Thắng (FB Báo Sạch). – Hiệu trưởng trường Đại Học Tôn Đức Thắng: Ban hành Nghị quyết trái quy định pháp luật (NB&CL). – Tiếp tục làm rõ thông tin tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng: Phát hiện nhiều sai phạm tại 16/16 dự án, chỉ định thầu sai quy định (LĐ). – Sinh viên, công nhân vịn vào đâu những ngày này (FB Đoàn Kiên Giang).

 

.

Cập nhật tin nhà báo Phạm Đoan Trang bị bắt

 

Bàn về tác động của vụ bắt nhà báo Phạm Đoan Trang đến ngoại giao VN, trang Người Đà Lạt Xưa viết: Bôi bùn. Vụ bắt giữ cô Trang diễn ra chỉ vài giờ sau sự kiện Đại sứ VN Hà Kim Ngọc ở Mỹ, phát biểu trong phiên họp Đối thoại Nhân quyền Mỹ – Việt hàng năm, lần thứ 24.

 

Chính Bộ Công an đã “bôi bùn” lên toàn bộ nỗ lực diễn kịch của Bộ Ngoại giao, “chìa khóa mở cửa quan hệ đối tác đã bị Hà Nội bẻ gãy. Bộ Công an Việt Nam có thể gây ra thiệt hại cá nhân cho Phạm Đoan Trang, nhưng họ đã gây ra những tổn thất nặng nề gấp trăm lần hơn cho chế độ mà cô ấy đang muốn thay đổi”.

 

Nhà hoạt động Jang Kều chia sẻ bài viết “Đoan Trang trong mắt tôi” của TS Nguyễn Hoàng Ánh, giảng viên ĐH Ngoại Thương. Bài viết kể lại vụ an ninh CS tra tấn cô Trang: “Em luôn đi đầu trong các cuộc phản đối nên luôn gặp nhiều rủi ro hơn, thậm chí khi chính quyền bắt bớ, đáng ra em có thể thoát được nhưng nhìn những cô bé mặc áo dài lần đầu đi tuần hành bị kéo lên xe bus, em đã lao theo để cùng bị bắt, đặng còn che đỡ cho các em. Kết quả là Trang bị đánh đến xuất huyết vùng bụng và bị thương nặng ở đầu gối”.

 

Mời đọc thêm: Bắt Phạm Đoan Trang: Bình luận lo ngại vụ việc ‘thách thức giá trị dân chủ’ (BBC). – Dân biểu Mỹ lên án Việt Nam sau vụ bắt giữ nhà báo Phạm Đoan Trang (RFA). – Viết cho Trang (FB Nguyễn Lân Thắng). – Tiếng đàn bình dân (FB Hải Nguyễn Hồng).

 

.

Tin giáo dục

 

Bộ SGK Tiếng Việt lớp Một đang bị dư luận chỉ trích nặng nề. Báo Giáo Dục VN có bài: Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết và những“sự cố” liên quan đến việc biên soạn sách. Bài viết liệt kê một số lỗi trong sách do GS Thuyết biên soạn hoặc chủ biên và nhận định:

 

“Tất cả những ‘sự cố’ về các bộ sách giáo khoa Tiếng Việt liên quan đến Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết thời gian qua trước hết là do năng lực tư duy và phương pháp làm việc của chính Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết và cộng sự. Hay nói khác đi, đó là sự chủ quan, tùy tiện và cẩu thả của những người đang gánh trọng trách đặt những viên đá nền trong việc giáo dục trẻ em”.

 

Nhà văn Nguyễn Đình Bổn viết: Áp đặt vùng miền. Theo ông Bổn, những quan chức làm GD đang cố tình áp đặt vùng miền khi sử dụng cách phát âm theo giọng Bắc vào bộ SGK Tiếng Việt, lẽ ra phải dạy phát âm theo kiểu phổ thông. “Chúng ta thấy những người soạn sách giáo khoa cho học sinh chính là kẻ áp đặt ngôn ngữ tồi tệ nhất. Mang tư duy ‘thống trị’, một số người, luôn tự coi mình là dân ‘thủ đô’, nói ‘tiếng Hà Nội’ chuẩn, và bắt mọi người phải nghe, phải học chính cái tiếng nói đó, ngôn ngữ đó”.

 

Ông Bổn phân tích, cái gọi là “tiếng Hà Nội chuẩn” thật ra rất khó nghe với tai người Nam, như trường hợp phát âm con cừu thành “con kiều” và “nhiều tiếng mang nặng tính địa phương khác mà người miền Nam không thể hiểu”, nhưng vẫn bị ép học. 

 

Cũng liên quan đến vấn đề cách phát âm, báo Thanh Niên có bài: Đừng soạn sách bằng thứ tiếng Việt ngọng nghịu. Bài viết liệt kê một số từ không những khó mà còn không phải là từ phổ thông như “chuếnh choáng”, “trống huếch”, “khuếch khoác”, “nguều ngoào”… nhưng vẫn được đưa vào SGK Tiếng Việt lớp 1. “Tại sao cứ tự trói buộc mình vào các vần đã dạy để soạn bài tập đọc? Tại sao phải khổ công nghĩ ra các câu trúc trắc trục trặc như thế?” Có ý kiến cho rằng tựa bài báo ngầm ám chỉ “ai đó” đang phụ trách Bộ GD&ĐT.

 

Cũng báo Thanh Niên, có bài: Nhiều câu chuyện trong sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 không rõ tính giáo dục. Hai câu chuyện “Cua, cò và đàn cá” và “Hai con ngựa” trong sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1, bộ sách Cánh Diều, dạy cho trẻ em cách lừa lọc, mưu mẹo, gian xảo (chuyện thứ nhất), và cách trốn việc, làm việc thiếu trách nhiệm (chuyện thứ hai).

 

Nhà báo Nguyễn Tiến Tường bình luận“Tôi là một phụ huynh học sinh lớp 1, tôi đọc sách lớp 1 của NXB Giáo Dục, nặng nề vô cùng. Đến khi thấy bộ Cánh Diều của GS Thuyết, tôi thật sự cảm thấy lo sợ và đau đớn. Cho dù có cố bông lơn bao nhiêu đi nữa thì cũng không thể khỏa lấp được sự thật rằng tiếng Việt đang bị rẻ rúng, những tâm hồn trẻ thơ đang bị làm cho biến dạng”

 

Mời đọc thêm: Sách Tiếng Việt 1 bộ Cánh Diều có nhiều từ ngữ hoàn toàn xa lạ với học sinh (GDVN). – Sách Cánh Diều đang giáo… hại tương lai (PN). – Sách Tập đọc lớp 1 năm 1985 (Zing). – Xé rào tuyển sinh đại học, Bộ GD-ĐT yêu cầu khẩn trương chấn chỉnh (ANTĐ). – Sau vụ ĐH Thăng Long tổ chức xét tuyển bổ sung sớm dẫn đến tình trạng ‘vỡ trận’, Bộ GD&ĐT ra chỉ đạo khẩn (SS). 

 

.

Tin môi trường

 

Tình hình mưa lũ tiếp tục diễn biến phức tạp ở miền Trung, báo Tuổi Trẻ dẫn lời người dân ở thị trấn Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị: ‘Chúng tôi đã qua nhiều trận lũ, nhưng lần này thực sự sợ hãi’. Bà Trần Thị Chút, ở xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ kể: “Thấy mưa to suốt từ hôm trước đến đêm là tôi biết đợt này lũ có thể sẽ dâng cao, nhưng không ngờ lại lên nhanh đến thế. 20 năm nay tôi mới thấy lại trận lũ lên nhanh và cao như ri”.

 

Báo Thanh Niên có clip: Mưa lũ tiếp tục diễn ra dữ dội ở Thừa Thiên-Huế.

https://www.youtube.com/watch?v=4_aZfRogmso&feature=emb_logo

 

Báo Người Lao Động đặt câu hỏi: Năm 2020 sẽ nóng kỷ lục? Cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus của châu Âu mới đây cho biết, nhiệt độ tháng 9/2020 cao hơn 0,05 độ C so với tháng 9/2019 và cao hơn 0,08 độ C so với tháng 9/2016, là hai tháng 9 từng được xem là nóng nhất và nhì từng được ghi nhận. Không chỉ tháng 9, cả tháng 1 và tháng 5 năm nay cũng được ghi nhận “nhiệt độ cao kỷ lục”.

 

Tin cho biết, “vùng Siberia ở Bắc cực và Đông Nam châu Âu đặc biệt cảm nhận rõ tác động của tình trạng nóng lên do biến đổi khí hậu. Tại bang California – Mỹ, nhiệt độ ban ngày ở hạt Los Angeles có lúc lên đến 49 độ C trong lúc 5/6 trận cháy rừng lớn nhất lịch sử kéo dài đến cuối tháng 9”.

 

Facebooker Bùi Quang Phúc, một trong các admin của nhóm Thời Tiết – Môi Trường | 2020, phân tích về dải hội tụ nhiệt đới gồm 4 vùng xoáy thấp và áp thấp đã hình thành trong phạm vi trải dài từ vùng biển phía Đông của Vịnh Bengal, qua đất liền các khu vực Tây Nguyên, Nam Trung Bộ VN đến tận vùng biển ngoài khơi phía Đông Bắc của Philippines: “Đây là một hình thái thời tiết rất cực đoan và hiếm gặp, mặc dù đã được cảnh báo trước, nhưng qua đây cho thấy tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu cùng với các quy luật thông thường đã và đang dần bị phá vỡ.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2020/10/Img3-6-1024x576.jpg

Dải hội tụ nhiệt đới đang kéo dài từ vùng biển phía Đông của Vịnh Bengal, qua đất liền các khu vực Tây Nguyên, Nam Trung Bộ VN đến tận vùng biển ngoài khơi phía Đông Bắc của Philippines. Ảnh: Windy.com/FB Thời Tiết – Môi Trường

 

Mời đọc thêm: Biển Đông lại xuất hiện vùng áp thấp khi miền Trung đang hứng chịu lũ lớn (DS). – Vùng áp thấp mới trên Biển Đông tiếp tục hướng vào miền Trung (Infonet). – Mưa lũ tại miền Trung- Tây nguyên làm 4 người chết, 8 người mất tích (VOV). – Quảng Trị vượt lũ lịch sử 1983, miền Trung nguy cơ ‘lũ chồng lũ’ (TT). – Gần 13.800 hộ dân Quảng Trị bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, lãnh đạo họp khẩn trong đêm (ANTT). – Thừa Thiên – Huế: Mưa lũ dữ dội, nhiều vùng bị cô lập (TN). 

 

 – Chúng ta ngờ nghệch về tăng trưởng lũy thừa. Đó là sai lầm chết người (Hành Tinh Titanic). – California cần rừng để chống lại biến đổi khí hậu, nhưng chúng đang hóa thành tro (Reuters). – Bão lớn đe dọa miền nam nước Mỹ (VNE). – Các nhà khoa học cho biết, 95% sinh vật dưới đáy biển đã bị giết trong thảm họa môi trường ở Kamchatka (Moscow Times). – Các loài chim đang rất vất vả để “theo kịp” biến đổi khí hậu (The Week). – Tháng 9/2020 là tháng 9 nóng nhất được ghi nhận trong lịch sử (FB Sam Carana).  

 

                                                        ***

 

Thêm một số tin: Bế mạc Hội nghị trung ương 13: Bỏ phiếu giới thiệu nhân sự trung ương khóa mới (TT). – Vì sao tàu điện Cát Linh – Hà Đông chưa thể vận hành? (VNE). – Phạt tù 2 bị cáo trong vụ lạm dụng chức vụ, quyền hạn tại PVOil (Tin Tức). – Truy nã cô gái Việt trong đường dây đưa người nước ngoài nhập cảnh trái phép (VNN). 

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats