November 5, 2018
Nếu
đem so sánh tình hình trên thế giới giống như một bàn cờ thì bàn cờ đó vừa mới
được đi thêm một nước nữa, và nước cờ này có thể sẽ có nhiều ảnh hưởng đối với
tương lai của thế giới, sau khi Tổng thống Donald Trump thông báo cho phía Nga
biết là chính phủ Mỹ dự tính có thể sẽ rút ra khỏi Hiệp ước Vũ khí Nguyên tử Tầm
trung (Intermediate Range Nuclear Forces Treaty -INF) với cáo buộc là Nga tiếp
tục vi phạm hiệp ước mặc dù Mỹ đã nhiều lần lên tiếng cảnh cáo.
Hủy bỏ Hiệp ước vũ khí nguyên tử tầm trung?
Mục đích của
hiệp ước INF là nhằm loại trừ tất cả các loại hoả tiễn có tầm bắn từ 500 đến
5,500 cây số với giàn phóng được đặt trên đất liền. Sau khi Tổng thống Ronald Reagan và Chủ tịch Liên Sô là Mikhail
Gorbachev ký vào hiệp ước này năm 1987 đưa đến kết quả là chấm dứt một cuộc đối
đầu quân sự nguy hiểm tại Âu châu, nơi mà cả hai phía Mỹ và Liên Sô đã tìm cách
đưa hàng trăm hoả tiễn mang đầu đạn nguyên tử vào trong khu vực để hăm doạ lẫn
nhau.
Trong hai thập niên sau đó, hiệp ước này mang lại hiệu
quả và cả hai phía Mỹ và Nga (kế tục sau khi chế độ Sô Viết sụp đổ) đã ngưng
không sản xuất thêm những hoả tiễn tầm trung nữa, và có thể nói cho đến nay nó
vẫn được cho là hiệp ước tài giảm vũ khí thành công nhất. Tuy nhiên, kể từ năm
2008, chính phủ Moscow bắt đầu có những gian lận và vi phạm hiệp ước. Ðó là khi
Nga bắt đầu cho thử nghiệm một số hoả tiễn được phóng đi từ giàn phóng trên đất
liền có tầm bay nằm trong phạm vi bị hạn chế bởi hiệp ước trên. Năm 2013, chính
phủ Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama đã nêu đích danh Nga và cáo buộc nước
này đã vi phạm những gì được ký kết. Tuy vậy, chính phủ Mỹ vẫn ở lại trong hiệp
ước do áp lực từ những quốc gia đồng minh ở Âu châu.
Gần đây hơn, phía Nga còn cố tình đi thêm những bước
táo bạo. Năm 2017, tướng Paul Selva, phó chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên
quân, tường trình với quốc hội rằng Nga đã đưa một loại hoả tiễn có tên gọi là 9M729, có tầm bay 3,000 cây
số, vào trong một số khu vực “gây đe doạ cho NATO và những cơ sở nằm
trong vùng trách nhiệm của NATO.”
TT Gorbachev và TT Reagan ký kết hiệp ước INF – nguồn
thebulletin.org
Ðối diện với những thử thách mới, Tổng thống Trump bắt
buộc phải có quyết định. Ông có thể tiếp tục theo đuổi chính sách như chính quyền
Obama đã làm là lên tiếng cáo buộc và đòi phía Nga phải tuân thủ những cam kết
đã được ký trong hiệp ước. Hay ông có thể tìm cách đàm phán lại để có một hiệp
ước INF mới thích hợp hơn với tình hình thế giới hiện nay. Hoặc tháu cáy hơn, ông có thể làm điều mà ông đã
làm trong tuần qua, và rút ra khỏi hiệp ước mà nay chỉ còn có Mỹ chịu tuân thủ.
Theo nhận định
của nhà báo Eli Lake, quyết định này của Trump có thể là chọn lựa đúng.
Ðể hiểu rõ hơn nước cờ Tổng thống Trump mới đi, ta cần
nên đi ngược trở lại thời điểm trước khi đưa tới hiệp ước INF.
Cuối thập niên 1970 và đầu thập niên 1980, Âu châu
rơi vào cuộc khủng hoảng quân sự sau khi Liên Sô cho khai triển hoả tiễn SS-20,
một loại hoả tiễn hiện đại và chính xác với giàn phóng được đặt sâu trong nội địa
nước Nga có khả năng tấn công hầu hết các thủ đô của Âu châu gây nên một cuộc
báo động nghiêm trọng về an ninh. Lúc đó Mỹ chỉ đặt những loại hoả tiễn tầm ngắn
ở Âu châu, không đủ khả năng bắn tới lãnh thổ của Liên Sô, và những loại hoả tiễn
tầm xa thì hoặc là đặt ở nhà hoặc là trên các tiềm thủy đĩnh, nhưng loại hoả tiễn
tầm trung thì hoàn toàn không có bất cứ nơi đâu ở Âu châu.
TTTrump và Putin – nguồn Front News Internationa
Nếu như trong trường hợp quân đội Sô Viết tấn công
Âu châu với hoả tiễn SS-20, nước Mỹ sẽ buộc phải leo thang theo với những loại
vũ khí tối tân nhất của họ. Ðồng minh Âu châu khi ấy còn đang băn khoăn không
biết Mỹ có chịu làm như vậy không. Ðể trấn an và để tạo áp lực bắt buộc Liên Sô
phải thay đổi kế hoạch, Tổng thống Reagan đã cho đưa loại hoả tiễn đạn đạo
Pershing II có tầm bắn 1,770 cây số và một loại hoả tiễn tuần kích (cruise
missile) mới với giàn phóng trên đất liền vào Âu châu. Quyết định này đã làm
cho Liên Sô lo ngại. Những loại hoả tiễn này có thể bắn tới thủ đô Moscow trong
vòng dưới 10 phút, nhưng đồng thời cũng đưa tới những phản ứng hoảng hốt từ một
số nhà lãnh đạo Âu châu. Những cuộc biểu tình chống vũ khí nguyên tử nổ ra ở khắp
nơi tại Âu châu, nhưng Tổng thống Reagan vẫn cho thực hiện kế hoạch và đưa những
hoả tiễn hiện đại này của Mỹ vào lục địa châu Âu.
Nước cờ của Reagan đã đạt kết quả. Việc đưa hoả tiễn
của Mỹ vào Âu châu đã thuyết phục được Liên Sô chịu ngồi vào bàn đàm phán, và
cuối cùng hai bên đã ký vào hiệp ước INF vào ngày 8 Tháng 12 năm 1987. Hiệp ước
không chỉ cấm những hoả tiễn đã có sẵn mà còn cấm thử nghiệm, chế tạo và triển
khai tất cả các loại hoả tiễn với giàn phóng đặt trên đất liền có tầm bắn từ
500 đến 5,500 cây số. Ngay sau hiệp ước được ký kết, Mỹ đã phá huỷ 846 hoả tiễn
và Liên Sô là 1,846 hoả tiễn.
Tuy nhiên, nếu nhìn sâu hơn trong lời tuyên bố vừa
qua của chính phủ Trump, phân tích gia Nathan Levine thuộc Viện nghiên cứu
Chính sách Á châu đã đưa ra nhận định, mặc dù với những lời cáo buộc nặng nề về
việc Nga liên tiếp vi phạm hiệp ước, quyết định rút ra khỏi hiệp ước INF có thể
không hẳn là về Nga, hay thậm chí là về vũ khí nguyên tử. Trong thời đại với những
cạnh tranh chiến lược mới, quyết định vừa qua của Mỹ có thể là nhắm thẳng vào
cuộc đối đầu với Trung Quốc trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Trung Quốc chưa bao giờ ký vào hiệp ước INF, và điều
này đã cho phép họ rảnh rang trong việc tích tụ cả một kho vũ khí quy ước tối
tân và hiện đại, như loại hoả tiễn đạn đạo chống chiến hạm DF-21 có tầm bắn
1,500 cây số. Những hoả tiễn này đều thuộc loại vũ khí mà Hoa Kỳ không được quyền
triển khai ở bất cứ đâu trên thế giới do bị ràng buộc bởi hiệp ước INF. Hay nói
rõ hơn, có tới 95 phần trăm các loại hoả tiễn của Trung Quốc hiện nay là những
loại vũ khí bị cấm của INF.
Một loại hoả tiễn tầm trung của Trung Quốc – nguồn
nationalinterest.org
Ðiều này đã đặt Mỹ vào một tình thế bị cầm chân và bị
hạn chế không thể kiểm soát một cách an toàn cả một vùng biển và không trung
ngày càng thiếu thân thiện hơn của khu vực Tây Thái Bình Dương. Trong trường hợp
xảy ra xung đột ở cấp độ cao, Hải quân Hoa Kỳ sẽ gặp bất lợi vì phải dựa vào những
loại hoả tiễn khá cũ phóng đi từ các chiến hạm, như hoả tiễn Tomahawk, và các
chiến đấu cơ trên các hàng không mẫu hạm rất dễ bị bắn rơi nếu phải bay xa để tấn
công các hệ thống hoả tiễn được giấu sâu trong nội địa Trung Quốc.
Thiếu khả năng tấn công các hệ thống hoả tiễn chống
chiến hạm ở trong nội địa Trung Quốc, các hàng không mẫu hạm của Mỹ hoạt động gần
vùng duyên hải của Trung Quốc sẽ bị đặt trong tình trạng nguy hiểm không thể chấp
nhận được.
Rút ra khỏi hiệp ước INF, Mỹ có thể tự do hơn để thiết
lập những hệ thống vũ khí quy ước mới bao gồm những loại hoả tiễn đạn đạo có tầm
bay xa như loại DF-21 và DF-26 của Trung Quốc, hoặc bay xa hơn nữa, và được đặt
trên những giàn phóng không dễ bị đánh chìm như các chiến hạm ngoài khơi, mà ở
những nơi trên đất liền thật xa như phía bắc Nhật Bản, đảo Guam, phía nam
Philippines, hay thậm chí xa hơn nữa như khu vực phía bắc của Úc.
Trong khi có nhiều người lo ngại việc Mỹ rút khỏi hiệp
ước INF có thể đưa tới cuộc chạy đua vũ khí hoả tiễn và tạo thêm những bất ổn
trên thế giới trong tương lai. Tuy nhiên, ít ra là trong bối cảnh tình hình
căng thẳng hiện nay cùng với sự ngày càng hung hăng của Trung Quốc trong khu vực
Tây Thái Bình Dương (bao gồm khu vực Biển Ðông), thì quyết định rút ra khỏi hiệp
ước INF có thể có lợi hơn cho Mỹ.
Một bàn cờ mới vừa được bày ra và những nước cờ mới
có thể nằm ở châu Á.
VH
No comments:
Post a Comment