Sunday, 25 November 2018

SỨ MỆNH CỦA NGƯỜI THẦY (Giáp Văn Dương)




Thứ bảy, 24/11/2018, 17:33 (GMT+7)

Tháng 11 năm nay, bên những câu chuyện thường lệ về tình cảm thầy-trò, những người làm giáo dục và quan tâm đến ngành đổ dồn chú ý vào một câu chuyện vĩ mô. Đó là câu chuyện về triết lý giáo dục. Nó ở đâu, là gì, vì sao tìm hoài chưa thấy?

Triết lý giáo dục là vấn đề đã được xới ra từ ít nhất mười năm trở lại đây, và được cho là nguyên nhân của tình trạng bế tắc, đổi mới và cải cách liên miên mà không có kết quả của hệ thống giáo dục hiện thời. 

Nhưng hơn chục năm đã trôi qua mà bức tranh cũng không sáng sủa gì hơn, khi đúng dịp 20/11 này, câu chuyện về triết lý lại được các đại biểu quốc hội đặt ra và chất vấn, rằng triết lý giáo dục là gì, tìm ở đâu, vì sao không thấy trong dự thảo Luật giáo dục sửa đổi?

Những quan sát, và trải nghiệm của tôi và gia đình, trong năm nền giáo dục khác nhau, cả Á lẫn Âu cho thấy, triết lý giáo dục là một trong những vấn đề cốt tủy của giáo dục. Tuy nhiên, với các nước châu Âu nơi tôi đã có trải nghiệm, thì một phần lớn của triết lý giáo dục đã được mã hóa vào trong hiến pháp và luật pháp nói chung, trở thành một phần của tinh thần thời đại. Phần còn lại, có tính cách lý luận và khoa học, được triển khai dưới dạng triết học về giáo dục. 

Nhưng với Việt Nam, do đặc trưng văn hóa quen với việc khái quát ngắn gọn, xã hội pháp quyền chưa thực sự trưởng thành, triết học về giáo dục cũng chưa có, nên triết lý giáo dục trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Triết lý giáo dục sẽ không chỉ đóng vai trò định hướng cho nền giáo dục, mà còn mang trong mình âm hưởng của xã hội tương lai mà chúng ta muốn hướng tới.  

Riêng tôi, sau nhiều lần thảo luận về triết lý giáo dục, đã đi đến kết luận rằng, chỉ có thể tìm thấy triết lý giáo dục ở sản phẩm đầu ra, tức ở hình mẫu con người mà nhà trường muốn đào tạo, hoặc trong cách thức thiết kế các nguyên tắc vận hành hệ thống giáo dục. Dù tiếp cận ở góc nhìn nào đi chăng nữa, thì triết lý giáo dục của một hệ thống sẽ thể hiện ở sản phẩm đầu ra. Một cách ngắn gọn, triết lý giáo dục chính là câu trả lời ngắn gọn cho câu hỏi: Hệ thống giáo dục hướng đến việc đào tạo con người nào?

Câu trả lời của tôi: Đó là con người tự do, có khả năng lãnh đạo bản thân, làm chủ cuộc sống.

Vì sao lại như thế? Vì tuy chi tiết có nhiều điểm khác nhau, nhưng về đại thể, sản phẩm đầu ra của các hệ thống giáo dục có thể được chia thành hai nhóm lớn: Con người công cụ và con người tự do. 

Rõ ràng, trở thành con người công cụ không phải là mục đích sống của chúng ta, cũng không có tính nhân văn và bền vững, nên một nền giáo dục lành mạnh không thể chọn mục tiêu đào tạo con người công cụ, vì bản thân điều đó đã phản lại giáo dục. Vì thế, một thế thống giáo dục lành mạnh bắt buộc phải hướng đến việc đào tạo những con người tự do, thay vì con người công cụ. 

Về mặt nguyên tắc, triết lý giáo dục một khi đã được xác lập, sẽ trở thành kim chỉ nam cho mọi hoạt động giáo dục, từ xác định mục tiêu, xây dựng chương trình, lựa chọn phương pháp giảng dạy, đào tạo đội ngũ giáo viên, đến xây dựng cơ sở vật chất, kỷ luật và văn hóa học đường. Cơ chế quản trị và vận hành hệ thống giáo dục cũng không ngoại lệ. Tất cả đều chịu sự định hướng và chi phối của triết lý chung. 

Do đó, triết lý giáo dục, một khi đã được xác lập, sẽ mang trong mình bản chất của sự độc đoán. Đó là một nghịch lý. Về nguyên tắc, để khắc chế sự độc đoán của triết lý giáo dục, thì bản thân nó phải mang trong mình nội hàm của sự tự do. Nếu không, triết lý ấy sẽ thoái hóa trở thành một sự áp chế độc đoán, và chắc chắn sẽ lạc hậu, bị phản đối và bị thay thế. 

Chỉ khi nào mang trong mình tinh thần của tự do, thì triết lý giáo dục mới đáng tin, mới thực sự là triết lý giáo dục, thay vì một khẩu hiệu để hô hào. Nhưng để tạo ra hai chữ "tự do" này, còn quá nhiều bài toán chưa được giải trong giáo dục nước nhà.

Câu chuyện về con người tự do đang trở thành một vấn đề thực tiễn và bức bách, khi sự phát triển của robot và trí tuệ nhân tạo đang ngày càng lấy đi hầu hết những công việc có tính lặp đi lặp lại. Dự báo của Đại học Oxford cho thấy, trong khoảng 20 năm tới, sẽ có khoảng 50% số công việc hiện giờ sẽ biến mất và được thực hiện bởi các robot. 

Thoạt nghe, 20 năm tưởng chừng là chuyện đường dài, nhưng trên thực tế, nó là khoảng thời gian tương ứng với việc một trẻ em ở tuổi đi học ngày hôm nay rời ghế nhà trường và để bước vào đời. 

Vì thế, phụ huynh, và cả các em, có quyền đặt ra câu hỏi: Vậy Nhà trường sẽ đào tạo con tôi trở thành người như thế nào, con người công cụ để cạnh tranh với robot, hay con người tự do, có khả năng đối mặt với những thay đổi mà thời đại công nghệ mang tới?

Đối mặt với câu hỏi đó, Nhà trường, đặc biệt là các trường công, không dễ gì có câu trả lời, vì nó thuộc về một vấn đề vĩ mô mà Nhà trường không chịu trách nhiệm và không đủ thẩm quyền để giải quyết. Đó là vấn đề của cả hệ thống giáo dục, và rộng hơn, là của quốc gia.

Với các trường tư, vì có thêm không gian để xoay xở, vấn đề sẽ đỡ ngột ngạt hơn và giải pháp cũng sẽ nhiều hơn. Nhưng thực hiện việc này cũng không phải dễ. Phải là những trường hiểu rất rõ, nắm rất vững về giáo dục và rất tâm huyết với giáo dục, thì mới có thể xoay chuyển được. 

Giờ xin trở lại với câu chuyện của ngày hôm nay, câu chuyện của người thầy trong những ngày tháng 11: Trong bối cảnh triết lý giáo dục của chúng ta còn mù mờ như thế, thì các nhà giáo phải làm gì? Cụ thể hơn, khi cả hệ thống giáo dục còn đang bế tắc về triết lý, khi bốn chữ "triết lý giáo dục" không xuất hiện trong Luật giáo dục và Dự thảo sửa đổi, thì nhà giáo phải làm gì, phải dạy như thế nào? 

Xin thưa, sứ mệnh đích thực của giáo dục là nâng đỡ và phát triển con người. Tương tự như bác sĩ, có thể không chữa được mọi loại bệnh, người thầy cũng không thể dạy cho học sinh mọi điều cần dạy. Nhưng có một điều người thầy có thể làm được, ngay cả khi giáo dục còn chưa có định hướng và triết lý rõ ràng. Đó là: Hãy nâng đỡ và phát triển con người.

Đó là sứ mệnh đích thực của giáo dục, cũng chính là sứ mệnh của người thầy. 

Giáp Văn Dương






No comments:

Post a Comment

View My Stats