Minh Anh – RFI
Đăng ngày 29-11-2018
Chủ
Nhật 25/11/2018, Nga bắt giữ ba tầu chiến của Ukraina sau một cuộc va chạm giữa
hải quân hai nước tại eo biển Kertch. Sự việc cho thấy Matxcơva đang kiểm soát
gần như hoàn toàn vùng biển Azov mà Nga và Ukraina từng ký kết thỏa thuận «
cùng quản lý ». Câu hỏi đặt ra : Liệu biển Azov có phải là « ao nhà
» của Nga, giống như Trung Quốc đang tham vọng kiểm soát gần như toàn
bộ Biển Đông ?
Tuy nhiên, theo giới quan sát, sự cố vừa xẩy ra sẽ
không đẩy Nga rơi vào trường hợp giống như Trung Quốc tại Biển Đông. Và những
gì Nga đang làm tại biển Azov chỉ làm cho Trung Quốc phải mơ đến tại Biển Đông.
Từ việc sáp nhập bán đảo Crimée, xây cầu nối bán đảo với lãnh thổ Nga, rồi dần
dần kiểm soát eo biển Kertch và vùng biển Azov… tất cả những bước đi này của
Nga chỉ gặp phải những phản ứng dè dặt từ Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu.
Khác với Trung Quốc, Nga tin chắc rằng tranh chấp tại
biển Azov sẽ không biến thành một thất bại ngoại giao quốc tế như những gì
Trung Quốc đang hứng lấy khi đòi hỏi chủ quyền trên hầu hết diện tích Biển
Đông.
Theo nhận định của đô đốc James Foggo, chỉ huy lực
lượng hải quân Mỹ tại châu Âu, trong một buổi hội thảo ở Hội đồng Đại Tây Dương
(Atlantic Council), Washington, hồi tháng 10/2018, được tờ Defense News trích
dẫn, có một sự khác biệt rất lớn giữa hai cuộc tranh chấp ở Biển Đông và biển
Azov.
Nếu như những đòi hỏi chủ quyền lãnh hải của Trung
Quốc tại Biển Đông đã bị tòa án Quốc tế La Haye và nhiều nước khác bác bỏ, thì
chủ quyền lãnh hải của Nga tại eo biển Kertch và biển Azov lại được xác định rất
rõ ràng và được quốc tế thừa nhận.
Vùng lãnh hải này là biển nội địa, nửa kín và được
quản lý theo điều khoản số 123 của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển, quy định
Nga và Ukraina phải « hợp tác trên mọi lĩnh vực hàng hải, kể cả việc tiếp
cận eo biển ».
Điều này cũng có nghĩa là sẽ không có chuyện Hoa Kỳ
hay nhiều nước phương Tây điều tầu chiến qua lại eo biển Kertch nhân danh «
tự do lưu thông hàng hải » như tại Biển Đông, bởi vì mọi ý định và mục
đích tại vùng nước và eo biển này đều liên quan đến quyền sở hữu và tài phán của
Nga và Ukraina.
Luật lệ quốc tế nêu rõ mọi giải pháp đều phải thông
qua các thỏa thuận song phương giữa Nga và Ukraina, nhất là vì cả hai nước đã
ký kết một đồng thuận về việc hợp tác trên mọi lĩnh vực liên quan đến eo biển.
Tuy nhiên, căn cứ theo bản thỏa thuận gốc giữa Nga
và Ukraina liên quan đến eo biển, thì Kiev vẫn có thể mời tầu chiến Hoa Kỳ hay
NATO ghé thăm các cảng biển nước này.
Trong khuôn khổ văn bản này, ngày 29/11/2018, tổng
thống Ukraina Petro Porochenko đã đề nghị các nước thành viên trong khối NATO
và nhất là Đức triển khai tầu chiến tại Biển Azov nhằm hỗ trợ nước này đối phó
với Nga.
Chỉ có điều một chiến dịch như thế rất có thể sẽ bị
xem như một hành động « khiêu khích »và có nguy cơ gánh lấy những
đòn trả đũa từ Nga.
---------------------------------
XEM
THÊM
BBC Tiếng Việt
29 tháng 11 2018
Một
nhà báo người Mỹ nói vụ Nga bắt tàu Ukraine ngoài khơi Crimea có thể là tiền lệ
xấu ở Biển Đông.
VIDEO
:
Tiền
lệ xấu từ vụ Nga bắt tàu Ukraine ở gần Crimea
Trong cuộc phỏng vấn với BBC News Tiếng Việt tại
London hôm 27/11/2018, nhà báo Greg Rushford cũng nói về tham vọng quân sự hóa
Biển Đông của Trung Quốc là có từ lâu.
Tuần này Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã
tuyên bố thiết quân luật trong vòng 30 ngày sau cuộc khủng hoảng Nga bắt giữ ba
tàu của Ukraine hôm Chủ Nhật ở eo biển Kerch, nơi nối Biển Đen với Biển Azov,
ngoài khơi Crimea.
"Nếu người ta không để mắt tới những gì mà Nga đã và đang làm tại
Ukraine thì nó sẽ gửi đi một tín hiệu ngay lập tức cho Bắc Kinh rằng Trung Quốc
có thể làm điều tương tự tại Biển Đông.
"Và tôi không hiểu sao Tổng thống Mỹ lại có điều gì khó khăn đến vậy
trong việc chỉ trích Nga và bày tỏ quan điểm thật về việc này".
Được biết các nhà lãnh đạo quốc tế gồm các ông
Donald Trump, Vladimir Putin, Tập Cận Bình, bà Angela Merkel...sẽ có mặt tại
Hội nghị G20 cuối tuần này ở Argentina.
Khi được hỏi về khả năng Hoa Kỳ có sẵn sàng tham chiến
với tranh chấp ở Biển Đông hay không, nhà báo Rushford nói:
"Chẳng ai muốn có chiến tranh cả nhưng cũng chẳng ai muốn Trung Quốc
muốn làm gì thì làm trong khu vực.
"Nếu câu hỏi là Hải quân Mỹ sẵn sàng cho chiến tranh vì vấn đề này
hay không thì rõ ràng là không. Nhưng chiến dịch tự do đi lại trên biển hay các
biện pháp khác là cần thiết để tạo áp lực.
"Tôi là một trong số ít các phóng viên vào hồi giữa thập niên 90 chứng
kiến việc Trung Quốc chiếm Đá Vành Khăn như thế nào. Trung Quốc chiếm phần lãnh
thổ này và ngay lập tức họ triển khai súng ống tại đây và rõ ràng ngay từ lúc đầu
Bắc Kinh đã có tham vọng quân sự hóa Đá Vành Khăn.
"Bill Clinton lúc đó là tổng thống Mỹ vào lúc đó đã trì hoãn việc xử
ly hành động này và tỏ quan điểm rằng
không cần thiết phải quá lo ngại về Trung Quốc vì họ quá nhỏ bé.
"Chính các quan chức Trung Quốc bác bỏ việc Bắc Kinh quân sự hóa Đá
Vành Khăn giữa thập niên 90 là các quan chức tham gia vào vụ việc Trung Quốc
đưa tàu tới bãi cạn Scarborough là thuộc chủ quyền Philippines và Hải quân
Philippines đã phải rời đây.
"Do đó hành động xâm lấn là rõ ràng và Trung Quốc có lâp trường bất
cần và Bắc Kinh hành xử như các lãnh chúa thời thế kỷ 18 và nay vấn đề trở nên
rất khó xử.
"Và nếu chúng ta trở lại vấn đề Nga đang làm tại Ukraine thì chúng
ta thấy giới hoạch định chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ phải hiểu rằng nếu ta
gửi đi một tín hiệu yếu thế tại một nơi nào đó trên thế giới với Nga thì Trung
Quốc sẽ cảm nhận và tận dụng nó," nhà báo Greg
Rushford, chủ bút trang The
Rushford Reportở Hoa Kỳ nói.
Xem
lại video về Biển Đông tháng 8/2018:
Hải quân TQ muốn máy bay Mỹ "rời ngay lập tức
No comments:
Post a Comment