Mai Vân – RFI
Đăng ngày 26-11-2018
Năm
2016 tổng thống Philippines Rodrigo Duterte bắt đầu sưởi ấm quan hệ với Trung
Quốc để có được đầu tư, Bắc Kinh từng hứa cung cấp 24 tỷ đô la tín dụng để
Manila nâng cấp hạ tầng cơ sở.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tổng thống Philippines Rodrigo
Duterte (P) trong buổi tiệc tối ở dinh tổng thống Malacanang, Manila,
20/11/2018.Mark Cristino
Thế nhưng theo các chuyên gia chỉ có một số rất ít
được thực sự chi ra. Chuyến công du Philippines đầu tiên của một chủ tịch Trung
Quốc từ hơn một thập niên, hai hôm 20 và 21/11/2018 vừa qua cũng không làm thay
đổi toàn cảnh đó, trong lúc ông Duterte bị cáo buộc là đã bị lừa khi đã dâng
trước chủ quyền Biển Đông của Philippines cho Trung Quốc.
Trong bài phân tích ngày 23/11 mang tựa đề « Quyết định
của Philippines xoay trục qua Trung Quốc vẫn chưa mang lại lợi quả, và Manila vẫn
ngóng trông các khoản tiền cam kết – (The Philippines' pivot toward China has
yet to pay off, as Manila awaits promised funds), kênh truyền thông Mỹ CNBC đã
nêu bật phản ứng của công luận Philippines, đang phê phán chính quyền Duterte
là đã vội vã nhượng bộ Trung Quốc về địa chính trị ở Biển Đông để đánh đổi lấy
hư không.
Đổi
phán quyết Biển Đông để lấy 24 tỷ đô la cam kết đầu tư, nhưng chưa thấy gì
Theo nhà báo Nyskha Chandran của CNBC, sau khi tuyên
bố « bỏ Mỹ, theo Tàu » và năm 2016, ông Duterte đã được chính quyền Tập Cận
Bình cam kết 24 tỷ đô la đầu tư và tín dụng để năng cấp hạ tầng cơ sơ tại
Philippines, nhưng cho đến nay, hầu như Manila vẫn chưa thấy tăm hơi những khoản
cam kết đó.
Bắc Kinh đã hứa với Manila đến10 dự án hạ tầng cơ sở
to lớn, nhưng theo nhà chính trị học Richard Heydarian, thuộc Đại Học La Salle ở
Philippines, chỉ mới có một dự án là đã đi vào thực hiện. Trong lúc đó thì ông
Duterte đã « giảm nhẹ hẳn việc tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc, và đi theo
đường lối của Bắc Kinh ».
Cựu tổng thống Philippines Benigno Aquino đã đưa vấn
đề tranh chấp lãnh thổ Trung Quốc - Philippines ở Biển Đông ra trước Tòa Trọng
Tài La Haye, và năm 2016, Tòa án đã ra phán quyết thuận lợi cho Manila, vô hiệu
hóa yêu sách của Bắc Kinh. Trung Quốc đã bác bỏ phán quyết đó. Nhiều người đã
chỉ trích ông Duterte là đã không làm gì để đòi hỏi Bắc Kinh tôn trọng phán quyết.
Chẳng những thế, chỉ vài tháng sau phán quyết nói
trên thì ông Duterte lại thay đổi chính sách đối ngoại, tuyên bố chia tay với đồng
minh Hoa Kỳ để quay sang đồng hành với Bắc Kinh.
Quyết định trên đã khiến nhiều người Philippines giận
dữ. Họ cho rằng tổng thống của họ đã nhượng bộ ở Biển Đông để có được tiền từ
Trung Quốc nhưng lại chẳng thấy gì.
Gần một nửa trong số 75 dự án hạ tầng cơ sở của ông
Duterte - trụ cột của chiến lược kinh tế « Xây Dựng, Xây Dựng và Xây Dựng », trị
giá 180 tỷ đô la, dự trù dùng tiền của Trung Quốc, nhưng đến nay, theo hãng tin
Anh Reuters chỉ mới có ba đề án là nhận được tài trợ.
Bộ trưởng Tài Chính Philippines Benjamin Diokno, hôm
thứ Hai tuần trước (19/11), đã thừa nhận rằng đầu tư Trung Quốc đến rất chậm.
Hiện nay tổng thống Duterte vẫn còn được hậu thuẫn rộng
rãi của dân chúng, nhưng các cuộc thăm dò cho thấy người Philippines rất dè dặt
về chính sách của ông đối với Trung Quốc. Theo kết quả cuộc thăm dò dư luận do
viện Social Weather Station công bố hôm 19/11, hơn 80% người được hỏi cho rằng
Philippines nên chống lại việc Trung Quốc quân sự hóa các đảo nhân tạo đã bồi đắp
ở Biển Đông.
29
thỏa thuận ký kết, nhưng chỉ là thứ yếu
Trong bối cảnh những cam kết tài trợ của Trung Quốc
cho ông Duterte rõ ràng là chưa thành hiện thực, đồng thời chính sách thân Bắc
Kinh của tổng thống Philippines bị chỉ trích là không mang lại lợi ích mong muốn,
nhiều nhà quan sát cho rằng Bắc Kinh sẽ phải cố buông ra một cái gì nhân chuyến
công du Philippines của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Quả thực là nhân chuyến thăm Philippines của ông Tập
Cận Bình, Manila và Bắc Kinh đã ký đến 29 thỏa thuận trên nhiều lãnh vực, từ hợp
tác giáo dục cho đến xây dựng khu công nghiệp. Tuy nhiên, theo chuyên gia
Heydarian, khi xem xét kỹ, thì giá trị các văn kiện đó chẳng là bao.
Đại đa số các văn bản được ký kết chỉ là những biên
bản ghi nhớ và những khuôn khổ hợp tác mơ hồ, hầu như có rất ít thỏa thuận có
liên quan đến việc thực hiện các dự án hạ tầng cơ sở quan trọng.
Trong một bản thông cáo công bố hôm thứ Tư 21/11 vừa
qua, phó tổng thống Philippines bà Leni Robredo, một trong những chính khách đối
lập với tổng thống Duterte, đã lên tiếng lưu ý rằng « tình hữu nghị song phương
không được quyền ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia và dân tộc ». Đối với phó tổng
thống Robredo : « Chủ quyền của Philippines không thể bị tác động bởi bất kỳ thỏa
thuận nào với bất kỳ quốc gia nào ».
Trung
Quốc đã được Duterte nhượng bộ về Biển Đông nên không cần giữ lời hứa
Khái niệm chủ quyền được bà Robredo nhắc đến được
cho là liên quan đến Biển Đông. Trong chuyến thăm Philippines của ông Tập Cận
Bình, hai bên đã cam kết quản lý đúng đắn các bất đồng ở Biển Đông.
Điều làm giới quan sát thắc mắc là không rõ là tổng
thống Duterte có đề cập đến phán quyết của Tòa Trọng Tài La Haye năm 2016 hay
không. Thế nhưng hai bên đã ký một thỏa thuận cùng khai thác dầu khí ở vùng biển
tranh chấp, cho dù theo phán quyết nói trên thì Trung Quốc không có quyền hạn
gì ở vùng này.
Theo chuyên gia Malcolm Cook, thuộc viện nghiên cứu
Đông Nam Á Yusof Ishak tại Singapore, thì « tổng thống Duterte đang ở trong thế
yếu trước Trung Quốc và chính ông đã tự đặt mình trong thế đó ».
Chuyên gia này giải thích : « Ông Duterte đã xích lại
gần Trung Quốc quá nhanh, quá toàn diện ngay sau khi lên cầm quyền, và đã cho
Trung Quốc tất cả những gì họ muốn trước khi Bắc Kinh đền đáp lại. Cho nên
không mấy ngạc nhiên khi thấy những lợi lộc kinh tế mà Trung Quốc hứa cho
Philippines lại đến ít và chậm hơn là cam kết. »
Theo giới quan sát, có nhiều lý do khiến Trung Quốc
tài trợ chậm trễ cho các đề án hạ tầng cơ sở của Philippines.
Các đề án như tuyến đường xe lửa Mindanao Railway chẳng
hạn, một phần của Con Đường Tơ Lụa Mới, mang tính chất chính trị nhiều hơn là
thương mại, do đó các ngân hàng Trung Quốc do dự trong việc chi tiền. Theo
chuyên gia Cook, « Sáng kiến Một Vành Đai, Một Con Đường đã bắt nhiều ngân hàng
phải gồng gánh những khoản cho vay về hạ tầng cơ sở mà hiệu quả rất đáng ngờ ».
Ông Heydarian thì nhìn thấy một khía cạnh khác : « Bắc
Kinh không cảm thấy cần phải gấp rút đầu tư vì họ đã đạt được những nhượng bộ
mà họ muốn từ Manila ».
No comments:
Post a Comment