Như đã hứa với nhiều bằng hữu, tôi sẽ viết lại hồi
ký trong tù khi thời khắc thích hợp đã điểm. Đó là một câu chuyện dài, phức tạp
và tôi đánh dấu sự quay trở lại của mình bằng chuyến hành hương về Việt Nam.
Sẽ phải tốn rất nhiều thời gian, công sức để kể lại
câu chuyện này vì nó là một quá trình dài 2,5 năm tôi ngồi tù, và vì nó còn
liên quan, dính líu đến quá nhiều con người cũng như các khía cạnh và góc độ
pháp lý của vụ án. Tôi chỉ xin nói ngắn gọn rằng, tôi hoàn toàn không có án và
việc đưa tôi cũng như các anh em khác trong vụ án ra tòa chỉ là một sự dàn xếp,
thỏa thuận giữa các bên (ngoại trừ Ls Nguyễn Văn Đài).
Tôi đã im lặng trong một thời gian khá dài, điều này
đã tạo cơ hội cho những kẻ xấu cố tình (mà tôi sẽ nêu cụ thể ở đây là Ls Nguyễn
Văn Đài) phao tin đồn nhảm rằng tôi bị tâm thần, cố tình hạ uy tín của tôi để
nhằm bảo vệ mình, mặc dù tôi đã cảnh cáo vài lần là phải đính chính thông tin,
nếu không tôi buộc phải công khai sự thật để bảo vệ bản thân.
Việc tôi có mặt ở Đức là một hệ lụy từ vụ việc của
Trịnh Xuân Thanh, hay nói đúng hơn, việc Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc tại
Berlin, Đức là hệ lụy từ việc các cơ quan chức năng Việt Nam đã không thể kết
án được vụ án của tôi, và cũng là một phần trong tổng kế hoạch mà nhà nước Việt
Nam đã thiết lập để đối phó với trường hợp hy hữu và bê bối xưa nay chưa từng
có: lần đầu tiên trong lịch sử làm án (không chỉ riêng án chính trị mà kể cả
các vụ án kinh tế hay án hình sự khác), họ không thể kết luận được vụ án ngay
trong quá trình điều tra.
Tôi xin cám ơn tình cảm yêu mến của rất nhiều anh em
bạn bè đã giúp đỡ tôi và gia đình trong thời gian tôi ở tù, cũng như thời gian
ban đầu tôi đặt chân đến Đức. Nhưng tôi cũng xin nhắc lại rằng, tôi không mang
ơn nước Đức hay bất kỳ ai đã đưa tôi đến Đức. Đây là sự trao đổi sòng phẳng, và
Đức đã mang tôi sang đây, trước hết là vì lợi ích của họ.
Nhân tiện, tôi cũng xin nói rõ ràng quan điểm của
mình rằng, người Việt, nếu muốn thay đổi vận mệnh đất nước, nhất định phải dựa
vào nội lực của mình, đừng dựa vào thế lực từ bên ngoài nào, và cuộc cách mạng
đó nhất định sẽ phải đến từ người dân trong nước, người Việt hải ngoại hay áp lực
quốc tế chỉ có tác nhân trợ lực mà thôi.
Để rộng đường dư luận, tôi xin đăng tải ở đây biên bản
dừng xuất cảnh khi tôi trở về Việt Nam trong chuyến đi vừa rồi. Biên bản này
hoàn toàn không có con dấu, nghĩa là vô giá trị về mặt pháp lý. Nói rõ ràng
hơn, hoàn toàn không có việc tôi bị trục xuất khỏi Việt Nam mà được hiểu như là
sự thỏa thuận ngầm giữa các bên. Kèm theo đó là đoạn hội thoại giữa tôi và Luật
sư Nguyễn Văn Miếng, một trong các luật sư bào chữa trong vụ án của tôi để khẳng
định thông tin tôi đang cung cấp là sự thật, tôi hoàn toàn không hề bị tâm thần
cũng như chưa từng bị khủng hoảng do bị đàn áp trong nhà tù. (Xem : https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=198000554439221&id=100026878333327
)
Tôi cũng xin đính chính rằng, không có một lý do
nhân đạo nào từ phía Đức trong cuộc dàn xếp trao đổi lợi ích, giải quyết khủng
hoảng ngoại giao giữa hai chính phủ. Việc chính quyền Việt Nam tìm cách đưa tôi
sang Đức, cũng như tiến hành bắt bớ, đàn áp hàng loạt các nhà hoạt động trong
nước là để tìm kiếm cơ hội thỏa thuận với tôi và nhằm hạn chế ở mức thấp nhất
khả năng bị tôi kiện tụng, nếu không những cá nhân đã ra lệnh bắt tạm giữ, tạm
giam… và phê chuẩn các lệnh đó sẽ phải vào tù bóc lịch thay tôi.
Tôi cũng nói rõ rằng, không có một sự can thiệp, hay
một quyền năng từ bên ngoài nào có thể đưa tôi quay trở lại Đức, mà đó là quyền
lực nằm trong tay tôi, thứ quyền lực của kẻ không quyền lực mà tôi buộc chính
quyền Việt Nam cũng như chính phủ Đức phải cùng chơi ngang ngửa với mình. Bởi
tôi đã nhận được khá nhiều đe dọa rằng khi tôi lựa chọn trở về, bản án 9 năm tù
giam sẽ có hiệu lực trở lại và rằng Đức sẽ tước bỏ mọi quyền lợi của tôi nếu
tôi lựa chọn trở về. Tôi có rất nhiều mục đích trong chuyến trở về này, bao gồm
cả hy vọng mong manh rằng tôi có thể được gặp gia đình dù chỉ trong chốc lát.
Tôi chờ ở đây một lời công khai xin lỗi từ phía người
có liên quan đã cố tình phao tin thất thiệt nhằm hạ bệ tôi. Nếu không, tôi buộc
sẽ phải có những biện pháp tiếp theo nhằm bảo vệ danh dự của mình.
P.s: trong facebook của tôi không có Ls Nguyễn Văn Đài nên tôi rất mong quý
bạn hữu hãy tag anh ấy vào bài viết này nhằm tránh việc tôi nói xấu anh ấy khi
vắng mặt ạ. Tôi xin cảm ơn.
--------------------------------------
XEM
THÊM
Nguyễn
Văn Vui
25/11/2018
"Bạn có thể xếp tôi vào thành phần thiểu số những
cá nhân hậm hực, bất mãn với chế độ, và bạn có thể dè bỉu khi bảo rằng tôi đang
lầm đường lạc lối, nhưng bạn hãy chờ đi nhé, cho dù hiện nay, công cuộc đấu
tranh này còn đối mặt với nhiều gian nan, trở ngại nhưng một ngày nào đó, tôi sẽ
chứng minh cho bạn thấy con đường tôi đang đi hoàn toàn đúng. Hãy nhìn xuyên suốt
lịch sử, bạn sẽ thấy một điều rõ ràng, tất cả mọi cuộc đấu tranh chính nghĩa đều
bắt đầu từ thiểu số!"
Người viết câu khẳng khái này không phải là Ghandi,
Nelson Mandela hay Lưu Hiểu Ba. Người viết câu này là một phụ nữ Việt Nam can
trường, can trường không kém gì những Lê Thị Công Nhân, Mẹ Nấm, Đỗ Thị Minh Hạnh,
Bùi Thị Minh Hằng, Tạ Phong Tần, Nguyễn Phương Uyên, Huỳnh Thục Vy, Phạm Đoan
Trang, Trịnh Kim Tiến… và hàng ngàn phụ nữ Việt khác, đã và đang đối đầu từng
ngày từng giờ trước nhà nước Hà Nội, cái nhà nước hèn với giặc và ác với dân.
Lê Thu Hà là một nhà hoạt động nhân quyền trẻ, một hội
viên tích cực ngay từ đầu của Hội Anh Em Dân chủ -mà LS Nguyễn Văn Đài là chủ tịch.
Lê Thu Hà đã bị bắt cùng với LS Nguyễn Văn Đài trong
một chuyến đi vận động tại Nghệ An tháng 12/2015. Lê Thu Hà và các thành viên
khác của Hội Anh Em Dân chủ đã bị CS giam cầm khắc nghiệt suốt hai năm rưỡi. Lê
Thu Hà đã bị biệt giam trong xà lim 6 mét vuông với 3 lần cửa sắt, hành hạ, khảo
cung, khủng bố ngày đêm. Và trong thời gian này, Lê Thu Hà đã lâm bịnh. Sức khỏe
tinh thần bị gãy đổ nhanh chóng, như túp lều tranh trước cơn bão hung hãn.
Trong một phiên tòa dàn dựng kịch cởm hôm 5/4/2018,
với cáo buộc "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền", theo Điều 79, Lê
Thu Hà đã bị tuyên án 9 năm tù, 2 năm quản chế. Trong tháng 6 vừa qua, Lê Thu
Hà được nhà cầm quyền HN trả tự do (cùng với LS Nguyễn Văn Đài) sau những vận động
tích cực của quốc tế, với điều kiện phải bị trục xuất lập tức ra khỏi VN, đưa
thẳng ngay qua Đức, mặc dù Lê Thu Hà không muốn rời bỏ quê hương.
Ngay từ ngày đầu tiên tại Đức, Lê Thu Hà đã cho thấy
nhiều biểu hiện suy sụp tinh thần, lo âu lan tỏa và sợ hãi quá mức trong các
tình huống xã hội thông thường.
Hôm 20/11 vừa qua, Lê Thu Hà đã quyết định mua vé
bay về VN. Và chuyện gì phải đến, đã đến: tại sân bay Nội Bài, Lê Thu Hà đã bị
chận lại, cấm không cho nhập cảnh và bị buộc phải xuất cảnh ngay lập tức sang
Thái Lan để trở về lại Đức. Tin tức đã được lan truyền nhanh chóng và làm dấy
lên một làn sóng tranh cãi trên mạng xã hội, trong đó không thiếu những chỉ
trích Lê Thu Hà một cách thiếu căn cứ, dù nhiều người không biết rõ sự tình bên
trong cho lắm.
Bài này xin góp một cái nhìn từ góc cạnh y khoa.
Tiền sử về chấn thương cũng như các triệu chứng cho
thấy Lê Thu Hà mắc Hội chứng hậu chấn thương tâm lý, mà tên tiếng Anh là PTSD –
Posttraumatic Stress Disorder. Ở VN thường gọi là „Rối loạn Stress sau sang chấn“.
Đó là một rối loạn tâm lý, tổn thương về mặt tinh thần
nghiêm trọng, ở những người đã trải qua một biến cố hãi hùng có gắn liền với những
đe dọa đến tính mạng.
Rối loạn tâm lý này xảy ra muộn nhưng dai dẳng và vẫn
tiếp tục kéo dài sau đó, khi sự kiện gây sang chấn đã kết thúc từ lâu. Amnesty
international cho biết bệnh này rất thường gặp ở những cựu tù nhân bị tra tấn
lâu năm, bị cưỡng hiếp, hoặc bị khủng bố tinh thần trong tù một cách có hệ thống,
như bị đe dọa thủ tiêu, giết chết người thân…
Hội chứng hậu chấn thương tâm lý thường xuất hiện ở
người trẻ tuổi. Chấn thương đối với nam giới đa số là tham gia chiến tranh, chứng
kiến những cảnh giết chóc thảm khốc ngoài chiến trận, trong khi đối với nữ giới
đa số là bị bạo hành hay cưỡng bức tình dục. Rối loạn này thường xảy ra nhất ở
những người độc thân, ly dị, góa bụa …
Những chấn thương tâm lý nghiêm trọng nhất là khi có
sự phá vỡ những mối quan hệ thân thiết, gây mất lòng tin nặng nề, hoặc khi có sự
phá vỡ sự toàn vẹn của bản ngã, như trong trường hợp nạn nhân bị tra khảo, hay
bị uy hiếp trong điều kiện stress quá sức chịu đựng.
Hội chứng hậu chấn thương tâm lý được ngành tâm thần
hiện đại chia làm 3 nhóm triệu chứng tâm lý chính:
(1) Các triệu chứng cảm nhận lại: Bệnh nhân thường
nhớ lại hoàn cảnh sang chấn một cách vô thức. Sự nhớ lại này cũng có thể được
thể hiện qua các giấc mơ (thường là ác mộng), trường hợp nặng thì có ảo giác, ảo
thanh hay ảo thị.
(2) Các triệu chứng tránh né: Bệnh nhân luôn cố
tránh né các ý nghĩ, những hoạt động, nơi chốn, hay những cuộc nói chuyện có nội
dung có thể làm họ nhớ lại hoàn cảnh sang chấn. Sự cố tình tránh né này có thể
làm họ không còn nhớ nổi những điểm quan trọng về hoàn cảnh sang chấn. Họ không
còn thích tham gia những hoạt động mà trước kia họ đam mê. Ngoài ra họ luôn bi
quan về tương lai. Bệnh nhân có nhiều dấu hiệu của trầm cảm (nên thường dễ bị
chẩn đoán nhầm là bị bệnh trầm cảm).
(3) Các triệu chứng tăng cảnh giác về một khả năng
trở lại của sang chấn, làm cho nạn nhân luôn ở trong trạng thái đề phòng những
việc xấu có thể xảy ra và thường bị giật mình, lo sợ mông lung. Khi triệu chứng
nặng, trí nhớ suy sụp, giảm tập trung, giảm khả năng phán đoán và suy luận, làm
cho bệnh nhân gặp khó khăn khi phải chủ động quyết định số phận của chính mình
và việc hoạch định các hành động của họ thường thiếu tính logic (như việc đột
xuất mua vé về Việt Nam của Lê Thu Hà vừa qua).
Theo cách phân loại của WHO về 6 loại nạn nhân chịu
tác động của thảm họa gây sang chấn, thì Lê Thu Hà thuộc loại I, nghĩa là người
trực tiếp bị nạn.
Việc điều trị hội chứng hậu chấn thương tâm lý là một
quá trình lâu dài và phức tạp. Lâu dài, vì các liệu pháp tâm lý như liệu pháp
nhận thức hành vi (Cognitive behavioral therapy) hoặc điều trị phơi sáng
(Exposure therapy) khi nào cũng đòi hỏi nhiều tháng và nhiều năm điều trị liên
tục. Và phức tạp, vì trong trường hợp của Lê Thu Hà người ta gặp 2 khó khăn lớn:
vấn đề ngôn ngữ và hỗ trợ gia đình – xã hội. Trong ngành tâm thần học, ngôn ngữ
chung giữa người bệnh và thầy thuốc là vô cùng quan trọng để việc điều trị đem
lại kết quả, mà Lê Thu Hà thì chưa thể rành rỏi tiếng Đức (một ngôn ngữ nổi tiếng
là khó), còn bác sĩ chuyên khoa tâm thần học người Việt thì ở Đức lại quá hiếm
hoi. Bên cạnh đó, sự nâng đỡ, trợ giúp của người thân và gia đình đối với bệnh
nhân là điều rất cần thiết trong quá trình điều trị kéo dài, mà Lê Thu Hà lại ở
trong hoàn cảnh “bơ vơ”, “mất chỗ dựa” sau khi bị trục xuất thẳng qua xứ lạ quê
người, hoàn toàn trơ trọi, không gia đình, không bạn bè thân thiết.
Cho nên trước những chỉ trích có nhiều phần ác độc
và đôi khi thể hiện nhận thức tương đối hạn hẹp của một số người, tác giả xin mời
tất cả những ai hiện nay đang quá hăng hái trong việc chỉ trích việc Lê Thu Hà
mua vé bay về VN hôm 20/11. vừa qua – hãy đọc lại đoạn văn khẳng khái ở đầu bài
mà Lê Thu Hà đã viết trong thời gian bị CS giam cầm trong nhà tù B14 của bộ
Công an, rồi thành thật tự trả lời 3 câu hỏi sau đây:
1. Nếu Bạn đang sống ở VN và đối diện từng ngày với
với bộ máy cầm quyền Hà Nội vừa tham ô, hà hiếp dân lành, vừa bán đất, bán rừng
cho Tàu, thì Bạn có đủ can trường để tham gia không lưỡng lự vào công cuộc đấu
tranh cho dân chủ và tương lai của đất nước, như Lê Thu Hà đã từng làm trước
khi bị bắt vào năm 2015, hay không?
2. Giả thử nếu Bạn bị CS bắt giam, đánh đập và khủng
bố ngày đêm trong lao tù suốt 2 năm rưỡi trời, thì Bạn có đủ đảm lược để viết
ra được những lời lẽ bất khuất như Lê Thu Hà đã làm, hay không?
3. Và nay, khi đã hiểu một phần nào các hậu quả khốc
hại của bộ máy trù dập và nghiền nát cả thể xác lẫn tinh thần con người của
CSVN –qua trường hợp của Lê Thu Hà nói riêng và của hàng trăm, hàng ngàn anh chị
em đấu tranh dân chủ khác trong nước nói chung- thì Bạn có thể đóng góp gì, làm
gì thực tiễn để giúp đỡ và cưu mang họ?
Xin bình tâm suy nghĩ trước khi phê phán Lê Thu Hà.
23.11.2018, Đức Quốc
N.V.V.
Tác giả gửi BVN
No comments:
Post a Comment