Viet
Thanh Nguyen
Ngự
Thuyết chuyển ngữ
25/11/2018
Trang
bìa số báo TIME đề ngày Nov. 26 / Dec. 3, 2018 có dòng chữ lớn: WHO GETS TO BE
AMERICAN? by Viet Thanh Nguyen.
Nguyễn Thanh Việt là nhà văn Mỹ gốc Việt, viết bằng
tiếng Anh, đã đoạt giải Pulitzer về văn học năm 2016 qua tác phẩm THE
SYMPATIZER, và nhiều giải văn học lớn khác như Andrew Carnegie Medal for
Excellence in Fiction, Center For Fiction First Novel Prize.
Bài tiểu luận
AMERICAN LIKE ME của Nguyễn Thành Việt được đăng trong số báo TIME nói trên.
Ngự Thuyết chuyển ngữ
*
*
MỸ NHƯ TÔI
Viet Thanh Nguyen
Ngự
Thuyết chuyển ngữ
YÊU NÓ HAY RỜI NÓ. Bạn đã nghe một người nào đó nói như thế? Hay bạn đã
nói điều đó? Bất cứ người nào đã nghe năm tiếng đó đều hiểu nó mang ý
nghĩa gì, vì hầu như nó luôn luôn chỉ nước Mỹ. Ai đã nghe câu nói ấy đều
hiểu rằng đấy là một khẩu súng đã lên đạn nhắm vào mình.
Khi phát biểu câu đó, bạn có ngụ ý nói với lòng tử tế, với sự đồng cảm, với mỉa
mai, với châm biếm, với hài hước không phải là lối hài hước đầy ác ý? Hay phải
chăng câu nói ấy luôn luôn mang tính đe dọa trắng trợn?
Tôi hỏi là do tôi tò mò thật sự, vì chính tôi không bao giờ nói câu đó để nhắm
vào nước nào hay nơi chốn nào. Tôi không bao giờ nói “yêu nó hay rời nó” với đứa
con trai của tôi, và tôi hy vọng tôi sẽ không bao giờ nói thế, vì đấy không phải
là loại tình yêu mà tôi muốn có, đối với con tôi hay quê hương tôi, dù đó là
quê hương nào đi nữa.
Tại đất nước tôi đang viết những dòng này là nước Pháp, không phải là quê hương
của tôi, nhưng nó đã chiếm nước Việt Nam nơi tôi sinh ra làm thuộc địa đến hai
phần ba thế kỷ. Nền cai trị của Pháp chấm dứt chỉ 17 năm trước khi tôi ra đời.
Cha mẹ tôi và cha mẹ của những người khác chỉ biết đó là chủ nghĩa thực dân
Pháp. Có lẽ vì sự kiện lịch sử này mà một phần nào trong tôi yêu nước Pháp, một
thứ tình yêu, trong một mức độ nào đó, bắt nguồn từ tình trạng bị Pháp thuộc địa
hóa về mặt tinh thần.
Vì bị chiếm làm thuộc địa, tôi không yêu nước Pháp như nhiều người Mỹ yêu nước
Pháp, những người mơ về tháp Eiffel, về ngụm cà phê tại Les Deux Magots, về những
món ăn ngon lành tại Provence. Đấy là tình yêu lãng mạn, được nghe nhạc phong cầm,
được nghe Édith Piaf hát, những thứ mà tôi chỉ quan tâm thoáng qua. Tôi không
thể không nhìn vào di sản của chủ nghĩa thực dân, hiện rõ khắp nơi tại
Paris nếu ta muốn nhìn thấy nó: người gốc Phi Châu, Ả Rập có mặt tại đây vì
Pháp đã từng có mặt tại quê hương nơi họ ra đời. Lãng mạn hoá cuộc sống của những
người đó, thường ở bên lề của xã hội Pháp, không phải là dễ, đó là lý do tại
sao người Mỹ hiếm khi nói về họ như là một phần của trí tưởng tượng dồi dào vể
Paris.
Trí tưởng tượng thật là cám dỗ, đặc biệt là bắt nguồn từ lịch sử Việt Nam của
tôi. Đa số người Pháp gốc Việt mà tôi quen biết đều hài lòng, ngay cả khi họ am
hiểu những trang sử bị chiếm làm thuộc địa. Tại sao không? Một người bạn Ma-rốc
ở Paris chỉ vào màu da tôi giống như những người Pháp có tổ tiên Việt Nam và
nói, “Anh là người da trắng ở nơi này.” Nhưng ở Mỹ tôi không phải là người da
trắng, hay chưa phải. Tôi được tạo dựng tại Mỹ nhưng ra đời tại Việt Nam, và gốc
gác của tôi không thể nào tách rời khỏi ba cuộc chiến: cuộc chiến Việt chống
Pháp; cuộc chiến Việt đánh nhau; và cuộc chiến Hoa Kỳ đánh tại Việt Nam.
Nhiều người Mỹ xem đó là cuộc chiến cao cả, dù có thể có sai lầm, là tấm gương
của thiện ý của người Mỹ. Và trong khi cũng có một ít sự thật trong đó, nó cũng
chỉ là sự tiếp nối của chiến tranh thuộc địa Pháp, một cuộc chiến mang tính
phân biệt chủng tộc, và đế quốc trên căn bản và trong hành động. Như vậy, cuộc
chiến này chỉ là biểu thị của sự bành trướng qua mấy thế kỷ của đế quốc Mỹ khởi
đầu từ sự ra đời của chính thuộc địa của nó rồi xuyên qua biên giới, tới miền
Tây nước Mỹ, Mễ Tây Cơ, Hawaii, Guam, Puerto Rico, Phi Luật Tân, Nhật bản, Triều
Tiên, Việt Nam và bây giờ là Trung Đông.
Một cuộc chiến có thể là một sai lầm. Một chuỗi dài cuộc chiến lại là một khuôn
mẫu. Người da đỏ là bọn khủng bố nguyên thuỷ trong tưởng tượng Mỹ. Sự diệt chủng
người da đỏ do người lập nghiệp da trắng phạm phải là bộ mặt trái xấu xí của lễ
Tạ Ơn, sự kiện đó không hoàn toàn được nhớ lại, cũng không hoàn toàn bị lãng
quên, ngay cả tại Pháp vẫn có hình ảnh người Mỹ bản xứ trần truồng nửa người, đầu
đội nón lông gà. Mấy thế kỷ sau, ký ức ngấm ngầm của tội diệt chủng –hay trong
lễ ăn mừng cuộc chiến chinh phục – lại nổi dậy khi lính Mỹ gọi lãnh thổ thù nghịch
ở Việt Nam là “vùng đất của Người Da Đỏ.” Bây giờ người Hồi Giáo là đám tiện
dân mới trong khi bọn khủng bố là cộng sản mới, vì cộng sản cũ không còn là mối
đe doạ quá trầm trọng nữa và mỗi xã hội cần có một Kẻ Khác để xác định những
ranh giới và nỗi sợ hãi về nó.
Nhiều người Mỹ không thích nghe những điều nói trên. Một cựu chiến binh Mỹ, một
hạ sỹ quan, giận dữ viết cho tôi sau khi đọc một bài tiểu luận của tôi về những
vết sẹo mà người tỵ nạn Việt Nam mang theo. Anh nói, người Mỹ đã hy sinh cho đất
nước tôi, gia đình tôi, và tôi. Tôi phải biết ơn. Khi tôi viết thư trả lời bảo
rằng anh giận dữ như thế thì chỉ làm tổn thương cho chính mình mà thôi, anh ta
lại viết tiếp một lá thư khác càng giận dữ hơn. Một cựu chiến binh khác, một sỹ
quan, nay là nha sỹ và bác sỹ, đọc cuốn tiểu thuyết The
Sympathizer của tôi, gởi cho tôi một lá thư giọng điệu ôn tồn hơn
nhưng mang một thông điệp thẳng thừng. Anh có vẻ như thích cộng sản lắm, anh ấy
nói. Sao anh không trở về Việt Nam? Và mang theo con anh?
Tôi mệt quá, không trả lời anh ấy. Lẽ ra tôi phải trả lời. Tôi phải lưu ý anh rằng
có lẽ anh chưa đọc hết cuốn tiểu thuyết của tôi, vì phần cuối cùng của cuốn
sách kết tội những thất bại tai hại của cộng sản tại Việt Nam. Có lẽ anh không
bao giờ bỏ qua chuyện đó vì phần đầu của cuốn sách làm cho anh bực mình, nó lên
án chiến tranh Mỹ tại Việt Nam. Có lẽ anh không đọc đến phần giữa của cuốn
sách, ở đó tôi cũng châm biếm những thất bại của chính quyền mà tôi là công
dân, nước Việt Nam Cộng Hòa, miền Nam.
Tôi phê bình không phải vì tôi ghét tất cả những đất nước mà tôi biết nhưng vì
tôi yêu những đất nước đó. Tình yêu ấy quả khó khăn vì lịch sử của những nước
đó, giống như lịch sử của tất cả các nước, rất là phức tạp. Mọi nước đều tin tưởng
vào cái đẹp của chính họ và từ nhãn quan đó, họ dựng lên những nền văn hóa tốt
đẹp, có Pháp trong đó. Tuy nhiên mọi nước cũng bị vấy bẩn trong máu của chinh
phục và bạo lực, có Việt Nam trong đó. Nếu chúng ta yêu quê hương chúng ta,
chúng ta có bổn phận không phải chỉ tâng bốc quê hương đó nhưng cũng phải nói
lên sự thật về nó với tất cả cái đẹp đẽ cũng như cái bạo tàn, có Mỹ trong đó.
Nếu tôi có viết lá thư trả lời, tôi đã phải hỏi vị nha sỹ và bác sỹ này tại sao
anh ta đe dọa đứa con trai của tôi, nó sinh ra tại Mỹ mà. Quyền công dân của nó
là hiển nhiên, cũng đúng đắn như quyền công dân của ông nha sỹ, ông bác sỹ, và
ông cựu quân nhân. Và ngay cả khi con tôi được bảo rằng yêu nó hay rời
nó. Cái lối bảo ban đó có mang tính chất Mỹ không? Có. Và không. “Yêu nó hay rời
nó” là hoàn toàn có tính chất Mỹ và, đồng thời cũng không Mỹ một chút
nào, y như tôi vậy.
Khác với đứa con trai của tôi, tôi phải nhập quốc tịch
Mỹ. Tôi có yêu nước Mỹ vào thời điểm tôi nhập tịch không? Thật khó nói, vì tôi
không bao giờ nói "Tôi yêu em, anh, nó, cái đó ...." với bất cứ ai, kể
cả với cha mẹ tôi, lại càng không nói với một xứ sở. Nhưng tôi vẫn muốn
tuyên thệ làm công dân Mỹ khi tôi là một thanh niên mới lớn. Đồng thời, tôi muốn
giữ tên Việt Nam của tôi. Tôi đã cố gắng chọn nhiều tên Mỹ khác nhau cho
thích hợp. Tất cả đều gượng gạo. Chỉ cái tên cha mẹ đặt cho tôi mới tự nhiên,
có lẽ vì cha tôi không bao giờ thôi bảo tôi rằng, "Con 100% Việt
Nam."
Bằng cách giữ cái tên cũ đó, tôi có thể trở thành một người Mỹ mà không quên rằng
tôi sinh ra tại Việt Nam. Nghịch lý thay, tôi cũng tin rằng khi giữ lại tên cũ,
tôi càng gắn bó với nước Mỹ. Không phải nước Mỹ của những người bảo, "yêu
nó hoặc rời nó," nhưng với nước Mỹ của tôi, một nước Mỹ mà tôi tự buộc
phải nói lên cái tên của tôi, thay vì một nước Mỹ áp đặt cái tên cho tôi.
Đặt tên cho đứa con trai của tôi lại là cả một thử thách. Tôi muốn đặt một tên
Mỹ nào mà nó có thể diễn tả được những rắc rối phức tạp của nước Mỹ của chúng
ta. Tôi chọn Ellison, phỏng theo tên nhà văn lớn Ralph Waldo Ellison, chính ông
ta cũng phỏng theo Ralph Waldo Emerson, triết gia vỹ đại. Phả hệ của con
tôi sẽ là đen và trắng, văn học và triết học, Mỹ gốc Phi Châu và Mỹ. Phả hệ này
biểu đạt sự vỹ đại và cũng là nỗi kinh hoàng của nước Mỹ, nền dân chủ
cũng như chế độ nô lệ. Một số người Mỹ thích tin rằng sự vỹ đại nối tiếp nỗi
kinh hoàng, nhưng với tôi, vỹ đại và kinh hoàng tồn tại đồng thời, vì đã xẩy ra
ngay từ khởi đầu của của lịch sử Hoa Kỳ của chúng ta và có lẽ kéo dài đến tận
cùng. Một cái tên như Ellison nén lại cái đẹp và sự bạo tàn của nước Mỹ vào bảy
chữ cái (Ellison, NT chú thích), kết quả của tuyệt vọng và hy vọng.
Đây là một gánh nặng đè lên đứa con cho dù nó không nặng hơn gánh nặng mà cha mẹ
tôi đặt lên tôi. Tên của tôi là tên của dân tộc Việt Nam, mà huyền sử ái quốc
đã chứng tỏ rằng để được độc lập và tự do chúng tôi đã phải chịu đựng bao nỗi
thống khổ qua nhiều thế kỷ. Vậy mà nước Việt Nam ngày nay có độc lập nhưng thiếu
tự do. Tôi không bao giờ có thể trở lại Việt Nam vĩnh viễn, vì tôi không bao giờ
có thể là nhà văn tại đấy và nói những gì tôi muốn nói mà không bị bỏ tù.
Cho nên tôi chọn tự do của nước Mỹ, ngay cả vào thời điểm câu nói “yêu nó hay rời
nó” không còn chỉ là lối nói khoa trương nghe cho vui nữa. Chánh quyền hiện tại
đang đe dọa loại bỏ quốc tịch và tống xuất những công dân đã nhập quốc tịch.
Có lẽ không còn là chuyện viển vông khi nghĩ rằng một ngày nào đó một người như
tôi, sinh tại việt Nam, có thể bị gởi trả về Việt Nam, dù tôi đã nỗ lực tự khẳng
định hơn nhiều người Mỹ sinh trưởng tại nơi này. Nếu điều đó xẩy ra, tôi sẽ
không mang đứa con trai theo tôi. Việt Nam không phải là quê hương của nó. Mỹ mới
là quê hương của nó, và có lẽ nó sẽ nhận thức một thứ tình yêu quê hương đến từ
trực giác hơn là từ những chuyện rối rắm phức tạp như trường hợp của tôi.
Nó cũng sẽ – tôi hy vọng – biết đến thứ tình yêu của người cha ít phức tạp hơn
thứ tình yêu của tôi. Tôi không bao giờ nói “Con yêu bố mẹ” khi tôi lớn lên vì
cha mẹ tôi không bao giờ nói với tôi rằng “Bố mẹ yêu con.” Điều đó không có
nghĩa rằng cha mẹ tôi không yêu tôi. Cha mẹ tôi hết sức yêu tôi cho đến nổi họ
phải làm việc đến kiệt lực trên đất nước mới mẻ này. Tôi ít khi về thăm cha mẹ.
Khi tôi về, cha mẹ tôi đã quá mệt nhọc đến hết cả vui sướng. Tuy nhiên, dù kiệt
lực đi nữa, cha mẹ tôi cũng luôn luôn làm một bữa ăn thường chỉ có thịt luộc.
Tôi lớn lên nhờ bộ đồ lòng, lưỡi, gan, bao tử, tim. Nhưng tôi không bao giờ bị
bỏ đói.
Kỷ niệm về thứ tình yêu sâu xa như từ trong máu trong thịt đó, được thể hiện bằng
hy sinh, đã thâm nhập vào xương tuỷ của tôi. Một lời nói, hay một giọng nói, có
thể khiến tôi cảm nhận được chiều sâu của tình yêu ấy, như có lần tôi thoáng
nghe một mẩu chuyện tại cửa hàng dược phẩm vùng tôi ở thuộc thành phố Los
Angeles. Người đàn ông ở cạnh tôi là người châu Á, không bảnh bao, ăn mặc làng
nhàng. Ông nói vào điện thoại di động bằng giọng miền Nam. “Con oi, Ba
day. Con an com chua?” Trông ông hơi thô, có lẽ thuộc giới lao động.
Nhưng ông nói với con ông bằng tiếng Việt, giọng nói thật dịu dàng. Không thể
nào chuyển dịch được những gì ông nói. Chỉ có thể cảm thấy thôi.
Dịch sát từng chữ, câu nói đó, ”Hello, child. This is your father. Have you
eaten rice yet?” có nghĩa, “Con ơi, Ba đây. Con ăn cơm chưa?” Nó chẳng có nghĩa
gì trong tiếng Anh, nhưng trong tiếng Việt, nó là tất cả. “Con ơi, Ba
đây. Con ăn cơm chưa?” Đây là cách người chủ tiếp người khách đến nhà
mình, bằng lối hỏi khách đã ăn gì chưa. Đây là cách cha mẹ cho con biết họ
thương con lắm, nhưng không bao giờ nói, “Bố mẹ thương con”. Tôi lớn lên với những
tập tục này, cảm xúc này, thân thương này, nên khi tôi nghe người cha nói với
con như thế, tôi muốn trào nước mắt. Đấy là cách tôi biết rằng tôi vẫn là người
Việt Nam, vì lịch sử của tôi đã nằm trong máu của tôi và văn hoá của tôi là cuống
rốn của tôi. Ngay cả khi tiếng Việt của tôi không hoàn hảo, thật vậy, tôi vẫn
thấy mối dây liên hệ với Việt Nam và người tỵ nạn Việt Nam sống trên khắp thế
giới.
Tuy nhiên, khi tôi lớn lên, một số người Mỹ gốc Việt thường bảo tôi rằng tôi quả
thật không phải là người Việt Nam vì tôi không nói tiếng Việt sành sõi. Lối
phát biểu đó na ná như “yêu nó hay rời nó.” Nhưng có nhiều cách để làm người Việt
Nam, cũng như có nhiều cách để làm người Pháp, nhiều cách để làm người Mỹ. Đối
với tôi, chừng nào tôi cảm thấy mình là Việt Nam, chừng nào những sự kiện liên
quan đến Việt Nam làm tôi xúc động, thì tôi vẫn là Việt Nam. Đấy là phương thức
giúp tôi cảm nhận tình yêu quê hương Việt Nam, một trong những quê hương của
tôi, và đó cũng là cách tôi nhận ra tôi chính là Việt nam.
Khi ngang nhiên bảo rằng mình là Việt Nam, không đếm xỉa đến xác nhận của bất kỳ
ai khác, tôi cũng tự nhận mình chính là người Mỹ. Chống đối lại tất cả những
người bảo “yêu nó hay rời nó”, họ chỉ có một một con đường trở thành người Mỹ,
tôi nhấn mạnh rằng nước Mỹ cho phép tôi làm người Việt Nam và được những người
khác yêu mến. Cho nên mỗi ngày tôi vẫn hỏi con tôi đã ăn uống gì chưa và thế là
mỗi ngày tôi vẫn nói với nó rằng tôi yêu nó. Điều đó cho thấy tình yêu quê
hương và tình yêu gia đình không khác nhau. Tôi muốn tạo nên một gia đình nơi
đó tôi sẽ không bao giờ phải nói với con tôi “yêu nó hay rời nó”, cũng như tôi
mong muốn một quê hương không bao giờ sẽ nói như vậy với bất kỳ ai.
Đa số người Mỹ không cảm thấy điều mà tôi cảm thấy khi nghe tiếng Việt Nam,
nhưng họ cảm thấy tình yêu quê hương theo lối của họ. Có thể họ nhận thức được
tình yêu quê hương sâu xa, đầy xúc cảm ấy khi họ thấy lá cờ hoặc nghe bản quốc
ca. Tôi xin thú nhận rằng những biểu tượng ấy không mang nhiều ý nghĩa đối với
tôi, vì chúng gây chia rẽ cũng như đoàn kết. Quá nhiều người từ cấp cao nhất đến
thành phần thấp kém đều đã sử dụng những biểu tượng ấy để chủ yếu là nói với
toàn thể người Mỹ rằng hãy yêu thương đất nước này hay hãy rời bỏ nó.
Không bị ảnh hưởng bởi lá cờ và quốc thiều không khiến cho tôi kém chất Mỹ hơn
những người trân quý những biểu tượng ấy. Phải chăng điều quan trọng hơn đó là
tôi yêu thực chất nằm đằng sau những biểu tượng nói trên hơn là chính những
biểu tượng đó. Đó là những nguyên tắc. Dân chủ, bình đẳng, công lý, hy vọng,
hòa bình và đặc biệt là tự do, tự do viết lách và suy nghĩ những gì tôi muốn,
cho dù những thứ tự do của tôi và cái đẹp của những nguyên tắc trên đều được
nuôi dưỡng bằng máu me từ tội diệt chủng, nô lệ, chinh phục, thực dân, chiến
tranh đế quốc, chiến tranh miên man. Tất cả những thứ đó là nước Mỹ, nước Mỹ đẹp
đẽ và tàn bạo của chúng ta.
Trước kia tôi không hiểu thấu điều mâu thuẫn đó là nước Mỹ của chúng ta, vào
giai đoạn tôi còn trẻ sống tại San Diego, California vào những thập niên 1970
và 1980. Hồi đó tôi chỉ muốn làm người Mỹ theo lối đơn giản nhất, một
phần để chống đối cha tôi đòi hỏi tôi phải 100% Việt Nam. Cha tôi yêu quê hương
của ông thật sâu đậm vì ông đã đánh mất nó khi chúng tôi đào thoát khỏi Việt
Nam làm người tỵ nạn năm 1975. Nếu cha mẹ tôi bám chặt vào căn cước và
văn hóa Việt Nam, chính vì họ mong muốn lấy lại quê hương đã mất, một tình cảm
mà nhiều người Mỹ chắc chắn đã hiểu.
Thế rồi Mỹ tái lập quan hệ với Việt Nam năm 1994, và cha mẹ tôi nhân cơ hội đầu
tiên đó về Việt Nam. Họ về hai lần, không có tôi, để thăm một nước vừa trổi dậy
từ nghèo khổ và tuyệt vọng sau chiến tranh. Những gì họ chứng kiến nơi quê cũ
đã tác động mạnh nơi cha tôi. Sau chuyến thăm thứ hai, cha mẹ tôi không bao giờ
trở lại Việt Nam nữa. Thay vào đó, trong bữa ăn vào Lễ Tạ Ơn kế tiếp, cha tôi
nói, “Bây giờ chúng ta là người Mỹ.”
Cuối cùng cha tôi đã khẳng định là người Mỹ. Lẽ ra tôi phải phấn khởi, và phần
nào tôi đã có cảm tưởng ấy khi chúng tôi ngồi trước món ăn gà tây lạ lẫm, khoai
tây nghiền, nước xốt cranberry, mà anh tôi anh tôi đã mua từ một
siêu thị vì không một ai trong gia đình tôi biết cách nấu những món đặc biệt
này mà chúng tôi chỉ ăn mỗi năm một lần. Nhưng nếu tôi cũng thấy không được thoải
mái, chính là vì tôi không thể không tự hỏi: Đây là nước Mỹ nào vậy.
Nov. 20, 2018
No comments:
Post a Comment