Nguyễn Thị Hậu
28/11/2018
Tình cờ tôi biết về chuyến đi của
GS Nguyễn Đăng Hưng và các thân hữu đến Iran - vùng đất nổi tiếng thế giới bởi
những di tích khảo cổ và lịch sử - tôi vội vàng liên lạc với giáo sư và được
ông nhiệt tình chỉ dẫn cách thức đăng ký thủ tục... Sau thời gian dài hồi hộp
chờ đợi visa, cuối cùng đoàn chúng tôi đã lên đường đến vùng đất của xứ sở Ba
Tư kỳ diệu ngàn năm trước.
Chuyến đi này đoàn chúng tôi gồm
20 thành viên đến từ ba miền Trung Nam Bắc, có cả người định cư ở nước ngoài,
làm nhiều ngành nghề khác nhau nhưng có cùng mục đích: viếng mộ Ngài Alexandre
de Rhodes và khánh thành bia tri ân người có công lao đặc biệt trong việc hình
thành chữ quốc ngữ Việt Nam. Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng là người khởi xướng và tổ
chức hoạt động văn hóa có ý nghĩa đặc biệt này.
Trên chuyến bay dài hơn mười tiếng
của hãng Hàng không Thổ Nhĩ Kỳ tôi đã tranh thủ xem lại lịch sử hình thành chữ
quốc ngữ và vai trò của "Cha Đắc Lộ" (1591 - 1660). Có lẽ những dòng
sau đây đã tóm tắt khái quát về ông “Alexandre de Rhodes (phiên âm Hán Việt
là A Lịch Sơn Đắc Lộ) sinh ngày 15 tháng 3 năm 1591, là một nhà truyền giáo
Dòng Tên và một nhà ngôn ngữ học người Avignon (Pháp). Ông đã góp phần quan trọng
vào quá trình truyền bá Công giáo tại Việt Nam và việc hình thành chữ quốc ngữ.
Tác phẩm ông biên soạn, Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum (Từ điển
Việt–Bồ–La), xuất bản tại Rôma năm 1651 đã hệ thống hóa cách ghi âm tiếng Việt
bằng mẫu tự Latinh. Ông qua đời ngày 5.11.1660 tại thành phố Isfahan, Iran, sau
15 năm chính thức bị trục xuất khỏi Việt Nam”.
Sau 5 giờ chờ đợi quá cảnh tại
sân bay Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) rộng lớn và hiện đại, chúng tôi tiếp tục chuyến
bay mất 3.30 phút sang Tehran. Thủ đô của Cộng hòa hồi giáo IRAN đón chúng tôi
bằng thời tiết se lạnh trong buổi chiều nắng rực rỡ. Chiếc xe bus rất đẹp và tiện
nghi (như hạng thương gia trên máy bay! – có ai trong đoàn thốt lên như vậy)
đưa chúng tôi đi xuyên qua thành phố. Trên đường đi ngoài sự ngỡ ngàng vì cảnh
quan sạch đẹp, bình yên, Tehran còn làm tôi ngạc nhiên vì những kiến trúc hiện
đại hòa hợp với nghệ thuật Hồi giáo truyền thống. Tiêu biểu là công trình Tháp
Azadi (Tháp Tự do) - tượng đài tại Quảng trường Azadi.
Đây là một trong những địa danh
nổi tiếng của Tehran, nằm ở cửa ngõ phía Tây thành phố và là một phần của Khu
phức hợp Văn hóa Azadi có bảo tàng dưới lòng đất. Tháp cao khoảng 45 mét
và được phủ hoàn toàn bằng 8.000 khối đá cẩm thạch trắng, do kiến trúc sư người
Iran thiết kế và xây dựng vào năm 1971 để kỷ niệm năm thứ 2.500 của Nhà nước
Hoàng gia Iran, sau cách mạng 1979 được đổi tên thành Azadi. Tòa tháp vươn cao
từ những đường nét như đan dệt vào nhau, tạo thành một cổng vòm cao, thanh
thoát và vững chãi trên nền trời xanh.
Rời quảng trường Azadi chúng
tôi đến sân bay nội địa Mehrabat để đến Shiraz, thành phố nằm ở
phía Tây Nam của Iran, nơi từ ngàn năm trước đã là một trung tâm thương mại lớn.
Shiraz từng được mệnh danh là “thủ đô văn hóa Ba Tư”, ngày nay còn lưu lại những
địa điểm nổi tiếng như Vườn Eram, Shah Cheragh, Thánh đường Hồi giáo
Nasir-al-molk, Hafezie, thành phố cổ - phế tích Persepolis...
Chúng tôi đến Thánh đường
Hồi giáo Nasir-al-molk (còn gọi là Pink Mosque) được xây dựng
xong vào năm 1888, vào buổi sáng sớm để đón những tia nắng mặt trời đầu tiên
xuyên qua lớp kính màu của những khung cửa, tạo nên màu sắc lung linh ảo diệu
vô cùng trong thánh đường. Bên ngoài thánh đường trang trí kiểu mosaic bằng
hàng trăm ngàn viên gạch men màu nhỏ xíu, hoa văn như những đường ren mềm mại
màu sắc rực rỡ mà hài hòa, nhưng nhìn từ xa lại như tấm thảm Ba Tư huyền thoại
được thiết kế bằng công nghệ 3D hiện đại.
Cách trung tâm thành phố Shiraz
khoảng 70km về phía đông bắc là khu di tích khảo cổ học Persepolis –
di sản thế giới được Unesco công nhận vào năm 1979. Đấy là một thánh địa của đế
quốc Ba Tư tồn tại khoảng năm 550 đến năm 330 trước công nguyên. Phế tích còn lại
của “Kinh đô tôn giáo” Persepolis nằm giữa một thung lung rộng lớn,
được cấu trúc thành nhiều địa hình cao thấp khác nhau. Vật liệu xây dựng chủ yếu
bằng đá, nổi bật là những hàng cột cao vút, những trụ cổng điêu khắc sư tử, những
hành lang, bậc thang dài chạm khắc hàng dài người hành lễ... Khu di tích gồm những
cụm di tích khác nhau, phần lớn đã được khai quật, bảo tồn và bảo quản để phục
vụ khách tham quan. Đây đó vẫn có những chiếc lều vải và máy móc vì các nhà khảo
cổ học vẫn đang miệt mài làm việc. Tại đây còn có một bảo tàng trưng bày hàng
ngàn hiện vật thu nhặt rải rác khắp nơi... Tôi như lạc vào một thành phố sầm uất
khi trước mắt trải ra những con đường lát đá rộng lớn, những cổng đá cao vút,
và hàng ngàn chân cột thẳng hàng ngay lối cho biết hàng chục công trình đồ sộ từng
sừng sững nơi đây...
Mải mê đi khắp khu di tích, chụp
hình không ngơi tay, ngắm nhìn chưa đã lại chạy sang một khu vực khác... tôi
quên mất thời gian làm cả đoàn phải chờ. Anh hướng dẫn viên người Iran quay vào
tìm tôi và nói “tôi sợ bà bị lạc”, tôi cười, giới thiệu mình làm khảo cổ học,
anh ta ồ lên vui vẻ: tôi biết trước thì sẽ nghĩ bà bị thần linh quyến rũ. “Thì
đúng là tôi bị quyến rũ thật!” tôi trả lời đầy tiếc nuối... Có lẽ không chỉ có
Kim tự tháp ở Ai Cập mà Thời gian cũng phải ngần ngại trước sự tồn tại đầy kiêu
hãnh của phế tích này!
Nhưng mục đích chính của chuyến
đi vẫn còn phía trước. Chúng tôi tiếp tục lên đường đến thành phố Isfahan. Hơn
5 giờ xe chạy giữa vùng đất tựa như hoang mạc lọt thỏm giữa những dẫy núi cao,
trên đường cao tốc thỉnh thoảng có vài chiếc xe tải, hiếm xe khách, xe hơi nhỏ,
hầu như không thấy thị trấn, làng xóm ven đường. Cho đến khi trời sẩm tối nhờ
ánh đèn điện có thể nhận biết vài thị trấn, khu dân cư ở phía xa
xa...
Isfahan một thành phố cổ và thủ đô của Ba Tư từ năm
1598 đến năm 1722. Nằm ở miền trung Iran, giữa các tuyến đường giao thông chính
Bắc – Nam, Đông – Tây, từ nhiều thế kỷ trước Isfahan được coi là một trong những
thành phố đẹp nhất trên thế giới, nổi tiếng bởi nghệ thuật dệt thảm và đồ mỹ
nghệ bằng bạc, bằng kim loại tráng men màu... Hiện nay, Isfahan là thành phố có
kiến trúc hiện đại bên cạnh nhiều kiến trúc cổ được bảo tồn rất tốt. Trong thành
phố các đại lộ rợp bóng cây xanh, quá trình đô thị hóa và mở rộng thành phố từ
nhiều năm nay khiến nó trở thành một trong bốn trung tâm kinh tế - văn hóa lớn
của Iran.
Đúng ngày 5.11.2018 - ngày giỗ
lần thứ 358 của Alexandre de Rhodes (5.11.1660) chúng tôi đến viếng và khánh
thành bia tri ân tại mộ của Ngài. Phần mộ nằm ở khu nghĩa địa của người Armenia
được xây dựng đã 500 năm nay ở ngoại ô thành phố Isfahan. Giữa nghĩa địa rộng gần
300.000 m2 và thoáng đãng như một công viên lớn, ngôi mộ của Cha Đắc Lộ giản dị
đánh dấu bằng một phiến đá lớn có khắc tên Ngài và được chăm sóc chu đáo như tất
cả những ngôi mộ xung quanh. Hơn 350 năm Ngài đã nằm lại nơi này giữa cộng đồng
người Armenia, những người anh em cùng tôn giáo.
Nhờ công tác chuẩn bị chu đáo của
giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, nhà báo Nguyễn Bích Thủy và các thành viên trong đoàn
nên buổi lễ đã diễn ra trang nghiêm, xúc động và đầy đủ các thủ tục cần thiết.
Tham dự buổi lễ có một số vị khách địa phương: đại diện cộng đồng Hồi giáo tại
Isfahan - cộng đồng chủ quản, đại diện cộng đồng cơ đốc giáo Armenian, đại diện
nhà thờ quản lý nghĩa trang, đặc biệt có cả gia đình ông Hojat là hướng dẫn
viên – người đã giúp giáo sư Hưng đi tiền trạm trước đó để làm các thủ tục với
địa phương về việc đặt bia và tổ chức lễ tưởng niệm tại đây.
Các thành viên nữ trong trang
phục áo dài truyền thống cùng các thành viên nam giới trang phục chỉnh tề, đứng
quanh ngôi mộ Ngài Alexandre de Rhodes. Lời Tri ân rất cảm động của giáo sư
Nguyễn Đăng Hưng, những lời phát biểu chân thành của các vị khách địa phương, rồi
lời ca đầy cảm xúc “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời...” của anh
em trong đoàn vang lên cùng tiếng hàng thông reo vi vu trong nắng thu ấm
áp... Hương trầm thơm ngát, những bông hoa hồng ba màu vàng, đỏ và
xanh lần lượt được đặt lên mộ Cha Đắc Lộ thể hiện tấm lòng thành của những người
Việt Nam, ghi nhớ công lao của một trong những người quan trọng nhất trong hành
trình sáng tạo loại chữ viết mà ngày nay chúng ta sử dụng.
Từ nơi đây tôi nhớ về Sài Gòn,
nơi từ trước năm 1975 đã có một con đường nhỏ mang tên Alexandre
de Rhodes, con đường rợp bóng cây xanh kế bên công viên trung tâm
thành phố. Đối diện bên kia là một con đường nhỏ xinh như vậy mang tên Hàn
Thuyên, người được cổ sử ghi nhận là giỏi thơ Nôm và có công với chữ Nôm của Việt
Nam. Hành trình chữ viết là một trong những hành trình đi vào văn minh của nhân
loại. Nhờ công lao của bao vị tiền nhân, bằng chữ Hán, chữ Nôm, đặc biệt là từ
thế kỷ 17 với sự ra đời của chữ quốc ngữ, đất nước ta may mắn đã được tham dự
vào một đoạn đường quan trọng của hành trình ấy.
Ngày còn lại trước khi rời
Isfahan để quay lại Tehran, chúng tôi đến tham quan Quảng trường Naqsh-e Jahan ở
trung tâm thành phố, là quảng trường có lịch sử lâu đời và vào loại lớn nhất
trên thế giới, cùng với hai nhà thờ Hồi giáo và một cung điện tại đây đã tạo
thành một quần thể Di sản Thế giới được UNESCO công nhận. Đây là một nơi rất
quen thuộc mà người dân địa phương thường đến vui chơi, mua sắm... Nơi đây còn
có một khu chợ rất lớn trong tòa nhà vòng quanh quảng trường.
Chỉ vài ngày ở Iran cũng làm cho
tôi nhận thấy con người và văn hóa nơi này có quá nhiều điều không giống như những
gì tôi đã biết. Một dịp khác tôi sẽ viết về điều thú vị đó.
Sài Gòn
14.11.2018
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 27-11-18
-------------------------
XEM
THÊM
Author:
GS Nguyễn Đăng Hưng
November 27th, 2018
Chữ quốc ngữ, bộ chữ Việt với mẫu tự La tinh, theo
đánh giá của các nhà khoa học, “đã đưa người Việt Nam đi trước hơn ba thế kỷ”
so với các nước lân cận có ảnh hưởng văn hoá và dùng mẫu tự tượng hình Trung
Hoa. Quan trọng hơn cả, chữ Quốc ngữ đã giúp Việt Nam thoát dần văn hoá Trung
Hoa.
Hơn 300 năm qua, đã có nhiều việc làm ghi ơn người
có công sáng tạo chữ Quốc ngữ cho dân tộc Việt, linh mục Alexandre de Rhodes,
con đường mang tên ngài ở Sài Gòn, bia vinh danh ngài bên Hồ Gươm Hà Nội (đã bị
thất lạc), nhiều sách vỡ ghi nhận công lao của ngài và các thừa sai Tây phương
vẫn còn lưu truyền đến nay.
Gần đây, người Việt trong nước đặt vấn đề củng cố và
làm trong sáng tiếng Việt, chữ Quốc ngữ, gợi lên tình cảm biết ơn người đã ban
tặng bộ chữ Quốc ngữ. Nhiều người đã tìm đến viếng mộ linh mục Alexandre de
Rhodes ở Isfahan – Iran để tỏ lòng tri ân.
No comments:
Post a Comment