Trọng Nghĩa – RFI
Đăng ngày 24-11-2018
Đáng
quan tâm tuần này là một bài phân tích trên tạp chí Anh The Economist về sự kiện
được tờ báo này gọi là « Thượng đỉnh APEC nổ tung vì cuộc tranh đua giữa
các siêu cường », cụ thể là giữa Mỹ và Trung Quốc, với « phó tổng
thống Mỹ Mike Pence và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho thấy là cách họ
nhìn thế giới khác nhau biết bao ».
Lãnh đạo các nước tham dự thượng đỉnh APEC 2018 tại Papua New Guinea chụp
ảnh chung, ngày 17/11/2018. REUTERS/David Gray
Đối với The Economist, diễn biến sôi động của Hội
Nghị Thượng Đỉnh APEC năm 2018 quả là chưa từng thấy, vì hội nghị này nổi tiếng
là nhàm chán, một diễn đàn chỉ để nói suông, với thông cáo chung đúc kết hội
nghị của lãnh đạo 21 thành viên thường tập hợp những nội dung vô vị. Chính
trong bối cảnh đó mà việc Thượng Đỉnh APEC ở Papua New Guinea không nhất trí được
trên một bản thông cáo chung là một sự kiện đáng nói.
Theo ghi nhận của phóng viên tuần báo Anh, sự ganh
đua Mỹ-Trung được thấy rõ ngay tại thủ đô Port Moresby của đảo quốc vùng Thái
Bình Dương, chủ nhà của Hội nghị Thượng đỉnh.
Trung
Quốc và thói chuộng « bê tông »
Ngoài khơi là bóng dáng đặc thù của những chiếc tàu
tuần duyên Mỹ, chăm lo bảo đảm an ninh cho các cuộc họp. Trên bờ thì sừng sững
tòa nhà 23 tầng mang tên Noble Centre do một công ty nhà nước Trung Quốc xây dựng.
Công ty này không ngần ngại khoe rằng đây là dinh thự « hiện đại
nhất » của thành phố. Hai hình ảnh này gợi lên một bên là uy lực
của Mỹ, và bên kia là thói chuộng bê tông của Trung Quốc.
Đối với The Economist, quả đúng là Bắc Kinh rất
thích xây dựng. Món tiền 50 triệu đô la do Trung Quốc tài trợ đã được chi vào
việc xây cất một trung tâm hội nghị, kịp dùng cho thượng đỉnh APEC, với một con
đường mới nối liền trung tâm này với sân bay. Các biểu ngữ dọc hai bên đường ca
ngợi Sáng Kiến Một Vành Đai, Một Con Đường, một dự án tâm đắc của chủ tịch
Trung Quốc Tập Cận Bình.
Trên chiếc du thuyền được dùng làm nơi họp các lãnh
đạo APEC, ông Tập khẳng định rằng Sáng Kiến Nhất Đới - Nhất Lộ của ông không phải
là một câu lạc bộ khép kín, cũng không phải « một cái bẫy, như đã
bị một số người chụp mũ », một lời đả kích rõ nét nhắm vào Mỹ và nhiều
nước phương Tây, đã xem sáng kiến của Trung Quốc là một cái bẫy nợ.
FOIP
của Mỹ chống BRI của Trung Quốc
Phó tổng thống Mỹ Mike Pence, thì đưa ra một ý tưởng
khác : một vùng « Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở ». Theo
ông, cách làm của Mỹ hoàn toàn không phải là để cho các đối tác bị chết đuối «
trong một biển nợ ». Hoa Kỳ, theo ông Pence, « không ép buộc hoặc
làm phương hại đến nền độc lập của nước khác... không cung cấp một vành đai bóp
nghẹt hoặc một con đường một chiều ». Rõ ràng đây là một lời đả kích trực
diện sáng kiến « vành đai và con đường » của ông Tập.
Trong bài phát biểu của mình, phó tổng thống Mỹ đã
hai lần gợi lên khái niệm « Ấn Độ-Thái Bình Dương », và không hề nhắc
đến « Châu Á-Thái Bình Dương », như để nhấn mạnh kích thước của kế
hoạch mà Washington đang chuẩn bị để chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc
Kinh. Theo The Economist, tiền được Mỹ hứa hẹn tuy nhiên vẫn còn rất ít so với
ngân quỹ mà Trung Quốc đổ vào Một Vành Đai, Một Con Đường.
Đạo luật BUILD, được Quốc Hội Mỹ thông qua tháng
10/2018 đã tạo ra một cơ quan mới - Tập Đoàn Tài Chính Phát Triển Quốc Tế Hoa Kỳ
- để thúc đẩy việc phát triển ở các nước nghèo. Thế nhưng, quy mô cam kết tài
chính của cơ quan này - 60 tỷ đô la - còn rất nhỏ. Chỉ riêng cho Pakistan chẳng
hạn, Trung Quốc đã cam kết nhiều hơn.
Trong cuộc tranh đua Mỹ-Trung nói trên, ít ra là
Papua New Guinea đã được hưởng lợi : Mỹ, Úc và Nhật Bản sẽ hợp tác để cung cấp
điện cho 70% hộ gia đình tại đảo quốc này từ nay đến năm 2030. Hiện chỉ có 13%
trong số này là có điện.
Theo nhận định của The Economist, các thành viên
APEC rất hoan nghênh trợ giúp phát triển, nhưng đang tự hỏi là cuộc đua tranh
giữa hai siêu cường sẽ dẫn đến đâu.
Trung
Quốc với kiểu ngoại giao« làm trận làm thượng »
Mỹ đã tuyên bố đã giúp Úc mở rộng căn cứ hải quân
trên Đảo Manus của Papua New Guinea. Điều này khiến Trung Quốc bực tức nhưng đã
trấn an những nhà chiến lược Úc, đang lo ngại trước khả năng Papua New Guinea
rơi vào quỹ đạo của Bắc Kinh.
Nhưng quan trọng hơn hết là mọi nước đều lo ngại về
cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung ngày càng thêm gay gắt. Tại APEC, các quan chức
APEC Trung Quốc, vốn quen kiểu ngoại giao « làm trận làm thượng » đã
cản trở việc soạn thảo một tuyên bố chung.
Trung Quốc chủ yếu phản đối một lời kêu gọi do Mỹ đề
nghị, có lẽ là nhằm vào Trung Quốc, kêu gọi các thành viên chống lại chủ nghĩa
bảo hộ mậu dịch và những cung cách làm ăn không công bằng. Các nhà ngoại giao
Trung Quốc đã xông vào văn phòng ngoại trưởng Papua New Guinea để đòi xóa bỏ đoạn
kêu gọi đó. Đến khi hội nghi APEC, ở phiên họp cuối cùng, phải công nhận thất bại
do các hành vi cản trở đó, phái đoàn Trung Quốc đã vỗ tay hoan hỉ.
Đối với The Economist, những hành vi thô lỗ như vậy
- trong đó có cả việc quan chức Trung Quốc cấm nhà báo không phải người Trung
Quốc theo dõi cuộc họp của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với lãnh đạo các đảo
quốc Thái Bình Dương - hầu như không giúp ích gì cho uy tín của Bắc Kinh.
Các nước nhỏ trong khu vực rất ghét bị kẹt giữa hai
cường quốc. Không phải tất cả đều hài lòng về thái độ cứng rắn mới của Mỹ đối với
Trung Quốc, nhưng họ sẽ bất mãn hơn nữa nếu Hoa Kỳ hoàn toàn vắng bóng.
*
Phong
trào Áo Vàng tại Pháp : Có lợi cho phe cực hữu
Về thời sự nước Pháp, phong trào Áo Vàng - Gilets
Jaunes - đã đặc biệt được tuần báo l’Obs quan tâm dành cho trang bìa với một hồ
sơ đặc biệt hơn một chục trang ở bên trong.
Trên ảnh một người mặc áo phản quang màu vàng, biểu
tượng của phong trào đấu tranh xã hội vừa bùng lên tại Pháp, tuần báo Pháp chạy
tựa lớn : « Sau phong trào Áo Vàng là ý đồ lợi dụng của thành phần dân
túy », cụ thể là của hai lực lượng cực hữu của bà Marine Le Pen, và cực tả
của ông Jean-Luc Mélenchon.
L’Obs đã trích lời chuyên gia Jérôme Fourquet, giám
đốc bộ phận Ý Kiến của viện thăm dò dư luân Ifop ghi nhận : « Đây không
phải là một phong trào do đảng cực hữu Tập Hợp Quốc Gia (hóa thân của Mặt Trận
Quốc Gia) đề xướng, nhưng trong các cuộc biểu tình, số lượng cảm tình viên cực
hữu bầu cho Mặt Trận Quốc Gia chiếm một tỷ lệ vượt trội so với các thành phần
khác. Tại các tỉnh Aisne, Haute-Marne, Vaucluse, lãnh địa của Mặt Trận Quốc
gia, lượng người tham gia phong trào đấu tranh rất đông đảo ».
Ai sẽ hưởng lợi nhân cuộc bầu cử các nghị sĩ châu Âu
sắp tới đây ? Theo ông Fourquet, bà Marine Le Pen, lãnh đạo phe cực hữu đã lăn
xả vào cuộc đấu, trong lúc ông Mélenchon có biểu hiện khá miễn cưỡng, không muốn
đẩy mạnh phong trào đã khởi sự từ ngày 17/11. Theo chuyên gia này, các cuộc
thăm dò ý định bầu nhân cuộc bầu cử châu Âu sắp tới đều cho thấy là đảng cực hữu
thoát thai từ Mặt Trận Quốc Gia, về đầu với 20-21%, trong khi phe cực tả của Nước
Pháp Bất Khuất chỉ được 11-12%.
Nhận định về phong trào Áo Vàng, nhà nghiên cứu khoa
học chính trị Jérôme Sainte-Marie, khi trả lời phỏng vấn của tuần báo
L’Express, đã ghi nhận sự vắng bóng của các công đoàn truyền thống vốn là động
lực chính của các cuộc đấu tranh xã hội trước đây.
Theo nhà nghiên cứu này, « cử tri thường bầu
cho đảng cực hữu bao gồm những lao động cá thể, những người thường xuyên cần phải
sử dụng đến xe của mình, và tầng lớp lao động nghèo, rất nhạy cảm khi bị tăng
thuế. Thêm vào đó, chiêu bài chống chống hệ thống, chống thành phần ăn trên ngồi
trước rất được lòng các thành phần này. Tất cả những yếu tố đó quyện lại vào
nhau đã thu hút các cảm tình viên cực hữu đến với phong trào Áo Vàng ».
*
Phong
trào Áo Vàng Pháp : Bạo phát nhưng sẽ bạo tàn ?
Theo chuyên gia Sainte-Marie, phong trào Áo Vàng hiện
nay có « dáng dấp của phong trào nổi loạn của nông dân nghèo thời xưa.
Trong lịch sử, những cuộc nổi dậy đó thường mang tính chất bạo phát, bạo tàn, bùng
lên một cách tự phát, đôi khi rất dữ dội, nhưng thường diễn ra trong một khoảng
thời gia cực kỳ ngắn. Ông cho rằng phong trào Áo Vàng có lẽ sẽ không kéo dài được
lâu ».
Quan điểm lạc quan trên đây tuy nhiên không được tuần
báo Courrier International chia sẻ. Trong bài xã luận mang tựa đề « Những
chiếc áo vàng và tầng lớp bên trên, một sự chênh lệch nguy hiểm », tờ báo
Pháp đã gắn liền hai sự kiện gần như là đồng thời, phong trào Áo Vàng chống
tăng thuế nhiên liệu tại Pháp, với vụ Carlos Ghosn, một lãnh đạo doanh nghiệp
Pháp thuộc diện nổi tiếng nhất, bị Nhật Bản bắt giữ vì bị tình nghi trốn thuế.
Đối với Courrier International, hai sự kiện này nêu
bật vực thẳm chia cách những người biểu tình chống lại việc tăng một vài xu tiền
thuế trên diesel, và bên kia là những tầng lớp bên trên, có bổng lộc hậu hĩnh.
Kế hoạch 2 tỷ euro của nhà nước Pháp để giảm nghèo, đã không che khuất được 5 tỷ
euro bị cho là quà tặng cho giới giàu có nhất.
Courrier International cảnh cáo chính quyền Pháp là
không nên xem thường phong trào Áo Vàng này vì những gì từng xẩy ra tại Ý vào
năm 2013, với phong trào « ba chĩa » của các nông dân vùng
Sicilia, tập hợp đủ mọi thành phần, từ giới tài xế xe tải, sinh viên, cho đến
những người thất nghiệp. Tương tự như những gì đang xẩy ra với phong trào Áo
Vàng tại Pháp, họ gây tắc tắc nghẽn đường xá và phát động những cuộc biểu tình
đột xuất.
Theo tác giả người Ý Leonardo Bianchi, những cuộc biểu
tình ở Ý là « một tín hiệu cảnh báo »từ « những người không
còn tin tưởng vào bất kỳ đảng phái chính trị nào ». Đà vươn lên của thủ
lãnh dân túy Salvini và những người giống ông ta khác đã bắt nguồn từ đó, với hệ
quả mà ngày nay ai cũng biết.
*
Le
Point: Macron với những lựa chọn hệ trọng
Những khó khăn của chính quyền Pháp hiện nay cũng được
tạp chí Le Point đưa lên trang nhất, với chân dung của tổng thống Pháp Emmanuel
Macron, bên trên tựa lớn « Những lựa chọn hệ trọng ».
Câu hỏi mà tuần báo Pháp đặt ra là rốt cuộc tổng thống
Pháp sẽ là « Hollande (cựu tổng thống Pháp) hay
Thatcher (cố thủ tướng Anh) ? ». Đối với Le Point, trước
phong trào phản kháng của những người Áo Vàng, lần đầu tiên từ ngày nhậm chức đến
nay, ông Macron có dấu hiệu đang ở trong thế thủ.
Trong bài phân tích bên trong, Le Point cho rằng tổng
thống Pháp phải có quyết tâm thúc đẩy các cải cách đã dự trù. Tạp chí Pháp
trích dẫn ông Peyrelevade, cựu lãnh đạo ngân hàng Crédit Lyonnais, hoan nghênh
các cải tổ của tổng thống Pháp trong lãnh vực đào tạo chuyên môn và huấn nghệ,
nhưng lại tiếc rằng là ông Macron đã tự hạn chế mình về ngân sách.
Theo ông Peyrelevade, lẽ ra tổng thống Pháp phải mạnh
dạn đẩy xa hơn nữa tuổi về hưu, vì lẽ tiền chi cho hưu bổng tại Pháp cao hơn tất
cả mọi nơi khác : chiếm đến 14% thay vì 10% GDP ở vùng đồng euro. Đối với vị cựu
lãnh đạo ngân hàng này : « Khi duy trì tuổi hưu ở mức 62, ông Macron đã
cúp nguồn tài nguyên chính của mình ».
Tóm lại, theo ông Peyrelevade, các kế hoạch cải tổ
kinh tế của ông Macron trong nhiệm kỳ 5 năm này kể như đã chấm dứt, và ba năm
còn lại sẽ chỉ là « những năm bất động » mà thôi.
*
Courrier
International : Cuộc đua giành châu Phi
Riêng tạp chí Pháp Courrier International tuần này
đã dành trang bìa cho lục địa đen châu Phi, với một hồ sơ phân tích về «
Cuộc đua tranh giành châu Phi ».
Theo tạp chí Pháp, trong nhiều năm gần đây, một đạo
binh mới của nước ngoài- từ Trung Quốc, Brazil, cho đến Nga, Thổ Nhĩ Kỳ - đang
đặt chân lên lục địa rộng lớn này mà cho đến gần đây là vùng đất của các thế lực
thực dân cũ (như Pháp, Anh) và Hoa Kỳ. Nếu Trung Quốc đã thâm nhập vùng Phi
Châu từ cả hơn một chục năm trước đây, thì giờ đây nhưng một loạt nước khác đã
bám gót Bắc Kinh.
Dù là các nước vùng Vịnh hay Trung Đông chen nhau ở
vùng Sừng Châu Phi hay là các tập đoàn Trung Quốc thâu tóm khoáng cobalt -
không thể thiếu trong việc chế tạo xe hơi chạy bằng điện - ở Congo, hay Ấn Độ
đã trở nên nước hàng đầu nhập dầu thô của Nigeria, trước cả Mỹ, những tác nhân
mới này hoạt động khắp châu Phi.
Người châu Phi, theo Courrier International, không
xem đấy là các hành vi thực dân, mà coi sự quan tâm trở lại đối với lục địa của
họ là một cơ hội bằng vàng giúp họ tiến vào một giai đoạn phát triển mới cắt đứt
với những quan hệ mà họ xem là gia trưởng đối với các nước thực dân cũ.
No comments:
Post a Comment