Trọng Thành – RFI
Đăng ngày 24-11-2018
Biến
đổi khí hậu do các hoạt động của con người gây ra, nếu không được ngăn chặn, sẽ
tác động vô cùng lớn đến nền kinh tế toàn cầu. Nền kinh tế Hoa Kỳ và sức khỏe của
người dân Mỹ cũng bị đe dọa hết sức nghiêm trọng. Kết quả báo cáo mới của một cơ quan chính phủ Mỹ, được
công bố hôm 23/11/2018, đi ngược lại hoàn toàn với quan điểm hoài nghi biến đổi
khí hậu của tổng thống Donald Trump lâu nay.
Báo cáo của cơ quan liên ngành về biến đổi khí hậu của
Mỹ National Climate
Assessment (NCA) dự đoán : « Với đà tăng khí thải gây hiệu ứng
nhà kính đạt mức lịch sử, thiệt hại đối với một số ngành kinh tế sẽ lên đến
hàng trăm tỉ đô la hàng năm, từ đây đến cuối thế kỷ. Tức tương đương với GDP của
nhiều tiểu bang Hoa Kỳ hiện nay ».
Báo cáo nói trên nhấn mạnh là biến đổi khí hậu, với
sự gia tăng của các hiện tượng thời tiết cực đoan, tác động không chỉ đến các
cơ sở hạ tầng, mà còn để lại những hậu quả y tế nghiêm trọng. Nhiều bệnh tật mới
xuất hiện, tỉ lệ người mắc chứng trầm cảm và tự sát gia tăng. Vẫn theo báo cáo
nói trên, những đối tượng gánh chịu hậu quả nặng nề nhất của biến đổi khí hậu
là những người nghèo khó.
Báo cáo của
NCA được thực hiện theo yêu cầu của Quốc Hội Mỹ, dầy hơn 1.500 trang, với sự
tham gia của hơn 300 khoa học gia, là kết quả phối hợp của 13 bộ và cơ quan
liên bang Hoa Kỳ, trong đó có NASA. Báo cáo vừa được công bố là tập thứ hai của
đợt thẩm định quốc gia lần thứ tư về khí hậu.
Báo cáo mới của NCA ra đúng hai ngày sau một thông
điệp của tổng thống Mỹ, một lần nữa tỏ ý nghi ngờ về tình trạng Trái đất bị hâm
nóng. Hôm thứ Tư 21/11, ông Donald Trump lại tung lên đoạn Tweet : « Đợt
không khí lạnh khắc nghiệt và kéo dài hiện nay có thể phá vỡ mọi kỷ lục. Sao lại
có chuyện Trái Đất bị hâm nóng được ? ».
Năm 2017, tổng
thống Trump quyết định rút Hoa Kỳ ra khỏi Thỏa thuận Khí hậu Paris 2015, gây trở ngại cho các nỗ lực quốc tế hạn chế khí thải gây hiệu ứng nhà
kính. Nhiều nhà quan sát cho rằng bản báo cáo của NCA tạo một áp lực mới buộc
chính quyền Trump xem xét lại chính sách khí hậu.
-------------------------
CÙNG
CHỦ ĐỀ
Trọng
Nghĩa – RFI | 28-12-2017
Thụy
My – RFI | 08-11-2017
Thu
Hằng – RFI | 01-09-2017
--------------------------------------
LIÊN
QUAN
VOA Tiếng Việt
25/11/2018
Chính quyền Trump hạ giảm tầm quan trọng của một báo
cáo công bố hôm thứ Sáu mà trong đó có những cảnh báo nghiêm trọng về tác động
của biến đổi khí hậu ở Mỹ. Nhà Trắng nói nghiên cứu này phần lớn dựa trên “tình
huống cực đoan nhất” và không xét tới công nghệ mới và các sáng kiến khác có thể
làm giảm lượng phát thải carbon và các tác động của biến đổi khí hậu.
Đánh giá Khí hậu Quốc gia, ấn bản thứ tư của một báo
cáo được Quốc hội chỉ định thực hiện về biến đổi khí hậu, lưu ý rằng thiên tai
do thời tiết gây ra sẽ trở nên phổ biến hơn. Báo cáo được chuẩn bị bởi hơn 300
nhà nghiên cứu tại 13 bộ và cơ quan của chính phủ Mỹ, dự báo rằng những sự kiện
đó sẽ trở nên phổ biến và nghiêm trọng hơn nếu các bước không được thực hiện để
“tránh những thiệt hại đáng kể cho nền kinh tế, môi trường và sức khỏe con người
và sự an lạc trong những thập niên tới.”
Phát ngôn viên Nhà Trắng Lindsay Walters lưu ý rằng
công tác thực hiện bản đánh giá này bắt đầu dưới thời chính quyền của cựu Tổng
thống Mỹ Barack Obama và sử dụng nhiều tình huống tạo lập mô hình để đánh giá
các ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Nhưng báo cáo công bố hôm thứ Sáu, theo bà
Walters, phụ thuộc quá nhiều vào tình huống xấu nhất.
“Báo cáo phần lớn dựa trên tình huống cực đoan nhất, mâu thuẫn với xu hướng
được xác lập lâu nay bằng việc mặc định rằng, dù tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ sẽ
làm tăng phát thải khí nhà kính, sẽ có ít công nghệ và sự canh tân và dân số sẽ
gia tăng nhanh chóng,” bà Walters nói trong một phát
biểu.
Bà cho biết đánh giá khí hậu kế tiếp, sẽ được chuẩn
bị trong bốn năm tới, sẽ “thể hiện một
quá trình minh bạch hơn và phụ thuộc nhiều hơn vào dữ liệu mà sẽ bao gồm thông
tin đầy đủ hơn về các tình huống và kết quả tiềm năng.”
Bà Walters cũng chỉ ra rằng, kể từ năm 2005, lượng
phát thải carbon dioxide liên quan đến sản xuất năng lượng ở Mỹ đã giảm 14 phần
trăm, trong khi lượng phát thải toàn cầu tiếp tục tăng.
Dù điều này đúng, Mỹ vẫn là nước phát thải carbon
dioxide lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc.
Chính quyền Trump đã rút lại một số quy định về môi
trường được ban hành dưới thời chính quyền Obama và đã thúc đẩy sản xuất nhiên
liệu hóa thạch.
Năm ngoái, Tổng thống Trump tuyên bố ý định của ông
rút Mỹ ra khỏi Hiệp định Paris năm 2015, được kí kết bởi gần 200 quốc gia để chống
lại tình trạng biến đổi khí hậu. Ông lập luận rằng thỏa thuận này sẽ làm tổn hại
nền kinh tế của Mỹ và cho biết có rất ít bằng chứng về lợi ích của nó đối với
môi trường.
Ông Trump, cũng như một số thành viên Nội các của
ông, cũng đã tỏ ra hoài nghi về khoa học biến đổi khí hậu, nói rằng nguyên nhân
của sự tăng nhiệt toàn cầu vẫn chưa được xác định rõ ràng.
*
XEM THÊM :
VOA Tiếng Việt
24/11/2018
Biến
đổi khí hậu sẽ khiến kinh tế Mỹ thiệt hại hàng trăm tỷ đô la cho đến cuối thế kỷ
này và tàn phá mọi thứ từ sức khỏe con người cho đến cơ sở hạ tầng và sản xuất
nông nghiệp, theo một bản phúc trình của Chính phủ Mỹ được công bố hôm 23/11.
Bản phúc trình được thưc hiện theo yêu cầu của Quốc
hội và được soạn thảo với sự hỗ trợ của một chục cơ quan và đơn vị của chính phủ
đã trình bày những tác động dự đoán của tình trạng ấm lên toàn cầu lên tất cả
các khía cạnh của xã hội Mỹ.
Bản phúc trình đưa ra lời cảnh báo nghiêm khắc này
mâu thuẫn với mục tiêu của chính quyền Tổng thống Donald Trump cổ súy cho nhiên
liệu hóa thạch.
“Với lượng khí phát thải tiếp tục tăng với tốc độ lịch sử, thiệt hại hàng
năm ở một số ngành kinh tế dự đoán có thể lên đến hàng trăm tỷ đô la cho đến cuối
thế kỷ - nhiều hơn GPD hiện tại của nhiều tiểu bang,” phúc trình cho biết.
Phúc trình cũng nói rằng sự ấm lên toàn cầu cũng ảnh
hưởng đến người nghèo nhiều hơn, khiến sức khỏe con người xấu đi, tàn phá cơ sở
hạ tầng, khiến nước ngọt trở nên khan hiếm, thay đổi đường bờ biển và làm gia
tăng chi phí trong các ngành kinh tế từ nông nghiệp cho đến năng lượng.
Mặc dù phúc trình nói rằng nhiều tác động của biến đổi
khí hậu – trong đó có những cơn bão, hạn hán và lũ lụt đang xảy ra thường xuyên
hơn và có cường độ mạnh hơn – đã hiện diện, nhưng dự đoán về thiệt hại có thể
thay đổi nếu lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính được ngăn chặn đáng kể.
“Những nguy cơ từ biến đổi khí hậu trong tương lai tùy thuộc chủ yếu vào
quyết định của chúng ta ngày nay,” phúc trình viết.
Bản phúc trình có tên gọi Đánh giá Khí hậu Quốc gia lần thứ tư
này đã bổ sung cho một nghiên cứu hồi năm ngoái vốn kết luận rằng con người
chính là tác nhân chính gây ra tình trạng ấm lên toàn cầu và cũng cảnh báo về
những hậu quả thảm khốc đối với hành tinh chúng ta.
Những
nghiên cứu này trái ngược với quan điểm của Tổng thống Donald Trump vốn dẹp bỏ
những biện pháp bảo vệ môi trường và khí hậu mà người tiền nhiệm Barack Obama
đưa ra để có thể sản xuất tối đa năng lượng hóa thạch,
trong đó có dầu thô mà hiện nay sản lương của Mỹ đã cao nhất trên thế giới,
trên cả Ả Rập Xê-út và Nga.
Ông Trump hồi năm ngoái đã thông báo rút Mỹ ra khỏi
Thỏa thuận Paris về khí hậu mà gần 200 quốc gia trên thế giới đã ký kết để đối
phó với biến đổi khí hậu với lập luận rằng thỏa thuận này làm tổn thương kinh tế
Mỹ và đem lại ít lợi ích cụ thể về môi trường. Bản thân ông Trump và nhiều
thành viên trong nội các của ông cũng liên tục bày tỏ nghi ngờ về biến đổi khí
hậu.
“Bản phúc trình này đã chứng minh rõ ràng rằng biến đổi khí hậu chẳng phải
là vấn đề tương lai xa vời. Nó đang diễn ra ngay lúc này tại tất cả các nơi
trên đất nước,” bà Brenda Ekwurzel, giám đốc chương trình khoa học
khí hậu thuộc Liên đoàn các nhà Khoa học Quan ngại và là một trong những tác giả
của phúc trình, cho biết.
Các nghiên cứu trước đây, trong đó các nhà khoa học
của chính phủ Mỹ, cũng đã kết luận rằng biến đổi khí hậu có thể gây ra hậu quả
kinh tế nghiêm trọng, trong đó có hủy hoại cơ sở hạ tầng, tàn phá nông nghiệp
và nguồn nước.
Các tình trạng thời tiết cực đoan cũng làm tăng nguy
cơ lây lan bệnh tật, làm giảm chất lượng không khí và làm tăng các chứng bệnh về
tâm thần.
Mười ba cơ quan chính phủ Mỹ tham gia vào ủy ban soạn
thảo phúc trình, trong đó có Bộ Nông nghiệp và NASA.
No comments:
Post a Comment