Friday 16 November 2018

HÀ NỘI CHỐI TRƯỚC THẾ GIỚI CÁC VỤ CÔNG AN TRA TẤN TẠI VIỆT NAM (RFA | BBC)




RFA
2018-11-16

Chính phủ Hà Nội đã có hai buổi điều trần vào hôm 14 và 15/11 với Ủy Ban Chống Tra Tấn của Liên Hợp Quốc tại phiên họp định kỳ lần thứ 65 ở Geneva, Thụy Sĩ. Tại phiên trả lời các câu hỏi của thành viên Ủy Ban vào hôm 15/11, chính phủ Hà Nội đã phủ nhận tất cả các thông tin cáo buộc công an tra tấn người dân.

Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, đối thoại với các thành viên Ủy Ban Chống Tra Tấn Liên Hợp Quốc hôm 15/11/2018. Courtesy of UN Web TV

‘Phủ nhận tất cả’
Tại buổi điều trần hôm 14/11, các thành viên Ủy Ban đã đặt câu hỏi và nêu rõ những trường hợp người dân cáo buộc bị công an tra tấn, giết chết trong trại giam. TS. Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch Ủy ban cứu người vượt biển (BPSOS) ở Hoa Kỳ, người có mặt tại buổi điều trần, cho biết:
Ủy Ban đã đặt những câu hỏi vô cùng chính xác, rất cập nhật. Họ nêu rất rõ từng trường hợp một, nổi bật về vấn đề tra trấn.

Dẫn đầu phái đoàn Việt Nam, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, phát biểu mở màn buổi trả lời câu hỏi hôm 15/11 của các thành viên Ủy Ban Chống Tra Tấn Liên Hợp Quốc như sau.
Qua các ý kiến bình luận  đánh giá của thành viên Ủy Ban, chúng tôi nhận thấy bên cạnh việc đánh giá với tinh thần xây dựng và những nỗ lực của Việt Nam trong việc xây dựng  báo cáo quốc gia và thực thi Công ước, thì cũng còn một số nội dung thông tin chưa thực sự phù hợp với phạm vi công ước.

Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an) đưa ra số liệu về các trường hợp chết trong trại giam.
Chúng tôi xin khẳng định tỷ lệ phạm nhân chết trong trại giam chiếm tỉ lệ rất nhỏ 0,3% tổng số phạm nhân đang chấp hành trong trại giam. Các trường hợp chết đều do bệnh hiểm nghèo bị mắc trước khi vào trại. Số này chiếm 98,6%. Chỉ có 1,4% là chết do tai nạn rủi ro; hoặc có 1% là tự tử.

Trả lời các trường hợp người dân cáo buộc bị công an đánh chết, ông Nguyễn Ngọc Anh nói.
Theo chúng tôi là chưa chi tiết và chưa có cơ sở để xác minh, như là tên, địa danh không chính xác, và thậm chí không tồn tại ở Việt Nam.

Ông Nguyễn Ngọc Anh từ chối các cáo buộc liên quan.
Thông tin liên quan đến việc không đảm bảo quyền của luật sư và không đảm bảo quyền được bào chữa của người bị buộc tội là không đúng sự thật.

Đoàn Việt Nam liên tiếp đưa ra nhiều khẳng định rằng chính phủ Hà Nội đã bảo đảm quyền con người cũng như các điều khoản trong Công ước Chống Tra Tấn như một lời khẳng định của ông Lê Quý Vương:
Chúng tôi nghiêm trị đối với các hoạt động tra tấn. Đây là một yêu cầu được đặt ra không chỉ là pháp luật mà còn là lương tâm, đạo đức của con người Việt Nam. Tất cả những hành vi dùng vũ lực đều bị lên án.

Ông Lê Quý Vương phủ nhận các cáo buộc bắt giữ người tùy tiện.
Không có chuyện bắt giữ độc đoán. Tất cả các việc bắt giữ của lực lượng cơ quan điều tra đều phải được công khai.

TS. Nguyễn Đình Thắng cho chúng tôi biết cảm nhận của ông như sau.
Cảm nhận thứ nhất là không có gì ngạc nhiên cả. Đó là thủ thuật của phái đoàn Việt Nam đã sử dụng bấy lâu nay. Thứ nhất đó là họ phủ nhận, chẳng hạn như là phủ nhận không có tù nhân lương tâm, phủ nhận không có chính sách biệt giam đối với những người tù, phủ nhận không có tù tại gia… Thành ra không còn gì để nói nữa. Họ phủ nhận tất cả.

Đoàn Việt Nam cũng bác bỏ hoàn toàn các cáo buộc người dân bị đàn áp vì quyền lực độc tôn như vấn đề tự do tôn giáo, vấn đề người dân tộc thiểu số Tây Nguyên, người bị chính quyền cho là đi biểu tình.

Phản ứng của Ủy Ban
Tại phiên điều trần hôm 15/11, các thành viên Ủy Ban Chống Tra Tấn Liên Hợp Quốc đã thẳng thắn nhận xét nhiều câu trả lời của phía đoàn Việt Nam là chưa thích đáng và chưa chi tiết.

Gia đình nạn nhân Ngô Thanh Kiều tại phiên tòa xét xử 5 công an dùng dùi cui đánh tử vong vào ngày 13/5/2012 ở Phú Yên. Courtesy of Citizen

Ông Jens Modvig, chủ tịch của Ủy Ban, nhắc lại yêu cầu của phía Ủy Ban là chính phủ Hà Nội phải làm rõ khái niệm ‘tra tấn’ một cách đơn giản và rõ ràng hơn trong Bộ Luật Hình Sự. Tội ‘dùng nhục hình’ hay ‘bức cung’ của Việt Nam được Ủy Ban đánh giá chưa đủ để xử lý các hành vi liên quan theo Công Ước.

Việc xác nhận dấu hiệu tra tấn, khám nghiệm pháp y, tư cách độc lập của bác sĩ, nhân viên y tế bị cho rằng chưa bảo đảm khách quan vì lực lượng này do Bộ công an tuyển chọn.
Liên quan đến biện pháp cùm tay, chân phạm nhân được chính phủ Việt Nam nói đề phòng ngừa nạn nhân nguy hiểm, có ý định tự sát, Ủy Ban nêu ra cần cân nhắc liệu có hợp lý. Các số liệu về phạm nhân bị đối xử tàn tệ, cơ sở vật chất trong trại giam được đánh giá vẫn chưa có số liệu cụ thể.

‘Lấy vải thưa che mắt thánh’
Nhận xét về cảm nhận của các thành viên Ủy Ban sau khi nhận được phản hồi từ phía đoàn Việt Nam, TS. Nguyễn Đình Thắng chia sẻ.
Chúng tôi nghĩ rằng Ủy ban nắm rất rõ. Họ là những chuyên gia đã đối phó với các quốc gia khác cũng tương tự như Việt Nam nên hiểu và nắm rất rõ. Có một ủy viên của Ủy ban sau đó nói với tôi một chữ tiếng Pháp nhưng rất giống với Việt Nam nghĩa là ‘lấy tay che cả bầu trời’ hoặc ‘lấy vải thưa che mắt thánh.’ Nghĩa là thái độ của đoàn Việt Nam tưởng rằng lấy tay có thể che bầu trời, không cho ai thấy thực tế như thế nào.

Được biết sau hai buổi báo cáo và điều trần, Ủy Ban Chống Tra Tấn của Liên Hợp Quốc sẽ công bố một bản nhận định chính thức ‘Quan sát Kết luận’ đối với phía Việt Nam. Phía Việt Nam sau đó sẽ có thời hạn một năm để thực thi các thay đổi, cải thiện, và cập nhật thông tin để Ủy Ban soạn thảo bản nhận định thứ hai.

Trong thời hạn một năm nói trên, các tổ chức xã hội dân sự, các nhân chứng, nạn nhân của hành vi tra tấn được cho biết đều có quyền đóng góp quan điểm và thông tin của họ với Ủy Ban Chống Tra Tấn của Liên Hiệp Quốc.

TS. Nguyễn Đình Thắng nói thêm về trường hợp có thể xảy ra trong tương lai như sau.
Tình hình xấu nhất là nếu bản báo cáo của Ủy ban Chống Tra Trấn của Liên Hợp Quốc có những nhận định rất nặng nề đối với Việt Nam, xác nhận những trường hợp bị tra tấn, xác nhận một chính sách bao che, che đậy những chuyện tra tấn, xác nhận một truyền thống dung dưỡng các hành vi tra tấn một cách vô tội vạ thì chúng tôi có thể dùng bản báo cáo đó để đi vận động các chính quyền. Ví dụ như chính quyền Mỹ thì có Luật chế tài theo từng cá nhân Maneki. Nếu như có sự khẳng định của Liên Hợp Quốc thì tiếng nói của chúng tôi sẽ mạnh mẽ và có tính thuyết phục hơn rất nhiều.

Việc Nam ký Công Ước Chống Tra Tấn của Liên Hợp Quốc vào ngày 7/11/2013 và được Quốc Hội Việt Nam phê chuẩn vào ngày 28/11/2014. Đây được cho là 1 trong 9 công ước cốt lõi về quyền con người của Liên Hợp Quốc.

Các tổ chức xã hội dân sự và nhân quyền quốc tế đánh giá tình trạng công an sử dụng bạo lực đối với người dân đang trở nên tràn lan tại Việt Nam hiện nay.

Tuy nhiên, số liệu báo cáo của đoàn Việt Nam cho biết từ 2015 tới nay, Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao chỉ thụ lý 6 vụ với 11 bị can về tội dùng nhục hình.



*
Tin, bài liên quan

·         Dân chết oan


---------------------------------

XEM THÊM
BBC Tiếng Việt
15 tháng 11 2018


Thông tấn xã nói Việt Nam "quyết tâm thực hiện các cam kết về nhân quyền nói chung và chống tra tấn nói riêng" trong lúc giới quan sát có ý kiến khác về vấn đề này.

Trong hai ngày 14 và 15/11 tại Geneva, Thụy Sĩ, đoàn công tác liên ngành do Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Lê Quý Vương, làm trưởng đoàn, trình bày và trao đổi về Báo cáo Quốc gia lần thứ nhất của Việt Nam về thực thi Công ước về chống tra tấn trước Ủy ban của Liên Hiệp Quốc.


'Quyết tâm thực hiện cam kết'
Thông tấn xã Việt Nam hôm 15/11 cho hay:
"Việt Nam đặc biệt chú trọng nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân về quyền con người, về chống tra tấn. Báo cáo của phái đoàn Việt Nam cũng liệt kê một số vụ việc có liên quan đến tra tấn, bức cung, dùng nhục hình, là các vụ việc được điều tra, truy tố, xét xử trong thời gian gần đây. Kết quả xử lý các vụ việc này cho thấy sự nghiêm khắc của pháp luật vừa trừng trị người có tội liên quan đến tra tấn đồng thời cũng răn đe, phòng ngừa vi phạm pháp luật về chống tra tấn."
"Báo cáo về các biện pháp Việt Nam đã tiến hành để thực hiện Công ước về chống tra tấn thể hiện sự nghiêm túc và sẵn sàng chia sẻ, học hỏi cũng như quyết tâm của Việt Nam trong thực hiện các cam kết về nhân quyền nói chung và chống tra tấn nói riêng, qua đó cho thấy sự tích cực và chủ động của Việt Nam tham gia đóng góp vào những công việc quốc tế, nhất là việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người."

Ý kiến phản biện
Tuy vậy, giới quan sát và các tổ chức nhân quyền có ý kiến khác về vấn đề này.

Trả lời BBC hôm 15/11, Luật sư Phạm Công Út, Trưởng Văn phòng Luật Phạm Nghiêm, nói: "Trước đây có những cuộc tra tấn người dân trong nhà tạm giữ của công an. Có vụ đã được khởi tố nhưng xét xử hời hợt cho có với mức án không đủ tính răn đe, hoặc "thí chốt" như vụ ông Ngô Thanh Kiều ở Phú Yên, vụ dùng nhục hình đối với các nạn nhân Trần Văn Đở, ông Thạch Sô Phách và ông Khâu Sóc ở tỉnh Sóc Trăng..."
"Cũng có vụ tra tấn tàn bạo dẫn đến chết thảm như ông Nguyễn Văn Đức ở tỉnh Vĩnh Long đã nhiều năm qua rơi vào im lặng dù vụ án dùng nhục hình đã được khởi tố nhưng đến nay vẫn chưa có bị can nào bị khởi tố để chịu trách nhiệm về cái chết của ông Đức."
"Gần đây, khi các nhà tạm giam, trại tạm giữ dần được trang bị máy ghi hình khi điều tra viên hỏi cung bị can thì những cuộc tra tấn có dấu hiệu đang chuyển về các cơ quan công an phường, xã hoặc những điểm tập kết người bị bắt ngoài trụ sở công an với những người tra tấn mặc thường phục như vụ bắt bớ những người biểu tình vào giữa tháng 6/2018 ở TP.Hồ Chí Minh."
"Rồi vài ngày trước nhà báo tự do Lê Thị Thư có cáo buộc về việc bà ấy bị hành hung ở Biên Hòa."
"Những người bị bắt giữ trái pháp luật là người có xu hướng là những đối tượng bị tra tấn nhiều nhất, vì họ bị bắt, bị tra tấn mà không hề có quyết định khởi tố, lệnh tạm giam... Do đó hình thành tâm lý người dân sợ hãi khi có giấy mời của cơ quan công an."
"Vấn đề này cần được Nhà nước nghiêm túc nhìn nhận khiếm khuyết về việc để ra những cuộc tra tấn trái pháp luật bằng việc luật hóa tội phạm tra tấn trong Bộ luật Hình sự với hình phạt nghiêm khắc để thể hiện việc bảo vệ thực sự quyền con người."

Phiên điều trần tại Geneva .  FB NGUYEN DINH THANG

'Không có gì cụ thể'
Cũng trong hôm 15/11, bà Luisa Fenu, Giám đốc Vận động và Chương trình của Tổ chức nhân quyền Pháp ACAT, người đang có mặt tại sự kiện ở Geneva, nói với BBC: "Tôi có cảm nhận rằng bài phát biểu khá dài giới thiệu của đoàn Việt Nam khá đơn giản."
"Họ tập trung vào những sửa đổi luật để phù hợp với nội dung của Công ước về chống tra tấn, nhưng không có gì cụ thể được đề cập về việc thực thi."
"Cũng chẳng có trích dẫn tham khảo về các nhóm người bị giam giữ cụ thể như người dân tộc thiểu số hoặc tôn giáo hoặc các tù nhân lương tâm. Họ đảm bảo với Ủy ban Chống tra tấn của Liên Hiệp Quốc về mong muốn bảo vệ quyền con người, ngăn chặn tra tấn trên lãnh thổ Việt Nam và có hành động trong trường hợp có khiếu nại về tra tấn."
"Đoàn Việt Nam nói rằng thủ phạm tra tấn có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến chung thân, nhưng không có trích dẫn về số lượng người bị tra tấn hoặc những gì xảy ra với những người khiếu nại các vụ này."
"Họ cũng đề cập rằng chính phủ Việt Nam đang nỗ lực đào tạo và phổ biến nội dung của Công ước cho công an nhưng không đề cập đến số lượng các buổi đào tạo, nội dung của nó, và người ta cũng không rõ công an hoặc nhân viên các trại giam có được học các khóa này."
"Nhìn chung, đoàn Việt Nam nói họ sẵn lòng thực hiện Công ước về chống tra tấn và công nhận rằng còn phải làm nhiều hơn nữa cho việc này. Nhưng nếu nghiêm túc về việc thực thi Công ước, liệu họ có cho phép báo cáo viên đặc biệt về tra tấn đến Việt Nam trong tương lai gần?"
"Tôi tin rằng Việt Nam đang cố gắng tạo ấn tượng rằng họ có những nỗ lực để cải thiện tình hình trong bối cảnh có cáo buộc về sự đàn áp giới bất đồng gia tăng tại nước này."
"Tuy nhiên, nếu chính phủ Việt Nam mở các khóa đào tạo Công ước về chống tra tấn cho công an và khuyến khích họ, phối hợp với các tổ chức xã hội dân sự, để thay đổi hành vi, thì đó có thể là cơ hội để thực trạng và cáo buộc về tra tấn, tử vong trong đồn giảm bớt."
"Một điều quan trọng là dừng việc hình sự hóa những người bảo vệ nhân quyền và cản trở công việc của các tổ chức nhân quyền, vì đây là những bên có thể giúp cải thiện thực trạng này."

'Thực trạng không thay đổi'
Cùng ngày, ông Nguyễn Đình Thắng, CEO và chủ tịch Ủy ban cứu Người vượt biển (BPSOS), người đang có mặt tại sự kiện ở Geneva, nói với BBC:
"Trong suốt ba tháng trước cuộc kiểm điểm Việt Nam về thực thi Công ước về chống tra tấn, một nhóm khoảng 10 tổ chức xã hội dân sự Việt Nam và quốc tế đã lặng lẽ phối hợp để hoàn thành hai bản báo cáo chung nộp cho Ủy ban Chống tra tấn của Liên Hiệp Quốc."
"Các câu hỏi của Ủy ban Chống tra tấn đặt ra cho phái đoàn Việt Nam tại sự kiện này phần lớn dựa vào các bản báo cáo và thông tin cập nhật của chúng tôi."
"Sau cuộc kiểm điểm, Việt Nam sẽ có văn bản trả lời chính thức các câu hỏi của Ủy ban Chống tra tấn. Khoảng một năm sau, Ủy ban này sẽ có bản báo cáo chung cuộc. Một năm ấy là cơ hội để các tổ chức xã hội dân sự ở trong và ngoài Việt Nam đóng góp với bản báo cáo chung cuộc."
"Chúng tôi sẽ làm việc chặt chẽ với các tổ chức đồng hành từ bấy lâu nay và với các nhóm đấu tranh ở trong nước để tận khai thác cơ hội này."
Ông Thắng cũng nói thêm: "Số người dân bị chết tại các đồn công an ở Việt Nam có thể tăng hoặc giảm mỗi năm, nhưng thực trạng không có gì thay đổi."
"Nghĩa là, chính quyền vẫn không có biện pháp hiệu quả để ngăn ngừa tình trạng tra tấn. Nạn nhân và thân nhân của họ vẫn không thể trông cậy vào hệ thống pháp luật để đòi công lý. Thủ phạm vẫn có thể vô tội vạ vì được hệ thống chính quyền bao che."
"Muốn tránh tình trạng này thì phải có một định chế độc lập với chính quyền để theo dõi các trường hợp tra tấn, kiểm tra việc thực thi Công ước về chống tra tấn, và báo cáo với Nhà nước, với người dân và với quốc tế về các khiếm khuyết trong chính sách hiện hành cũng như đề nghị các biện pháp cải thiện."
"Hình thành một định chế độc lập như vậy là một trong những đề nghị trong báo cáo của chúng tôi gửi cho Ủy ban Chống tra tấn. Ngày hôm qua, khi mở đầu buổi kiểm điểm, ông Jens Modvig, Chủ tịch của Ủy ban, đã hỏi phái đoàn Việt Nam là chính quyền của họ có sẵn sàng chấp nhận đề nghị ấy không."

*
Tin liên quan






No comments:

Post a Comment

View My Stats