November 12, 2018
Năm
2000, trong một lần nói chuyện trước một cử toạ trong giới thượng lưu ở
Washington, cựu Tổng thống Bill Clinton đã đưa ra một nhận xét đại khái nói rằng
việc chính quyền Trung Quốc tìm cách kiểm soát internet cũng giống như người ta
đóng một miếng thạch lên trên tường vậy (That’s sort of like trying to nail
jello to the wall). Ý của Clinton muốn nói là nỗ lực kiểm soát internet của
Trung Quốc sẽ đi đến thất bại cũng giống như người ta lấy miếng thạch mà đóng
lên tường thì miếng thạch sẽ vỡ nát và rơi xuống đất mà thôi.
Biếm hoạ Phòng Hỏa Trường Thành – nguồn
WordPress.com
Kể từ lần nói chuyện đó đến nay là gần hai thập
niên, có thể nhiều người không còn nhớ câu nhận xét ví von đó của Bill Clinton,
nhưng Trung Quốc thì vẫn âm thầm tiếp tục cho xây dựng hệ thống tường lửa của họ
để kiểm soát và theo dõi mọi hoạt động trên mạng của người dân trong nước họ. Ðến
nay thì bức tường lửa này được đánh giá là hệ thống tường lửa tinh vi nhất thế
giới, đến nỗi các nước Tây phương đã phải gọi nó là Phòng Hỏa Trường Thành
(Great Firewall). Một bản phúc trình mới của tổ chức Freedom House, có trụ
sở chính ở Washington, vừa đưa ra trong tuần qua cho biết Trung Quốc lại một lần
nữa đứng đầu danh sách và là quốc gia ngược đãi quyền tự do internet của người
dân tệ hại nhất trên thế giới, và hiện vẫn không có dấu hiệu nào cho thấy họ sẽ
chậm lại mà hơn nữa lại còn đang ra sức xuất cảng mô hình tường lửa của họ tới
nhiều quốc gia trên thế giới.
Trong mấy thập niên đầu khi internet mới xuất hiện,
nhiều học giả uy tín và có ảnh hưởng đã tuyên bố rằng internet – do bởi cái bản
chất tự nhiên của nó – sẽ lan truyền dân chủ và quyền tự do ngôn luận tới khắp
hang cùng ngõ hẻm. Và như có người từng nhận xét, nhờ khuynh hướng toàn cầu hoá
hợp lực cùng với mạng internet sẽ hành động giống như chiếc kềm bẻ gãy tất cả mọi
ổ khoá và mở cửa cho các xã hội khép kín ra với thế giới tự do.
Việc kiểm soát internet tại Trung Quốc và một số quốc
gia khác trên thế giới hiện nay cho thấy nhận định của các học giả trên về
tương lai internet và sự truyền bá dân chủ trên thế giới đã không xảy ra đúng
như dự đoán. Trung Quốc đã
sử dụng bức tường lửa để ngăn chặn và kiểm duyệt mọi sinh hoạt internet của người
dân trong nước một cách ngày càng tinh vi và có hệ thống. Ðặc biệt là
trong mấy năm gần đây, kể từ khi Tập Cận Bình được đảng cộng sản bầu lên làm chủ
tịch, Trung Quốc đã làm việc rất tích cực với những chính quyền của nhiều quốc
gia trên thế giới để hỗ trợ những quốc gia này xây dựng bức tường lửa cho họ,
và đồng thời vận động Liên Hiệp Quốc và những tổ chức quốc tế khác giảm thiểu bớt
nỗ lực bảo vệ quyền tự do internet trên thế giới.
Mô hình kiểm soát internet của Trung Quốc – nguồn
freedomhouse.org
Có thể nói phần nào Trung Quốc đã gặt hái được ít
nhiều thành công.
Trung Quốc không chỉ tiếp tục hạn chế việc sử dụng
internet của người dân ở bên trong lãnh thổ của họ mà còn mở ra những khoá huấn
luyện cho giới chức chính quyền từ những quốc gia nào muốn học hỏi về những kỹ
thuật kiểm duyệt internet của họ. Trong số những quốc gia gửi người tới những
khoá huấn luyện này, phúc trình của Freedom House nêu đích danh Việt Nam, nguyên
văn như sau: “Trong khi người ta vẫn chưa hoàn toàn nắm
rõ những gì diễn ra trong những khoá học trên, việc huấn luyện cho các giới chức
Việt Nam vào Tháng 4 năm 2017 đã được tiếp nối trong năm 2018 bởi sự kiện chính
quyền Việt Nam đưa ra luật an ninh mạng bắt chước gần giống với luật an ninh mạng
của Trung Quốc.”
Việt Nam nằm trong danh sách những quốc gia không có
tự do internet của tổ chức Freedom House. Trong phần phúc trình về Việt Nam,
Freedom House cho biết chính quyền Việt Nam đã thành công trong việc buộc hai
công ty Facebook và Google tháo gỡ hàng trăm trương mục cá nhân và hàng nhiều
ngàn video trên mạng YouTube mà nội dung là chỉ trích nhà nước.
Gần đây, chính quyền Việt Nam còn cho thành lập một
đơn vị quân đội có tên là Lực
lượng 47 với hơn 10,000 nhân viên, trong số đó có nhiều ngàn dư luận
viên được sử dụng làm công việc cố tình bóp méo nội dung thông tin trên mạng và
hướng dẫn dư luận theo chiều hướng có lợi cho chính quyền. Trong năm 2018,
chính quyền Việt Nam còn gia tăng đàn áp quyền tự do ngôn luận trên mạng, với
nhiều blogger và nhà hoạt động nhân quyền bị cầm tù vì những hoạt động trên mạng
của họ. Trong số đó có blogger
Hoàng Ðức Bình bị y án 14 năm tù – là bản án nặng nề nhất dành cho bất kỳ
blogger nào – vì ông Bình đã mạnh mẽ lên tiếng chỉ trích vụ thảm hoạ môi trường
Formosa. Ðược biết nhiều trang mạng tin tức độc lập và ủng hộ dân chủ ở Việt
Nam cũng đã liên tiếp bị tin tặc tấn công trong nhiều tháng qua.
Người dân Việt Nam biểu tình phản đối luật an ninh mạng
– nguồn Asian Correspondent
Cách đây hai tháng, trên tờ Washington
Post có đăng một bài xã luận của nhóm chủ biên nói về một bản phúc trình khác của
tổ chức Human Rights Watch, đã thu thập được nhiều dữ liệu sau khi phỏng vấn 58
cư dân từng sống tại khu vực Tân Cương, cho biết có khoảng 1 triệu người gốc Hồi
Hột (Uighur) đã bị bắt cầm tù trong các trại được gọi là cải tạo chính trị, tại
đây các tù nhân bị bắt buộc phải học và hát thuộc lòng những bài hát và khẩu hiệu
ca tụng đảng thì mới được phát cơm ăn. Trong khi đó, 23 triệu người dân còn lại
đang sống trong khu vực thì luôn luôn bị đặt trong tình trạng bị theo dõi bởi một
mạng lưới tinh vi thu thập các dữ liệu sinh trắc học (biometric) như DNA và giọng
nói, và sử dụng kỹ thuật trí thông minh nhân tạo để nhận diện, đánh giá và theo
dõi từng mỗi cá nhân. Những ai không may bị đánh giá là khả nghi thì liền bị bắt
và đưa tới những trại cải tạo trên mà không cần trải qua bất kỳ một tiến trình
xét xử nào.
Bài xã luận gọi việc chính quyền Trung Quốc sử dụng
các phương tiện kỹ thuật tân tiến để theo dõi và đàn áp người dân không chỉ
trong khu vực Tân Cương mà ở khắp cõi Trung Hoa là một hình thức chủ nghĩa toàn
trị của thế kỷ 21.
Người dân Hồi Hột trưng hình ảnh thân nhân bị chính
quyền Trung Quốc giam giữ – nguồn BBC.com
Cũng trên tờ Washington Post tuần qua đăng một bài
quan điểm của hai tác giả Michael Abramowitz và Michael Chertoff, giám đốc và
chủ tịch của tổ chức Freedom House, đã lên tiếng cảnh báo rằng cuộc chiến
thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay chỉ chú trọng tới những mặt hàng từ
nông phẩm đến đồ gia dụng trong nhà mà đáng lẽ ra Hoa Kỳ và các quốc gia dân chủ
khác nên quan tâm đến một mặt hàng xuất cảng khác của Trung Quốc mà hai tác giả
trên gọi đó là “chủ nghĩa toàn trị kỹ thuật số.”
Abramowitz và Chertoff tố cáo việc chính quyền Trung
Quốc cho xuất cảng kỹ thuật tin học, trong đó bao gồm nhiều dự án xây dựng tường
lửa, là nằm trong một phần mưu đồ của kế hoạch “Nhất đới Nhất lộ” của họ. Trong
danh sách 65 quốc gia mà Freedom House theo dõi, có nhiều bằng chứng cho thấy
có 38 quốc gia trong số đó đã cho lắp đặt những hệ thống viễn thông quy mô lớn
từ những công ty Trung Quốc như Huawei, ZTE hay China Telecom thuộc quốc doanh.
Trong khi những công ty này đang cho thực hiện việc
xây dựng “con đường tơ lụa kỹ thuật số” nối kết những quốc gia trên qua hệ thống
cáp quang (fiber-optic cables), các chuyên gia về tin học cảnh báo rằng những hệ
thống này không chỉ giúp chính quyền tại những quốc gia trên theo dõi sinh hoạt
của người dân nước họ mà ngay cả hoạt động của các chính quyền đó cũng có thể
đang bị các cơ quan tình báo của Trung Quốc theo dõi luôn nữa. Tháng Giêng đầu
năm, một bản phúc trình cho biết mạng lưới tin học do Trung Quốc xây dựng đặt tại
trụ sở chính của tổ chức Liên hiệp Phi châu ở Ethiopia đã thường xuyên mỗi ngày
gửi về Thượng Hải những tài liệu mật của tổ chức này trong suốt 5 năm qua.
Abramowitz và Chertoff kêu gọi các quốc gia dân chủ
cần hành động ngay tức khắc để ngăn cản việc xuất cảng tường lửa này của Trung
Quốc, đồng thời đưa ra những biện pháp trừng phạt những công ty nào cung cấp những
kỹ thuật được sử dụng để đàn áp tiếng nói của người dân trước khi ảnh hưởng của
việc xuất cảng này lây lan qua nhiều nơi khác trên thế giới. (*)
VH
-----------------------
Sunday, 4 November 2018
No comments:
Post a Comment