Phạm Đoan Trang
15/07/2018
Kể
từ khi mạng xã hội nở rộ ở Việt Nam, có một nghề bỗng nhiên được biết đến và
một số người làm nghề đó trở thành người của cộng đồng. Đó là nghề hoạt động xã
hội, hoạt động vì dân chủ và nhân quyền.
Bạn
đã biết một gương mặt rất nổi tiếng gần đây là Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tức
facebooker Mẹ Nấm. Quỳnh được biết đến như là một phụ nữ trẻ, mẹ của hai con
nhỏ, và thực sự đã chỉ lên tiếng mạnh mẽ chống bá quyền Trung Quốc, phản đối
Formosa và những nhóm lợi ích đen tối đứng sau các dự án tàn phá môi trường ở
Việt Nam, nhưng lại bị quy tội “chống nhà nước CHXHCN Việt Nam” (Hóa ra Trung
Quốc, Formosa và CHXHCN Việt Nam là một).
https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEjQrwMCdaDt2AeOhkfJ45xzYS0F2BJjmYZHzljXPG2GGHfV1SPOaHDCnA8irTcCN6YGTQ82WDr8NQuIOs7a_XjvqLTVL6JXaTYVkBgUNK-RJMCOqSCa7KWSvv6_jzbiOWU6f02_KcNQ-xu_/?imgmax=800
Đoàn
Huy Chương. Ảnh FB PĐT
Nhưng
có lẽ không nhiều bạn trẻ biết người đàn ông trong bức hình này. Bởi vì anh thuộc
thế hệ đi trước. Anh ở trong số những người đã đi trên con đường đấu tranh vì
dân chủ, nhân quyền cho Việt Nam từ rất lâu, vào thời mà phần lớn chúng ta chưa
nghe nói đến từ “nhân quyền”, chưa bao giờ nghĩ tới cái gì vượt ra ngoài phạm
vi bản thân và gia đình, và thấy công an thì sợ run như giẽ.
Anh
tên là Đoàn Huy Chương, sinh năm 1980 trong một gia đình chẳng giàu có gì. Anh
không được học hành nhiều, đi làm công nhân từ sớm. Và ngay lập tức anh chứng
kiến cảnh sống của công nhân trong những công xưởng bóc lột của Việt Nam thời
tư bản rừng rú, chứng kiến lực lượng được mệnh danh là “giai cấp tiên phong của
cách mạng” bị đối xử tàn tệ như thế nào. Họ như không được coi là con người
nữa, chỉ là cái máy có hai chân hai tay mà thôi.
“Có những xưởng mà
công nhân phải làm việc quần quật từ 6h tối đến sáng hôm sau, và chỉ cần họ gục
đầu ngủ gật một giây thôi mà bị phát hiện thì lập tức bị phạt 300.000 đồng. Thế
mà lương của họ chỉ có 600.000 đồng/tháng thôi”.
Xúc
phạm nhân phẩm người lao động cũng là chuyện thường xuyên. Cậy thế “nhà đầu tư
nước ngoài”, những chủ lao động Đài Loan, Trung Quốc có thể chửi bới, bạt tai,
ném giày vào mặt công nhân bản địa mà chẳng làm sao cả.
Hai
lần đi tù, gần 10 năm tuổi xuân
Có
lẽ ai ở hoàn cảnh đó cũng nhìn ra tình cảnh của công nhân. Nhưng chỉ có mình
Chương xót xa và cảm thấy bị thúc đẩy phải đấu tranh để bảo vệ công nhân.
Trong
môi trường tất cả đều im lặng thì dĩ nhiên, người duy nhất lên tiếng sẽ nổi bật
lên. Và kết quả của việc ấy là Chương lĩnh án tù cho các hoạt động đấu tranh
của mình. Ngày 13/11/2006,
ngay khi Việt Nam chuẩn bị gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), anh bị
công an bắt và khép vào tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm hại
lợi ích nhà nước”, theo Điều 258 Bộ luật Hình sự. Anh lĩnh án 1,5 năm.
Thật
vô lý khi chính quyền lại có thể bắt bớ, bỏ tù một người đấu tranh chống chủ
lao động bóc lột công nhân – chẳng hóa ra chính quyền là tay chân của doanh
nghiệp đó sao? Nhưng dưới chế độ độc tài thì hàng nghìn điều vô lý vẫn xảy ra
và Chương đi tù.
Ngày
13/5/2008, anh ra tù và chính thức trở thành một nhà hoạt động công đoàn, tức
là người đấu tranh để bảo vệ các quyền của công nhân, người lao động.
Ngày 13/2/2010, cũng vào một ngày 13,
Chương lại bị bắt.
Lần này anh ra tòa cùng hai người đồng sự là Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và Đỗ Thị
Minh Hạnh. Ba người bị khép vào một tội có cái tên rất tối nghĩa là “phá rối an
ninh” (Điều 89 Bộ luật Hình sự); chẳng hiểu phá rối an ninh là phá cái gì.
Trước đó, họ đã giúp công nhân nhà máy da giày Mỹ Phong tổ chức đình công và
kết quả là được tăng lương từ 600.000 lên hơn 1 triệu đồng mỗi người.
Trước
tòa, ba con người trẻ tuổi ngẩng cao đầu đối đáp với những kẻ muốn tiêu diệt
họ. Không thể hiểu vì sao tòa án của công an ra sức bênh vực chủ lao động nước
ngoài, bất chấp việc công nhân nước mình bị bóc lột tàn tệ và vô lý ra sao.
Chủ
doanh nghiệp Đài Loan thậm chí còn tuyên bố: “Không có công ty da giày của
chúng tôi ở đây thì thanh niên địa phương chỉ có mà đi làm đĩ”.
Ba
bị cáo phản bác: “Trước khi các vị có mặt ở đây 5 năm về trước, thanh niên địa
phương chỉ làm đĩ thôi sao? Trong số chúng tôi, có cả người có học, người có mơ
ước được vươn lên một cuộc sống tốt đẹp, người là con của bà mẹ Việt Nam anh
hùng đấy”.
Bên
buộc tội lập luận: Chống chủ doanh nghiệp tức là chống lại đầu tư nước ngoài
vào Việt Nam, chống phát triển kinh tế.
Ba
nhà hoạt động công đoàn bác bỏ: “Không! Khuyến khích đầu tư nước ngoài phải đi
liền với bảo vệ người lao động Việt Nam”.
Một
lần nữa, Chương lại đi tù, lần này là với bản án 7 năm. Hạnh, ở tuổi 25, cũng
bị ấn mức án 7 năm. Hùng 9 năm. Phiên sơ thẩm không luật sư, không báo chí. Tòa
thậm chí còn cố sống cố chết bịt miệng, không để cho họ được tự bào chữa.
Đời
đẹp khi họ sống vì cộng đồng
Trong
những năm Chương ngồi tù, cứ lâu lâu công an lại vào dụ anh, “thôi thì nhận tội
đi, còn ra sớm, về với vợ con”. Chương luôn hỏi lại: “Nhận tội gì? Có tội gì mà
nhận?”.
Anh
đã ở tù cho đến khi hết án, không được giảm một ngày nào.
Ra
tù, anh lại tiếp tục các hoạt động đấu tranh của một người bảo vệ nhân quyền. Vẫn
cương quyết, can đảm và trong sáng như thế, chẳng có gì thay đổi. Như thể anh
chưa từng đi tù tới hai lần, mất gần 10 năm tuổi xuân. Anh chẳng oán giận,
chẳng trách móc ai, ngay cả một công nhân ngày xưa đã từng được anh giúp đỡ và
quay ra khai báo chống lại anh vì sợ công an quá. Nói về người công nhân ấy,
anh chỉ cười: “Thật ra thì mình chỉ càng thấy thương nó hơn chứ không giận. Nó
đâu biết gì về quyền của nó đâu. Nghèo, không hiểu biết, tội lắm”.
Chưa
bao giờ anh than vãn một lời nào, kiểu như "Tôi đấu tranh vì cộng đồng mà
chẳng được quan tâm...".
Ngay
cả với công an – những kẻ đã từng theo dõi, đánh đập, bắt bớ anh và vẫn luôn
rình cơ hội làm thế với anh lần nữa – Chương cũng chẳng căm hận. Có người nói
với anh: "Mai mốt Việt Nam dân chủ, tao sẽ đi tìm những thằng an ninh từng
đánh mày để xử nó". Chương cười và chặn ngay: "Không làm vậy. Oán thù
chỉ sinh ra oán thù, không giải quyết được việc gì cả".
Và,
Chương không mảy may sợ hãi, thậm chí luôn sẵn sàng tinh thần cho việc bị bắt
và vào tù lần thứ ba.
Nhìn
nụ cười của anh, ai nghĩ người trong bức hình này vừa đi tù về và ngay cả bây
giờ, vẫn đang sống trong sự theo dõi và quấy nhiễu của an ninh?
Còn
tôi thì nghĩ: Việt Nam đẹp vì có những con người như thế – những người đã và
đang đấu tranh để thay đổi xã hội, và sự đấu tranh của họ xuất phát từ tình
thương yêu.
P.Đ.T.
Nguồn: FB
Phạm Đoan Trang
No comments:
Post a Comment