Sunday, 22 July 2018

TỔNG THỐNG & CƠN MƯA (Tương Lai)




Tương Lai
22-7-2018

Mênh mông thế sự để gió cuốn đi số 46

Nắng mưa là chuyện của trời. Ấy thế mà đôi khi cái ngẫu nhiên của trời đất lại là nguồn cơn của lắm chuyện đa đoan! Cơn mưa trút xuống sân Luzhniki ở Maxcơva buổi trao chiếc cúp vàng danh giá sau trận chung kết Worldcup ngày 15.7.2018 vừa rồi đã làm nhòe phấn son trên gương mặt của chính khách.

Cơn mưa đổ xuống sân vận động Luzhniki sau trận chung kết WC 2018. Bà Thổng thống Croatia đứng bên phải, chúc mừng huấn luyện viên (áo trắng) đội tuyển Croatia. Ảnh trên mạng

Hiềm một nỗi, không phải là phấn son trên dung nhan cần son phấn! Mà là làm nhòe hình ảnh của một ông Tổng thống vốn rất chú ý đến việc PR chính mình bằng những màn rất đáng khâm phục khiến thiên hạ từng lác cả mắt, như tự lái máy bay phản lực siêu thanh, cỡi trần cưỡi gấu chạy như bay, chui vào tàu ngầm lặn xuống Baical, hồ sâu nhất thế giới ở Siberia, biểu diễn Judo trong tư cách “bát đẳng huyền đai” mà Liên đoàn Judo quôc tế [IJF] tấn phong…

Thế rồi, trận chung kết bóng đá kết thúc, khán giả phải chờ đến gần nửa giờ để ban tổ chức chuẩn bị cho buổi lễ long trọng trao các danh hiệu cao quý của WorldCup. Các nguyên thủ quốc gia của Pháp, của Croatia, của Bỉ và các quan chức của FIFA… đã tề tựu đông đủ, thì cơn mưa tai ác ập đến. Mưa nặng hạt dần, rồi xối xả trút xuống đầu các quan khách và cầu thủ.

TT Putin cỡi trần, cỡi trên lưng chú gấu. Ảnh trên mạng

Một chiếc ô đen khá rộng được vội giương lên che cho ngài Tổng thống nước chủ nhà. Vâng chỉ một chiếc ô. Và vì chỉ duy nhất có một, nên các cận vệ phải che cho Putin, tổng thống của mình. Chẳng đáng trách họ! Trọng trách của họ là đảm bảo an toàn cho tổng thống của mình, phải bảo vệ bằng bất cứ giá nào, trong bất cứ tình huống nào mà chắc là đã được huấn luyện kỹ càng.

Thì chẳng phải sau đó người ta cũng kiếm ra được mấy chiếc ô tuy có bé hơn để che mưa cho các vị khách quý đó thôi. Oái oăm một nỗi, có lẽ trong giáo trình huấn luyện và kịch bản phải xử lý, có thể người ta quên dạy cách ứng xử tế nhị với phụ nữ và với khách mời mà đất nước họ phải chu toàn mọi nhẽ!  Có một ngẫu nhiên tai quái là vào chung kết lại là hai đội bóng Pháp và Croatia, mà Tổng thống của Croatia lại là một phụ nữ!

Đứng bên cạnh Putin là tổng thống Pháp Macron và bà Tổng thống Croatia Kolinda Grabar-Kitarovic, người phụ nữ duy nhất có mặt trong hàng quan chức đang gội mưa! Chính vì thế, đập vào mắt mọi người là hình ảnh ngài Tổng thống Putin vô tư cười nói dưới chiếc ô giữa cơn mưa như trút khiến mọi người đều ướt sũng, trong đó có vị nữ Tổng thống, khách mời đặc biệt của nước Nga vào dịp hy hữu này.

Bà Tổng thống thì lại đang vô tư dầm mưa để ôm hôn các cầu thủ Croatia của mình, động viên họ đã dũng cảm, kiên cường trên cả mức tuyệt vời, cho dù đã phải nhường quyền đăng quang cho đội Pháp. Rồi cũng dưới mưa, bà Tổng thống ôm hôn các cầu thủ Pháp vừa đá bại đội nhà. Trong chiếc áo bóng đá truyền thống của Croatia, không rõ bà đã nói những gì với các cầu thủ và huấn luyện viên của họ trong thời điểm khắc nghiệt này. Nhưng hình như, nước mắt, nụ cười mà cơn mưa bất chợt đã làm cho gương mặt phụ nữ của vị Tổng thống chói sáng trong đôi mắt của cả thế giới.


Cũng không thiếu những điều ong tiếng ve rằng bà Kolinda có “động cơ chính trị khi dành quá nhiều thời gian chăm sóc động viên đội bóng”, tuy nhiên, nổi bật vẫn là ngợi ca “Cảnh tượng đẹp nhất tại World Cup. Mưa như trút nước, không có ô dù và bà Kolinda Grabar Kitarovic ôm từng cầu thủ của đội Croatia và Pháp, ngay cả khi Croatia vừa thua trận. Thật sự ấm áp và xúc động. Không chính trị, chỉ có thể thao! Chúc mừng cả hai đội!” như Reuters dẫn lời.


Khi dẫn ra những điều trên, tôi không nhằm đối chiếu bà Kolinka với ông Putin, Tổng thống Nga mạnh mẽ và không kém lịch thiệp như những gì tôi đã thấy, đặc biệt trong dịp ông đến Hà Nội. Trong tôi vẫn ấm áp nghĩa tình với những người bạn Liên Xô từng giúp đỡ Viện Xã hội học Việt Nam chúng tôi thuở còn trứng nước. Khi Liên Xô sụp đổ, đón tiếp Viện trưởng Ivanov và những người lãnh đạo Viện Xã hội học Nga, các cán bộ Viện Hàn lâm Nga sang thăm, tôi vẫn dành cho bạn những ứng xử thân tình với lòng biết ơn sâu sắc. Ở họ, tôi tìm thấy sự thẳng thắn chân thành và sự tế nhị, lịch thiệp vốn có của người Nga. Nhưng cũng chính vì vậy, tôi thấy hụt hẫng trước ứng xử của ngài Tổng thống Nga trong trận mưa rào kia.

Các cận vệ của ông có thể vẫn chỉ dành chiếc ô duy nhất vào lúc đó cho vị nguyên thủ quốc gia mà họ phải chăm sóc, nhưng ông thì không. Ông là hình ảnh của một quốc gia mà lãnh thổ nằm trên cả hai châu lục Âu Á chạy dài từ tây sang đông. Ông đang cố gắng làm sống lại sức mạnh của một siêu cường. Chỉ một cử chỉ nhỏ, có thể là rất nhỏ trong hành vi, trong phẩm tính của một vị Tổng thống, ông sẽ làm xấu đi hình ảnh đất nước ông! Nghiệt ngã của một chính khách trong vai trò của họ chính là ở chỗ này đây. Và ông Putin phải gánh lấy sự nghiệt ngã ấy.

Ông Putin có thể lặn xuống cái hồ sâu nhất trên thế giới, ở đó ông có thể ngắm vẻ tuyệt mỹ và đầy bí ẩn của hồ Baical vốn từng là niềm xúc động trong trái tim người Nga, nhưng lại làm cho trái tim Nga buốt giá vì sự vô ý bỗng trở thành vô cảm trước cơn mưa rào tai ác. Ai đó đã sử dụng kỹ thuật photoshop để biến con ngựa ông Putin cưỡi thành con gấu nâu khiến cho người cưỡi nó tăng thêm tính hấp dẫn ngoạn mục, nhưng lại không thể dùng kỹ thuật đó để chuyển chiếc ô đang che cho ông Tổng thống nước chủ nhà sang che cho bà Tổng thống Croatia, khách mời danh dự của trận chung kết bóng đá lịch sử lần đầu tiên tổ chức trên thủ đô nước Nga, thể hiện sự tế nhị rất nhạy cảm, một nét văn hóa ứng xử không thể thiếu trong một nguyên thủ của một quốc gia với một bề dày văn hóa cực kỳ đáng nể trọng.

Nên nhớ là ông Putin đã phải tiêu đến 15 tỷ USD cho World Cup 2018, một chi phí nhiều nhất trong các World Cup từng được tổ chức. Người Nga phải chuẩn bị nhiều năm trời để có một World Cup rất hoành tráng trong bối cảnh phức tạp của thế giới và trong những rắc rối mà nước Nga phải đối phó. Nước Nga đã thực thi sứ mệnh vẻ vang của mình một cách xuất sắc, World Cup 2018 đã thành công rực rỡ. Vâng, thật là rực rỡ, nếu không có trận mưa tệ hại kia! Và rồi, một bình luận như cứa sâu vào trái tim người Nga: “Cái ô to của Putin che cho ông ta, còn nước Nga thì ướt lướt thướt”.

Phải chăng đây là bài học vỡ lòng cho những ai có ý định ngồi lên cái ghế quyền lực trong buổi nhiễu nhương lành ít dữ nhiều này, cho dù có ngụy biện rất chi là biện chứng, từ ham quyền lực chuyển sang không ham rồi tùy diễn biến lại ham thêm mãi. Tuy vậy, bài học phản diện thì dù sao cũng chỉ mang tính răn đe, bài học chính diện có tính thuyết phục hơn chăng? Hình ảnh bà Tổng thống Croatia có thể là bài học chính diện đó.

Thì đây, hãy nghe bà ấy: “Tôi đến trận chung kết không phải với tư cách một chính trị gia hay tổng thống… mà là một người hâm mộ cuồng nhiệt của bóng đá Croatia và một người từng chơi bóng khi còn bé”, bà nói trước giờ bóng lăn. “Bất chấp kết quả thế nào, dù tôi tin đó là một chiến thắng, chúng tôi cũng đã là người chiến thắng rồi“.

Nữ tổng thống Croatia, cổ động viên hết mình của đội tuyển. Ảnh trên mạng

Báo chí phương Tây đưa nhiều chi tiết rất thú vị về người phụ nữ với chiếc áo caro đỏ trắng, luôn cổ vũ hết sức cuồng nhiệt trong suốt cả trận đấu trên hàng ghế của các cổ động viên Croatia, chỉ đến khi Croatia bước vào vòng 1/8, người ta mới ngỡ ngàng phát hiện ra đó chính là bà Tổng thống Croatia. Rồi phải đến trận tứ kết giữa Nga và Croatia thì Chủ tịch FIFA Gianni Infantino mới thuyết phục được bà đến khu vực VIP.

Điều này cũng dễ hiểu thôi khi biết rằng chi phí cho chuyến đi cổ vũ bóng đá của bà Tổng thống là hoàn toàn tự túc, mua vé máy bay hạng phổ thông, tự trả tiền vé vào sân cho mình và đồng thời tự khấu trừ lương những ngày không làm việc! Bà Kolinda Grabar-Kitarovic là một người thông thạo tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Bồ Đào Nha, có thể hiểu được tiếng Đức, tiếng Pháp và tiếng Ý. Không ít người cho rằng thế giới cần nhiều hơn những nhà lãnh đạo ấm áp và tài năng như nữ Tổng thống Croatia, một nhà lãnh đạo vừa nghiêm túc, vừa thân thiện.

Và đương nhiên, sẽ là một sự lố bịch, thậm chí là một sự xúc phạm với người phụ nữ nắm quyền cao nhất của một quốc gia ấy, nếu người ta chưng lên một cái “băng rôn” màu đỏ với những dòng chữ to đùng để thông báo rằng bà Tổng thống đã đến động viên và thăm hỏi cầu thủ đội nhà, một hình ảnh quen thuộc ở xứ ta!

Sự lố bịch và bị xem là xúc phạm đó có lẽ không phải chỉ đối với bà Tổng thống giản dị và thích hòa đồng với mọi người như bà Kolinda Grabar-Kitarovic, mà là không xa lạ trong một xã hội văn minh, xem người gánh vác trọng trách quốc gia chỉ là người được bầu lên bằng lá phiếu của dân ! Sự tha hóa của quyền lực đã nảy nòi ra một thói tục tệ hại là người giữ một trọng trách nào đó đi tới đâu là phải có căng băng rôn chào đón như chuyện hàng ngày ở nước ta hôm nay. Đã quá xa vời và lạc lõng hình ảnh người gánh vác trọng trách của nhà nước chỉ là “người chiến sĩ tuân lệnh quốc dân ra mặt trận” như cụ Hồ nói trước đây, cho dù người ta vẫn đăng đàn rao giảng một cách mùi mẩn.

Sự phù phiếm mang đậm chất quan liêu vô liêm sỉ đi liền với thói nịnh bợ đang như một cơn dịch lan nhanh khắp cả nước. Mới hôm kia đây, trước Bệnh viện nọ treo một băng rôn to đùng đỏ chói chào mừng bà Bộ trưởng Y tế đến thăm! Cái bệnh dịch này thật đáng sợ, vì e rằng bà bộ trưởng từng cho bán thuốc giả hết đát cho người bệnh muốn kéo dài sự nịnh bợ để thỏa mãn một bệnh lý của những kẻ cầm quyền đã tê liệt giây thần kinh xấu hổ! Và rồi, như bóng với hình, đáp lại sự nịnh bợ đó là thói ba hoa khoác lác, nói vung vít, phán vong mạng của những vị tai to mặt lớn, kể cả nói một cách tùy tiện với khách quốc tế mà quên mất “nghĩ mình phương diện quốc gia ”, vì chẳng mấy ai hoài hơi nói lại. Lý do? Miễn kể ra đây.

Bỗng nhớ đến những dòng viết của Nguyễn Khải trong “Đi tìm cái tôi đã mất”, cứ như máu chảy ra đầu ngọn bút: “Nói dối lem lém, nói dối lì lợm, nói không biết xấu hổ, không biết run sợ vì người nghe không có thói quen hỏi lại, không có thói quen lưu giữ các lời giải thích và lời hứa để kiểm tra. Hoặc giả hỏi lại và kiểm tra là không được phép, là tối kỵ, dễ gặp tai hoạ nên không hỏi gì cũng là một phép giữ mình. Người nói nói trong cái trống không, người nghe tuy có mặt đấy nhưng cũng chỉ nghe có những tiếng vang của cái trống không ”.

Thế là từ chuyện trận mưa rào tai ác đã bật ra những nét tính cách đáng nói của hai vị Tổng thống đáng kính kia mà dắt dây sang chuyện thế sự chẳng mấy hay ho này. Chao ôi, ở đây chẳng cần một trận mưa rào nào cả cũng đủ phơi ra nỗi buồn nhân thế. Mà chính vì chuyện “mưa rào” kia, chẳng hiểu sao, cứ muốn nhắc lại đây hình ảnh mưa rào trong hai câu thơ của bài “Tự thán” mà có người cho là của Nguyễn Trãi, [nhưng theo thiển ý của tôi thì e phải soi kỹ hơn], song vì bài thơ hay quá nên không cưỡng lại việc phải dẫn ra: “Đã buồn về trận mưa rào. Lại đau vì nỗi ào ào gió đông”.

Cái trận mưa rào ở tít tắp thủ đô nước Nga kia thì đã làm nhòe hình ảnh của một vị Tổng thống, nhưng buồn hơn là nó làm buốt trái tim những người Nga nhân hậu của một nước có tầm vóc văn hóa vào đỉnh cao của thế giới. Chuyện buồn ấy rồi cũng sẽ qua đi trong cái thế giới đầy biến động bất ngờ này. Nhưng nỗi đau về sự đối sánh chuyện người, chuyện ta nhân trận mưa ngẫu nhiên thật bất ngờ cứ như một định mệnh, thì khó mà vơi đi được khi “biết đem tâm sự ngỏ cùng ai hay ”.

Thật ra thì trước hai câu rất hay dẫn ra ở trên, tác giả đã viết câu ấy :

Chiếc thuyền lơ lửng bên sông
Biết đem tâm sự ngỏ cùng ai hay?
Chắc chi thiên hạ đời nay,
Mà đem non nước làm rày chiêm bao?

Dể rồi sau hai câu thơ đã dẫn là hai câu kết như một nỗi buồn bất tận :

Mây trôi nước chảy xuôi dòng
Chiếc thuyền hờ hững trên sông một mình

Nhà nghiên cứu Viên Linh khi viết về những điều này đã dẫn ra lời của Trần Quốc Vượng, nhà sử học đáng kính mà Viên Linh tin rằng ông đã hiểu tâm sự Nguyễn Trãi, nên viết vọng về tiền nhân như sau: “Thôi cụ ạ, quyền tướng phủ làm chi… Từ nay cụ bị triều Lê kém sử dụng là cái chắc rồi! Ai bảo cụ cứ nhắc đi nhắc lại chuyện nhân nghĩa, chuyện ‘ưu quốc ái dân’ với vua và triều đình của đám quyền thần mới!”.

Vâng “đám quyền thần mới”, đám này không thuộc phạm trù của những người cầm quyền như Kolinda Grabar-Kitarovic, bàTổng thống của nước Cộng hòa Croatia với hơn bốn triệu dân! Và đau là vì lẽ đó. Không có “ào ào gió đông” vẫn đau, càng đau vì chắc chi thiên hạ đời nay đang phải ào ào đối phó với bao chuyện động trời lại vướng bận làm chi đến mối đa đoan này!
_____

Mời đọc lại:









No comments:

Post a Comment

View My Stats