Tuesday, 3 July 2018

MẢNH ĐẤT NÀY THUỘC VỀ KẺ CƯỚP KHI CHỊ VÀO TÙ HOẶC NẰM XUỐNG (FB Nguyễn Thị Oanh)




04/07/2018

Suốt đêm qua, tôi trằn trọc không thể ngủ vì nhận được tin nhắn từ một người bạn FB và cũng là phụ huynh của một trường trong hệ thống. Chị lớn tuổi hơn tôi, là người có học thức, điềm đạm và kín đáo. Thỉnh thoảng chị vẫn hay chat với tôi để thăm hỏi và chia sẻ nhiều chuyện mà hai chị em cùng quan tâm. Tôi thực sự rất quý và thích nói chuyện với chị. Vậy mà tối hôm qua chị nhắn: “Sau tháng 7, nếu 1 tháng kế tiếp mà không thấy chị chat là có thể chị bị bắt vì tội chống cưỡng chế đó em nhe”.

Chị gửi tiếp cho tôi xem tờ thông báo của UBND địa phương, nơi có mảnh đất bị giải toả của gia đình chị, và nhắn thêm: “Chị đã viết cho một đứa em: Cả cái đất nước VN lớn quá, chị dù phẫn uất cũng không có sức lo – còn mảnh đất cha ông – không phải là tranh đấu chỉ vì tiền mà còn là vì chị không chịu nổi cái sự cướp của con người với con người – vì thế nếu có cưỡng chế và nếu có phải nằm xuống thì mảnh đất này chỉ thuộc về kẻ cướp khi chị vào tù hoặc nằm xuống – chị nói trước với em như thế …”.

Tôi đọc xong mấy tin nhắn của chị mà bàng hoàng. Một phụ nữ trí thức, khoan hoà như chị mà nay cũng phải nghĩ đến chuyện đương đầu giữ đất của gia đình mình một cách tiêu cực như vậy sao? Tôi bấm vội mấy dòng năn nỉ chị bình tĩnh, nhưng trong lòng cảm thấy tuyệt vọng và bất lực hơn lúc nào hết! Bởi tôi biết, câu chuyện của gia đình chị giờ không phải cá biệt nữa mà cũng là câu chuyện của hàng triệu gia đình trên mảnh đất hình chữ S này, gắn với một thứ bi thương và khốc liệt hơn cả chiến tranh, đó là ĐẤT ĐAI. Đất bây giờ là vàng, và vì thế cũng là máu. Thời buổi “Thạch Sanh thì ít Lý Thông thì nhiều” nên đất giờ ở đâu cũng mặn chát nước mắt oán thán…

Hôm trước có việc đi sang quận 2. Lạc vào khu đô thị cao cấp Sala rộng hơn 128 ha của Công ty Đại Quang Minh, tôi choáng ngợp với giá nhà tại đây. Một căn nhà phố thương mại trên đường lớn với diện tích sử dụng chừng vài trăm mét có giá bán tới 50 tỷ đồng! Giá cho thuê cũng không dưới 6000 USD/căn/tháng, dù nơi đây vẫn còn thưa người ở.

Đứng cùng tôi trên vỉa hè thênh thang của đường Nguyễn Cơ Thạch, cậu thanh niên làm việc tại một cửa hàng thiết bị vệ sinh ở đây trầm ngâm nhìn ra con đường hoành tráng và bảo: “Báo chí đưa tin giá trị một km đường chỗ này lên tới cả ngàn tỷ đồng. Nhưng trong đó cũng ngút ngàn oán hờn và cả máu của những người mất đất đấy cô ạ! Con là dân Thủ Thiêm, gia đình ba đời ở đây nên con biết…”.

Tôi lặng người tự hỏi, không biết gia đình cậu có phải là một trong những hộ dân ở Thủ Thiêm đã phải hứng chịu đau thương vì đất trong suốt chục năm qua? Hồi tháng Năm, đọc báo thấy cử tri Thủ Thiêm khiếu nại với Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM một mét vuông đất ở khu vực này chỉ được bồi hoàn mức giá tương đương 3 tô phở! Dù đích thân Bí thư thành uỷ đã hứa “tôi không lừa bà con”, nhưng chưa biết vụ việc Thủ Thiêm liên quan đến quyền lợi đất đai của hàng trăm hộ dân sẽ được giải quyết với cái hậu như thế nào?

Đất là vàng, nên người ta sẵn sàng giẫm đạp lên nhau bằng đủ mọi thủ đoạn để chiếm đất. Các nhóm lợi ích thì cấu kết với nhau để chiếm đoạt cả đất công và đất dân, đua nhau trở thành tỷ phú từ những dự án địa ốc. Các quan chức lớn nhỏ tại địa phương cũng tranh thủ hoặc xà xẻo đất công, hoặc ngang nhiên đẩy dân đi khỏi mảnh đất của cha ông họ để cướp đất bằng đủ loại mưu mô.

Chưa có thời buổi nào mà số lượng các “đầy tớ” dính líu đến những vụ bê bối về đất đai nhiều như bây giờ! Ngay cả tướng tá quân đội cũng “ngã ngựa” vì đất chứ không phải vì NƯỚC. Quốc gia này chỉ có chừng trăm người trở thành tỷ phú, triệu phú từ đất. Nhưng cũng từ đất, có tới hàng chục triệu người và hàng triệu hộ gia đình đã phải phẫn uất chịu trắng tay, lâm vào cảnh không nhà không cửa chỉ sau một chữ ký của ai đó…

Hãy đọc hết bức thư gửi Bí thư thành ủy Nguyễn Thiện Nhân dưới đây từ tường nhà của phóng viên Trương Châu Hữu Danh để hiểu thêm về những cảnh đời tan nát vì đất, và để thấy lũ “cướp ngày” đã tranh đoạt đất của dân dã man như thế nào! Người phụ nữ 65 tuổi này đã mòn mỏi đi đòi đất cho nhà chồng trong suốt 40 năm.

Đó là khoảng thời gian đủ để hình thành hai thế hệ. Rồi lần lượt chồng chết, mẹ chồng chết mà lời trối trăng vẫn là mong bà tiếp tục đi đòi đất… Từ một gia đình được sở hữu hợp pháp 16.000 mét vuông đất đô thị ở chế độ cũ, nay bà chỉ còn biết tức tưởi xin ông Bí thư trả lại cho hai mét vuông đất làm chỗ chôn xác trong trường hợp phải tự thiêu để đòi công lý cho gia đình mình!

Chua xót thay, nhà chồng bà lại là một gia đình có công với cách mạng, có nghĩa là chính họ cũng đã tham gia góp phần tạo dựng nên thể chế này. Vậy mà giờ đây, hơn 40 năm sau giải phóng, họ nhận lại được gì? Tôi không thể kìm nén tiếng than trời và tự hỏi những kẻ vẫn tự nhận là “đồng chí” với những người đã bỏ xương máu để xây nên chỗ ngồi cho họ ngày hôm nay có còn chút hổ thẹn nào trong lương tâm khi đọc những dòng tố cáo cay đắng như thế này:

Tôi mệt mỏi, kiệt quệ cả về thể xác và tinh thần vì đất đai của gia đình mình tạo lập bằng mồ hôi, nước mắt đã bị chia gần hết cho những người ‘từng là đồng chí, chiến đấu để giải phóng quê hương’. Chỉ không may là họ còn sống nên họ chiếm hết”…

Những câu chuyện đau thương từ đất và do đất ở xứ sở này có lẽ sẽ chẳng thể hy vọng chấm dứt, một khi Luật Đất đai vẫn không thay đổi theo hướng công nhận người dân có quyền sở hữu đất hợp pháp. Khái niệm “đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện quản lý” trên thực tế đã không hề thể hiện được bản chất ưu việt của CNXH như học thuyết của cách mạng vô sản, mà trái lại, nó chỉ bị lợi dụng nhằm giúp cho bọn tư bản đỏ “tích tụ ruộng đất” dưới một hình thức bóc lột khác và khoét sâu thêm bất công trong xã hội.

Nếu không biết lắng nghe dân và nghiêm túc xây dựng một thể chế pháp luật công bằng, dân chủ, thực sự vì dân, thì một ngày nào đó, những đám cháy âm ỉ rất có thể sẽ bùng phát thành đám cháy lớn. Khi ấy, e rằng “nước xa không cứu được lửa gần”…
______

30-6-2018

Bà Lê Thị Hồng Phượng – người bị đồng đội của cha mình gom đất đai, giật sập nhà cửa rồi đuổi ra đường đã viết thư cầu cứu ông Nguyễn Thiện Nhân – Bí thư TPHCM.

Bị cướp 16.000m2 đất vàng, bà khẩn cầu xin lại… 2m2 để làm chỗ chôn chính mình khi cuối đời. Cuối thư, người đàn bà tội nghiệp đã dùng máu để lăn tay.

Mấy chục năm ròng kêu khóc trong vô vọng, cha chết mất xác, mẹ chết, chồng chết không chỗ chôn thân, chỉ mong ông nguyễn văn nhờ và các con (đều là cán bộ) giàu nứt đố đổ vách trên cao ngó xuống cho chủ cũ 2m2 đất để làm con ma có mồ.

***

“TP. HCM, ngày 27 tháng 6 năm 2018

Kính thưa ông Nguyễn Thiện Nhân!

Tôi tên Lê Thị Hồng Phượng, sinh năm 1955, và chồng tôi là Hà Văn Thạch, sinh năm 1947 – chúng tôi là những người đi kiện đòi đất suốt 40 năm qua (Chồng tôi đã mất cách đây 2 tháng).

Kính thưa ông, chúng tôi cũng như ông, sinh ra trong gia đình truyền thống cách mạng, nhưng số phận mỗi người mỗi khác. Ông nhỏ tuổi hơn và lại làm lớn, còn tôi sức tàn lực kiệt, lại mang phận dân đen, nên xin gọi ông là ông chứ không dám gọi là chú em như cách gọi dân dã miền Tây quê mình.

Thưa ông, cha chồng tôi là ông Hà Văn Tài (thứ ba trong gia đình), sinh năm 1912, cũng một lòng nồng nàn yêu nước như chú Nguyễn Thiện Thành (xin cho tôi gọi là chú Thành, vì chú nhỏ tuổi hơn cha tôi và cùng tham gia cách mạng từ sớm). Cha tôi là một trong những Đảng viên đầu tiên thành lập Chi bộ ở xã Thanh Hưng, huyện Cái Bè, Tiền Giang và là Trưởng Ban kinh tài xã. Gia đình tôi không may mắn khi cha tôi bị giặc giết đến nay không tìm thấy xác.

Chú chồng tôi là ông Hà Văn Chi, là Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chánh xã Thanh Hưng, Cái Bè. Chú còn lại là Hà Phú Thuận (chú thứ bảy trong gia đình – cha chồng tôi thứ ba) cũng tham gia Cách mạng và năm 1975 là Chánh văn phòng Ủy ban Quân quản TP.HCM. (Chú Hà Phú Thuận có một người con là Hà Thanh Hùng, kết hôn với chị Hiếu Dân con gái bác Võ Văn Kiệt, người còn lại là Hà Huy Dũng – tức nhạc sĩ Hà Dũng – nhưng trong cuộc đấu tranh đòi đất, có những việc tế nhị không thể nhờ vả đằng chú, hoặc đằng thông gia của chú Bảy Thuận, bởi dân miền Tây không hề biết câu “Một người làm quan cả họ được nhờ”. Tôi biết, ngay như chú Tư Sang, khi làm Chủ tịch nước thì các cháu ruột của chú Tư nhiều người vẫn sống bằng nghề làm ruộng, chạy xe ôm, hay làm cảnh sát giao thông, chứ không nhờ vả gì).

Thời chiến loạn lạc, cha chồng tôi lại mất sớm, các chú ruột cũng tản lạc chiến đấu nên mẹ chồng tôi (bà Trần Thị Đê) đưa các con mồ côi lên Sài Gòn lập nghiệp và dành dụm mua được 16.000 m2 đất tại Bình Trị Đông, Bình Chánh.

Do nằm ở vị trí đắc địa 2 mặt tiền đường (Kinh Dương Vương và Tên Lửa hiện nay) nên năm 1974, gia đình tôi san lấp mặt bằng, mẹ cùng người em trai ruột xây dựng hàng rào để chuẩn bị xây dựng dự án Khu thương xá. Đến ngày 30/4/1975 Sài Gòn được giải phóng, phần đất này được chính quyền mới tạm giữ nhưng không ra văn bản tịch thu hoặc cải tạo hoặc trưng thu sử dụng. Sau khi đất nước ổn định, từ năm 1978 mẹ tôi liên tục có đơn xin lại phần đất trên nhưng lãnh đạo huyện Bình Chánh (sau là Bình Tân) và cả Ủy ban nhân dân TP. HCM đều chưa xem xét và chưa giải quyết thấu đáo đúng với bản chất vụ việc.
Trong khi chúng tôi không có nhà ở thì có hơn 30 cán bộ được vào khu đất này để cất nhà. Trong số này, ông Nguyễn Văn Nhờ (nguyên Phó Giám đốc Bến Xe Miền Tây; nguyên lãnh đạo công an quận 8 và huyện Bình Chánh, về sau làm Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân huyện Bình Chánh) được “chia” nhiều lần với số đất lên đến gần 5.000m2.

Cụ thể, ngày 14/4/1979, UBND huyện Bình Chánh ra Quyết định số 137/QĐ-UB cấp cho ông Nguyễn Văn Nhờ diện tích 1.000m2 để làm nhà, đè lên bằng khoán số 1103 của gia đình tôi, đồng thời “tạm giao thêm” cho ông Nhờ 1.000m2.

Dù chiếm được đất mặt tiền đường Kinh Dương Vương giá trị rất lớn nhưng ông Nhờ vẫn “khiếu nại” để lấy thêm đất. Sau khi huyện cấp đất cho ông Nhờ thì đến lượt UBND TPHCM ra Quyết định 4570/QĐ-UB-TD ngày 13/7/2000 “V/v giải quyết đơn của ông Nguyễn Văn Nhờ”, chấp thuận cho ông được sử dụng phần đất diện tích 1.504m2 – cũng của gia đình nhà tôi. Bằng nhiều cách khác nhau, hiện nay gia đình ông Nhờ đang có diện tích khoảng 4.640m2 và xây dựng nhà ở kiên cố đồng thời cho các đơn vị khác thuê mặt bằng và thu được rất nhiều hoa lợi.

Ngoài ông Nhờ và các cán bộ khác được cấp đất, năm 1979 Công ty cổ phần xe khách Miền Tây cũng được tạm giao đất của gia đình tôi.

Do đất của gia đình tôi có giấy tờ hợp pháp nhưng địa phương lại chia cho cán bộ nên chúng tôi khiếu nại vượt cấp.

Trong hành trình 40 năm đòi đất, Văn phòng Chính phủ đã có 5 văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ nhắc nhở, đôn đốc giải quyết nhưng chưa được UBND TPHCM quan tâm chỉ đạo và giải quyết thấu đáo. Cụ thể: văn bản số 2254/VPCP.VII ngày 9/5/2003; văn bản số 4657/VPCP.VII ngày 24/8/2006; văn bản số 5712/VPCP – KNTN ngày 29/8/2008; văn bản số 2493/VPCP-KNTC ngày 17/4/2009 và mới đây nhất là văn bản 5892/VPCP-V.I ngày 7/6/2017.

Theo hồ sơ, sau các chỉ đạo của Thủ tướng, Thanh tra Chính phủ đã vào cuộc. Cách đây gần 10 năm và có báo cáo số 485/BC-TTCP ngày 16/3/2009 kết luận về việc giải quyết khiếu nại của bà Lê Thị Hồng Phượng. Nội dung báo cáo nêu: Việc cấp 1.000m2 đất ở cho ông Nhờ theo Quyết định 72/QĐ-UB ngày 15/3/1993 của UBND huyện Bình Chánh có phù hợp với hạn mức đất ở theo quy định của thành phố tại thời điểm ban hành quyết định hay không? Diện tích 1.000m2 đất còn lại chỉ được tạm cấp để sản xuất nông nghiệp nhưng khi xét công nhận lại được coi là đất ở.

Phần diện tích còn lại ngoài diện tích 1.504m2 mà ông Nhờ quản lý sử dụng, Thanh tra thành phố đã kiến nghị UBND thành phố giao đất có thu tiền đối với diện tích còn lại không nằm trong lộ giới phần diện tích trong lộ giới thì tạm giao tại báo cáo số 212/BC-TTTP-XKT ngày 12/4/2007 của Thanh tra thành phố. Kiến nghị này là chưa phù hợp vì đây là phần đất không có quyết định giao đất của cấp có thẩm quyền. Về nội dung khiếu nại liên quan đến diện tích đất của Công ty cổ phần xe khách Miền Tây sử dụng ngày 18/10/2008 của UBND Thành phố chỉ có văn bản chấp thuận hỗ trợ cho gia đình tôi mà không ban hành quyết định giải quyết khiếu nại là chưa phù hợp với Luật Khiếu nại, tố cáo; Đối với tranh chấp khiếu nại liên quan đến diện tích đất của một số hộ dân đang sử dụng UBND huyện Bình chánh trước đây và sau này là UBND quận Bình Tân rất chậm trễ trong xem xét giải quyết cho đến nay cũng chưa phân tách từng trường hợp khiếu nại, tranh chấp để có thủ tục xem xét, giải quyết phù hợp.

Trên cơ sở đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị trình Thủ tướng Chính phủ xem xét yêu cầu Uỷ ban nhân dân TP.HCM cụ thể: Nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với các đơn vị, cá nhân trong việc chậm giải quyết khiếu nại của bà Phượng theo quy định của pháp luật và không báo cáo Thủ tướng chính phủ theo chỉ đạo tại công văn số 2254/VPCP.VII ngày 9/5/2003 của Văn phòng Chính phủ; Rà soát các nội dung đã xem xét, giải quyết. điều chỉnh những nội dung chưa phù hợp về: thẩm quyền, thể thức, chấp hành các quy định của pháp luật mà Đoàn thanh tra đã nhận xét để có biện pháp giải quyết khiếu nại của gia đình tôi.

Ngoài Thanh tra Chính phủ, Thanh tra TP.HCM cũng có nhiều báo cáo, kiến nghị giải quyết theo hướng trả một phần đất cho bà Phượng. Thế nhưng, UBND thành phố không thực hiện kiến nghị của Thanh tra TP. HCM theo các báo cáo có liên quan đến vụ việc, đặc biệt là báo cáo số 39/BC – TTr ngày 10/2/2003 và báo cáo số 591/BC/BC-TTr ngày 5/11/2003 cũng như chưa thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ theo báo cáo số 485/BC-TTCP ngày 16/3/2009.

Ông Nguyễn Văn Nhờ càng lúc càng giàu có trong khi chúng tôi phải bán đến tài sản cuối cùng để đi tìm công lý, phải ở nhà thuê. Nỗi đau chồng chất nỗi đau khi Mẹ và chồng tôi mất mà không có được nơi ở của mình để lo hậu sự chu toàn.

Thế nhưng, ngày 5/4/2013 UBND TP.HCM vẫn ban hành Thông báo 118/TB-UBND về chấm dứt thụ lý giải quyết vụ việc khiếu nại, tranh chấp của bà Lê Thị Hồng Phượng.

Tôi không đồng ý với Thông báo 118 và tiếp tục khiếu nại lên Thủ tướng và vụ việc đã được Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chỉ đạo giải quyết. Tiếp đó ngày 6/10/2017, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn ra Quyết định 2498/QĐ-TTCP “thành lập Đoàn thanh tra liên ngành gồm Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ TNMT, Thanh tra TP.HCM giải quyết khiếu nại của bà Phượng, thời hạn kiểm tra là 15 ngày”.

Thưa Ông. Hiện nay, chúng tôi đã đồng ý với Đoàn Kiểm tra liên ngành Thanh tra Chính phủ 3 nội dung sau:

1- Sau khi được nhà nước công nhận toàn bộ diện tích 16.000m2 của gia đình, chúng tôi đồng ý hiến tặng 53% số đất được công nhận với diện tích là 8.497,9m1/16.000m2 gồm: 3.095,5m2 hiện do hơn 20 hộ dân sử dụng và 1.000m2 đất năm 1979 nhà nước đã cấp cho Ông Nguyễn Văn Nhờ để nhà nước xem xét cấp giấy cho người dân ổn định cuộc sống và 4.402,4m2 nhà nước đã thu hồi để mở rộng đường Kinh Dương Vương, đường Tên Lửa;

2- Đề nghị truy thu số tiền chi trả bồi thường sai đối tượng khi mở rộng đường Kinh Dương Vương và Tên Lửa; truy thu thuế với với Ông Nhờ và người thân trong quá trình xin cấp giấy CN QSDĐ để tránh thất thu ngân sách nhà nước;

3- Yêu cầu trả lại cho gia đình tôi phần đất mà Công ty CP bến xe Miền Tây đang để trống cũng như diện tích mà công ty hiện nay được giao nhưng không sử dụng đúng mục đích được giao – đang cho thuê lại kinh doanh hưởng lợi (Cây xăng; Trạm đăng kiểm; Showroom ô tô An Thái) và phần đất ông Nhờ cùng người thân chiếm dụng để chúng tôi có nơi ở và ổn định cuộc sống.

Ông ơi, trong hành trình 40 năm đòi đất vừa qua, gia đình tôi nếm trải bao đắng cay, tủi nhục và uất hận. 20 lần phải chuyển chỗ ở, có lúc phải xin tá túc ở nhà người quen vì không có tiền trả tiền thuê nhà; con cái không được học hành tới nơi tới chốn do phải chuyển chỗ ở liên tục; tâm lý các cháu hoảng loạn; chúng tôi không có công ăn việc làm ổn định do phải dành thời gian đi khắp nơi khiếu nại cầu cứu.

Chúng tôi mất niềm tin vào Chính quyền vì sự thật là đất của chúng tôi mà giờ UBND TP. HCM không trả cho chúng tôi với lý do: “Không có quá trình sử dụng” và “Không có quá trình kê khai”. Nếu ông chứng kiến cảnh ngày chồng tôi (Hà Ngọc Thạch – ngày 14.3.2018) qua đời – trên tay vẫn cầm chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình và dặn tôi không được bỏ cuộc và trước đó, năm 2003, sau khi cầm được văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu xem xét, bà Trần Thị Đê (mẹ chồng tôi) cũng qua đời thì ông mới thấu hiểu nỗi uất hận của gia đình chúng tôi, thưa ông Nguyễn Thiện Nhân.

Gia đình chúng tôi có đất 16.000m2 ở đô thị lớn nhưng cả mẹ tôi và chồng tôi đều chết mà không có nhà cửa. Trong khi đó, ông Nhờ bỗng dưng chiếm hữu tài sản của gia đình tôi và ung dung sống trong sung sướng và đầy đủ là một bất công quá lớn. Tôi chỉ muốn lấy lại phần mà ông Nhờ chiếm và Công ty Cổ phần bến xe Miền Tây đang dư thừa.

Năm 1990, vợ chồng tôi từng dành dụm được ít tiền, đã vào khu đất 16.000m2 này để mua lại một cái nhà đang cất trên chính đất của mình để sinh sống, được UBND thị trấn An Lạc ký xác nhận. Ngày 13.6.1992, ông Nhờ và 7 người khác đuổi hết gia đình tôi ra ngoài rồi giật sập nhà, sau đó chiếm luôn cho đến nay. Do diện tích ông Nhờ chiếm quá lớn, nên năm 2014, địa phương khi xem xét nộp thuế – chỉ riêng tiền thuế, lên đến 20 tỷ đồng. Tuy nhiên chẳng hiểu tại ông Nhờ lại được các cấp chính quyền ưu ái miễn thuế cho ông và ngân sách thì thất thu.

Ông Nhờ tự nhận mình là Đảng viên 50 năm tuổi Đảng để được “ưu ái” đủ đường, bất chấp các quy định của pháp luật nhưng thử hỏi không có cha chồng tôi và biết bao người Việt Nam nữa đã hy sinh xương máu thậm chí là không tìm thấy thân xác thì giờ ông ấy có thể “vỗ ngực xưng danh” số tuổi đảng ấy không mà các cơ quan nhà nước không xem xét thấu tình đạt lý cho gia đình tôi?

Thưa ông Nguyễn Thiện Nhân,

Gia đình chúng tôi mất mát quá nhiều trong chiến tranh, nên chỉ mong ngày hòa bình đi tìm xác cha, để cha tôi ngậm cười nên chín suối. Thế rồi giải phóng xong, chúng tôi mất tất cả. Mẹ tôi và chồng tôi cũng không có cơ hội đi chứng nhận cho chồng, cho cha mình là liệt sĩ. Đến giờ thân phận vẫn bỏ ngỏ – như rất nhiều trường hợp mất tích thời chiến.

Thưa ông Nguyễn Thiện Nhân,

Người miền Tây mình, và người Việt nói chung, mất đàng cha coi như bên nội cũng dần lợt lạt. Huống chi cha tôi mất quá sớm, mà sau chiến tranh thì các chú cũng không khá giả gì, nên biết họ hàng thì biết vậy chớ cũng không giúp được gì nhiều.

Cùng xuất thân như nhau, nhưng mẹ chồng tôi và chồng tôi thiệt thòi rất nhiều, chỉ vì cha chồng mất quá sớm. Cha tôi mất xác, còn mẹ và chồng thì đau đớn cuối đời khi sống gửi thân trọ đậu, chết gửi nhờ con cháu.

Tôi nay 63 tuổi, đã cùng mẹ chồng và chồng khiếu nại suốt 40 năm. Tôi mệt mỏi, kiệt quệ cả về thể xác và tinh thần vì đất đai của gia đình mình tạo lập bằng mồ hôi, nước mắt đã bị chia gần hết cho những người “từng là đồng chí, chiến đấu để giải phóng quê hương”. Chỉ không may là họ còn sống nên họ chiếm hết.

Thưa ông Nguyễn Thiện Nhân,

Trong 16.000m2 của gia đình tôi, có hơn 30 người (thời điểm họ vào cất nhà – 1978 trở về sau) – bao gồm ông Nhờ và con cái của ông Nhờ cùng hơn 20 người khác. Tuy nhiên, chỉ có ông Nhờ và các con ông là được cấp giấy đỏ với diện tích lớn (cấp giấy năm 2014). Tôi khẩn cầu ông chỉ đạo cấp giấy cho những người còn lại, vì họ cũng đã ở trên đất tôi 40 năm rồi.
Tại sao ông Nhờ (nguyên Viện trưởng Viện KSND huyện Bình Chánh) và con ông Nhờ (lãnh đạo quận Bình Tân hiện nay, người còn lại là lãnh đạo phường) lại được cấp giấy trong khi 20 dân đen [không] được cấp là sự vô lý lớn, ưu ái cán bộ và bỏ quên dân thường.

Thưa ông Nguyễn Thiện Nhân,

Tôi viết thư gửi ông hơi dài với mong muốn được giãi bày toàn bộ bức xúc của gia đình tôi, thời chiến mẹ tôi luôn là tấm gương cho tụi tôi trong việc tiếp tế cho cách mạng, bà nói: “phải làm mọi điều cho sự nghiệp giải phóng nghe con, đó cũng là giải phóng cho chính mình”, biết bao lần bà phải đối mặt với sự kiểm tra gắt gao của chính quyền cũ, bị chụp mũ “tiếp tế cho việt cộng” và bị gây khó đủ điều, bị đánh cho “tơi tả” nhưng bà vẫn kiên tâm. Giải phóng xong những tưởng cuộc đời mình cũng được giải phóng khỏi những áp bức kìm kẹp không ngờ giải phóng xong chúng tôi lại bị chính những người “đồng đội, đồng chí” của cha mình tước đoạt không thương tiếc mọi tài sản của gia đình tôi, thậm chí đánh cho “tả tơi” không còn miếng đất cắm dùi, chết không có chỗ làm đám.

Sau khi toàn gia ông Nhờ chiếm đất của gia đình tôi, thì ông Nhờ có giai đoạn làm lãnh đạo Bến xe miền Tây (năm 1980 chức danh: Phó Giám đốc). Phần đất còn lại mà Bến xe chiếm của tôi, không hề dùng để đậu xe mà được ông Nhờ – sau này là những người tiếp quản, lòn tay nhau cho thuê dưới gầm bàn với giá rất bèo để bỏ túi riêng. Tôi mong ông chỉ đạo làm rõ.

Thưa ông. Tôi đã rơi nước mặt khi đọc bài báo Ông phát biểu trong khi tiếp xúc giải quyết cho bà con Thủ Thiêm, ông nói: “Những người trong chiến tranh sẵn sàng hy sinh, cuối đời muốn có chỗ ở đàng hoàng bình yên” rất đúng với tâm trạng của gia đình tôi. Chiến tranh đã qua lâu rồi mà gia đình tôi nỗi đau càng chất chồng vì chính những cán bộ cách mạng như ông Nguyễn Văn Nhờ và những người tham gia thụ lý giải quyết hồ sơ khiếu nại của chúng tôi như đảng viên Võ Văn Thảo – chuyên viên phòng pháp chế nội chính UBND TP. HCM, người đã tham mưu trình văn bản không đúng sự thật, tạo điều kiện cho Ông Nhờ chiếm đất.

Vụ việc của gia đình tôi nếu xét về độ bức xúc, phức tạp thì nhiều hơn vụ Thủ Thiêm nhưng vì không phải là số đông nên chưa được dư luận biết đến.

Thưa ông Nguyễn Thiện Nhân,

Tôi chỉ mong muốn đòi lại công lý, công bằng. Vạn bất đắc dĩ Chính quyền UBND TP.HCM này phải “thua” một người có 50 năm tuổi đảng và từng là người đại diện cho chính quyền nhà nước cầm cân nảy mực khi được giao trọng trách là Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân – tức ông Nguyễn Văn Nhờ – người đã lợi dụng chức vụ quyền hạn ngang nhiên cướp đất và được nhà nước công nhận cho Ông Nhờ thì tôi chỉ còn cách tự thiêu để trên có trời, dưới có đất chứng cho sự cùng cực uất hận của gia đình tôi.

Nếu điều đó xảy ra xin ông chỉ đạo giải quyết cho tôi xin đúng 2m2 trên phần đất của gia đình tôi để làm nơi chôn xác của mình. Dù gì thì 16.000m2 đất này cũng là mồ hôi nước mắt của gia đình tôi, đồng thời là sự tan nát của 3 thế hệ khi không có chỗ “an cư, lạc nghiệp”, nên tôi khẩn cầu xin 2m2, để mai nay xuống suối vàng gặp mẹ, gặp chồng, tôi thanh thản và nhẹ lòng vì cuối cùng tôi cũng đã được “về nhà”.

Kính thư và kính chúc ông nhiều sức khỏe, tâm minh trí sáng để luôn là người lãnh đạo có tâm, có tầm chèo lái đưa con thuyền lớn là TP. HCM vượt qua mọi khó khăn và giành được nhiều thắng lợi trên mọi mặt: từ chính trị ổn định, long d6n tin tưởng vào Đảng và nhà nước đến phát triển kinh tế.

Thưa ông, hồ sơ vụ việc quá nhiều, trong khi ông lại trăm công ngàn việc nên tôi đính kèm các bài báo có liên quan để ông đọc và dễ hình dung. Xin cảm ơn ông đã dành thời gian để đọc và cảm thông với hoàn cảnh gia đình tôi.

Người viết thư Lê Thị Hồng Phượng

***
Thưa ông, hồ sơ vụ việc quá nhiều, trong khi ông lại trăm công ngàn việc nên tôi đính kèm các bài báo có liên quan để ông đọc và dễ hình dung.


Thư gửi ông Nguyễn Thiện Nhân.


Ông Nguyễn Văn Nhờ giật sập nhà dân

Một cán bộ lão thành kêu trời vì món nợ “khủng” (?)








No comments:

Post a Comment

View My Stats