Tôi đã định không viết về vụ Đặng Văn Hiến bởi các bạn
đã viết quá nhiều nhưng rồi tôi bắt buộc phải viết bởi có mấy ý cần phải bổ
sung.
Hãy tự đặt mình vào địa vị của Đặng Văn Hiến, của Đoàn Văn Vươn hay của bao nhiêu nông dân mất đất các bạn sẽ làm gì?
Trước khi Đặng Văn Hiến hay Đoàn Văn Vươn trở thành tội phạm đứng trước toà, họ là những nông dân lương thiện, chăm chỉ lao động, họ đã yêu mảnh đất của họ, yêu công việc của họ và bao giọt mồ hôi của họ đã đổ xuống trên mảnh đất ấy.
Rồi một ngày, công sức lao động của họ bị cướp đi. Đối
với Đặng Văn Hiến thì đấy là 8 năm đằng đẵng chịu áp bức, quấy phá của công ty
Long Sơn. Người nào đã phải chịu đựng căng thẳng thời gian dài như vậy mà vẫn
giữ được bình tĩnh mới là lạ. Chưa kể, trên mảnh đất ấy vợ con của Hiến, những
người yêu quý nhất của anh cũng đang sống. Rồi một ngày cả mấy chục người mang
vũ khí đến đe doạ, ném đá để cướp đi thành quả lao động bao năm của Hiến.
Toà án ở Việt Nam vốn bị “cận thị” nên chỉ nhìn hay
cố tình nhìn sự việc ở khúc gần, mà quên đi căn nguyên ban đầu của sự việc. Tôi
đã phải tự hỏi mình rất nhiều là nếu mình là Hiến, mình sẽ làm gì? Bản tính quyết
liệt mạnh mẽ vốn có sẽ không cho phép tôi cúi đầu ngoan ngoãn mà từ bỏ dễ dàng
thành quả lao động của mình, nhưng nếu tôi hành động như Hiến, tôi cũng sẽ
thành tội nhân và sự thiệt thòi sẽ càng thiệt thòi hơn.
Như vậy để sống tiếp, tôi bắt buộc phải cúi đầu, rạp mình sát đất như một loài bò sát khi quyền lực và những kẻ có tiền áp bức. Làm như vậy tôi sẽ sống tiếp nhưng nỗi hận sẽ đốt cháy tâm can tôi và là người nông dân, sống mà mất đất thì sự sống ấy cũng gần với cái chết.
Như vậy là người nông dân không có đường sống, đằng nào cũng chết.
Những người quan tâm tới những vụ dân oan, chắc hẳn sẽ đồng ý khi tôi nói rằng chính quyền địa phương của nhiều nơi là một lũ khốn nạn, một lũ dùng cường quyền để áp bức, để cướp trắng trợn tài sản của người dân.
Cướp là một hành động có tính truyền thống của chính quyền. Cướp trong cải cách ruộng đất, cướp trong cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh, cướp sau năm 75 với tư sản miền Nam, cướp vào năm 1982 ở một số tỉnh thành với những gia đình nhà 2 tầng có vẻ giàu có. Do vậy, việc để xảy ra sự việc đau lòng kia, lỗi đầu tiền là do chính quyền địa phương.
Tại sao thằng chủ công ty Long Sơn, thằng gây ra
toàn bộ sự việc này lại được giảm án từ 6 năm thành 4 năm mà Đặng Văn Hiến vẫn
bị xử tử, mặc dù hành động ấy được làm trong khi kích động cao độ, là hành động
tự vệ, được làm trong cơn phẫn uất bảo vệ gia đình, tài sản.
Phải chăng toà án cũng như chính quyền nơi Hiến ở
bênh vực kẻ có tiền như công ty Long Sơn mà cố tình khép Hiến vào tội chết, việc
này giống như một hành động trả thù chứ không phải là công lý.
Tôi đề nghị báo chí, mạng xã hội hãy quan tâm để Hiến
thoát khỏi tội chết. Bởi nếu điều ấy xảy ra, nó sẽ là một cái nhát đâm vào tim
của lương tri, vào công lý, là một sự thắng thế của cái ác, của quyền lực thiên
vị, của sự câu kết giữa quyền lực và tiền bạc chống lại người nông dân thân cô
thế cô, là tiếng kêu thắng thế đầy ngạo mạn và man rợ của những kẻ đạo đức giả
mang bộ mặt luật phát và chính quyền đối với người lao động.
Kêu
gọi ra đầu thú để hưởng khoan hồng rồi lừa người ta vào chỗ chết? Lần sau lời
kêu gọi của các vị sẽ có ai hưởng ứng? Khép Hiến vào tội chết không chỉ là một
sự ngu xuẩn chống lại lương tri của công luận mà còn là một hành động làm rơi
cái mặt nạ để lộ bản chất man rợ, dối trá, lừa đảo của các vị.
Không được nhân danh luật pháp để giết Hiến, bởi đấy là một nạn nhân đáng thương của sự điều hành xã hội của chính các vị.
Nếu các vị cố tình đẩy Hiến vào chỗ chết, tôi e rằng phản ứng của những người nông dân mất đất những lần sau sẽ còn khốc liệt hơn nữa, bởi khi họ đã xác định không còn gì để mất, không còn đường để sống thì họ sẽ chọn hành động phản kháng có thể rửa nỗi hận của họ một cách tốt nhất.
-------------------------------------
Chúng ta đang ở trong tấn bi kịch Đặng Văn Hiến, trước
một kết thúc tan hoang.
Một cuộc đời cùng cực trong áp bức, chỉ có bản năng chống chọi lại bất công, chút lý trí yếu ớt đã thức tỉnh trách nhiệm công dân của Hiến, để bi kịch là bản án tử hình dành cho anh.
Đó quả là một tấn bi kịch của xã hội chúng ta.
Người áp bức người vẫn là một hiện trạng xã hội phổ biến. Ngay trong lòng xã hội mới XHCN. Ngay với những đồng bào yếm thế, thiệt thòi nhất. Ngay ở những nơi là căn cứ địa che chở nuôi giấu đội quân bây giờ nắm giữ bộ máy quyền lực của đất nước.
Đau đớn nhất, cũng tệ hại nhất, chính thể chế ấy đã bảo hộ cho nạn áp bức, nhân danh quyền lợi toàn dân, nhân danh phát triển.
Nhà nước đã bảo hộ tệ trạng đó bằng chính sách đất đai tước đoạt quyền tài sản của người dân; và bằng sự vô cảm, thậm chí trực tiếp nhúng tay vào máu của những kẻ cướp mà chúng ta chọn làm công bộc .
Quan toà đã đủ công minh để yêu cầu điều tra những kẻ
cướp đoạt đất đai, thuê mướn cả trẻ vị thành niên tấn công gia đình Đặng Văn Hiến
trên mảnh đất họ khai hoang mà có.
Quan toà cũng công minh để vạch ra sự vô trách nhiệm của chính quyền địa phương khi đã để côn đồ làm chủ quan hệ xã hội, là thách thức trực tiếp để tiếng súng Đặng Văn Hiến toé máu đồng bào mình.
Quan toà cũng công minh để vạch ra sự vô trách nhiệm của chính quyền địa phương khi đã để côn đồ làm chủ quan hệ xã hội, là thách thức trực tiếp để tiếng súng Đặng Văn Hiến toé máu đồng bào mình.
Nhưng toà án đã không thể kết tội chính nền pháp luật của chúng ta là nguyên nhân, nếu không nói là thủ phạm, để xảy ra bi kịch sẽ còn làm đau đớn không chỉ một đời người này.
Đó cũng là một bi kịch của nền tư pháp, của phương
thức tư pháp của chúng ta.
Bi kịch ấy chính là ở chỗ nền tư pháp bị buộc đứng trước thách thức, để thượng tôn pháp quyền phải ngăn chặn mọi hành vi bộc phát làm tổn thương đến pháp quyền nhưng tước đoạt khả năng tự vệ chính đáng, tước đoạt ý chí chống lại áp bức của con người.
Ngay với nền pháp luật của chúng ta, định hướng xã hội
chủ nghĩa phải là gì, nếu không nhận ra bảo vệ phẩm chất tự do của công dân
cũng đích thực là bảo vệ chế độ. Đó cũng chính là phương thức bảo đảm căn cơ, bền
vững nhất ổn định xã hội, ổn định chính trị.
Bi kịch Đặng Văn Hiến là một bi kịch chính trị ở
nông thôn. Đó chính là nỗi cô độc khi bản năng sở hữu tài sản, một thứ bản năng
gốc của con người, bị huỷ hoại trước sự dửng dưng của các thiết chế có trách
nhiệm.
Hệ thống chính trị ở cơ sở đã không rút được củi đáy nồi, không ngăn chặn những đứa trẻ cùng khổ thành côn đồ, không có sức chiến đấu trước nạn kẻ mạnh áp bức kẻ yếu.
Nỗi sợ hãi vì phạm tội giết người, không có niềm tin với chính quyền cơ sở, nhưng chút lý trí yếu ớt và ý chí chống lại bất công đã đưa Đặng Văn Hiến tới niềm tin công dân, tự thú, kiên trì đề nghị phúc thẩm, rồi giám đốc thẩm, xin Chủ tịch nước ân xá.
Sẽ là một kết cục tan hoang nếu bản án thành hiện thực.
Cái chết của công dân Đặng Văn Hiến có thể đảm bảo kiểu công bằng giết người đền mạng nhưng xã hội sẽ thực hiện lối công bằng theo trật tự tự nhiên.
Lương tri sẽ tháo chạy khỏi niềm tin xã hội.
Xã hội mơ ước không có người áp bức người thành tuyệt vọng.
Đó là mục đích hay kết quả của chủ trương kiên trì định hướng XHCN mà những người cộng sản chọn đường cho Việt Nam?
Lương tri, hơn bao giờ hết phải trở thành sức mạnh
nâng đỡ công lý, nâng đỡ nền pháp luật, nâng đỡ niềm tin của xã hội vượt qua những
giới hạn thể chế, để khẳng định phẩm chất tự do chống lại áp bức, khẳng định niềm
tin công dân của Đặng Văn Hiến là lựa chọn đúng đắn để làm người.
Niềm tin công dân ấy của Đặng Văn Hiến như còn cô quạnh!
No comments:
Post a Comment