Sunday, 15 July 2018

GIẢI CỨU, Ở THÁI LAN & Ở NƯỚC ĐANG MƠ . . .ĐẶC KHU (Lê Trọng Hiệp)




Lê Trọng Hiệp.  
Tác giả gửi tới Dân Luận
15/07/2018

Người Thái đang hân hoan vì chiến dịch giải cứu đội bóng thiếu niên “Lợn Rừng” thành công, toàn bộ 13 cầu thủ và huấn luyện viên đã đưa ra mặt đất an toàn. Càng vui cho các em nhỏ Thái Lan và người thân bao nhiêu, người Việt chúng ta càng xót xa với những gì đã, đang và chắc chắn sẽ còn xảy ra trên đất nước mình!

Những diễn biến tại Thái Lan đã được thông tin và cập nhật từng ngày, từng giờ trên đủ loại phương tiện truyền thông nên thiết tưởng khỏi phải nhắc lại. Vấn đề là những ý nghĩa chính trị và tiếp thị của nó.

Trước mắt, chính phủ Thái Lan đã giải quyết được một vấn đề mang tính “quốc thể” nên đã đạt được một điểm son để nâng cao xác suất thắng cử cho nhiệm kỳ tới. Họ đã thể hiện khả năng ứng phó và tinh thần trách nhiệm với công dân của mình, Biệt kích SEAL của quân đội Thái đã thể hiện được năng lực siêu phàm, còn ngành du lịch Thái thì được một cơ hội quảng cáo miễn phí dài ngày với tần số dày đặc tới mọi miền trên thế giới.

Trong khi đó thì các cầu thủ nhí thuôc sắc tộc thiểu số tại một vùng miền núi chắc chắc sẽ đổi đời. Trước mắt FIFA đã chú ý, đã mời các em đến Nga xem trận chung kết Wolrd Cup nhưng vấn đề còn tùy thuộc vào sức khỏe. Các em sẽ là tâm điểm chú ý của truyền thông với các hợp đồng bộn tiền và biết đâu các em sẽ còn được Hollywood chú ý.

Sự chú ý của truyền thông thế giới mấy ngày qua chắc hẳn sẽ khiến một chính trị gia Úc chạnh lòng. Đó là ông Bill Shorten, Lãnh tụ đảng Lao Động; kẻ vừa bị xuống điểm trước đối thủ Malcolm Turnbull của đảng Tự Do mà lại bị cựu đối thủ trong đảng mình là Anthony Albanese lăm le tạo phản! Vì ông ta cũng từng là ngôi sao, từng ăn ké sự chú ý của truyền thông như thế để tạo sức bật chính trị cho mình.

Đó là vụ giải cứu tại mỏ vàng Beaconsfield ở thị trấn West Tamar thuộc tiểu bang Tasmania năm 2006.

Cuộc giải cứu được cả thế giới chú ý và tai nạn mỏ vàng này lại là cơ hội vàng để ông Shorten “tiếp thị chính trị” nhằm lấy đà đi lên. Là Chủ tịch Nghiệp đoàn Công nhân úc toàn quốc (ACTU) lúc đó, Shorten đã đến tận nơi đóng chốt, lập bản doanh ở đây để đấu tranh, giám sát việc giải cứu nhằm bảo toàn mạng sống của các công nhân. Lúc ấy báo chí nức nở khen ngợi Shorten, cho rằng một ngày không xa nữa thì ông ta sẽ ngồi vào ghế thủ tướng.
Thế nhưng bây giờ, khi ông ta chỉ còn bước một “nấc” nửa thì đạt tới giấc mơ, có vẻ như nó đang giạt ra xa dần. Kết quả thăm dò hiện tại cho thấy đối thủ Turnbull đã vươn lên, còn ông thì điểm son trong thời nắm giữ ACTU lại thành điểm mờ với nhiều cáo buộc tai tiếng.
Hãy ôn lại những chuyện giải cứu xứ người này để suy gẫm chuyện xứ mình!

Mỏ vàng Úc

Tai nạn diễn ra vào tối 26.4.2016 khi ba thợ mỏ làm việc tại độ sâu 1,000 mét, bị lỡ đất, che kín đường lên. Ba thợ mỏ này là Brant Webb (lúc đó 37 tuổi), Larry Knight (44) và Todd Russell (34). Sau sau 13 ngày đêm, đến tối 8.5.2016 họ mới được đưa lên mặt đất sau khi toán giải cứu mới dùng máy khoan tự hành điều khiển từ xa khoan vào lòng mỏ!

Sau đó khi tòa xem xét tránh nhiệm của Công ty Beaconsfield Gold trong việc tuân thủ các quy định về an toàn, Webb đã kể lại trường hợp thoát chết của mình. Webb cho biết ông ta bắt đầu ca làm việc của mình cùng với Knight. Công việc có hai chọn lựa: lái máy xúc hay phụ với Russell để sửa chữa vách tường thép của lồng sắt họ đứng làm việc. Để tiên việc chọn, Webb và Knight tung đồng xu và Knight thắng, đi lái máy còn Webb phải ở lại phụ việc với Russell trong lồng sắt. Chỉ vài phút sau tai nạn diễn ra, Knight bị đá đè chết tại chỗ, Webb và Russell nhờ có lồng sắt che chở nên sống sót.

Lúc ấy Webb và Russell đã trở thành mục tiêu xâu xé giữa các đài truyền hình Úc. Thoạt đầu, giá cả đưa ra là $500,000 cho mỗi người nhưng sau đó thì Đài số 9 vào cuộc và có tin là đài này đã trả giả $5 triệu để giành độc quyền khai thác câu chuyện. Sau đó, theo tin tức, thì giá trả cho mỗi người là $3 triệu cho dù Eddie McGuire – nguyên Giám đốc tổng quản trị (CEO) của Đài số 9– luôn bác bỏ tin này.

Mười năm sau, gần 200 người – trong ông Bill Shorten trong vai trò lãnh tụ Lao Động- đã tập trung về lại chốn xưa trong lễ kỷ niệm 10 năm tai nạn. Đó là buổi lễ không thể thiếu Webb và Russell, hai người bạn đã chia sẻ 13 ngày đêm trong “địa ngục” tuy nhiên lúc này các phóng viên nhận ra sự lạnh nhạt giữa hai người. Dù là đồng nghiệp cùng trải qua hoạn nạn như thế, tình bạn của họ đã không còn: gặp mặt họ chỉ cụng ly bia chiếu lệ rồi thôi, đường ai nấy đi, không gần nhau, chẳng tay bắt mặt mừng nói chi là trao đổi, tâm tình!

Mỏ đồng Chile
Bốn năm sau vụ mỏ vàng Úc thì truyền thông thế giới hướng sự chú ý đến mỏ đồng San José tại Chile. Ngày 5.8.2010 mỏ này bị sụp khiến 33 thợ mỏ bị mắc kẹt dưới độ sâu gần 700 mét, phải mất những 69 ngày sau đó mới được giải cứu/

Lúc này việc cứu sống các thợ mỏ đã trở thành ưu tiên hàng đầu của Chile với sự giúp sức của nhiều nước có kỹ thuật cao, đặc biệt là Mỹ. Để cứu sống họ, đội giải cứu đã khoan một đường ống nhỏ vào hầm mỏ để thông khí và cung ứng thực phẩm, nước uống và như tặng phẩm để nuôi sống hy vọng. Trong hơn hai tháng bị mắc kẹt, các thợ mỏ được cung cấp thực phẩm đặc biệt, giàu calo nhưng ít chất thải do Cơ quan Không gian Mỹ NASA viện trợ.
Sau đó đội giải cứu khoan một đường ống lớn hơn để dùng dây cáp đưa lồng cấp cứu xuống rồi lần lượt kéo từng người một lên mặt đất. Cũng chính loại thực phẩm mà NASA chế tạo riêng cho các phi hành gia không gian này giúp họ không bị nôn mửa vì khi kéo lên trên quãng đường dài gần 700 mét trong vòng 16 phút, chiếc lồng này sẽ quay tít và lắc lư rất mạnh.

Việc khoan đường ống rộng hoàn tất vào 1.15 pm ngày 13.10.2010 và công tác giải cứu lập tức khởi sự. Đầu tiên chuyên viên an toàn Manuel Gonzales ngồi vào lồng xuống tận nơi hướng dẫn kỹ thuật an toàn cho các thợ mỏ rồi quay trở lên trước khi bắt tay vào việc giải cứu thợ mỏ. Khoảng 55 phút sau thì thợ mỏ Florencio Avalos 31 tuổi được đưa lên mặt đất với nụ cười rạng rỡ. Ông đã ưỡn ngực ra thở làn khí trời đầu tiên rồi sau đó cúi xuống ôm hôn đứa con trai 7 tuổi đang khóc và hôn vợ trước khi ôm hôn Tổng thống Chile Sebastian Pinera.

Đến ngày hôm sau 14.10.2010 thì ông Luis Alberto Urzua, trưởng kíp của 33 thợ mỏ, được cứu lên mặt đất. Lúc đó Tổng thống Chile Sebastian Pinera đã bước đến bắt tay chào đón trong tiếng nhạc của bản quốc ca Chile.

Truyền thông và Hollywood
AFP cho biết hàng trăm triệu người trên khắp thế giới đã hồi hộp theo dõi từng diễn biến của chiến dịch giải cứu San Jose kéo dài hai ngày thông qua những hình ảnh phát trực tiếp trên internet và đài truyền hình lớn, kèm theo đó là những chuyên mục riêng về sự kiện này.

Tại thủ đô Washington D.C. ở Mỹ, một đám đông đã hô vang "Chi! Chi! Chi! Le! Le! Le!" mỗi khi tin tức cập nhật hình ảnh một trong 33 thợ mỏ được đưa lên mặt đất. Connie Preti, một người Mỹ sống tại New York viết trên Twitter rằng “Cách đây 41 năm người ta đã hồi hộp theo dõi bước chân con người trên mặt trăng. Giờ đây thế giới hồi hộp theo dõi người ta đi lên từ lòng đất. Hai sự kiện hồi hộp như nhau".

Thông thường thì các tin xấu mới trở thành tin nóng của giới truyền thông, thí dụ tin máy bay rơi, khủng bố, tràn dầu, rò rỉ chất độc, vợ thủ tướng tham nhũng hay lên cơn ghen. Tuy nhiên “tin lành” đã được truyền thông khắp thế giới đồng loạt chú ý như là tin tức nổi bật hàng đầu.

Chính câu chuyện này đã khiến cả thế giới trở thành cái làng toàn cầu: câu chuyện của 33 thợ mỏ ở Chile hay 13 cầu thủ ở Thái Lan là câu chuyện của “cái nhà chung trên trái đất”, trong đó ai cũng thở phào khi thấy từng sinh mạng được đưa đến bến an toàn.

Cũng vì lý do đó năm 2006 hai người thợ sống sót Webb và Russell đã trở thành mục tiêu xâu xé giữa các đài truyền hình Úc. Sau đó cả hai được mời sang Mỹ, phỏng vấn trên truyền hình Mỹ và có tin là Hollywood sẽ làm phim về hai người. Tuy nhiên các chương trình phỏng vấn Webb và Russell không ăn khách vì theo một nhà phê bình truyền thông Mỹ thì dù “rời khỏi Tasmania hai người vẫn không đem Tasmania ra khỏi con người họ”.

Người Mỹ không quen với giọng nói, phong cách “nhà quê” của hai thợ mỏ Tasmania.

Nhưng nếu người Mỹ không thích giọng nhà quê của họ thì người Úc vẫn chấp nhận. Sáu năm sau (2012) câu chuyện họ tái hiện trên phim truyền hình với bộ phim Beaconsfield
Ba năm sau đó câu chuyện của 33 thợ mỏ Chile lại được tái hiện trên màn bạc với cái tên
“33” Phim là của một hãng phim nói tiếng Tây Ban Nha nhưng một trong những tài tử chính lại là Antonio Banderas, một tài tử gạo cội của Hollywood.

Trên thực tế thì đề tài “bản anh hùng ca giải cứu” đã là đề tài bất tận của Hollywood. Đó là hình ảnh Sylvester Stallone đơn độc trong vai Rambo hay Chuck Noris trong vai người hùng Delta Force đột nhập vào đất địch giải cứu sếp cũ hay đồng đội đang bị câm tù trong thập niên 70 và 80. Đó là câu chuyện Saving Private Ryan (1998) hay Rescue Dawn (2007) mà chủ đề chính ở đây là sự quyết tâm, là nghĩa khí, là sự chí tình chí nghĩa không bao giờ bỏ rơi đồng đội. Người hùng ở đây có thể không tránh đạn giỏi như Rambo nhưng cái chính là họ không bỏ rơi, phải giải cứu, và phải chia sẻ vận mạng với đồng đội tới giờ phút cuối cùng.

Chính vì vậy nên, như đã nói ở trên, càng vui mừng cho những câu chuyện giải cứu ấy bao nhiêu, chúng ta càng xót lòng trước chuyện của mình bấy nhiêu.

Chuyện của mình

Đó là những chuyện mà hầu như khi nói ra ai cũng có thể lắc đầu “biêt rồi, khổ quá, nói mãi”, những chủ trương đày đọa con người qua các dự án bauxite, Formosa và hiện tại là các “đặc khu”.

Trong vụ giải cứu tại Chile, chúng ta thấy ông Urzua, trong vai trò trưởng kíp thợ, đã ở lại đến giây phút cuối cùng, đợi toàn bộ công nhân của ông đã được đưa lên mặt đất an toàn. Và ông Pinera, trong vai trò người đứng đầu đất nước Chile, đã ở lại cho đến giây phút cuối khi người thợ cuối cùng được đưa lên mặt đất an toàn. Và khi bắt tay người thợ cuối cùng này, viên tổng thống tuyên bố: “Anh sẽ không còn là anh của trước đây nữa và đất nước của chúng ta không còn là Chile trước đây nữa. Chính anh là nguồn cảm hứng. Hãy tới ôm vợ và con gái đi anh.”

Trước đó, trước khi chiến dịch giải cứu hoàn tât hai ngày, Tổng thống Pinera đã ra lệnh đóng cửa mỏ này “cho đến khi thực hiện các biện pháp an toàn để bảo vệ chân giá trị và cuộc sống của người công nhân”.

Còn tại đất nước mình chúng ta luôn xót xa nhận thấy rằng chính quyền không hề thay đổi. Sau một lần “đày đọa” nhân dân, họ vẫn không chịu học hỏi để “bảo vệ chân giá trị và cuộc sống” của nhân dân.

Sau những hậu quả nhãn tiền của dự án án Bauxite ở Tây Nguyên, họ vẫn không thay đổi khi ứng phó với vụ ô nhiễm Formosa. Và sau hai vụ Bauxite và Formosa, họ vẫn không thay đổ khi lăm le thiết lập ba đặc khu Bauxite Tây Nguyên cho thấy họ hoàn toàn tính toán sai về kinh tế khi không chỉ lỗ triền miên mà còn gây ô nhiễm môi trường. Dự án này đã gây quá tải giao thông và phá nát hệ thống ường bộ nối Tây nguyên với các tỉnh miền Trung. Dự án này gây ga những hệ lụy xã hội khi nhân công Trung Quốc lập làng tự quản mà cả công an Việt Nam không dám bén mảng. Điều này lại gây báo động về quốc phòng khi vùng này là một vị trí chiến lược đối với toàn vùng Đông Dương.

Những sai lầm này đã lập lại tại Formosa ở Hà Tĩnh để gây hại gần một nửa vùng biển miền Trung. Mai đây, nếu đạo luật về đặc khu được thông qua, nó sẽ lập lại ở Vân Đồn, Vân Phong và Phú Quốc.

Nếu đó là những chuyện “phản quốc hại dân” thì kể ra chính quyền ấy cũng cố làm ba việc khả dĩ gọi là “giải cứu”, thí dụ chuyện “giải cứu bãi rác” mà báo Thanh Niên thuật lại trong bản tin “'Mời các anh về nhà chúng tôi ăn cơm đầy ruồi nhặng xem có ăn được không'” của ký giả Hiển Cừ trong số ra ngày 10/7/2018”/

Sau nhiều năm kêu ca mà không được giải quyết, chỉ nghe hứa đi hứa lại, người dân Nghĩa Kỳ tổ chức phong tỏa, không cho xe rác vào đổ rác gần nơi sinh sống của mình khiến rác tại thành phố Quảng Ngãi ứ đọng, chính quyền phải cử đại diện đến thương thuyết. Ký giả trên tường thuật:

“Sáng 10.7, các sở, ngành chức năng tỉnh Quảng Ngãi đối thoại với dân sống quanh khu vực bãi xử lý rác thải Nghĩa Kỳ (H.Tư Nghĩa) về việc bãi rác này gây ô nhiễm.

Tại cuộc đối thoại, các hộ dân bày tỏ thái độ bức xúc việc bãi rác thải Nghĩa Kỳ bốc mùi hôi thối nồng nặc, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và đời sống.

“Mỗi bữa ăn, ruồi nhặng từ bãi rác tấn công vào nhà, bu bám đầy vào mâm cơm. Nhìn thấy là ớn, không ai ăn nổi. Chúng tôi mua thịt, cá mời các anh về nhà chúng tôi ăn cơm đầy ruồi nhặng xem các anh có ăn được không?”, bà Lương Thị Chiến, một hộ dân ở xã Nghĩa Kỳ, gay gắt.

Bà Nguyễn Thị Oanh, ở thôn An Định, xã Hành Dũng cho rằng, nhiều năm qua người dân ở khu vực này sống chung với núi rác chứ không phải là bãi rác. Mùi hôi thối từ núi rác phát tán suốt ngày đêm khiến người dân không chịu nổi.

“ Các anh ở TP.Quảng Ngãi chỉ có mấy ngày không thu gom, vận chuyển rác đi nơi khác đã than vãn, còn dân chúng tôi ở đây chịu đựng ô nhiễm suốt nhiều năm. Quá bức xúc nên chúng tôi mới chặn xe rác không cho vào bãi rác và yêu cầu cơ quan chức năng giải quyết, chứ không thể hứa suông như các lần đối thoại trước đây”, bà Oanh nêu ý kiến.

Cuộc đối thoại còn ghi nhận nhiều ý kiến khác của dân, trong đó tập trung vào 3 vấn đề. Đó là yêu cầu phải xử lý triệt để mùi hôi thối phát tán từ bãi rác, nếu không xử lý được người dân kiên quyết không cho xe vào bãi rác; vì sao lại cho phép xây dựng dự án Nhà máy xử lý rác Nghĩa Kỳ quá gần khu dân cư, chỉ khoảng 150 m và khi triển khai dự án này không tham vấn ý kiến cộng đồng dân cư; phải di dời dân sống quanh khu vực bãi rác đến nơi ở khác.

Ông Nguyễn Quốc Tân, Phó giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Quảng Ngãi, đã xin lỗi vì để xảy ra sự cố ô nhiêm môi trường ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân trong thời gian qua. Ông Tân nhận trách nhiệm này có một phần của Sở Tài nguyên - Môi trường Quảng Ngãi“.

Thời gian tới, Sở Tài nguyên - Môi trường Quảng Ngãi sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành xử lý mùi hôi thối, ruồi nhặng để giảm thiểu ảnh hưởng đến bà con”, ông Tân nói.

Ông Tân cũng cho biết sau khi Sở vào cuộc chỉ đạo Công ty CP đầu tư và phát triển xây dựng Miền Bắc (chủ đầu tư dự án Nhà máy xử lý rác Nghĩa Kỳ - PV) tập trung nhân lực, thiết bị, hóa chất xử lý môi trường thì đến thời điểm hiện tại mùi hôi thối đã giảm đáng kể.
Giải thích với người dân, ông Tân cho rằng dự án Nhà máy xử lý rác Nghĩa Kỳ đầu tư trên khu đã làm xử lý rác lâu nay nên không tính đến khoảng cách với khu dân cư, nếu làm dự án mới thì lúc đó mới xem xét khoảng cách.

Ông Tân cũng khẳng định cơ quan chức năng đã tham vấn ý kiến cộng đồng trước khi xây dựng dự án Nhà máy xử lý rác Nghĩa Kỳ.

Riêng vấn đề di dời dân, ông Tân nói rằng không đủ thẩm quyền để trả lời mà chỉ ghi nhận để báo cáo lên cấp trên.

Không đồng tình với cách trả lời của ông Tân, nhiều người dân bất bình bỏ cuộc đối thoại giữa chừng ra về, sau đó, tiếp tục ra đường chặn xe rác vào bãi xử lý..”

Qua bản tin trên chúng ta thấy gì?

Thứ nhất, chính quyền đã xin lỗi, đã nhận trách nhiệm và đã hứa rất nhiều lần nhưng lần nào cũng vậy, nó vẫn y nguyên như cũ, không khác!

Thứ hai, kẻ thay mặt chính quyền đối thoại với dân hoàn toàn không có thẩm quyền. Khi cử một kẻ không có thẩm quyền như thế, chính quyền mệnh danh là “chính quyền nhân dân” đã kinh thường người dân!

Thứ ba, nhân dân đã chán ngấy kiểu làm việc này rồi, chỉ muốn chính quyền làm, không muốn mất thời giờ nghe xin lỗi, nghe nhận trách nhiệm và nghe hứa!

Chuyện rác của tỉnh Quảng Ngãi cũng là chuyện của bao tỉnh huyện khác và cũng là chuyên của cả nước!

Bản tin ngắn trên có thể tóm tắt tình hình cả nước: chính quyền không thể “giải cứu” cuộc khủng hoảng rác cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng đang diễn ra trên khắp nước. Rác sinh hoạt nhân dân đang thải ra hàng ngày; rác kỹ nghệ mà Bauxite và Formosa hay các nhà máy nhiệt điện Trung Quốc đang thải ra hàng ngày.

Và không thể nói đến những loại “rác xã hội” mà nhân công Trung Quốc đang thải ra tại những dự án mà các công ty Trung Quốc được “chọn mặt gởi vàng”.

Chính quyền Cộng sản Việt Nam không thể giải quyết cuộc khủng hoảng rác này vì tự thân nó cũng là một bãi rác, có điều là bãi rác này được hệ thống tuyên giáo che đậy và bơm nước thơm.

Thỉnh thoảng nhân dân mới biết đến bộ mặt rác ấy khi nhũng túi rác “bị lộ” bị đồng đảng lục tung và mất hết mùi nước thơm như Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Nguyễn Thanh Hóa, Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Xuân Anh, Phan Văn Minh, Văn Hữu Chiến, Lê Nam Trà, Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn…








No comments:

Post a Comment

View My Stats