Tuesday, 10 July 2018

AI ĐÃ KIỂM DUYỆT CỤM TỪ "NHÂN QUYỀN" TRONG BÀI PHÁT BIỂU CỦA NGOẠI TRƯỞNG MỸ? (Ngọc Thu - Báo Tiếng Dân)




Ngọc Thu  -  Báo Tiếng Dân
10/07/2018

Sáng Chủ Nhật 8/7/2018, Ngoại trưởng Mỹ Michael Pompeo có bài phát biểu trước cộng đồng các doanh nghiệp tại khách sạn Sofitel Metropole, Hà Nội, Việt Nam. Ngay lúc đó, trên Facebook của Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink, có đăng tải một status với nội dung như sau:

“Tại buổi gặp gỡ các lãnh đạo doanh nghiệp, Ngoại trưởng Pompeo khẳng định rằng: ‘Hoa Kỳ sẽ tiếp tục làm việc cho một nước Việt Nam mạnh mẽ, thịnh vượng và độc lập – tham gia vào thương mại công bằng và đôi bên cùng có lợi, đóng góp vào an ninh quốc tế, tôn trọng nhân quyền và pháp quyền…Một Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở là yếu tố quan trọng cho sự tăng trưởng thương mại liên tục giữa hai nước chúng ta’.

Đây là ảnh chụp status của Đại sứ Kritenbrink đăng trên Facebook lúc 6h58 phút sáng Chủ Nhật:


Nhưng gần 14 tiếng sau, lúc 8h37 phút tối Chủ Nhật, status này đã bị chỉnh sửa lại, cụm từ “tôn trọng nhân quyền và pháp quyền” đã bị cắt bỏ. Ảnh chụp status sau khi đã sửa:


Trong bản transcript đăng trên website của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng không có cụm từ “tôn trọng nhân quyền và pháp quyền…“, giống như status của ngài đại sứ Kritenbrink sau khi chỉnh sửa.

Câu hỏi được đặt ra là:

1- Ngoại trưởng Michael Pompeo có nói câu đó tại buổi gặp gỡ các lãnh đạo doanh nghiệp ở khách sạn Sofitel Metropole sáng 8/7/2018, nhưng đã bị lãnh đạo CSVN yêu cầu gỡ bỏ và phía Mỹ không muốn làm phật ý Hà Nội nên đã làm theo? Vẫn chưa thấy video clip phát biểu của ông Pompeo trên mạng để kiểm chứng.

2- Đại sứ Kritenbrink, là người đã trải nghiệm “nhân quyền ở Việt Nam”, muốn Ngoại trưởng Pompeo lên tiếng về nhân quyền trong bài phát biểu và Ngoại trưởng Mỹ đã đồng ý, nên đại sứ Mỹ đã “cầm đèn chạy trước ô tô”, đăng ngay status đó lên Facebook sáng Chủ Nhật 8/7/2018, để rồi tới tối khi đọc bản transcript bài phát biểu, không thấy những câu ông viết trên Facebook ở đâu, nên ông phải chỉnh sửa lại cho phù hợp với bài đăng trên website Bộ Ngoại giao Mỹ?

Dù lý do gì đi nữa, có thể thấy toàn bộ các bài phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ ở Việt Nam, không hề nhắc đến nhân quyền.

Riêng vụ Will Nguyễn, là người tham gia biểu tình ở Sài Gòn ngày 10/6/2018, đã bị đánh đập, bị bắt giữ và bị đưa lên truyền hình Việt Nam “thú tội”, theo bản tin Reuters, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Heather Nauert nói trong một bài phát biểu, rằng Ngoại trưởng Pompeo đã nêu vụ này với phía Việt Nam.

Nhưng có thể ông Pompeo đã nói nhỏ vào tai của Ngoại trưởng Phạm Bình Minh hay quan chức CSVN nào đó, vì chưa có bài viết nào đưa tin, chính ông Pompeo nói ra trong bất kỳ bài phát biểu nào. Hay chuyện này là bí mật quốc gia của hai nước nên không thể lên mặt báo?

Cô Victoria Nguyễn, em gái của Will Nguyễn, phàn nàn cách làm việc của Bộ Ngoại giao Mỹ: “Hành động có ý nghĩa hơn lời nói. Ngày thứ nhất, Bộ Ngoại giao nói ‘Will là ưu tiên hàng đầu’, nhưng ngày thứ 28, Will vẫn chưa về nhà“.

Rõ ràng dưới thời chính phủ Trump, nhân quyền chỉ là thứ yếu.

---------------------------------

LIÊN QUAN

Dịch giả: Trúc Lam   -   -  Báo Tiếng Dân
09/07/2018

Phát biểu của ngoại trưởng Michael Pompeo tại khách sạn Sofitel Metropole, Hà Nội, Việt Nam ngày 8/7/2018

Đại sứ Kritenbrink: (Vỗ tay) Cảm ơn. Xin chào mọi người. Rất vui khi có mặt ở đây. Tôi là Dan Kritenbrink, đại sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam. Tôi vô cùng cảm kích khi thấy sự có mặt của rất nhiều bạn bè trong quan hệ đối tác Mỹ-Việt ở đây tối nay. Đây là một buổi tối rất đặc biệt. Chúng ta có Ngoại trưởng Pompeo tham gia, ông ấy đang thực hiện một chuyến đi vô cùng quan trọng khắp thế giới. Chúng ta đặc biệt vinh dự khi Ngoại trưởng quyết định đến thăm Việt Nam và dành buổi tối này với chúng ta.

Bây giờ tôi yêu cầu các bạn hãy cùng tôi nồng nhiệt chào đón Ngoại trưởng Hoa Kỳ, Ngài Michael Pompeo. (Vỗ tay).

Ngoại trưởng Pompeo: Điều này nhắc tôi nhớ tới nhà thờ – thôi mà, những cái ghế hàng đầu được mở ra. Thôi mà. (Tiếng cười.) Thật tuyệt vời – tôi thấy hai trong số  – họ có thể có những nhận xét của tôi ở đây, và tôi nổi tiếng vì đã làm họ thất vọng. Vì vậy, nếu có – nếu có sự nhầm lẫn, tôi đúng và người kia thì sai. (Tiếng cười).

Xin chào. Cảm ơn tất cả mọi người đã đến tham gia cùng với tôi ở đây tối nay. Đây là chuyến đi đầu tiên của tôi đến Việt Nam. Đây là lần đầu tiên với tư cách Ngoại trưởng, tôi có cơ hội đến Đông Nam Á, và tôi rất muốn đến đất nước này. Đây là một nơi đặc biệt với một lịch sử phong phú và sâu sắc. Đối với Mỹ, là một người phục vụ trong quân đội Hoa Kỳ, tôi hiểu và biết lịch sử và tôi rất tự hào về những gì hai nước chúng ta đã có thể cùng nhau thực hiện trong những thập kỷ qua.

Tôi muốn cảm ơn Đại sứ Kritenbrink đã sắp xếp tất cả mọi thứ và làm cho buổi gặp mặt này xảy ra tối nay. Ông cũng là trọng tâm trong việc thực hiện sự bình đẳng sân chơi cho các doanh nghiệp Mỹ ở đây. Tôi hy vọng các doanh nghiệp và lãnh đạo Mỹ và Việt Nam sẽ tiếp tục xây dựng mối quan hệ chặt chẽ này; nó sẽ có lợi cho đất nước và doanh nghiệp của mỗi nước. Và tôi biết rằng, Thứ trưởng [Hà Kim] Ngọc, đại sứ mới của chúng ta cũng đang có mặt ở đây? Đúng không? Rất vui khi gặp lại ông. Cảm ơn ông. Cảm ơn ông đã tham gia với chúng tôi tối nay. Tôi không thể chờ ông đến Washington. Chúng tôi rất thích khi nhìn thấy ông tới đó.

Ông biết đó, tôi đã có thời gian để suy ngẫm trong vài ngày gần đây về chuyến thăm Việt Nam của tôi. Tôi là một đứa trẻ trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam. Chiến tranh Việt Nam là tất cả mọi thứ xung quanh tôi khi tôi lớn lên. Nó xuất hiện mỗi đêm trên TV. Tất cả chúng tôi đều nhớ, Walter Cronkite tường thuật cho chúng tôi biết tin tức về những gì đang diễn ra ở đây. Tôi biết một số gia đình trong cộng đồng mà tôi lớn lên, nơi mà họ có con trai và người cha đã không trở về nhà. Đó là một thời điểm khó khăn trong lịch sử nước Mỹ, cũng như trong lịch sử Việt Nam.

Nhưng hãy nhìn xem chúng ta đang ở đâu hôm nay. Nó thực sự đáng chú ý. Tôi vừa có một cuộc họp với Tổng Bí thư [Nguyễn Phú Trọng] và thật tuyệt vời khi nghĩ rằng tôi đã ở đó với tư cách Ngoại trưởng Mỹ. Liệu một người nào đó trong thập niên 60 hoặc 70 có bất kỳ hy vọng hay tin rằng Ngoại trưởng Mỹ sẽ có những cuộc trò chuyện tuyệt vời với các nhà lãnh đạo chính trị hàng đầu của Việt Nam, nơi chúng tôi chia sẻ tầm nhìn chung về cách chúng ta sẽ cùng nhau tiến về phía trước? Liệu có ai vào thời điểm trước kia tin rằng, Ngoại trưởng Mỹ sẽ có một bài phát biểu về cách chúng ta có thể tiếp tục phát triển kinh doanh và các mối quan hệ kinh tế, quan hệ đối tác với Việt Nam? Tôi nghĩ rằng không ai có thể đoán được điều đó.

Và thực tế là chúng ta đang có cuộc trò chuyện này tối nay, đó là một minh chứng thật sự cho lợi ích chung của các quốc gia, sự tôn trọng lẫn nhau, quyết tâm táo bạo của chúng ta, bất chấp những khó khăn lớn, để vượt qua quá khứ và hướng về tương lai.

Tôi nói tất cả điều đó vì nó quan trọng, nhưng tôi hy vọng rằng Hoa Kỳ, trong một ngày nào đó chúng ta có thể chia sẻ mối quan hệ tương tự với Bắc Triều Tiên. Chúng ta biết đó là một khả năng thật sự bởi vì chúng ta thấy Việt Nam đã đi trên con đường đáng chú ý này như thế nào. Vào đầu thập niên 1980, Việt Nam đang ở trong tình trạng rất khác biệt so với ngày nay: hàng triệu người chết trong một loạt các cuộc chiến tranh khủng khiếp, bao gồm cả một cuộc chiến, dĩ nhiên, với Hoa Kỳ. Hàng triệu người lúc đó vẫn đang tìm nguồn cung cấp đáng tin cậy về lương thực và chỗ ở. Và với đất nước đã trải qua cuộc xung đột liên tục trong các thập niên trước, các nhà lãnh đạo chính trị và lãnh đạo quân sự của Việt Nam cũng liên tục lo lắng về khả năng xảy ra xung đột mới. Và ngoại trừ các mối quan hệ với một số ít các quốc gia cộng sản, Việt Nam tại thời điểm đó đã bị cô lập khỏi thế giới.

Nhưng lần cố gắng này cũng đã mang đến cơ hội cho Việt Nam. Các nhà lãnh đạo Việt Nam nhận ra rằng, đất nước của họ có thể cải cách, nó có thể mở ra và xây dựng các mối quan hệ, mà không bị đe dọa về chủ quyền, độc lập của đất nước, và hình thức chính phủ của nó.
Một điểm quan trọng cho sự vươn lên to lớn của Việt Nam trong vài thập niên qua là sự tham gia mới với Hoa Kỳ. Điều này bắt đầu khi Hoa Kỳ – Hoa Kỳ và Việt Nam bắt đầu làm việc cùng nhau để đưa trở về nước hài cốt của các nhân viên công vụ Mỹ qua đời ở Việt Nam. Bước tiến này nhỏ nhưng là bước đầu tiên vô cùng ý nghĩa, cuối cùng đã giúp đưa đến những mối quan hệ tốt hơn và tái lập chính thức mối quan hệ [bình thường hóa] của chúng ta vào năm 1995.

Đây là vấn đề tương tự mà Hoa Kỳ phải đối mặt hôm nay với Chủ tịch Kim, nơi các mối quan hệ mới với Mỹ kết hợp với sự siêng năng của người Việt Nam và sự lãnh đạo hợp lý đã làm cho Việt Nam trở thành một câu chuyện thành công đáng kinh ngạc hôm nay. Việt Nam có nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong tất cả các nước Đông Nam Á. Trong hai thập niên qua, thương mại song phương tổng cộng đã tăng 8.000%. Chỉ trong thập niên qua, xuất khẩu của Mỹ sang Việt Nam đã tăng hơn 300% và các công ty Mỹ đã đầu tư hàng tỷ đô la vào đất nước này, với lợi nhuận rất lớn. Và người dân Việt Nam cũng đã trải qua một sự tiến bộ phi thường về sự thịnh vượng kinh tế của họ. Theo tiêu chuẩn toàn cầu, hơn 60% người Việt Nam sống dưới mức nghèo đói trong những năm đầu thập niên 90; hôm nay con số đó ít hơn 10%.

Và quan trọng hơn là sự tăng trưởng giữa Hoa Kỳ và Việt Nam bao gồm một thỏa thuận tuyệt vời – cho đến nay ngoài mặt kinh tế. Về mặt chính trị, sự tham gia của chúng tôi với các nhà lãnh đạo Việt Nam đã đạt đến tầm cao mới. Bộ trưởng Mattis đã đến thăm Việt Nam hồi tháng Giêng. Mới tháng trước, Phó Thủ tướng [Vương Đình] Huệ đã đến thăm tôi tại Bộ Ngoại giao. Và dĩ nhiên, Tổng thống Trump đã có chuyến thăm Việt Nam đầu tiên vào năm ngoái.

Trong quá khứ, chúng tôi là đối thủ trên chiến trường, nhưng hôm nay mối quan hệ an ninh của chúng tôi tất cả là hợp tác. Tháng 3 năm ngoái, tàu USS Carl Vinson đã đến thăm Đà Nẵng, đó là chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên của Hoa Kỳ đến thăm đất nước này kể từ khi kết thúc chiến tranh. Và sau khi dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí của Hoa Kỳ chỉ hai năm trước, quân đội hai nước chúng tôi đang tìm cách cải thiện hợp tác an ninh hơn nữa. Thực tế là chúng tôi đang hợp tác mà không phải đánh nhau, là bằng chứng cho thấy rằng, khi một nước quyết định tạo ra một tương lai tươi sáng hơn cho chính nó cùng với Hoa Kỳ, chúng tôi sẽ làm theo lời hứa của Mỹ. Và trong khi vẫn còn những thách thức trong mối quan hệ của chúng tôi với Việt Nam, thực tế là chúng ta có thể có những cuộc thảo luận trung thực nhưng bình tĩnh khi chúng ta bất đồng, đó là một sự xác nhận lớn hơn về mối quan hệ giữa hai nước chúng ta.

Và cuối cùng, hãy nhìn vào những kết quả về sự tham gia của Mỹ đối với sự lãnh đạo và con người Việt Nam. Thịnh vượng và an ninh rất nhiều. Khi các nhà lãnh đạo ở Hà Nội đi ngủ vào ban đêm, khái niệm xung đột với Mỹ là điều cuối cùng trong tâm trí họ. Thay vào đó, họ nghỉ ngơi với [ý nghĩ] chắc chắn rằng, nước Mỹ không có ý định mở lại những vết thương cũ của quá khứ. Và nhìn vào mối quan hệ thương mại nóng bỏng và hợp tác an ninh ngày càng gia tăng, không gì có thể vượt xa hơn sự quan tâm của Mỹ, thay vì chọn một cuộc chiến với Việt Nam.

Dựa trên sự thịnh vượng và hợp tác không thể tưởng tượng mà chúng ta có với Việt Nam ngày hôm nay, tôi có một thông điệp dành cho Chủ tịch Kim Jong-un: Tổng thống Trump tin rằng đất nước của ông có thể là bản sao của con đường này. Đó là con đường của ông nếu ông nắm bắt khoảnh khắc đó. Phép lạ có thể là của ông; nó cũng có thể là phép lạ của ông ở Bắc Triều Tiên.

Hoa Kỳ đã nói rõ ràng về những gì chúng tôi muốn có từ Bắc Triều Tiên để thiết lập sự chuyển động trong chuỗi sự kiện lớn này. Sự lựa chọn hiện nay nằm ở Bắc Triều Tiên và người dân của nước này. Nếu họ có thể làm điều này, họ sẽ được ghi nhớ và Chủ tịch Kim sẽ được ghi nhớ đến như một vị anh hùng của người dân Triều Tiên.

Bây giờ tôi muốn thay đổi một chút. Tôi muốn nói rõ rằng, một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương mở cửa và tự do là một ưu tiên thực sự đối với Hoa Kỳ. Theo Chiến lược An ninh Quốc gia của Tổng thống Trump và bài diễn văn của ông tại Hội nghị APEC hồi tháng 11 năm ngoái ở Đà Nẵng, rõ ràng Hoa Kỳ dành riêng cho khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương với các quốc gia độc lập, mạnh mẽ tôn trọng chủ quyền của nhau, duy trì sự cai trị của pháp luật và thương mại có trách nhiệm. Chúng tôi hy vọng những nguyên tắc này sẽ hướng dẫn các chính phủ và doanh nghiệp ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương khi họ đưa ra lựa chọn về đối tác của họ. Chúng tôi hy vọng họ sẽ thấy rằng, hành động của Hoa Kỳ không chỉ quan tâm đến vấn đề kinh tế không thôi, trái ngược với những nước khác trong khu vực. Hoa Kỳ tìm kiếm mối quan hệ đối tác trong khu vực, được xây dựng trên các giá trị tôn trọng, công bằng và luật pháp.

Một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương mở cửa và tự do là điều quan trọng cho sự tiếp tục tăng trưởng thương mại giữa hai nước chúng ta. Trong cuộc họp của Tổng thống Trump với Chủ tịch [Trần Đại] Quang hồi tháng 11 năm ngoái, hai lãnh đạo của chúng ta cam kết sẽ tăng cường mối quan hệ thương mại và kinh tế. Chúng ta sẽ tiếp tục làm điều này. Chúng ta sẽ xúc tiến thương mại và đầu tư tự do, công bằng và đối ứng ở các lĩnh vực ưu tiên. Điều này bao gồm thương mại kỹ thuật số, thực thi quyền sở hữu trí tuệ, ô tô, thanh toán điện tử và hàng hóa nông nghiệp. Áp dụng tất cả, chúng tôi sẽ thúc đẩy các thị trường mở, minh bạch, cạnh tranh và các cơ hội thương mại và đầu tư cho các công ty Mỹ.

Tổng thống Trump cũng nhấn mạnh với Việt Nam về tầm quan trọng của việc giảm sự mất cân bằng trong thương mại giữa chúng ta. Chúng ta cần giải quyết những vấn đề này, cản trở các công ty Mỹ tiếp cận thị trường Việt Nam. Tôi hy vọng sẽ nghe ý kiến ​​ca các bn ti nay và nói chuyn vi nhiu người trong s các bn v cách làm thế nào để chúng ta có thể đạt được tiến bộ trong việc loại bỏ những rào cản đối với hàng hóa của Mỹ để mỗi nước chúng ta sẽ tốt hơn.

Chúng tôi cam kết tiếp tục làm việc cho một nước Việt Nam mạnh mẽ, thịnh vượng và độc lập, một nước tham gia vào thương mại công bằng và đôi bên cùng có lợi. Và ngay cả khi chúng ta tập trung vào tương lai, chúng ta sẽ cùng hợp tác để giải quyết xung đột trong quá khứ. Điều này bao gồm hợp tác để cung cấp sự giải thích đầy đủ cho tất cả các nhân viên mất tích và để khắc phục tác động kéo dài của chất dioxin trên đất nước này.

Tôi mong chờ có được buổi tối hôm nay. Tôi đã rất mong chờ nó trong vài ngày qua, kể từ khi Dan [Kritenbrink] nói với tôi rằng chúng tôi đã phối hợp thành công để nó diễn ra. Chúng ta sẽ có những cuộc trò chuyện hay về cách làm thế nào để chúng ta có thể phát triển sự thịnh vượng chung giữa chúng ta. Với sự giúp đỡ của các bạn, người Mỹ và người Việt trong căn phòng này, chúng ta có thể chắc chắn rằng, Việt Nam tiếp tục là một mô hình cho các quốc gia đầy tham vọng, bất kể họ đang ở đâu trong hành trình hướng đến một tương lai tươi sáng hơn. Một lần nữa, cảm ơn bạn rất nhiều về sự chào đón nồng nhiệt của các bạn và có mặt bên tôi tối nay. Tôi mong chờ (nghe không rõ). Cảm ơn bạn. (Vỗ tay).

© Copyright Tiếng Dân – Bản tiếng Việt






No comments:

Post a Comment

View My Stats