Saturday 9 March 2024

VẪN CÒN NHỮNG RÀO CẢN ĐỐI VỚI PHỤ NỮ TRONG SỰ NGHIỆP THỂ THAO (Chi Phương / RFI)

 



Vẫn còn những rào cản đối với phụ nữ trong sự nghiệp thể thao  

Chi Phương  -  RFI

Đăng ngày: 08/03/2024 - 11:15

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20240308-v%E1%BA%ABn-c%C3%B2n-nh%E1%BB%AFng-r%C3%A0o-c%E1%BA%A3n-%C4%91%E1%BB%91i-v%E1%BB%9Bi-ph%E1%BB%A5-n%E1%BB%AF-trong-s%E1%BB%B1-nghi%E1%BB%87p-th%E1%BB%83-thao

 

Ngày nay, phụ nữ ngày càng chứng tỏ bản lĩnh trong mọi lĩnh vực và cả trong thể thao. Thế nhưng, những định kiến gắn thể thao với nam giới khiến hành trình của các vận động viên nữ gặp nhiều trở ngại, vẫn chưa được bình đẳng với nam giới, chẳng hạn như chênh lệch về mức đãi ngộ, thiếu đầu tư hoặc ít dành được sự quan tâm của truyền thông.   

 

VIDEO : https://youtu.be/1oiaHEBEQIY

 

Từ những năm 1970, những tiến bộ của xã hội, phụ nữ tại nhiều nơi trên thế giới dần "được giải phóng", đã mở ra cho họ những cánh cửa bước vào giới thể thao, nhưng cho đến nay vẫn còn nhiều định kiến mà phụ nữ cần phải vượt qua để chứng tỏ sự bình đẳng. Nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 08/03, Nghị Viện Châu Âu đã tổ chức một sự kiện nhằm nêu ra những bất bình đẳng giữa nam và nữ trong thể thao. Báo cáo của tổ chức này chỉ ra rằng vào năm 2023, chỉ 22 % phụ nữ nắm giữ các vị trí quan trọng trong các liên đoàn thể thao quốc gia thuộc Liên Hiệp Châu Âu của 10 môn thể thao phổ biến nhất. Hơn nữa, rất ít phụ nữ nằm trong danh sách 100 vận động viên được trả lương cao nhất thế giới, (chỉ duy nhất hai vận động viên quần vợt là Naomi Osaka, Serena Williams nằm trong top 50 – theo Forbes). Ngoài ra, các môn thể thao nữ chỉ chiếm 4 % trong tổng số tin tức trên các phương tiện truyền thông chuyên đưa tin về thể thao, trong khi 40 % các vận động viên là nữ.

 

https://s.rfi.fr/media/display/6e661cb2-dd48-11ee-885f-005056bfb2b6/AP704011987826.jpg

Huấn luyện viên đội tuyển bóng đá quốc gia Hoa Kỳ (2008-2012), Pia Sundhage, bước ra sân thi đấu giao hữu với Costa Rica, ngày 01/09/2012. New York, Hoa Kỳ. AP - Doug Benz

 

Bà Pia Sundhage, huấn luyện viên đội tuyển quốc gia nữ Hoa Kỳ (2008-2012), đã dẫn dắt đội giành được hai huy chương vàng Olympic và một huy chương bạc World Cup. Bà cũng được bầu chọn là Huấn luyện viên xuất sắc nhất năm 2012 của FIFA. Có mặt tại trụ sở Nghị Viện Châu Âu ở Strasbourg, nữ huấn luyện viên người Thụy Sĩ chia sẻ : “Con đường đến với thể thao của phụ nữ có nhiều rào cản, và chúng tôi đã đấu tranh rất nhiều để có quyền chơi bóng. Môn thể thao này được cho là dành cho nam giới và chúng tôi đã thành công thay đổi điều đó theo thời gian. Trong suốt sự nghiệp của mình, tôi đã chứng kiến nhiều thành tựu đáng kể mà phụ nữ đã đạt được trong thể thao và phụ nữ tiếp tục thể hiện mình, viết lại lịch sử và trở thành những vận động viên, nhưng chúng tôi cũng không quên rằng cuộc đấu tranh cho bình đẳng giới vẫn tiếp tục và vẫn còn nhiều trở ngại. Các vận động viên nữ thường bị đánh giá thấp, đãi ngộ thấp và ít được đầu tư hơn. Bên cạnh đó là những lạm dụng bạo lực mà chúng ta có thể thấy được trong Cúp bóng đá nữ vừa qua, thay vì nói về những bàn thắng đẹp của những cô gái ấy, thì sự chú ý của mọi người lại đổ dồn vào những lạm dụng tình dục trong buổi lễ trao huân chương. Đó là điều đáng buồn !”

 

Đây cũng là chủ đề mà UNESCO, trụ sở tại Paris, đặc biệt quan tâm trong ngày Quốc tế phụ nữ, qua buổi tọa đàm “Ghi bàn thắng đối với các cầu thủ nữ”. Tham gia sự kiện có các nữ cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp, các huấn luyện viên, các hiệp hội và liên đoàn thể thao, thảo luận về sự phân biệt đối xử, định kiến và những bạo lực mà phụ nữ phải gánh chịu trong môn thể thao vua. Huỳnh Như, nữ cầu thủ, đội trưởng đội tuyển bóng đá nữ quốc gia Việt Nam cũng có trong danh sách các diễn giả. Gắn bó với quả bóng tròn từ khi còn nhỏ, cô gái xứ Trà Vinh đã chứng tỏ được bản lĩnh với nhiều bàn thắng đẹp và được báo Sài Gòn Giải Phóng trao giải 5 quả bóng vàng liên tiếp. Trong buổi tọa đàm cô chia sẻ : “Câu chuyện của tôi rất dài, ... tôi có một tuổi thơ đẹp với bóng đá, nhưng cũng có nhiều khó khăn”. Huỳnh Như thuật lại, từ lúc còn nhỏ, cô chủ yếu chơi bóng với các cầu thủ nam mãi cho đến năm 16 tuổi. “Lúc đó, trong đội có một bạn nữ khác cũng rất thích chơi bóng như tôi, nhưng bạn đó bị gia đình bắt phải về phụ việc, nấu cơm, chăm em,.., phải từ bỏ chơi bóng, và rồi tôi không còn đồng đội nữa.”

 

VIDEO : https://youtu.be/1oiaHEBEQIY

Cầu thủ Huỳnh Như(9) trong hiệp một trận đấu bóng đá nữ bảng E World Cup giữa Hoa Kỳ và Việt Nam tại Eden Park ở Auckland, New Zealand, Thứ Bảy, ngày 22 tháng 7 năm 2023. AP - Abbie Parr

 

Trả lời RFI Tiếng Việt, trong buổi ghi hình về một bộ phim tài liệu giữa bóng đá và âm nhạc của đạo diễn François Bibonne, Huỳnh Như chia sẻ về những đam mê với bóng đá, và chặng đường trở thành nữ cầu thủ chuyên nghiệp của mình. Cô thuật lại : “Sau khi tham gia vào 1 CLB và trở về quê, khi mình đi đến gia đình bà con họ hàng, Như đều nhận được những câu hỏi như  Con gái lại đi chơi đá bóng làm gì ? Tại sao không chọn một ngành nào học đi ? Thời gian đó Như còn nhỏ, chưa biết sử dụng kem chống nắng gì đâu, Như đi đá bóng về và đen thui, Như thấy ghê lắm. Mọi người cũng khuyến khích Như là đi theo con đường học vấn, tìm một ngành nào đó học, có công việc ổn định hơn, không phải ngày nay đi lông bông thi thi đấu khắp mọi nơi vậy, dầm mưa dãi nắng. Nói chung, nhiều người nhìn thấy Như như vậy cũng xót, nhưng người ta thấy tình yêu (bóng đá ) của Như như vậy, nên dần dần mọi người cũng ủng hộ”. Cô cũng nhận thấy định kiến đối với phụ nữ trong bóng đá cũng dần giảm bớt. Hiện cô đang thi đấu cho CLB Lank FC ở Bồ Đào Nha.

 

 

Paris  2024 - Thế Vận Hội "bình đẳng giới" ?

 

Về Thế Vận Hội Mùa Hè Paris 2024, từ ban tổ chức sự kiện đến điện Elysée ( phủ tổng thống Pháp ), đều “tự hào” khẳng định “đây sẽ là Olympic bình đẳng giới đầu tiên trong lịch sử Thế Vận Hội”. Một số khu nhà tiếp đón của sự kiện được thiết kế cho các vận động viên là phụ huynh, có thể mang theo gia đình khi đến Paris thi đấu. Trên thực tế, số vận động viên nữ tham gia đã tăng đáng kể từ Thế vận hội Tokyo, với 48,8 %  là vận động viên nữ, 51,2 % vận động viên nam. Xin nhắc lại, lần đầu tiên phụ nữ được quyền tham gia vào Thế Vận Hội là năm 1900, lúc đó chỉ có 22 phụ nữ trong tổng số 987 vận động viên.

 

Tuy nhiên, vấn đề hiện nay không còn là mở cửa cho nữ giới tham gia vào các cuộc tranh tài thể thao, mà là các đầu tư để phụ nữ có thể chứng tỏ năng lực như nam giới. Trang Deutsche Welle của Đức nêu ra những thiếu hiểu biết, thiếu nghiên cứu về sức khỏe phụ nữ trong thể thao là một trong những rảo cản khiến các nữ vận động viên khó đạt được thành tích tốt nhất. Chuyên gia về thể chất, hỗ trợ đội tuyển Anh Quốc thi đấu Olympic 2020, nhận định : “Trong thể thao, cạnh tranh rất dữ dội và áp lực rất cao, không ai muốn tỏ ra là mình mong manh, liễu yếu đào tơ”. Thế mà phụ nữ phải trải qua những khó khăn như kinh nguyệt, sinh sản, trong khi lại thiếu những nghiên cứu về các bộ dụng cụ thể thao phù hợp hoặc chế độ dinh dưỡng phù hợp với phụ nữ. Bà cho rằng cần phải thay đổi nhận thức nhằm hỗ trợ sức khoẻ phụ nữ.

 

Quốc Hội Anh trong tuần vừa qua đã công bố một báo cáo, nêu ra sự “cần thiết kế dụng cụ thể thao phù hợp cho nữ giới”, nhất là các loại giày đá bóng, giúp họ giảm nguy cơ chấn thương. Nguyên do là đã có nhiều trường hợp nữ cầu thủ bị đứt dây chằng chéo đầu gối tại kỳ Cúp bóng đá thế giới nữ năm ngoái. Báo cáo chỉ ra rằng “ngành thể thao có những phản ứng không đồng nhất và chậm chạp. Chúng tôi tin rằng nếu vấn đề tương tự xảy ra với các cầu thủ nam thì sẽ nhận được phản ứng nhanh hơn.”

 

--------------------------------

Các nội dung liên quan

 

TẠP CHÍ XÃ HỘI

Quyền năng trong chính trị và kinh tế của phụ nữ Việt Nam thế kỷ 21

 

TẠP CHÍ ĐẶC BIỆT

Hội thảo ‘‘Phụ nữ Việt Nam…’’ ở Paris: ‘‘Nghe nhau, hiểu nhau để thương nhau’’

 

LIÊN HIỆP QUỐC - AFGHANISTAN

Afghanistan: Hội Đồng Bảo An lên án Taliban về chính sách đối với phụ nữ





No comments:

Post a Comment

View My Stats