Mỹ :
Đại học Albany và nỗ lực bảo tồn tiếng Pháp
Thu Hằng - RFI
Đăng
ngày: 23/03/2024 - 11:25
Tiếng
Pháp là ngoại ngữ được học nhiều thứ hai ở Hoa Kỳ. Số người nói tiếng Pháp tại
Mỹ dao động từ 3,5 triệu người, nếu tính những người đang học, nói tiếng Pháp
và phương ngữ có gốc tiếng Pháp, đến 11 triệu người nếu tính cả những người gốc
Pháp, Canada-Pháp hoặc Haiti… Dĩ nhiên tiếng Pháp được nói nhiều ở những bang
đông dân như New York và California, nhưng các bang Maine và Lousiana lại có tỉ
lệ người dân nói tiếng Pháp cao nhất nhờ lịch sử gắn bó với Pháp ngữ.
Áp
phích Ngày hội Pháp Ngữ 27/03/2024 tại Đại học Albany, bang New York, Mỹ. ©
French Studies / University at Albany
Đại
học Albany, bang New York, có hơn 200 sinh viên theo học tiếng Pháp ở mọi trình
độ. Sau thời gian bị chững lại, giống như tình trạng chung của việc dạy và học
ngoại ngữ tại Mỹ, chương trình tiếng Pháp dần được khôi phục, được cải cách để
đáp ứng nhu cầu thực tế của sinh viên.
Nhân
tuần lễ Quốc tế Pháp ngữ (từ 16-24/03/2024), RFI Tiếng Việt đặt câu hỏi với bà
Véronique Martin, giáo viên tiếng Pháp tại Đại học Albany, kiêm phụ trách chương trình University
in the High School (Đại học tại trường cấp 3), để hiểu hơn về chương trình tiếng
Pháp.
RFI : Là
giảng viên tại Khoa Ngôn ngữ, Văn học và Văn hóa, Đại học Albany, bà cũng phụ
trách về liên lạc, hợp tác với các trường trung học dạy tiếng Pháp ở bang New
York. Trước hết, bà có thể cho biết quá trình hình thành, phát triển của Ban tiếng
Pháp và ban có vai trò như thế nào ?
Véronique
Martin : Đại
học Albany được thành lập năm 1848 và việc giảng dạy ngoại ngữ có lẽ bắt đầu
vào khoảng đầu những năm 1900, lúc đó chỉ là một trường sư phạm chuyên đào tạo
giáo viên trung học.
Tiếng
Pháp nằm trong Khoa Ngôn ngữ, Văn học và Văn hóa, gồm 8 ngoại ngữ với 8 chương
trình giảng dạy khác nhau. Chúng tôi đề xuất những khóa học từ trình độ sơ cấp
đến trung cấp nâng cao, gần tương đương với trình độ B1, B2 trong hệ thống phân
cấp của châu Âu.
.
RFI : Tiếng
Pháp có phải là một ngoại ngữ được theo học nhiều ở Đại học Albany cũng như tại
các trường cấp III trong bang New York ?
Véronique
Martin : Trong
thời gian dài, tiếng Pháp được theo học rất nhiều nhưng giờ thì ngày càng ít. Đại
học chúng tôi nằm ở phía bắc bang New York, chỉ cách biên giới với Canada và tỉnh
Québec (nói tiếng Pháp) khoảng 2 tiếng rưỡi. Từ những năm 1840, có rất nhiều
người từ Québec đến tìm việc làm và định cư ở miền bắc bang. Vì vậy, trong số
sinh viên học tiếng Pháp, có rất nhiều em có ông bà đến từ vùng Québec.
Ngoài
ra, vì Đại học Albany là một trường rất lớn của bang New York nên chúng tôi
cũng đón rất nhiều sinh viên đến từ thành phố New York, từ các quận như Bronx,
Queens, Long Island. Những em này thường là người gốc Tây Phi, như Côte
d’Ivoire (Bờ Biển Ngà), Bénin, Mali và Sénégal hoặc từ vùng Caribê, Haïti. Do
đó, chúng tôi cũng có rất nhiều sinh viên có trình độ tiếng Pháp cao, có thể
coi là một cộng đồng sinh viên Pháp ngữ, giúp chương trình của chúng tôi thêm
phong phú.
https://s.rfi.fr/media/display/7ce2a6e6-e853-11ee-a095-005056a97e36/Pause%20cafe_Univ.%20Albany.webp
Áp
phích quảng cáo chương trình "Cà phê-đối thoại" với sinh viên, ban Tiếng
Pháp, Đại học Albany, Hoa Kỳ. © RFI / French Studies / University at
Albany
RFI : Liệu
có lý do nào đó để giải thích cho việc tiếng Pháp hiện ít được theo học hơn
?
Véronique
Martin : Thực
ra phải nói là tiếng Pháp, cùng với tiếng Tây Ban Nha, là ngoại ngữ được giảng
dạy nhiều thứ hai ở trường cấp III. Nhưng việc ngày càng có ít học sinh học tiếng
Pháp hơn ở trường cấp II, cấp III và ở đại học là do nhìn chung, sinh viên quay
lưng với ngoại ngữ. Đó là cả một vấn đề về cơ cấu. Đầu thập niên 2000, sinh
viên đại học phải học ngoại ngữ trong hai học kỳ. Nhưng sau đó có một quyết định
giảm việc học ngoại ngữ bắt buộc xuống còn một kỳ. Việc này đã tác động đến
chương trình của chúng tôi.
Cũng
cần phải lưu ý là trong khoảng đầu nhiệm kỳ thứ nhất của tổng thống Barack
Obama có chủ trương tăng cường giảng dạy các môn khoa học ở cấp phổ thông và đại
học, như khoa học tự nhiên, công nghệ, kỹ sư, toán học. Cho nên sinh viên ngày
càng hướng về những môn này và nhìn chung là bỏ lơ ngoại ngữ hoặc các ngành
Khoa học Xã hội Nhân văn. Đầu tháng 03 này, tôi nhận được tin nhắn của một giáo
viên trung học làm việc chung, nói rằng ngày càng có ít học sinh theo học giờ
tiếng Pháp của cô ở trường cấp III bởi vì các em thích học toán và khoa học
hơn.
.
RFI : Trong
bối cảnh như vậy, Ban tiếng Pháp có cách làm như nào để thu hút thêm học
sinh và để việc học và dạy tiếng Pháp hấp dẫn hơn ?
Véronique
Martin : Một
trong những điểm đầu tiên là chúng tôi tiếp tục làm việc với các trường cấp III
đó để kết nối việc giảng dạy tiếng Pháp. Trong số những học sinh học tiếng Pháp
nâng cao ở cấp III sẽ có những sinh viên tương lai theo học các lớp của chúng
tôi ở đại học. Các em có thể tiếp tục ở trình độ cao hơn.
Vì
thế, chúng tôi tiếp tục hợp tác với các giáo viên tiếng Pháp cấp III thông qua
các khóa đào tạo, hoặc tổ chức Ngày hội Pháp ngữ trong khuôn viên trường vào
tháng 03 hàng năm (năm 2024, diễn ra ngày 27/03). Có nghĩa là chúng tôi cũng có
Ngày hội Pháp ngữ riêng và mời các em học sinh tham gia cùng sinh viên. Đó là một
trong những ý tưởng để quảng bá tiếng Pháp trong trường và giúp kết nối các em
học sinh với những người gốc Pháp vì chúng tôi mời một số người đến trường giao
lưu.
Ngoài
ra, chúng tôi thấy rằng sinh viên quay lưng với các tiết văn học nhưng lại quan
tâm đến các giờ học tiếng Pháp chuyên ngành. Cho nên chúng tôi nảy ra ý tưởng tổ
chức các giờ học tiếng Pháp kinh doanh và tiếng Pháp ngoại giao từ mùa thu năm
ngoái (2023). Đây là xu hướng khá phổ biến ở Mỹ, ngày càng có nhiều chương
trình đại học dạy tiếng Pháp chuyên ngành.
Dĩ
nhiên, chúng tôi cũng tổ chức nhiều sự kiện khác cho sinh viên, như hoạt động
văn hóa trong các câu lạc bộ tiếng Pháp hoặc các bàn tròn đối thoại. Chúng tôi
cũng muốn đưa các em đến thành phố Montréal vì trường chúng tôi cách tỉnh
Québec không xa lắm, như tôi nói ở trên. Và cuối cùng, chúng tôi khuyến khích
các em lưu lại học tập ở Québec hoặc ở Pháp một thời gian trong lúc học đại học.
Chúng tôi hỗ trợ các em tìm học bổng. Đó là một số dự án để khuyến khích việc học
và giảng dạy tiếng Pháp của chúng tôi.
.
RFI : Chính
phủ Pháp dành một ngân sách đặc biệt để khuyến khích chương trình dạy tiếng
Pháp ở Hoa Kỳ. Sự hỗ trợ này có ích như nào đối với Ban tiếng Pháp của trường ?
Véronique
Martin : Thực
ra đó không phải là hỗ trợ trực tiếp nên chúng tôi không nhận được trợ cấp trực
tiếp từ chính phủ Pháp. Từ vài năm nay, cơ quan văn hóa của Đại sứ quán Pháp ở
Washington ngày càng đưa ra nhiều ý tưởng, dưới hình thức đào tạo giáo viên, hội
thảo, học bổng, cũng như những chương trình hỗ trợ giáo viên trung học và đại học
để họ phát triển dự án quảng bá tiếng Pháp, giúp khoa của họ thu hút hơn. Những
sáng kiến đó rất được hoan nghênh. Người quan tâm phải làm đơn yêu cầu. Theo
tôi, những sáng kiến mới này xuất phát từ việc ý thức được rằng tiếng Pháp đang
bị thụt lùi ở mọi cấp tại Hoa Kỳ.
RFI
Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn bà Véronique Martin, giảng viên Ban tiếng
Pháp, Khoa Ngôn
ngữ, Văn học và Văn hóa, Đại học Albany, Hoa Kỳ.
https://s.rfi.fr/media/display/9dcca136-e853-11ee-a4de-005056a97e36/Univ.Albany.webp
Khuôn
viên Đại học Albany, bang New York, Hoa Kỳ. © RFI / Tiếng Việt
Tiếng
Pháp : Ngoại ngữ được dạy nhiều thứ hai tại Mỹ
Để
chuẩn bị cho những sinh viên tiếng Pháp tương lai, nhiều trường cấp 3 ở Mỹ, phối
hợp chặt chẽ với các trường đại học trong bang, đưa ra chương trình song ngữ hoặc
các giờ tiếng Pháp tăng cường. Giảng viên đại học, như trường hợp bà Véronique
Martin, đóng vai trò cố vấn giáo dục, theo dõi các giờ học và thông qua chương
trình giảng dạy.
Là
một nước đón nhiều dân nhập cư, Mỹ đã phát triển mô hình lớp song ngữ trong thập
niên 1980 với tiếng Tây Ban Nha để đáp ứng nhu cầu của người dân nhập cư và ở
bang Lousiana là tiếng Pháp. Từ những năm 2010, phong trào lớp song ngữ bắt đầu
tăng tốc, nhất là ở bang Utah, nơi mở rất nhiều lớp song ngữ ở cấp 1 và 2 với
những phương pháp giảng dạy thích hợp. Theo phóng sự được báo Le Monde đăng
ngày 01/08/2022, ngay từ lớp 1, học sinh học nửa ngày với một ngoại ngữ đã chọn
(tiếng Trung, Tây Ban Nha, Pháp, Bồ Đào Nha) cùng với một giáo viên nói tiếng mẹ
đẻ, phần còn lại của ngày là học tiếng Anh với một giáo viên khác.
Pháp
có lợi trong cuộc cải cách song ngữ vì những người nói tiếng Pháp đó sẽ trở
thành những đại sứ cho văn hóa Pháp. “Đối với Pháp, đó là một bàn đạp
thực sự cho quyền lực mềm”, theo nhận định của ông Mathieu Ausseil, tùy
viên hợp tác giáo dục tại Đại sứ quán Pháp tại Mỹ, với báo Le Monde. Tuy nhiên,
sau khi chương trình dạy ngoại ngữ bị thay đổi, từ bắt buộc hai học kỳ xuống
còn một học kỳ, nhiều khoa tiếng Pháp bị cắt ngân sách nghiêm trọng, do thiếu
sinh viên. Theo ông Mathieu Ausseil, “trong vòng 15 năm, từ 800 khoa tiếng
Pháp rớt xuống còn 400”.
Các
lớp song ngữ ngay từ bậc tiểu học mang lại hai lợi ích cho Pháp. Thứ nhất, bổ
sung số sinh viên tiếng Pháp tương lai để ngăn đà trượt dốc này. Chương trình học
không dành riêng cho tầng lớp khá giả nên có thể thu hút đông đảo người học. Thứ
hai, chi phí ít tốn kém hơn so với những trường Pháp do Cơ quan Giáo dục Pháp ở
nước ngoài quản lý bởi vì các cơ quan quản lý học đường Mỹ trả tiền lương cho
giáo viên các lớp song ngữ.
Để
hỗ trợ chương trình này, năm 2017, Pháp đã lập quỹ French Dual Language Fund,
quyên được khoảng 1,5 triệu đô la đầu tư vào vật chất hoặc đào tạo giáo viên, đặc
biệt là đồng hành trong việc triển khai các lớp tiếng Pháp chuyên ngành. Còn đối
với sinh viên Mỹ học tiếng Pháp, trang French Higher Education đề xuất nhiều
chương trình trao đổi để họ có thể theo học vài tháng ở một trường đại học Pháp
hoặc đến Pháp thực tập, hoàn thiện kỹ năng tiếng Pháp chuyên ngành.
-------------------------------
Các
nội dung liên quan
TẠP
CHÍ VĂN HÓA
Tuần
lễ Pháp ngữ ở Việt Nam: Gắn kết người yêu tiếng Pháp và văn hóa khối Pháp ngữ
PHÁP
- TIẾNG PHÁP
Paris
đề ra chiến lược phát triển tiếng Pháp trên thế giới
TẠP
CHÍ VĂN HÓA
Trung
tâm tiếng Pháp Quốc tế : Từ lâu đài bỏ hoang thành "ngôi nhà" Pháp ngữ
No comments:
Post a Comment