Chiến
tranh Ukraina : Đối lập lo ngại trước lập trường của tổng thống Pháp Macron
Phan Minh - RFI
Đăng
ngày: 08/03/2024 - 16:12
Ngày Quốc
tế Phụ nữ, lập trường của tổng thống Pháp Macron về chiến tranh Ukraina, khủng
hoảng ở Haiti là những chủ đề được các nhật báo Paris quan tâm hôm nay
08/03/2024.
Tổng
thống Pháp Emmanuel Macron họp báo tại điện Elysée, Paris, Pháp, ngày
26/02/2024. REUTERS - GONZALO FUENTES
Về thời sự
nước Pháp, trang nhất của tờ Le Figaro cảm thấy lo lắng về lập trường của tổng
thống Emmanuel Macron trên hồ sơ Ukraina.
Các lãnh đạo
phe đối lập hôm qua, 07/03, đã rời phủ tổng thống trong tâm trạng đầy lo âu,
sau cuộc họp do chủ nhân điện Elysée chủ trì để thảo luận về tình hình Ukraina.
Sau khi đưa ra tuyên bố gây tranh cãi về khả năng phương Tây điều quân đội đến
tiếp viện cho Kiev, Emmanuel Macron đã tiếp lãnh đạo các đảng và vẫn bảo toàn lập
trường. Theo cuộc thăm dò mới nhất do Odoxa-Backbone Consulting thực hiện cho
nhật báo thiên hữu, 60% những người được hỏi không đồng tình với phát biểu của
ông Macron. Mặc dù vậy, tổng thống Pháp khẳng định “không thể đặt ra giới
hạn cho bản thân khi kẻ thù không đặt ra giới hạn nào”.
“Sự mơ
hồ về chiến lược” của
Emmanuel Macron nhằm gây áp lực với điện Kremlin là trọng tâm của các cuộc thảo
luận hôm qua. Các đồng minh của Macron như lãnh đạo cánh trung François Bayrou
(MoDem) hay Edouard Philippe (Horizons) hoàn toàn ủng hộ quan điểm của nguyên
thủ quốc gia Pháp. Chủ tịch Thượng Viện Gérard Larcher cũng coi chiến tranh ở
Ukraina là một “cuộc chiến sinh tồn”. Nhưng lãnh đạo các đảng đối lập
một lần nữa đồng loạt chỉ trích tuyên bố của tổng thống.
Eric
Ciotti, chủ tịch đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa (LR) coi đó là “quan
điểm không thích hợp”, và cảm thấy “băn khoăn về tính hữu ích của
cuộc họp này khi không có biện pháp cụ thể nào được đưa ra”. Manuel
Bompard, điều phối viên của đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất (LFI), tuyên bố
: “Tôi đến phủ tổng thống trong tâm trạng lo lắng và lúc rời đi còn lo
lắng hơn”, trong khi lãnh đạo đảng Cộng Sản Fabien Roussel cũng hoảng hốt
mô tả Emmanuel Macron “sẵn sàng lao vào một cuộc leo thang quân sự nguy
hiểm ngay ngày mai”.
Thể
thao : Chừng nào phụ nữ mới được « tôn vinh » như
các vận động viên nam ?
Nhân Ngày
Quốc tế Phụ nữ 08/03 và vài tháng trước khi Thế Vận Hội Paris 2024 khai mạc, tờ
Libération dành trang nhất và bài xã luận để phân tích về những trở ngại vẫn
còn đối với cuộc sống và sự nghiệp của những vận động viên nữ.
Đã có rất
nhiều nỗ lực để mang lại cho các vận động viên nữ “tầm ảnh hưởng” rõ
rệt hơn và trên hết là các “quyền lợi” giống như các vận động
viên nam, nhưng mọi chuyện vẫn chưa hoàn hảo. Vẫn còn nhiều điều phải được thực
hiện và Thế Vận Hội Paris, được coi là “Đại hội thể thao bình đẳng đầu
tiên trong lịch sử Thế Vận Hội”, có lẽ sẽ là cơ hội để các vận động viên nữ “tỏa
sáng” hơn trong lĩnh vực này. Một số nhà quan sát nhận định sẽ chứng
kiến một bước nhảy vọt khi mà việc phụ nữ huấn luyện các vận động viên nam
không còn là một điều xa lạ. Trong thể thao cũng như trong nhiều lĩnh vực khác
ngoài xã hội, phụ nữ đều phải đối mặt với những khó khăn như nhau. Bài xã luận
đặc biệt chú ý đến những ngày đầu tiên của kỳ kinh nguyệt khiến phụ nữ gặp rất
nhiều khó khăn trong công việc, trong thăng tiến. Các tuyển thủ quốc gia cũng
như tất cả các phụ nữ khác đều bị mất một khoảng thời gian nhất định trong sự
nghiệp khi phải vắng mặt vài tháng để nghỉ thai sản.
Nhân ngày
08/03, nhật báo thiên tả đã phỏng vấn hai vận động viên nữ xuất sắc thuộc hai
thế hệ khác nhau : Marie-José Pérec, người đã giành ba huy chương vàng môn điền
kinh trong hai kỳ Thế Vận Hội (1992, 1996), và Romane Dicko, thần đồng judo. Tờ
báo muốn tìm hiểu về chặng đường họ đã đi và những trở ngại mà các vận động
viên nữ phải vượt qua.
Sinh ra ở
Guadeloupe, Marie-José Pérec tới chính quốc Pháp để sống với người bà, và “muốn
trở thành một Mohamed Ali bé nhỏ của bà”. Khi trở thành vận động viên điền
kinh, cô bị soi xét về ngoại hình, màu da, và không mấy ai để ý đến tài năng của
cô. Điều này khiến ngôi sao điền kinh uất hận, song cô vẫn phải kìm nén, thay
vì bộc lộ sự tức giận, vào thời điểm mà tiếng nói của phụ nữ hầu như không có
trọng lượng.
Ngược lại,
thần đồng judo Romane Dicko giờ đây không ngần ngại sử dụng mạng xã hội để “tự
quảng cáo”. Cô sẵn sàng lao về phía trước, thẳng tiến trên con đường đã chọn
và không hề e ngại trước “ánh mắt” của người khác. Hình mẫu của
Dicko không phải là Mohamed Ali, mà là ngôi sao quần vợt Serena Williams. Đây
có lẽ là điều đã thay đổi nhiều nhất đối với các vận động viên nữ : Họ không
còn sợ sự phán xét của người khác, và đó là một bước tiến không hề nhỏ.
Bầu
cử 2024 : Biden dùng quyền phá thai làm lá bài chính trị
Nhìn sang
Hoa Kỳ, nhật báo Le Monde dành trang nhất về việc quyền phá thai có thể sẽ là
lá bài chính trị trong chiến dịch tranh cử tổng thống của Joe Biden khi đối mặt
với Donald Trump.
Trong số
các khách mời của đệ nhất phu nhân Jill Biden nhân ngày tổng thống Biden đọc
thông điệp liên bang tại Quốc Hội, có một phụ nữ trẻ đã để lại dấu ấn trong dư
luận. Mang thai 20 tuần, mang trong mình một em bé mắc hội chứng Down, Kate Cox
từng xuất hiện trên màn ảnh vào giữa tháng 12/2023, nói trong nước mắt là không
thể hiểu tại sao các thẩm phán bang Texas lại ngăn cản cô phá thai.
Ở một bang
như Texas, nơi chủ nghĩa cá nhân quan trọng như tôn giáo, Kate, 31 tuổi, mẹ của
hai đứa con, cho biết phải chờ ý kiến của chính quyền địa phương để biết đứa bé
trong bụng của cô sẽ được “giải quyết” như thế nào. Lúc đầu, một
thẩm phán đã ra phán quyết cho phép Kate phá thai, nhưng ngay sau đó, chưởng lý
bang Texas đe dọa sẽ kiện những bệnh viện nào dám giúp cô phá thai. Cuối cùng,
Tòa án Tối cao Texas đã ra phán quyết không cho cô phá thai, cho rằng tình trạng
của cô không đáng lo ngại, mặc dù Kate đã phải đi cấp cứu nhiều lần. Thất vọng
vì bị bang nơi cô sinh ra “tra tấn tinh thần”, Kate Cox quyết định
rời Dallas để phá thai ở một nơi xa Texas.
Giống như
Kate Cox hay Amanda Zurawski, người phụ nữ đầu tiên đệ đơn kiện Texas, sau khi
suýt chết vào tháng 08/2022, những nạn nhân của luật chống phá thai không còn sợ
xuất hiện trước công chúng để chia sẻ trải nghiệm của họ. Lời kể của họ được
chính quyền Biden khai thác triệt để.
Từ Texas đến
Idaho, dư luận giờ đây dường như ngả theo nỗi đau của phụ nữ mang thai, nạn
nhân của những triệu chứng như có thai ngoài tử cung, hoặc các biến chứng khác,
nhưng vẫn phải nghe theo phán quyết của tòa án, thay vì được làm theo lời
khuyên của bác sĩ.
Ngay cả ở
các bang thân đảng Cộng Hòa cũng đang ngả theo chiều hướng này. Ở Arkansas, những
người ủng hộ tu chính án cho phép phá thai khi thai kỳ lên tới 20 tuần có đến
ngày 05/07 để thu thập 91.000 chữ ký. Ở Missouri, phe ủng hộ việc phá thai đã
đưa ra một văn bản bảo đảm tính hợp pháp của việc phá thai cho đến khi xác
định thai nhi có thể phát triển bình thường. Đây là một dấu hiệu cho thấy phe bảo
thủ của Donald Trump cũng hết sức khó xử khi vướng vào hồ sơ này. Tại Missouri,
một nhóm đảng viên Cộng Hòa ôn hòa đã đề xuất một thỏa thuận cho phép phá thai
đến 12 tuần thai kỳ, và được thực hiện trong những trường hợp ngoại lệ. Hiện
nay, hoạt động này bị cấm trong tất cả các giai đoạn của thai kỳ. Tương tự ở
Nebraska và Nam Dakota, nơi một số đảng viên Cộng Hòa cũng hoan nghênh việc đảo
ngược lệnh cấm phá thai được Tòa án Tối cao thông qua.
Haiti sẽ
đi về đâu ?
Nhìn xuống
Trung Mỹ, bài xã luận của tờ La Croix chú ý đến tình hình đáng báo động tại
Haiti. Không có gì tệ hại hơn là làm ngơ trước những gì đất nước này đang trải
qua, có thể rơi vào nội chiến kéo dài, và cũng rất dễ bị tổn thương về mặt khí
hậu. Tình hình đang rất bi đát, với những vụ thảm sát do các băng nhóm vũ trang
gây ra, giới chính trị gần như không tồn tại, thủ tướng thậm chí không thể trở
về quê hương, sau khi các băng nhóm kiểm soát các nhà tù và bao vây sân bay.
Haiti đang ngụp lặn trong đau khổ, cụ thể là làn sóng đói khát và chết chóc.
Năm 2023, đã có đến gần 5.000 nạn nhân bị các băng đảng thanh toán. Nạn cưỡng
hiếp phụ nữ cũng trở nên phổ biến. Nền giáo dục hỗn loạn, nền kinh tế suy thoái
và hệ thống y tế tồi tệ.
Cộng đồng
quốc tế không thể thờ ơ trước những biến cố này. Nhưng họ có thể làm gì ?
Thỏa thuận Montana được ký kết vào tháng 08/2021 đã từng cố gắng tập hợp các
giáo hội, đoàn thể, phong trào phụ nữ và các tổ chức phi chính phủ để đất nước
thoát khỏi khủng hoảng. Nhật báo Công Giáo kết luận rằng trước tiên phải tái
thiết các định chế trong nước, khôi phục các dịch vụ công và ngành tư pháp. Nếu
không, sẽ lại chỉ có một chính phủ bù nhìn được dựng lên, đi kèm với bạo lực
hoành hành, trong một vòng luẩn quẩn cần phải bị phá vỡ.
Nạn
đói hoành hành ở Gaza
Nhìn sang
Trung Đông, nhật báo kinh tế Les Echos có bài về việc nhiều cơ quan của Liên Hiệp
Quốc và các tổ chức phi chính phủ báo động là 2,3 triệu cư dân ở dải Gaza đang
đối mặt với nạn đói diện rộng, nếu viện trợ nhân đạo khẩn cấp không sớm được
chuyển đến dải đất bị tàn phá bởi chiến tranh giữa Israel và Hamas.
Matthew
Hollingworth, đặc trách Palestine của Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), một
cơ quan của Liên Hiệp Quốc, cho biết : “Không có nơi nào trên thế giới
giống như dải Gaza, nơi toàn bộ dân số bị đe dọa bởi nạn đói do con người gây
ra.” Bất chấp những lời kêu gọi từ nhiều phía, viện trợ nhân đạo vẫn
chưa đến, đặc biệt là ở miền bắc dải Gaza, khu vực bị tàn phá nặng nề nhất bởi
các vụ oanh kích của Hamas hôm 07/10/2023. Một người dân ở Gaza cho biết ông
cùng với ba người con phải ăn lá cây, ăn thức ăn dành cho súc vật. Một sinh
viên cho biết mọi người phải dùng củi để nấu nướng, và rất nhiều cây cối cũng
như cột điện bị chặt hạ để tạo lửa.
Để tránh
thảm họa lan rộng, Ursula von der Leyen, chủ tịch Ủy Ban châu Âu, hôm nay tới cảng
Larnaka ở đảo Síp, nằm cách Gaza 370 km, để tiến hành đưa thực phẩm viện trợ tới
dải đất này bằng đường biển. Tổng thống Joe Biden cũng đã ra lệnh cho quân đội
Mỹ xây dựng một cảng tạm thời ở Gaza để vận chuyển thêm viện trợ nhân đạo bằng
đường biển.
---------------------------
Các nội
dung liên quan
ĐIỂM BÁO
Đưa
quân sang Ukraina : Tổng thống Pháp lại nói đúng nhưng quá sớm
ĐIỂM BÁO
TT
Pháp Macron có quá vội vã khi không loại trừ khả năng đưa quân sang Ukraina ?
No comments:
Post a Comment