Tuesday, 17 October 2023

XUNG ĐỘT Ở GAZA : NHỮNG QUỐC GIA NÀO "CHỐNG LƯNG" CHO HAMAS? (Phan Minh / RFI)

 



Xung đột ở Gaza : Những quốc gia nào "chống lưng" cho Hamas ?

Phan Minh  -  RFI

Đăng ngày: 16/10/2023 - 09:52

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20231016-xung-%C4%91%E1%BB%99t-%E1%BB%9F-gaza-nh%E1%BB%AFng-qu%E1%BB%91c-gia-n%C3%A0o-ch%E1%BB%91ng-l%C6%B0ng-cho-hamas

 

Kể từ khi thành lập vào năm 1987, tổ chức Hamas đã thiết lập mối quan hệ khắng khít với một số tổ chức và quốc gia trong khu vực Trung Đông. Từ những hỗ trợ về mặt tài chính, quân sự và thậm chí cả về mặt tư tưởng, tổ chức Hồi Giáo của Palestine này có thể nương tựa vào một số đồng minh sau cuộc tấn công đẫm máu vào Israel hôm 07/10/2023.

 

https://s.rfi.fr/media/display/5b41cb4e-69bd-11ee-a0ef-005056bfb2b6/w:980/p:16x9/GettyImages-1485166291.webp

Các chiến binh Hamas tại Gaza vào tháng 07/2022. Majority World/Universal Images - Majority World

 

Sau vụ tấn công của Hamas vào thứ Bảy tuần trước, câu hỏi đặt ra là những quốc gia và tổ chức nước ngoài nào ủng hộ phong trào Hồi Giáo Palestine này. Iran, Algeria và Tunisia đã chính thức bày tỏ sự ủng hộ Hamas trong những ngày gần đây. Kể từ khi thành lập vào năm 1987, tuy bị Hoa Kỳ, Liên Hiệp châu Âu (EU) và Israel liệt vào danh sách tổ chức khủng bố, Hamas đã thiết lập mối liên kết chặt chẽ với một số cường quốc trong khu vực.

 

Dù là Qatar, Iran hay Thổ Nhĩ Kỳ, những nước này dành cho Hamas sự ủng hộ ở dưới nhiều hình thức khác nhau : kinh tế, quân sự, thậm chí là ý thức hệ.

 

 

Liên hệ tài chính và chính trị giữa Qatar với Hamas

 

Doha dường như là nhà tài trợ lớn cho Hamas. Didier Billion, phó giám đốc Viện Quan hệ Chiến lược và Quốc tế (Iris), giải thích : “Điều đó đã được chứng minh qua những khoản hỗ trợ tài chính công khai, ở mức 30 triệu đô la mỗi tháng. Những khoản tiền này dùng để trả lương cho công chức ở Gaza và chúng tôi biết rõ rằng những người này là thành viên của Hamas. Tiền của Doha do đó đồng nghĩa với sự hỗ trợ trực tiếp cho tổ chức này, tổ chức đã trấn giữ vùng đất Palestine bằng nắm đấm sắt từ nhiều năm qua.”

 

Khoản hỗ trợ tài chính này bắt đầu từ 5 năm trước để tránh “một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn ở Gaza”, theo giải thích của nhật báo Pháp, Libération, hồi năm 2018. Khoản thanh toán đầu tiên – 15 triệu đô la – là dưới dạng tiền mặt đựng trong ba túi và được Mohammed al-Emadi vận chuyển đến cửa khẩu biên giới Israel ở Erez, phía bắc của Gaza. Nhà ngoại giao người Qatar này, đặc trách các vấn đề liên quan đến Palestine, là người trung gian không chính thức giữa dải Gaza, Qatar và Israel.

 

Những thương vụ chuyển tiền này được thực hiện với sự chấp thuận của Israel và cộng đồng quốc tế, như The Times of Israel đưa tin vào ngày 08/10. Trang tin này giải thích rằng chính sách của thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu “bao gồm việc đối phó với nhóm khủng bố, ngáng chân Mahmoud Abbas và ngăn cản việc thành lập một nhà nước Palestine”.

 

Mối liên hệ của Qatar với Hamas không chỉ về mặt tài chính mà còn cả chính trị : Doha đã đón tiếp người đứng đầu văn phòng chính trị của Hamas, Ismail Haniyeh, kể từ năm 2012. Myriam Benraad, nhà khoa học chính trị, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Quốc tế Schiller, nhận định : “Ngoài việc tiếp đón một số nhà lãnh đạo nổi bật của Hamas, Doha cũng ngay lập tức tự xem mình là nhà đàm phán về vấn đề con tin Israel trong những ngày gần đây. Điều này gián tiếp nâng cao vai trò của chế độ quân chủ vùng Vịnh nhỏ bé này.”

 

Cộng đồng quốc tế cũng nhận thức rõ điều đó, chẳng hạn như Đức đã kêu gọi, hôm 12/10, Qatar đóng “vai trò quan trọng” trong việc thả những con tin này, “bởi Doha có các kênh liên lạc mà Berlin và phương Tây nói chung không có”.

 

 

Iran, “trục kháng chiến” và hỗ trợ tài chính, quân sự

 

Iran, một trong những cường quốc ở Trung Đông, cũng duy trì mối quan hệ mật thiết với Hamas. Didier Billion phân biệt “hai cấp độ” trong mối quan hệ giữa Teheran và Hamas : “Ở cấp độ công chúng, Iran ủng hộ tính chính đáng của Nhà nước Palestine, với sự ủng hộ rõ rệt dành cho Hamas, một mối quan hệ được các nhà lãnh đạo Iran và Palestine thừa nhận.” Cùng với Hamas và thậm chí cả Hezbollah của Liban, Teheran đóng vai trò là một “trục kháng chiến” chống Israel. Đây là một trong những điểm mấu chốt trong chính sách đối ngoại của Iran ở Trung Đông.

 

Ông Billion nói thêm : “Cấp độ thứ hai không được công khai: đó là viện trợ tài chính hoặc hậu cần từ Lực lượng Vệ binh Cách mạng.” Người đứng đầu văn phòng chính trị Hamas, Ismail Haniyeh, thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn với Al-Jazeera vào đầu năm 2022 rằng tổ chức này “đã nhận được 70 triệu đô la viện trợ quân sự” từ Iran. Theo một báo cáo từ bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ công bố vào năm 2020, Teheran dường như tài trợ cho tất cả các nhóm vũ trang Palestine ở mức 100 triệu đô la mỗi năm.

 

Wassim Nasr, nhà báo chuyên về các phong trào thánh chiến tại France 24, giải thích : “Hỗ trợ quân sự được thực hiện thông qua việc chuyển giao công nghệ của Iran. Điều này bao gồm việc dạy cách chế tạo drone, cách cải biến drone dân sự thành drone quân sự, và thậm chí cả chuyển đạn dược và vũ khí đi qua bán đảo Sinai của Ai Cập.”

 

Mối liên hệ giữa Hamas và Iran sâu đậm đến mức sau vụ tấn công ngày 07/10, Teheran đã bị một số phương tiện truyền thông quốc tế quy trách nhiệm, trong đó có tờ The Wall Street Journal, rằng “Iran đã chuẩn bị cho một cuộc tấn công chống lại Israel từ vài tuần trước đó”. Iran đã phủ nhận có dính líu đến vụ này và khẳng định đó là “những tin đồn sai sự thật”.

Myriam Benraad nhận định : “Còn quá sớm để quy trách nhiệm trong cuộc tấn công này, nhưng Iran đã đối đầu gián tiếp với Israel từ nhiều năm qua, và (cuộc tấn công của Hamas) càng khẳng định điều này.”

 

 

Thổ Nhĩ Kỳ cũng muốn đứng ra hòa giải 

 

Wassim Nasr giải thích rằng “một số tổ chức phi chính phủ cung cấp viện trợ nhân đạo” ở Gaza, nhưng Ankara “chủ yếu hỗ trợ về hùng biện” cho Hamas. Thổ Nhĩ Kỳ, về truyền thống, luôn ủng hộ tính chính đáng của Nhà nước Palestine. Chủ tịch Recep Tayyip Erdogan đã nhắc lại điều này vào tháng 7 năm ngoái, tái khẳng định “việc thành lập một nhà nước Palestine độc ​​lập với Đông Jerusalem là thủ đô với thỏa thuận biên giới năm 1967, trên cơ sở các nguyên tắc của Liên Hiệp Quốc, là điều cần thiết cho hòa bình và sự ổn định của toàn bộ khu vực”.

 

Didier Billion cho biết rằng không giống như Qatar hay Iran, sự hỗ trợ của Ankara mang tính “chính trị” hơn là tài chính hay quân sự. Hơn nữa, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ duy trì mối liên hệ với Hamas mà còn với chính quyền Palestine. Ông Erdogan cũng đã tiếp đón hai nhà lãnh đạo Palestine và Hamas tới Ankara vào tháng 7 năm ngoái.

 

Sau vụ tấn công ngày 07/10, Ankara đã tìm cách đóng vai trò trung gian hòa giải trong cuộc xung đột Israel-Palestine. Recep Tayyip Erdogan lần đầu tiên kêu gọi Israel và Hamas “ủng hộ hòa bình”, sau đó lên án “các phương pháp đáng xấu hổ” của nhà nước Do Thái trong khuôn khổ các hành động đáp trả quân sự của nước này nhắm vào dải Gaza. Ngày 11/10, một nguồn tin chính thức nói với AFP và Reuters rằng tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã khởi động quá trình đàm phán với Hamas nhằm hướng tới việc thả các con tin bị bắt cóc trong chiến dịch “Đại hồng thủy Al-Aqsa”.

 

 

Ai Cập và Hezbollah : Hỗ trợ từ thời xa xưa và đôi khi mờ nhạt

 

Mối liên hệ giữa Ai Cập và Hamas đã có từ lâu - phong trào Palestine trên thực tế là hiện thân của tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo, ra đời vào năm 1928. Nhưng mối quan hệ này đã suy yếu vào năm 2013 khi tướng Abdel Fattah al-Sissi lên nắm quyền sau cuộc đảo chính lật đổ Mohamed Morsi (Huynh Đệ Hồi Giáo).

 

Trước khi bầu không khí trở nên căng thẳng, Hamas đã lợi dụng các đường hầm đi qua biên giới Ai Cập về phía Gaza để nhập lậu các nhu yếu phẩm, vật liệu xây dựng và thậm chí cả vũ khí. Chính quyền Ai Cập sau đó đã đóng hầu hết các đường hầm. Nhưng Cairo đã thay đổi phần nào quan điểm từ đầu năm 2018, và cho phép một số hàng hóa được chuyển vào Gaza. Viện nghiên cứu Council on Foreign Relations của Mỹ thẩm định Hamas thu được hơn 12 triệu đô la tiền thuế mỗi tháng vào năm 2021 từ số hàng này.

 

Sau cuộc tấn công của Hamas, Cairo cũng tự đặt mình là trung gian hòa giải trong cuộc xung đột giống như Ankara. Ai Cập – quốc gia Ả Rập đầu tiên công nhận sự tồn tại của Israel vào năm 1979 – cũng là cửa ngõ duy nhất vào Gaza, thông qua cửa khẩu Rafah, ở phía nam Palestine.

 

Về phần mình, lực lượng vũ trang Hồi Giáo Hezbollah ở Liban không có ý định đảm nhận vai trò trung gian hòa giải sau chiến dịch “Đại hồng thủy Al-Aqsa”. Phong trào Hồi Giáo Shia hôm 13/10 cho biết đã “chuẩn bị sẵn sàng” tấn công Israel vào thời điểm thích hợp, trong một cuộc biểu tình ủng hộ người Palestine ở Beirut. Wassim Nasr nhắc lại : “Mối liên hệ đầu tiên của họ với Hamas bắt đầu từ những năm 1990, khi các nhà lãnh đạo của phong trào Hamas bị trục xuất đến một khu vực phía nam Liban, nơi Hezbollah hiện diện.”

 

Kể từ lúc đó, Hezbollah đã duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Hamas, ngay cả khi hai tổ chức này có quan điểm khác nhau, đặc biệt trong cuộc nội chiến ở Syria vào năm 2011.

Didier Billion kết luận : “Tôi không biết các bên đã thảo luận những gì, nhưng điều quan trọng là phải hiểu rằng những nhóm này gần gũi về mặt chính trị-hệ tư tưởng, sự hội tụ của những yếu tố cần thiết chống lại nhà nước Do Thái.”

 

Nguồn : France 24

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats