Tìm hiểu chiến lược quốc gia của
Trung Quốc
Báo cáo của Bộ Quốc phòng Hoa
Kỳ ngày 19/10/2023
Trịnh Khải Nguyên-Chương dịch
Posted on 26/10/2023 by Boxit VN
https://boxitvn.online/?p=86385#more-86385
Văn phòng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ
Báo cáo thường niên trước Quốc hội: Những diễn biến quân sự và an ninh
liên quan đến Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (*)
Lời người dịch: Hôm 19 tháng Mười năm 2023 vừa qua, Bộ Quốc phòng
Hoa Kỳ đã đệ trình lên Quốc hội bản báo cáo về chiến lược quốc gia của Trung Quốc
vốn nằm trong khuôn khổ hiện đại hóa toàn diện hầu trở thành bá chủ thế giới,
trễ nhất là vào năm 2049. Số phận đất nước Việt Nam nằm trong quy trình đó, như
mọi người đều rõ, và bởi thế bản báo cáo rất đáng cho chúng ta tìm đọc. Dưới
đây chỉ là phần tóm lược, xin truy cập vào đường dẫn ở cuối bài để đọc toàn bộ
bản báo cáo bằng tiếng Anh.
*
Hình : Tàu sân bay Sơn Đông của Trung Quốc thao diễn
trên biển Hoàng Hải.
Chiến lược quốc gia của Cộng hòa nhân dân
Trung Quốc (CHNDTQ) là đạt được “sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa” vào
năm 2049. Chiến lược này là quyết tâm theo đuổi hiện đại hóa chính trị, xã hội
và quân sự để mở rộng sức mạnh quốc gia, hoàn thiện quản trị và điều chỉnh trật
tự quốc tế trong hỗ trợ hệ thống quản lý và lợi ích quốc gia. CHNDTQ xem Hoa Kỳ
là trở ngại đáng kể và nguy hiểm nhất cho sách lược của họ vì Hoa Kỳ đã và đang
triển khai nỗ lực toàn phần nhằm ngăn chặn sự trỗi dậy của CHNDTQ.
CHNDTQ mô tả quan điểm của mình về cạnh tranh
chiến lược dưới góc độ cạnh tranh giữa các quốc gia hùng mạnh, cũng như sự xung
đột giữa các hệ tư tưởng đối lập. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc (TQ) tin rằng những
thay đổi về cấu trúc trong hệ thống quốc tế và sự đối đầu của Hoa Kỳ là nguyên
nhân sâu xa khiến cạnh tranh chiến lược giữa TQ và Hoa Kỳ ngày càng gia tăng.
Hôm tháng 3 năm 2023, Tập Cận Bình tuyên bố với các đại biểu tham dự Hội nghị
Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc rằng “Các nước phương Tây, do Hoa Kỳ
dẫn đầu, đã thực hiện ngăn chặn, bao vây và đàn áp toàn diện chống lại chúng
ta, mang đến những thách thức nghiêm trọng chưa từng có đối với sự phát triển của
đất nước ta”.
Chiến lược của CHNDTQ đòi hỏi những nỗ lực có
chủ ý và quyết tâm nhằm tích lũy, cải thiện và khai thác các yếu tố bên trong
cũng như bên ngoài của sức mạnh quốc gia để đưa TQ lên “vị trí hàng đầu” trong
cuộc cạnh tranh lâu dài giữa các hệ thống.
Trong Báo cáo Công tác Chính trị của Đại hội Đảng
lần thứ XX, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã phát tán lời kêu gọi chuẩn bị
cho một khí hậu chính trị quốc tế ngày càng hỗn loạn, đồng thời báo cáo rằng họ
đã “tăng cường” an ninh của CHNDTQ trên mọi mặt trận nhằm “đối phó với các nguy
cơ và thử thách về chính trị, kinh tế, ý thức hệ, thậm chí cả thiên nhiên”.
CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI
Chính sách đối ngoại của CHNDTQ, cơ bản là tìm
cách xây dựng một “cộng đồng có vận mệnh chung” nhằm hỗ trợ chiến lược hiện thực
hóa “sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa”. Tham vọng của chính sách này
là định hình lại trật tự quốc tế xuất phát từ các mục tiêu của chiến lược quốc
gia và hệ thống chính trị, quản lý của Đảng.
Bắt đầu từ cuối năm 2022, Bắc Kinh phát động
“cuộc tấn công lấy lòng” ngoại giao nhắm vào các nước châu Âu trong nỗ lực nhằm
cải thiện nhận thức về Bắc Kinh sau nhiều năm áp dụng chính sách ngoại giao
“chiến binh sói” và bị cô lập do dịch bệnh.
Vào tháng 4 năm 2022, Tập Cận Bình công bố
Sáng kiến An ninh Toàn cầu (Global Security Initiative/ GSI). Lặp lại việc triển
khai Sáng kiến Phát triển Toàn cầu (Global Development Initiative/ GDI) vào năm
trước, Bắc Kinh đã quảng bá rộng rãi GSI và cố gắng đưa ngôn ngữ của GSI vào
các diễn đàn và tài liệu đa phương.
Cuộc chiến của Nga với Ukraine vào tháng 2 năm
2022 là một thách thức lớn bất ngờ đối với TQ khi TQ tìm cách ứng phó trước cuộc
xung đột quân sự lớn nhất ở châu Âu kể từ khi Thế chiến thứ hai kết thúc. Bắc
Kinh đã cân nhắc quy mô và phạm vi các cam kết về trang thiết bị cho cuộc chiến
của Nga với Ukraine, điều này cho thấy họ tìm cách cân bằng quan hệ đối tác chiến
lược với Nga trong khi tránh những tổn thất về ngoại giao hoặc kinh tế có thể
phát sinh từ thái độ đứng về phe kẻ xâm lược.
CHÍNH SÁCH KINH TẾ
Vào cuối năm 2022, TQ đột ngột đảo ngược chính
sách zero-COVID. Quyết định thực hiện việc mở cửa trở lại của TQ gây ra nhiều bất
ngờ, và nguyên do có thể là các cuộc biểu tình trên toàn quốc chống lại chính
sách zero-COVID, chưa kể áp lực kinh tế và khó khăn tài chính tại chính quyền địa
phương.
Đại hội Đảng lần thứ XX nhấn mạnh tầm quan trọng
của tăng trưởng chất lượng hơn là tốc độ tăng trưởng. Tổng Bí thư Tập Cận Bình
cũng nhấn mạnh “sự thịnh vượng chung”, khả năng tiếp cận công bằng hơn với các
dịch vụ công cộng cơ bản, hệ thống an sinh xã hội đa tầng tốt hơn, phát triển
văn hóa, duy trì môi trường xanh, như là một số những sáng kiến kinh tế.
Các mục tiêu hiện đại hóa quân sự đang diễn ra
của TQ tương xứng với, và là một phần, của tham vọng phát triển quốc gia toàn
diện.
SÁNG KIẾN NHẤT ĐỚI-NHẤT LỘ (BELT AND ROAD INITIATIVE/ BRI)
CHNDTQ sử dụng BRI để hỗ trợ chiến lược phục
hưng quốc gia bằng cách mở rộng các liên kết thương mại và vận tải toàn cầu để
hỗ trợ sự phát triển và tăng cường hội nhập kinh tế với các quốc gia dọc theo
vùng ngoại vi và xa hơn.
Vào năm 2022, các dự án BRI chứng kiến những kết
quả kinh tế khác nhau, có cả tăng trưởng lẫn suy thoái. Tuy nhiên, tổng chi
tiêu cho các dự án BRI vẫn ổn định so với năm trước và Bắc Kinh tiếp tục dành
ưu tiên cho y tế công cộng, kỹ thuật số cơ sở hạ tầng và sản xuất năng lượng
xanh.
Các lợi ích an ninh và phát triển ở nước
ngoài, nhờ BRI, sẽ thúc đẩy TQ hướng tới mở rộng các mối quan hệ và sự hiện diện
của mình ở nước ngoài để bảo vệ những lợi ích đó.
CHIẾN LƯỢC
PHÁT TRIỂN HỢP-NHẤT-QUÂN-DÂN-SỰ (MILITARY-CIVIL-FUSION/ MCF)
CHNDTQ theo đuổi Chiến lược phát triển kết hợp
quân-sự-dân-sự (Military-Civil-Fusion/ MCF) (军 民 融 合 / Quân dân dung hợp) để “kết hợp”
các chiến lược an ninh và phát triển của mình vào Hệ thống và Năng lực Chiến lược
Quốc gia Tích hợp nhằm hỗ trợ các mục tiêu phục hưng quốc gia.
Chiến lược MCF bao gồm các mục tiêu phát triển
và tiếp thu công nghệ lưỡng dụng tiên tiến cho mục đích quân sự và cải cách sâu
rộng các ngành khoa học và công nghệ quốc phòng, đồng thời phục vụ mục đích rộng
hơn là củng cố tất cả các công cụ quyền lực quốc gia.
Kể từ đầu năm 2022, ĐCSTQ dường như không còn
nhấn mạnh đến “sự kết hợp dân-sự-quân-sự” trước công chúng mà thay vào đó là
“các hệ thống và năng lực chiến lược quốc gia tổng hợp”.
CHÍNH SÁCH QUỐC PHÒNG
Vào năm 2022, chính sách quốc phòng của CHNDTQ
vẫn hướng tới việc bảo vệ chủ quyền, an ninh và các lợi ích phát triển, đồng thời
nhấn mạnh vai trò toàn cầu lớn hơn của mình. Chiến lược quân sự của Trung Quốc
vẫn dựa trên khái niệm “phòng thủ tích cực” (积 极 防 御 / Tích cực phòng ngự).
Các nhà lãnh đạo TQ nhấn mạnh sự cấp thiết của
việc củng cố Quân đội Giải phóng Nhân dân (People’s Liberation Army/ PLA) thành
một quân đội “đẳng cấp thế giới” vào cuối năm 2049 như một yếu tố thiết yếu
trong chiến lược nhằm phục hưng TQ thành một “quốc gia xã hội chủ nghĩa hiện đại
vĩ đại”.
Vào tháng 10 năm 2022, Tập Cận Bình nắm chắc
nhiệm kỳ thứ ba với tư cách là Tổng Bí thư ĐCSTQ tại Đại hội Đảng. Việc ông bổ
nhiệm những người trung thành vào các vị trí then chốt hàng đầu trong guồng máy
cai trị có thể sẽ giúp Tập mở rộng các mục tiêu hoạt động và hiện đại hóa quân
đội trong nhiệm kỳ 5 năm tới.
Trong bài phát biểu vào tháng 10 năm 2022 tại
lễ khai mạc Đại hội Đảng lần thứ XX, Tập đã tái khẳng định cam kết của mình đối
với cột mốc hiện đại hóa năm 2027 của PLA với mục tiêu đẩy nhanh sự phát triển
tích hợp công cuộc cơ giới hóa, tin học hóa và thông minh hóa các lực lượng vũ
trang của TQ. Nếu thành hiện thực, cột mốc năng lực này có thể mang lại cho PLA
khả năng trở thành một công cụ quân sự đáng tin cậy hơn cho các nỗ lực thống nhất
Đài Loan của ĐCSTQ.
Vào năm 2022, PLA tiếp tục thảo luận về một
“khái niệm hoạt động cốt lõi” mới, được mệnh danh là “Chiến tranh chính xác đa
miền (多 域 精 确 战 / Đa thành tinh xác chiến)” (Multi-Domain Precision
Warfare/ MDPW). MDPW dự định tận dụng mạng C4ISR [1] kết hợp những tiến bộ về dữ
liệu lớn và trí tuệ nhân tạo để nhanh chóng xác định các lỗ hổng chính trong hệ
điều hành của Hoa Kỳ, sau đó kết hợp các lực lượng miền để tiến hành các cuộc tấn
công chính xác nhằm vào các lỗ hổng đó.
Những diễn biến quân sự và an ninh liên quan đến
các biện pháp giảm thiểu dịch bệnh COVID-19 và nhiều đợt bùng phát của TQ trong
suốt năm 2022 có lẽ không ảnh hưởng đáng kể đến khả năng sẵn sàng chiến đấu của
PLA.
LỰC LƯỢNG, NĂNG LỰC VÀ DỰ KIẾN SỨC MẠNH
PLA đã và đang tìm cách hiện đại hóa khả năng
của mình và nâng cao trình độ trên tất cả các lĩnh vực chiến tranh để, với tư
cách là một lực lượng tổng hợp, có thể tiến hành đầy đủ trong mọi phạm vi trên
bộ, trên không và trên biển, cũng như chiến tranh hạt nhân, chiến tranh không
gian, phản công không gian, chiến tranh điện tử / electronic warfare, và các hoạt
động trên không gian mạng / cyberspace.
Các khả năng và khái niệm đang phát triển của
PLA tiếp tục củng cố khả năng của CHNDTQ trong việc “chiến đấu và giành chiến
thắng” chống lại “kẻ thù mạnh” (ám chỉ Hoa Kỳ), chống lại sự can thiệp của phe
thứ ba trong một cuộc xung đột dọc theo ngoại vi của TQ, và thể hiện sức mạnh
trên toàn cầu.
Bộ đội Quân đội Giải phóng Nhân dân (People’s
Liberation Army Army/ PLAA)
PLAA tiếp tục hiện đại hóa trang bị, tập trung
vào vũ khí tổng hợp và huấn luyện chung nhằm nỗ lực đáp ứng mục tiêu trở thành
quân đội đẳng cấp thế giới. PLAA đã phô diễn khả năng hỏa lực tầm xa mới trong
lần bày tỏ phản ứng trước chuyến viếng thăm của Phái đoàn Quốc hội Hoa Kỳ tới
Đài Loan vào tháng 8 năm 2022. PLAA tiếp tục tuyển quân hai lần một năm. Tác động
lâu dài của chính sách này là không rõ ràng.
Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân (People’s
Liberation Army Navy/ PLAN)
TQ có lực lượng hải quân lớn nhất thế giới về
số lượng với lực lượng chiến đấu tổng thể gồm hơn 370 tàu và tàu ngầm, trong đó
có hơn 140 tàu chiến mặt nước chủ lực. PLAN chủ yếu bao gồm các tàu và tàu ngầm
đa nhiệm hiện đại. Năm 2022, PLAN hạ thủy tàu sân bay thứ ba, chiếc CV-18 Phúc
Kiến. Họ cũng đã cho vận hành chiếc tàu tấn công đổ bộ lớp YUSHEN thứ ba và có
thể đã bắt đầu đóng chiếc thứ tư vào đầu năm 2023. Trong thời gian ngắn, PLAN sẽ
có khả năng tiến hành các cuộc tấn công chính xác tầm xa nhằm vào các mục tiêu
trên bộ từ tàu ngầm và tàu chiến mặt nước sử dụng tên lửa hành trình tấn công mặt
đất. Với khả năng này, sức mạnh của TQ gia tăng đáng kể.
CHNDTQ tiếp tục thách thức các hoạt động quân
sự nước ngoài trong vùng đặc quyền kinh tế (exclusive economic zone/ EEZ) của
mình theo đường lối của riêng họ, không phù hợp với các quy tắc của luật quốc tế
thông thường như được phản ánh trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển. Đồng
thời, PLAN tiến hành các hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của các quốc
gia khác, bao gồm Hoa Kỳ, Úc, Philippines, Việt Nam và Malaysia.
Không quân Quân đội Giải phóng Nhân dân (People’s
Liberation Army Air Force/ PLAAF) và Hàng không Quân đội Giải phóng Nhân dân
(People’s Liberation Army Aviaton/ PLAN)
PLAAF và PLAN cả hai tạo thành một không lực lớn
nhất ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. PLAAF đang nhanh chóng bắt kịp các
lực lượng không quân phương Tây. PLAAF tiếp tục hiện đại hóa với việc cung cấp
các máy bay được sản xuất trong nước và nhiều loại UAS [2]. Vào tháng 10 năm
2019, PLAAF đã báo hiệu sự trở lại của diện trên không trong hệ thống hạt nhân
ba thành phần sau khi công khai tiết lộ H-6N là máy bay ném bom tiếp nhiên liệu
trên không mang vũ khí hạt nhân đầu tiên.
Lực lượng Tên lửa Quân đội Giải phóng Nhân dân
(People’s Liberation Army Rocket Force/ PLARF)
TQ đang thúc đẩy các kế hoạch hiện đại hóa dài
hạn nhằm tăng cường khả năng “răn đe chiến lược”. CHNDTQ đang phát triển các
tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) loại mới nhằm cải thiện đáng kể lực lượng
tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và sẽ yêu cầu gia tăng sản xuất đầu đạn
hạt nhân, một phần do việc bắt đầu vận hành hệ thống tên lửa MIRV [3].
TQ có thể đang khám phá việc phát triển các hệ
thống tên lửa xuyên lục địa được trang bị vũ khí quy ước. Nếu được phát triển
và triển khai, những khả năng như vậy sẽ cho phép TQ đe dọa tấn công dùng vũ
khí quy ước nhằm vào các mục tiêu ở lục địa Hoa Kỳ, Hawaii và Alaska.
Lực lượng hỗ trợ chiến lược (Strategic Support
Force/ SSF)
SSF là một tổ chức cấp chỉ huy chiến trường được
thành lập để tập trung các nhiệm vụ và khả năng không gian chiến lược, không
gian mạng, điện tử, thông tin, liên lạc và chiến tranh tâm lý của PLA. Cục Hệ
thống Mạng (Network Systems Department/ NSD) của SSF, đôi khi được gọi là Lực
lượng Không gian Mạng (Cyberspace Force/ CSF / 网 络 空 间 部 队 / Võng lạc không
gian bộ đội), chịu trách nhiệm về chiến tranh thông tin với một bộ nhiệm vụ
tích hợp bao gồm chiến tranh không gian mạng, trinh sát kỹ thuật, chiến tranh điện
tử và chiến tranh tâm lý. Cục Hệ thống Không gian (Space Systems Department/
SSD) của PLA SSF, đôi khi được gọi là Lực lượng Hàng không (Aerospace Force/
ASF / 航 天 部 队 / Hàng thiên bộ đội), chịu trách nhiệm về các hoạt động
quân sự trong không gian. CHNDTQ tiếp tục phát triển các năng lực đối phó không
gian – bao gồm tên lửa chống vệ tinh bay thẳng, vệ tinh đồng quỹ đạo, tác chiến
điện tử và hệ thống năng lượng định hướng – có thể ngăn ngừa hoặc cấm cản quyền
truy cập và hoạt động của đối thủ trong lĩnh vực không gian.
Lực lượng hỗ trợ hậu cần liên hợp (Joint Logistic
Support Force/ JLSF)
JLSF đang tập trung nỗ lực vào việc cải thiện
hiệu quả hậu cần liên hợp ở cấp độ chiến lược và chiến dịch thông qua đào tạo
và tích hợp các sản phẩm và dịch vụ dân sự. JLSF hỗ trợ các phương thức vận
chuyển đa phương thức để tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển của lực lượng
và thiết bị PLA để huấn luyện.
Lực lượng đặc nhiệm (Special Operations
Forces/ SOF)
Mặc dù được huấn luyện trong cả hai diện đơn
phương lẫn đa phương, tất cả các đơn vị SOF của Trung Quốc đều thiếu kinh nghiệm
chiến đấu trong thế giới thực. SOF của Trung Quốc không có bộ chỉ huy hoạt động
đặc biệt cấp quốc gia để giám sát tất cả các hoạt động. Mặc dù nhấn mạnh đến việc
tiến hành huấn luyện liên quân, nhưng các chỉ huy chiến trường không có thẩm
quyền đối với các đơn vị PAP, gây khó khăn cho việc kết hợp PAP SOF vào các
thao diễn huấn luyện của PLA.
NĂNG LỰC LIÊN HỢP PHÁT TRIỂN
PLA đang tích cực phát triển năng lực nhằm
cung cấp các phương án để TQ ngăn ngừa, ngăn chặn hoặc, nếu được lệnh, đánh bại
sự can thiệp của phe thứ ba vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, và tiến
hành các hoạt động quân sự sâu hơn vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và cả
trên toàn cầu.
PLA đã thực hiện những cải cách cơ cấu quan trọng
và đề xuất học thuyết quân sự mới để tăng cường các hoạt động liên quân và đang
thử nghiệm khả năng liên quân trong và ngoài Chuỗi đảo thứ nhất (First Island
Chain/ FIC).
NĂNG LỰC LIÊN HỢP CHỐNG CAN THIỆP
Chiến lược chống can thiệp của CHNDTQ nhằm mục
đích hạn chế sự hiện diện của Hoa Kỳ ở các khu vực Biển Hoa Đông và Biển Đông –
bên trong Chuỗi đảo thứ nhất/ FIC – và gia tăng áp lực tạo khó khăn cho Hoa Kỳ
khi tiếp cận khu vực rộng lớn hơn trong vùng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Tấn công chính xác tầm xa và hỗ trợ (Long-Range
Precision Strike and Supporting/ LRPSS)
Các văn bản của PLA nêu rõ rằng tấn công chính
xác trong tất cả các lĩnh vực chiến tranh là rất quan trọng trong chiến tranh
hiện đại. Các bài viết của PLA nêu rõ rằng vũ khí chính xác không chỉ giúp tăng
sức mạnh mà còn là phương tiện “kiểm soát chiến tranh” để ngăn chặn leo thang.
Hệ thống phòng không tích hợp (Integrated Air
Defense System/ IADS)
CHNDTQ có một hệ thống IADS mạnh mẽ và dự
phòng trên các khu vực đất liền và trong phạm vi 300 hải lý (556 km) tính từ bờ
biển dựa vào mạng lưới ra-đa cảnh báo sớm, máy bay chiến đấu và nhiều hệ thống
SAM khác nhau. CHNDTQ cũng đặt ra-đa và vũ khí phòng không tại các tiền đồn ở
Biển Đông, tiếp tục mở rộng phạm vi hoạt động của IADS.
Vũ khí siêu thanh
Việc TQ triển khai MRBM trang bị DF-17 HGV sẽ
tiếp tục cải tiến lực lượng tên lửa của PLA. Theo một chuyên gia quân sự ở TQ,
có thể hệ thống này nhằm thay thế một số đơn vị SRBM cũ và nhằm tấn công các
căn cứ quân sự và hạm đội nước ngoài trong khu vực Tây Thái Bình Dương.
TIẾN TỚI MỘT QUÂN ĐỘI THÔNG TIN
PLA xem các hoạt động thông tin (information
operations/ IO) là một phương tiện để sớm đạt được ưu thế về thông tin trong một
cuộc xung đột và tiếp tục mở rộng phạm vi cũng như tần suất của IO trong các cuộc
tập trận quân sự.
PLA đang theo đuổi triển khai khả năng chiến đấu
của thế hệ tiếp theo dựa trên tầm nhìn về xung đột trong tương lai, cái mà họ gọi
là “chiến tranh thông minh hóa”, được xác định bằng việc sử dụng rộng rãi trí
tuệ nhân tạo/ AI và các công nghệ tiên tiến khác ở mọi cấp độ chiến tranh.
CHNDTQ đang nâng cao khả năng tấn công không
gian mạng và có thể tiến hành các cuộc tấn công không gian mạng – chẳng hạn như
làm gián đoạn đường ống dẫn khí đốt tự nhiên trong nhiều ngày đến nhiều tuần –
tại Hoa Kỳ.
CHIẾN TRANH KHÔNG GIAN
PLA xem ưu thế về không gian, tức là khả năng
kiểm soát tầm thông tin trên thượng tầng khí quyển, ngăn chặn khả năng thu thập
và liên lạc thông tin trên không gian của đối thủ, là những thành phần quan trọng
để tiến hành “chiến tranh thông tin hóa” hiện đại.
PLA tiếp tục đầu tư nâng cao năng lực của mình
về tình báo, giám sát và trinh sát trên không gian (Intelligence, Surveillance,
Reconnaissance/ ISR), liên lạc vệ tinh, định vị vệ tinh và khí tượng học, cũng
như các chuyến bay vào vũ trụ của con người và thám hiểm không gian bằng robot.
PLA tiếp tục có được và phát triển một loạt
năng lực đối phó không gian và các công nghệ liên quan, bao gồm tên lửa tiêu diệt
bằng động năng, tia laser trên mặt đất và robot không gian quay quanh quỹ đạo,
cũng như mở rộng khả năng giám sát không gian, có thể giám sát các vật thể
trong không gian trong phạm vi tầm quan sát của họ và kích hoạt các hành động
thích ứng.
NĂNG LỰC HẠT NHÂN
Trong thập kỷ tới, TQ sẽ tiếp tục nhanh chóng
hiện đại hóa, đa dạng hóa và mở rộng lực lượng hạt nhân của mình. So với những
nỗ lực hiện đại hóa hạt nhân của PLA cách đây một thập kỷ, những nỗ lực hiện tại
lấn át những nỗ lực trước đây cả về quy mô lẫn mức độ phức tạp.
CHNDTQ đang mở rộng số lượng căn cứ phân phối
vũ khí hạt nhân trên đất liền, trên biển và trên không, đồng thời đầu tư và xây
dựng cơ sở hạ tầng cần thiết để hỗ trợ việc mở rộng hơn nữa lực lượng hạt nhân
của mình. Năm 2022, Bắc Kinh tiếp tục phát triển tiềm năng hạt nhân nhanh chóng
và Bộ Quốc phòng [Hoa Kỳ] ước tính rằng Trung Quốc sở hữu hơn 500 đầu đạn hạt
nhân đang hoạt động tính đến tháng 5 năm 2023 – trên đà vượt quá dự đoán trước
đó.
Văn phòng Bộ cũng ước tính rằng TQ có thể sẽ
có hơn 1.000 đầu đạn hạt nhân hoạt động vào năm 2030, phần lớn trong số đó sẽ
được triển khai ở mức sẵn sàng cao hơn và sẽ tiếp tục gia tăng lực lượng đến
năm 2035 cho phù hợp với mục tiêu đảm bảo quá trình hiện đại hóa PLA “về cơ bản
là hoàn tất” vào năm đó. Đây là cột mốc quan trọng trong tiến trình hướng tới mục
tiêu của Tập Cận Bình là xây dựng một quân đội “đẳng cấp thế giới” vào năm
2049.
CHNDTQ có thể sẽ sử dụng các lò nguyên tử loại
phản ứng nhanh mới và các cơ sở tái chế để sản xuất chất plutonium cho chương
trình vũ khí hạt nhân của mình, mặc dù trên mặt công khai họ luôn khẳng định những
công nghệ này là nhằm mục đích hòa bình.
Vào năm 2022, TQ có thể đã hoàn thành việc xây
dựng ba bãi phóng tên lửa hạt nhân xuyên lục địa mới, bao gồm ít nhất 300 hầm
chứa ICBM mới và đã nạp ít nhất một số ICBM vào các hầm chứa. Dự án này và việc
mở rộng lực lượng hạt nhân nhiên liệu lỏng của TQ nhằm tăng cường khả năng sẵn
sàng trong thời bình bằng cách chuyển sang trạng thái sẵn sàng phóng khi có cảnh
báo.
TQ đang triển khai tên lửa DF-5C, một ICBM chạy
bằng nhiên liệu lỏng đặt trong hầm chứa được trang bị đầu đạn hạt nhân có sức
công phá nhiều megaton. CHNDTQ đang trang bị các SLBM JL-3 tầm xa hơn, có khả
năng tấn công lục địa Hoa Kỳ từ vùng biển duyên hải của CHNDTQ.
NGHIÊN CỨU HÓA HỌC VÀ SINH HỌC
CHNDTQ tiếp tục các công trình nghiên cứu sinh
học với các ứng dụng đôi, có thể sử dụng cho cả quân sự lẫn dân sự. Điều này
làm tăng mối lo ngại về việc tuân thủ Công ước Vũ khí Sinh học (Biological
Weapons Convention/ BWC). Những công trình này bao gồm các nghiên cứu tại các
viện quân y của TQ về các loại độc dược mạnh với ứng dụng đôi.
CHNDTQ có thể sở hữu các khả năng liên quan đến
chiến tranh hóa học và sinh học, gây ra mối đe dọa cho các lực lượng của Hoa Kỳ,
Đồng minh và đối tác, các hoạt động quân sự và dân thường.
Hoa Kỳ không thể chứng nhận rằng TQ đáp ứng
các nghĩa vụ của mình theo Công ước Vũ khí Hóa học (Chemical Weapons
Convention/ CWC) do lo ngại các nghiên cứu của TQ về các chất có nguồn gốc dược
phẩm và chất độc với tiềm năng ứng dụng đôi.
CƠ CẤU HOẠT ĐỘNG VÀ HOẠT ĐỘNG Ở NGOẠI VI TRUNG QUỐC
CHNDTQ tiếp tục hoàn thiện các cải cách quân sự
gắn liền với việc thành lập các Bộ chỉ huy Chiến khu Đông, Tây, Nam, Bắc và Bộ
Chỉ huy Chiến khu Trung ương (Central Theater Commands/ CMC), tất cả được tổ chức
dựa trên nhận thức của CHNDTQ về các mối đe dọa ngoại vi.
Dưới sự chỉ đạo của CMC, mỗi Bộ Tư lệnh Chiến
khu có quyền điều hành đối với các lực lượng quy ước của PLA trong chiến khu của
mình.
Vào tháng 8 năm 2022, PLA đã tiến hành các cuộc
tập trận quân sự liên quân quy mô lớn nhằm gây áp lực với Đài Loan. Các cuộc tập
trận bao gồm bắn tên lửa đạn đạo trên đảo chính Đài Loan, hơn chục cuộc tuần
tra hải quân và hàng trăm chuyến bay vào ADIZ của Đài Loan.
TÌNH HÌNH AN NINH Ở BIỂN ĐÔNG
CHNDTQ tuyên bố rằng sự hiện diện quân sự quốc
tế ở Biển Đông là thách thức đối với chủ quyền của họ.
Trong suốt năm 2022, CHNDTQ đã bố trí các tàu
của PLAN, CCG và tàu dân sự để duy trì sự hiện diện trong các khu vực tranh chấp,
chẳng hạn như gần bãi cạn Scarborough và đảo Thị Tứ, cũng như để đáp trả các hoạt
động thăm dò dầu khí của các quốc gia tranh chấp trong phạm vi “đường lưỡi bò
chín đoạn” theo tuyên bố của TQ.
Trong năm 2022, CHNDTQ đã vi phạm nhiều hành động
cưỡng chế chống lại Philippines ở Biển Đông, bao gồm cắt dây kéo tàu Hải quân
Philippines, thực hiện các hoạt động diễn tập nguy hiểm ở gần các tàu
Philippines; và có báo cáo là họ cưỡng chiếm một số biển đảo không người ở.
Philippines đã phản đối hành vi này của TQ là vi phạm Tuyên bố Ứng xử ở Biển
Đông, và Phán quyết Trọng tài năm 2016.
TÌNH HÌNH AN NINH Ở EO BIỂN ĐÀI LOAN
Vào năm 2022, CHNDTQ đã tăng cường áp lực ngoại
giao, chính trị và quân sự đối với Đài Loan. Các hành động khiêu khích và gây bất
ổn gia tăng của PLA trong và xung quanh eo biển Đài Loan bao gồm các chuyến bay
tên lửa đạn đạo qua Đài Loan, tăng mạnh các chuyến bay vào vùng ADIZ của Đài
Loan và một loạt các cuộc tập trận quân sự lớn gần Đài Loan.
Tại Đại hội Đảng lần thứ XX năm 2022, Tập Cận
Bình lặp lại quan điểm công khai từ lâu của ĐCSTQ rằng TQ tìm kiếm sự thống nhất
hòa bình với Đài Loan nhưng sẽ không bao giờ từ bỏ việc sử dụng vũ lực.
PLA đã tung ra đủ các hành động quân sự nhằm
gây áp lực với Đài Loan trong cuộc tập trận quân sự quy mô lớn vào tháng 8 năm
2022, và một lần nữa vào tháng 4 năm 2023 để đáp trả việc Tổng thống Đài Loan
Thái Anh Văn viếng thăm Hoa Kỳ.
HÀNH VI CƯỠNG CHẾ VÀ GÂY HẤN CỦA PLA
Từ mùa thu năm 2021 đến mùa thu năm 2023, Hoa
Kỳ đã ghi nhận hơn 180 trường hợp PLA cưỡng chế và ngăn chặn máy bay Hoa Kỳ
trong khu vực – nhiều hơn trong hai năm qua so với cả thập niên trước. Trong
cùng thời gian đó, PLA đã tiến hành khoảng 100 trường hợp có hành vi cưỡng chế
và mạo hiểm chống lại đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ, trong nỗ lực ngăn cản cả
Hoa Kỳ và các nước khác tiến hành các hoạt động hợp pháp trong khu vực.
Các ví dụ về hành vi mang tính cưỡng chế và
nguy hiểm của CHNDTQ đối với máy bay Mỹ và Đồng minh bao gồm việc bắn tia
laser; có hành động khiêu khích liều lĩnh; xáp gần trên không hoặc trên biển;
thả mảnh vụn hoặc pháo sáng ở phía trước hoặc gần máy bay; và các hành động
khác.
Hành vi của PLA trái với các giao thức bay an
toàn và các quy tắc hàng hải quốc tế, đồng thời làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn,
sự cố hoặc khủng hoảng lớn, bao gồm cả khả năng thiệt hại nhân mạng.
GIA TĂNG SỰ HIỆN DIỆN TOÀN CẦU CỦA PLA
Các nhà lãnh đạo ĐCSTQ đánh giá sự hiện diện
toàn cầu ngày càng gia tăng của PLA là một phần thiết yếu trong các hoạt động
quốc tế của CHNDTQ nhằm tạo ra một môi trường quốc tế có lợi cho sự phục hưng
quốc gia.
ĐCSTQ giao nhiệm vụ cho PLA phát triển khả
năng triển khai sức mạnh bên ngoài biên giới và các khu vực ngoại vi trực tiếp
để đảm bảo lợi ích ngày càng tăng ở nước ngoài và thúc đẩy các mục tiêu trong
chính sách đối ngoại. Điều này khiến TQ sẵn sàng hơn trong việc sử dụng biện
pháp cưỡng bức quân sự – và khuyến khích – để thúc đẩy các lợi ích phát triển
và an ninh toàn cầu.
Năm 2022, PLA tiếp tục duy trì sự hiện diện của
mình ở nước ngoài thông qua việc tham gia các hoạt động bảo vệ hòa bình của
Liên Hợp Quốc và hộ tống chống cướp biển ở Vịnh Aden và vùng biển ngoài khơi
Somalia. PLA cũng đã khởi động lại các hoạt động ngoại giao quân sự vào năm
2022 vốn bị đình chỉ do dịch bệnh COVID-19.
CĂN CỨ VÀ HẠ TẦNG HẬU CẦN Ở NƯỚC NGOÀI
TQ đang tìm cách mở rộng cơ sở hạ tầng hậu cần
và căn cứ ở nước ngoài để cho phép PLA triển khai và duy trì sức mạnh quân sự ở
khoảng cách xa mẫu quốc. Nếu được hiện thực hóa, mạng lưới hậu cần quân sự toàn
cầu của PLA có thể làm gián đoạn các hoạt động quân sự của Hoa Kỳ khi các mục
tiêu quân sự toàn cầu của TQ phát triển.
Ngoài căn cứ hỗ trợ của PLA ở Djibouti, CHNDTQ
rất có thể đã xem xét và lên kế hoạch xây dựng các cơ sở hậu cần quân sự bổ
sung để hỗ trợ việc triển khai lực lượng hải quân, không quân và lục quân.
Vào tháng 6 năm 2022, một quan chức TQ xác nhận
rằng PLA có quyền tiếp cận các khu vực của Căn cứ Hải quân Ream của Campuchia.
CHNDTQ có lẽ cũng đã xem các quốc gia khác là địa điểm cho các cơ sở hậu cần
quân sự, bao gồm Miến Điện, Thái Lan, Indonesia, Pakistan, Sri Lanka, các Tiểu
vương quốc Ả Rập Thống nhất, Kenya, Guinea Xích đạo, Seychelles, Tanzania,
Angola, Nigeria, Namibia, Mozambique, Bangladesh , Papua New Guinea, Quần đảo
Solomon và Tajikistan.
SSF vận hành các trạm theo dõi, đo từ xa và chỉ
huy ở Namibia, Pakistan, Argentina và Kenya. SSF cũng có một số tàu hỗ trợ
không gian Yuan-wang để theo dõi các vụ phóng vệ tinh và ICBM.
BÀI HỌC TỪ CUỘC CHIẾN CỦA NGA VỚI UKRAINE
Gần như chắc chắn là CHNDTQ đang học những bài
học từ cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine của Nga để có thể áp dụng tốt nhất cho
mục tiêu của CHNDTQ là tăng cường cách tiếp cận toàn phần của mình để chống lại
chiến lược ngăn chặn được cho là do Mỹ dẫn đầu. Các biện pháp trừng phạt của
phương Tây chống lại Nga gần như chắc chắn đã giúp TQ điều nghiên cách tăng cường
nỗ lực nhằm tự chủ về quốc phòng, công nghệ và khả năng phục hồi tài chính.
NGUỒN LỰC VÀ CÔNG NGHỆ HIỆN ĐẠI HÓA LỰC LƯỢNG
Mục tiêu dài hạn của CHNDTQ là tạo ra một
ngành công nghệ quốc phòng hoàn toàn tự lực – kết hợp với công nghệ dân sự mạnh
mẽ – để có thể đáp ứng nhu cầu của PLA về năng lực quân sự hiện đại.
CHNDTQ đã huy động các nguồn lực khổng lồ để hỗ
trợ hiện đại hóa quốc phòng, bao gồm thông qua Chiến lược phát triển kết hợp
quân sự-dân sự (MCF), cũng như các hoạt động gián điệp để có được các thiết bị
bí mật, có công dụng đôi và ở cấp độ quân sự.
Vào năm 2022, CHNDTQ tuyên bố ngân sách quân sự
hằng năm chính thức của họ sẽ tăng 7,1%, tiếp nối hơn 20 năm gia tăng chi tiêu
quốc phòng hằng năm và duy trì vị thế quốc gia chi tiêu quân sự lớn thứ hai
trên thế giới.
PHÁT TRIỂN VÀ XU HƯỚNG TRONG NGÀNH CÔNG NGHỆ QUỐC PHÒNG
Công nghệ tên lửa siêu thanh của TQ đã tiến bộ
vượt bậc trong 20 năm qua và nhiều chương trình tên lửa của TQ có thể so sánh với
các hãng sản xuất quốc tế hàng đầu khác. TQ đang phát triển tên lửa không-đối-không
ngoài tầm nhìn, có khả năng lựa chọn mục tiêu, và khả năng chống lại các biện
pháp tiêu diệt của đối thủ.
Vào năm 2022, TQ hạ thủy tàu sân bay đầu tiên
được thiết kế và sản xuất trong nước, tàu được trang bị máy phóng điện từ và
các thiết bị bắt giữ máy bay hạ cánh. Tàu có thể chứa tới 70 máy bay, bao gồm
máy bay chiến đấu J-15 và trực thăng chống tàu ngầm Z-9C.
HOẠT ĐỘNG GIÁN ĐIỆP
CHNDTQ là mối đe dọa gián điệp phức tạp, dai dẳng
được kích hoạt trên mạng nhằm vào các hệ thống cơ sở hạ tầng quan trọng và quân
sự thông qua các nỗ lực phát triển, thu thập hoặc truy cập vào thông tin và
công nghệ tiên tiến. Đã có nhiều cáo trạng hình sự của Hoa Kỳ kể từ năm 2015
liên quan đến hoạt động gián điệp của công dân TQ, công dân Mỹ gốc Trung hoặc
người TQ thường trú ở Hoa Kỳ, cũng như công dân Hoa Kỳ, đã thu thập nhiều dữ liệu
bất hợp pháp để thúc đẩy hiện đại hóa PLA.
LIÊN HỆ VÀ TRAO ĐỔI QUỐC PHÒNG NĂM 2022
Vào năm 2022, PLA phần lớn đã từ chối, hủy bỏ
và phớt lờ các cam kết song phương định kỳ cũng như các yêu cầu liên lạc của Bộ
Quốc phòng Hoa Kỳ. Việc PLA từ chối hợp tác với Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ phần lớn vẫn
tiếp tục kéo dài trong năm 2023.
Việc PLA từ chối sự liên lạc giữa quân đội với
quân đội với Hoa Kỳ, kết hợp với hành vi ngày càng mang tính cưỡng chế và khiêu
khích nguy hiểm của PLA, làm tăng nguy cơ xảy ra sự cố trong hoạt động hoặc
tính toán sai lầm dẫn đến khủng hoảng hoặc xung đột.
Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cam kết mở lại đường dây
liên lạc với TQ để đảm bảo sự cạnh tranh không chuyển sang xung đột. Mục tiêu của
Bộ trong việc mở các đường dây liên lạc bao gồm đảm bảo các kênh liên lạc trong
khủng hoảng, giảm thiểu rủi ro chiến lược và hoạt động, cũng như tránh những hiểu
lầm.
-----------
Bài gốc:
2023 China Military Power
Report (defense.gov)
---------------------------
Chú thích của người dịch:
[1] C4ISR là từ viết tắt của Command (Chỉ
huy), Control (Kiểm soát), Communications (Truyền thông), Computers (Máy tính),
Intelligence (Tình báo), Surveillance (Giám sát), và Reconnaissance (Trinh
sát). Là một tập hợp các khả năng và công nghệ được sử dụng trong bối cảnh quân
sự và phòng thủ để tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý và thực hiện các hoạt
động. Hệ thống C4ISR đóng một vai trò quan trọng trong các hoạt động quân sự hiện
đại, giúp người chỉ huy đưa ra quyết định sáng suốt, điều phối lực lượng và ứng
phó hiệu quả với các mối đe dọa và thách thức khác nhau. Các hệ thống này thường
dựa vào công nghệ tiên tiến, bao gồm vệ tinh, máy bay không người lái, mạng
liên lạc an toàn, phân tích dữ liệu và các công cụ phần mềm phức tạp để đạt được
mục tiêu.
[2] UAS (Unmanned Aircraft System): Hệ thống
máy bay không người lái, gồm có ba thành phần chính: máy bay không người lái, bộ
điều khiển trên mặt đất và hệ thống liên lạc kết nối cả hai. UAS có thể được sử
dụng cho nhiều mục đích khác nhau, bao gồm giám sát, thu thập dữ liệu, chụp ảnh,
giải trí và thậm chí cả giao hàng.
[3] MIRV là viết tắt của Multiple
Independently Re-entry Vehicle. Đây là công nghệ được sử dụng trong tên lửa đạn
đạo xuyên lục địa và một số tên lửa đạn đạo tầm xa, mang nhiều đầu đạn nhắm tới
nhiều mục tiêu với chỉ một lần phóng.
Dịch giả gửi BVN
(*) Tên chính của nước Tàu là Trung Hoa, cộng
với chính thể Cộng Hòa
Nhân Dân, thêm chữ
‘nước’ là ‘Quốc’ , đọc theo kiểu Hán Việt là TRUNG HOA NHÂN DÂN CỘNG HÒA QUỐC, gọi
tắt là ‘TRUNG QUỐC’
No comments:
Post a Comment