Saturday, 21 October 2023

TẠI SAO TIẾN TRÌNH HÒA BÌNH OSLO THẤT BẠI? (Aaron David Miller  -  Foreign Policy)

 



Tại sao Tiến trình Hoà bình Oslo thất bại?

Aaron David Miller  -  Foreign Policy

Nguyễn Thị Kim Phụng, biên dịch

19/10/2023

https://nghiencuuquocte.org/2023/10/19/tai-sao-tien-trinh-hoa-binh-oslo-that-bai/

 

Và điều đó có ý nghĩa gì đối với các nhà đàm phán tương lai?

 

Ngồi trên Bãi cỏ phía Nam của Nhà Trắng vào ngày 13/09/1993, tôi không thể tin vào những gì mình đang nhìn thấy. Dưới bầu trời trong vắt không một gợn mây, một vị thủ tướng Israel khó chịu và một nhà lãnh đạo Palestine rạng rỡ nắm tay nhau vì hòa bình, trong khi một tổng thống Mỹ hồ hởi ôm lấy bộ đôi này, mỉm cười như một bậc cha mẹ đầy tự hào.

 

Hình : https://nghiencuuquocte.org/wp-content/uploads/2023/10/91.-Why-the-Oslo-Peace-Process-Failed.jpg

 

Đó là dịp ký kết thỏa thuận đầu tiên trong chuỗi thoả thuận mà sau này sẽ được gọi là Hiệp định Oslo (Oslo Accords), vốn thiết lập một khuôn khổ tạm thời, mà nếu được thực hiện thành công, có thể thực sự dẫn đến đàm phán về tình trạng cuối cùng giữa Israel và Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO). Ngay cả với tất cả những thách thức phía trước, tôi tin chắc rằng tiến trình hòa bình Ả Rập-Israel khi đó đã trở nên không thể đảo ngược.

 

Efraim Halevy, người chỉ trong vài năm nữa sẽ trở thành người đứng đầu Mossad, cơ quan tình báo của Israel, sau này đã viết thư để đặt câu hỏi về niềm tin của tôi vào tính không thể đảo ngược đó và bày tỏ sự lo lắng về cuộc đối đầu tiếp theo. Phân tích của Halevy giống như một lời tiên tri. Hôm nay, 30 năm sau ngày lịch sử đó, những gì còn sót lại về tinh thần và nội dung của thỏa thuận Oslo đã bị nhuốm máu, bị chôn vùi, và bị phản bội tại vùng đất Israel-Palestine, nơi giờ đây đã không còn chỗ cho hy vọng và ảo tưởng.

 

Chính phủ cánh hữu và chính thống nhất trong lịch sử Israel nằm ở Jerusalem, những người kiên quyết sáp nhập Bờ Tây về mọi mặt chỉ trừ tên gọi, cũng như mở rộng các khu định cư và tạo điều kiện cho người định cư khủng bố và bạo lực chống lại người Palestine. Trong khi đó, phong trào dân tộc Palestine bị chia rẽ sâu sắc, giống như một Con tàu Noah mới, nơi mọi thứ luôn có “cặp” là 2 phiên bản khác nhau – từ hiến pháp, chính phủ, dịch vụ an ninh, người bảo trợ, thậm chí cả tầm nhìn về Palestine. Ở Gaza, Hamas và Phong trào Thánh chiến Hồi giáo Palestine liên tục lên kế hoạch và khuyến khích các cuộc tấn công khủng bố chống lại người Israel. Còn ở Ramallah, Chính quyền Dân tộc Palestine yếu kém và mất uy tín do phe Fatah thống trị không thể hoặc không muốn kiểm soát các nhóm khủng bố xuất phát từ phía bắc Bờ Tây.

 

Tuy nhiên, bài học ở Oslo vẫn có một số ý nghĩa nhất định, bất kể tương lai có ra sao đối với người Israel và người Palestine. Từng là người tận mắt chứng kiến những năm định mệnh đó, cá nhân tôi nhận thấy có bốn điểm quan trọng.

 

https://foreignpolicy.com/wp-content/uploads/2023/09/Israel-Palestine-dome-Jerusalem-GettyImages-1232855436.jpg

Những tín đồ Hồi giáo ăn mừng trước nhà thờ Vòm Đá ở Thành Cổ Jerusalem vào ngày 13/05/2021, trước buổi cầu nguyện sáng ngày Eid al-Fitr, đánh dấu sự kết thúc của tháng ăn chay Ramadan. © Ahmad Gharabli/AFP. Getty Images.

 

 

1. Tạm thời không thể là cuối cùng.

 

Trên giấy tờ, Hiệp định Oslo có vẻ hợp lý và hấp dẫn. Lãnh thổ sẽ được chuyển dần cho Chính quyền Dân tộc Palestine, để đổi lấy việc họ đảm nhận trách nhiệm an ninh. Như chúng ta sẽ thấy, tranh chấp qua lại giữa bên chiếm đóng và bên bị chiếm đóng sẽ phá hủy cách tiếp cận này. Nhưng nó đáng lẽ đã có thể tồn tại nếu hai bên sẵn sàng làm rõ ngay từ đầu rằng giai đoạn tạm thời sẽ tạo ra kết quả cuối cùng như thế nào, và sau đó thực hiện các hành động tương hỗ lẫn nhau để chuẩn bị cho kết quả đó.

 

Đối với người Palestine, kết quả cuối cùng là một nhà nước độc lập với Jerusalem là thủ đô. Đối với người Israel, kết quả cuối cùng của tiến trình đó vẫn chưa được xác định rõ ràng. Bị thúc đẩy bởi chính trị trong nước, cũng như những nghi ngờ của chính họ về khả năng người Palestine xây dựng một nhà nước độc lập, và liệu điều đó ý nghĩa gì đối với an ninh của Israel, cả Thủ tướng Israel Yitzhak Rabin lẫn người kế nhiệm ông, Shimon Peres, đều không sẵn sàng cam kết với bất kỳ thoả thuận nào – dù có khi đó chỉ là một tầm nhìn khát vọng. Bạn có thể dành hàng giờ tìm kiếm thuật ngữ “nhà nước Palestine” trong các tài liệu Oslo, nhưng bạn sẽ không tìm thấy nó. Cần thêm vài năm nữa thì ý tưởng nhà nước Palestine mới được đưa vào các giả định đàm phán của Israel. Phải đến năm 2001, khi Tổng thống Mỹ Bill Clinton rời nhiệm sở, Mỹ mới chính thức và công khai bày tỏ sự ủng hộ đối với giải pháp hai nhà nước.

 

Khi không có mục tiêu cuối cùng rõ ràng để hướng tới, quá trình đàm phán đã gặp nhiều khó khăn. Tính đến năm 1999, vẫn không có một hạng mục nào của Oslo diễn ra đúng thời hạn. Các cuộc đàm phán về tình trạng cuối cùng đã được khởi xướng tận ba lần nhưng chẳng đạt được kết quả nào. Cả người Israel lẫn người Palestine đều không thể biết mọi việc sẽ đi về đâu. Nhưng hai bên đều đã trở nên mệt mỏi và cảnh giác với một tiến trình tạm thời dường như không có hồi kết và thường xuyên bị gián đoạn bởi những cuộc tấn công khủng bố của Palestine và việc mở rộng khu định cư của Israel.

 

Kết quả là tình hình hiện tại như chúng ta đang thấy: một ngõ cụt chiến lược trong đó hai bên bị mắc kẹt, còn những khác biệt trong quan điểm về các vấn đề như biên giới và Jerusalem thì rất lớn, không có tầm nhìn chung và cũng không có niềm tin rằng một tầm nhìn chung sẽ trở thành hiện thực.

 

https://foreignpolicy.com/wp-content/uploads/2023/09/Arafat-Rabin-Peres-Israel-Palestine-1995-01-19T120000Z_856221032_PBEAHUMZEAY_RTRMADP_3_MIDEAST.jpg?resize=1339,1024

Rabin (phải), Arafat (giữa), và Ngoại trưởng Israel lúc bấy giờ là Shimon Peres trao đổi trong cuộc gặp tại trạm kiểm soát Erez gần Gaza vào ngày 19/1/1995. © Reuters

 

 

2. Các nhà lãnh đạo – chứ không chỉ các nhà đàm phán – phải sẵn sàng nhượng bộ.

 

Tình trạng quan hệ giữa người Israel và người Palestine ngày nay có thể khiến chúng ta khó hình dung điều này, nhưng ở thời điểm Tiến trình Oslo, các nhà đàm phán của cả hai bên đã thực sự làm việc chăm chỉ cùng nhau để giải quyết vấn đề và quản lý những vấn đề mà họ không thể giải quyết. Nhưng không thể tìm thấy hành động tương tự ở các nhà lãnh đạo phải giải quyết các vấn đề chính trị của quá trình đàm phán và phải bảo vệ những gì họ có thể – cũng như né tránh những vấn đề mà họ không thể giải quyết.

 

Trong những năm đầu sau Oslo, trước khi Rabin bị ám sát vào tháng 11/1995, những nhà đàm phán Israel và Palestine đã cùng khóc cùng cười trong một môi trường có quá nhiều biến động, từ các thỏa thuận bị trễ hạn, các cuộc tấn công khủng bố từ hai bên, đến nỗi thất vọng và sự ngờ vực trường kỳ. Những nhà đàm phán ấy đã trở thành bạn bè. Tôi đã nhìn thấy các quan chức an ninh của cả hai bên – những người với đôi tay nhuốm máu – làm việc với nhau bằng sự tôn trọng và thậm chí là tình cảm tốt đẹp. Trong một phiên đàm phán ở khách sạn Laromme tại Jerusalem, giám đốc an ninh Bờ Tây Jabril Rajoub – khi đó đã kiệt sức – đã nằm chung giường với Shaul Mofaz, chỉ huy Lực lượng Phòng vệ Israel, nói đùa rằng ông cần chợp mắt.

 

Đối với các nhà đàm phán, Oslo không phải một trò chơi có tổng bằng không, mà là cơ hội để đôi bên cùng có lợi. Quan điểm đó được thể hiện rõ nhất ở hai nhà đàm phán chính, Uri Savir và Abu Ala (cả hai hiện đã qua đời), những người sẽ nhanh chóng trở thành bạn bè. Khi hai người được phỏng vấn vào năm 2013, nhân kỷ niệm 25 năm ký kết Hiệp định Oslo, ý thức hợp tác đó đã xuất hiện nổi bật. Abu Ala, còn được gọi là Ahmed Qureia, phát biểu về lời hứa mà Oslo đã đưa ra: Sau nhiều thập niên đối đầu gay gắt, suốt thời gian đó hai bên chỉ nhìn thấy nhau qua nòng súng, họ đã nhận ra rằng có thể vượt qua hận thù, nghi ngờ, phủ nhận, và những lằn ranh đỏ của riêng họ. Cả hai người đều không phải là kẻ mộng mơ, nhưng họ đều nhìn thấy cơ hội mà Oslo mang lại để hiểu rõ hơn mong muốn của đối phương và nhân đạo hóa kẻ thù của mình.

 

Đôi khi tôi nghĩ rằng, nếu việc ra quyết định được giao cho Abu Ala và Savir, thì Oslo đã có thể được triển khai hiệu quả hơn. Nhưng trong thế giới khắc nghiệt và tàn khốc của nền chính trị Israel và Palestine, các nhà lãnh đạo đều có những ràng buộc chính trị và ràng buộc cá nhân cần phải tính đến.

 

Đối với Rabin, giải quyết vấn đề Palestine chưa bao giờ là lựa chọn đầu tiên của ông. Trên tư cách là Bộ trưởng Quốc phòng trong phong trào Intifada lần thứ nhất, Rabin bắt đầu hiểu rằng sẽ không có giải pháp quân sự cho cuộc xung đột, và đến mùa xuân năm 1993, ông đã đi đến kết luận rằng không ai – không phải người Jordan, không phải người Bờ Tây, không phải người Gaza – có thể thay thế PLO làm người đối thoại. Tuy nhiên, hòa bình với Syria vẫn là ưu tiên của ông vì tính chất chiến lược của nước này và để tránh các vấn đề nóng bỏng như Jerusalem. Sau đó, vào tháng 8/1993, khi kênh liên lạc Israel-Syria do Mỹ làm trung gian dù có tiến triển nhưng có rất ít cơ hội đột phá, kênh Oslo bí mật lại đạt được tiến bộ – và đột nhiên, Rabin bị buộc phải trực tiếp giải quyết vấn đề Palestine.

 

Qua Hiệp định Oslo, Rabin đã đưa ra một quyết định lịch sử đối với người Palestine. Nhưng việc chuyển giao thoả thuận đó sang một cơ quan hành chính và an ninh của Israel để mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người Palestine lại là một nhiệm vụ khó khăn hơn nhiều. Đến năm 1993, các chính sách chiếm đóng đã ăn sâu vào nền chính trị Israel và các quan hệ hàng ngày với người Palestine.

 

Rabin cũng đã tự khoá mình vào một cam kết công khai không dỡ bỏ bất kỳ khu định cư Israel nào trong giai đoạn tạm thời, và sẽ chỉ làm như vậy như một phần trong đàm phán về tình trạng cuối cùng. Sau này, ông đã hối hận về quyết định đó khi một người định cư Israel tàn sát 29 người Palestine ở Hebron. Ông đã chống lại áp lực từ bên trong chính phủ của mình, kêu gọi di dời 400 người định cư Israel sống ở khu vực này, những người yêu cầu sự hiện diện quân sự lớn của Israel để bảo vệ họ. Rabin lo sợ phản ứng từ phe đối lập cánh hữu và cũng lo rằng Yasser Arafat, khi đó là chủ tịch PLO, sẽ lợi dụng khủng hoảng để thúc đẩy sự hiện diện quốc tế ở Bờ Tây. Tuy nhiên, việc Rabin không sẵn lòng hoặc không có khả năng hạn chế, chưa nói đến dừng hẳn, việc mở rộng khu định cư đã làm giảm sự sẵn lòng của người Palestine trong việc thực hiện các cam kết của chính họ theo Oslo.

 

Về phần Arafat, tôi chưa bao giờ thực sự chắc chắn về động cơ của ông khi chấp nhận Hiệp định Oslo. Bởi thoả thuận này buộc ông, chí ít là vào lúc đó, phải công nhận Israel mà không đạt được bất kỳ mục tiêu nào cho Palestine – không phải quyền tự quyết, không phải là nhà nước, không biến Đông Jerusalem thành thủ đô của người Palestine, không phải quyền hồi hương của người tị nạn Palestine. Dự đoán tốt nhất của tôi là, đối với Arafat, Oslo đại diện cho sự thừa nhận của Israel, Mỹ, và cộng đồng quốc tế rằng ông và PLO là con đường hợp pháp duy nhất để giải quyết vấn đề Palestine. Arafat đã chấp nhận tiến trình tạm thời vì, về cơ bản, cả thế giới đã công nhận ông là người duy nhất có thể phát biểu về vấn đề của người Palestine. Đó là sự chiến thắng của cái tôi cá nhân trước lợi ích quốc gia.

 

Nhưng Oslo đã chứng tỏ đây là nhượng bộ đầu tiên và cuối cùng mà Arafat sẵn sàng thực hiện. Tháng 3/2002, trong một chuyến công tác với đặc phái viên của chính quyền George W. Bush, Anthony Zinni, chúng tôi đã nhìn thấy Arafat tại trụ sở của ông, bị quân Israel bao vây. Lối vào bị chắn ngang, cửa sổ bị bịt kín, những ngọn nến trên bàn thắp sáng căn phòng họp tối tăm, nơi Arafat với khẩu súng máy màu đen ngồi bên bàn hội nghị, giảng giải về “tử đạo” vì chính nghĩa của Palestine.

 

Ông đã đi một chặng đường dài, nhưng chưa bao giờ thực sự chuyển đổi từ tâm lý của một nhà lãnh đạo cách mạng cam kết sử dụng vũ trang và bạo lực chống lại Israel sang một nhà lãnh đạo sẵn sàng thỏa hiệp và ngoại giao nếu cần, để cùng với một lãnh đạo Israel biết nhìn ra trông rộng, chấm dứt xung đột Israel-Palestine.

 

https://foreignpolicy.com/wp-content/uploads/2023/09/Israel-settlement-Oslo-Accords-GettyImages-110134369.jpg

Các công trình xây dựng tại Khu định cư Maale Adumim của người Do Thái ở Bờ Tây vào tháng 5/1996. © Esaias Baitel/Gamma-Rapho. Getty Images.

 

https://foreignpolicy.com/wp-content/uploads/2023/09/Palestinian-conflict-terrorism-Hamas-Oslo-Accords-GettyImages-1200763104.jpg

Một cậu bé người Palestine đến từ Đông Jerusalem, đeo băng đầu của Hamas, chĩa súng đồ chơi vào một sĩ quan cảnh sát biên giới Israel vào ngày 10/12/1994 vì người này yêu cầu cha cậu rời khỏi con phố bên ngoài các bức tường Thành Cổ Jerusalem. © Swen Nackstrand/AFP Getty Images

 

 

3. Bên chiếm đóng và bên bị chiếm đóng không bình đẳng trong đàm phán.

 

Tin tốt về Oslo là người Israel và người Palestine đã cố gắng đạt được một thỏa thuận thực chất và phức tạp giữa họ một cách trực tiếp, mặt đối mặt. Có một câu nói rằng: Trong lịch sử thế giới, chưa có ai từng rửa một chiếc xe đi thuê. Tại sao? Bởi người ta chỉ quan tâm đến những gì họ sở hữu. Oslo là một ví dụ về quyền sở hữu đích thực. Thỏa thuận đạt được là do bản thân các bên đều có ý thức về sự cấp bách và nhu cầu để lợi ích của họ tương thích với nhau, mà không hề có áp lực từ bên ngoài.

 

Nhưng thoả thuận giữa Israel và Palestine cũng là một tin xấu vì sự mất cân bằng quyền lực giữa hai bên: một là bên chiếm đóng, Israel, và một là bên bị chiếm đóng, Palestine. Xét đến thực tế này, việc có thể thực hiện bất kỳ thoả thuận nào liên quan đến chuyển giao lãnh thổ, hợp tác kinh tế và an ninh, cũng như xây dựng các thể chế của người Palestine thực sự là điều đáng kể.

 

Sự bất cân xứng về quyền lực rất rõ ràng: Là bên chiếm đóng, Israel đã dùng quyền lực của kẻ mạnh – khả năng áp đặt ý chí của mình lên người Palestine. Điều này được thể hiện dưới mọi hình thức, từ xây dựng khu định cư, tịch thu đất đai, phá dỡ nhà ở, cho đến đóng cửa các thành phố và thị trấn ở Bờ Tây (ngăn cản việc đi lại), và các vụ giết người có chủ đích. Trong đó vấn đề xây dựng các khu định cư là đặc biệt nghiêm trọng, từ 115.700 người định cư Israel ở Bờ Tây và Gaza vào cuối năm 1993, đến giữa năm 1999, con số đó đã tăng lên 176.973.

 

Mặt khác, người Palestine sử dụng sức mạnh của kẻ yếu: khủng bố. Là bên yếu thế trong đàm phán, các nhà lãnh đạo Palestine đã hợp lý hóa việc sử dụng khủng bố, bạo lực, và đấu tranh vũ trang chống lại Israel như một công cụ có thể chấp nhận được để chống lại sự chiếm đóng của người Israel và việc mở rộng khu định cư đang diễn ra. Dù hầu hết các cuộc tấn công khủng bố trong những năm đầu sau Oslo đều do Hamas và Phong trào Thánh chiến Hồi giáo Palestine thực hiện, ngoài tầm kiểm soát của Chính quyền Dân tộc Palestine, Arafat – người chưa bao giờ từ bỏ việc sử dụng bạo lực như một công cụ tiềm năng – không thể hoặc không muốn ngăn chặn các cuộc tấn công khủng bố hoặc bắt giữ thủ phạm.

 

Từ góc nhìn của Israel, đất đai đã được chuyển giao cho người Palestine, nhưng nạn khủng bố vẫn tiếp diễn, đặt ra câu hỏi về độ tin cậy của PLO. Còn từ quan điểm của người Palestine, Israel đang tìm cách thử lòng họ. Người Israel đang chiếm đoạt vùng đất mà người Palestine tin là thuộc về họ, và bất kỳ biện pháp xây dựng lòng tin nào cũng chỉ nhằm đảm bảo người Palestine hành xử tích cực. Những tư duy này đã tạo ra một rào cản không thể vượt qua, trong trường hợp không có bên thứ ba có thể giúp cân bằng sự bất cân xứng về quyền lực và thúc ép các bên thực hiện các cam kết của mình.

 

https://foreignpolicy.com/wp-content/uploads/2023/09/Israel-US-Rabin-Clinton-Oslo-Accords-GettyImages-455487948.jpg

Clinton được Rabin hộ tống lên máy bay tại sân bay Ben Gurion vào ngày 28/10/1994, khi Clinton kết thúc chuyến thăm ngắn ngày tới Israel. © Luke Frazza/AFP. Getty Images

 

 

4. Bên trung gian hòa giải phải có mặt – và đáng tin cậy.

 

Trên nhiều khía cạnh, những năm đầu sau Oslo là giấc mơ của các nhà đàm phán Mỹ. Người Israel và người Palestine cuối cùng đã làm được điều mà chúng ta đã khuyến khích họ làm suốt nhiều năm: cùng nhau giải quyết các vấn đề của chính họ. Rabin đã thông báo cho Ngoại trưởng Mỹ Warren Christopher về dự thảo thoả thuận Oslo vào tháng 7, trừ điều khoản công nhận lẫn nhau. Nhưng cả Rabin và Arafat đều không muốn người Mỹ tham gia vào quá trình đàm phán – Rabin muốn Mỹ góp mặt chỉ để gây áp lực với người Palestine, nhưng cảnh giác rằng người Mỹ có thể chuyển hướng ủng hộ người Palestine, trong khi Arafat lo ngại Mỹ sẽ đứng về phía người Israel.

 

Vì vậy, trong giai đoạn đầu cho đến khi Rabin bị ám sát vào cuối năm 1995, vai trò của Washington chỉ giới hạn ở việc tổ chức các lễ ký, tập hợp các nhà tài trợ, và đóng vai “lính cứu hỏa” ở những thời điểm quan trọng khi đàm phán rơi vào khủng hoảng – chẳng hạn như khi một cuộc tấn công khủng bố xảy ra, hoặc khi một khu định cư Israel lại bắt đầu mở rộng, hoặc các hành động đơn phương khác đe dọa tiến trình hoà bình. Phần lớn là do sự phản đối của Israel, điều mà Mỹ đã không và không thể làm là tạo ra thứ có thể thực sự mang lại sự bền vững cho tiến trình Oslo: một cơ chế giám sát để buộc các bên phải tuân thủ các cam kết mà họ đã đưa ra, và, nếu cần thiết, áp đặt hình phạt cho trường hợp vi phạm.

 

Nhưng tất cả chỉ là một giấc mơ xa vời. Một phần nguyên nhân là do quan hệ truyền thống đặc biệt của Mỹ với Israel, khiến việc trở nên cứng rắn hơn với người Israel, nhất là trong vấn đề mở rộng khu định cư, sẽ là đi quá giới hạn. Phần khác là do quyết tâm của chính quyền Clinton trong việc cải thiện quan hệ với Israel sau những năm tháng đầy sóng gió dưới thời Tổng thống George H.W. Bush. Phần khác nữa là vì, khi nhắc đến những vi phạm Hiệp định Oslo, tấn công khủng bố thường được cho là nguy hiểm hơn mở rộng khu định cư, và điều đó khiến Mỹ đứng về phía Israel.

 

Từ thời Oslo trở đi, với người kế nhiệm ủng hộ hòa bình của Rabin là Peres, và đặc biệt là với Ehud Barak tại thượng đỉnh Trại David, Clinton không muốn gây trở ngại cho các thủ tướng Israel. Về cơ bản, người Mỹ – bao gồm cả tôi – đóng vai trò là luật sư của Israel. Trên thực tế, điều này có nghĩa là Israel có lợi thế về quy trình, nội dung thoả thuận, được phối hợp chặt chẽ, và không gặp phải bất ngờ.

 

Tôi sẽ không bao giờ quên: Vào ngày thứ tư của hội nghị thượng đỉnh, tôi gặp nhà đàm phán người Palestine Saeb Erekat trên một con đường ở khu nhà. Ông dừng lại và hỏi khi nào phía Palestine sẽ nhận được bản dự thảo của một báo cáo mà chúng tôi đang chuẩn bị về các vấn đề cốt lõi. Tôi nói rằng việc chuẩn bị mất nhiều thời gian hơn dự kiến. Mỉm cười, Saeb đáp, “Aaron, anh đã đưa nó cho người Israel trước phải không?” Tôi cũng cười và tiếp tục bước đi.

 

Sau vụ ám sát Rabin, Mỹ đã cố gắng đóng một vai trò tích cực hơn. Từ năm 1995 đến năm 2000, bằng cách làm việc với Arafat và hai thủ tướng Israel – Benjamin Netanyahu và Barak – người Mỹ đã có thể duy trì tiến trình Oslo, làm trung gian cho ba hiệp định tạm thời, và tăng cường hợp tác an ninh Israel-Palestine, trong đó CIA làm việc trực tiếp với người Palestine. Nhưng chính các yếu tố về cấu trúc đã khiến Oslo khó trở thành hiện thực, ngay cả trong những ngày sôi động của mùa thu năm 1993 – sự thiếu vắng một tầm nhìn chính trị thống nhất, tranh chấp qua lại giữa bên chiếm đóng và bên bị chiếm đóng, cũng như chủ nghĩa khủng bố và các khu định cư – đơn giản là quá khó để vượt qua.

 

Những gì được chứng minh là một hội nghị thượng đỉnh thiếu chuẩn bị và thiếu sáng suốt đã diễn ra vào tháng 7/2000 tại Trại David. Dù có mục đích tốt đến đâu, nó cũng không thể chuộc lại những gì đã mất.

 

https://foreignpolicy.com/wp-content/uploads/2023/09/Israel-Palestine-violence-Oslo-Accords-anniversary-GettyImages-1255803768.jpg

Người biểu tình Palestine tụ tập trong một cuộc “phản biểu tình” dọc biên giới với Israel ở phía đông Thành phố Gaza vào ngày 18/05. © Mohammed Abed/AFP. Getty Images

 

 

30 năm kể từ Hiệp định Oslo, vẫn chưa thể hiện thực hoá hòa bình Israel-Palestine. Nhìn lại, Oslo đại diện cho thời điểm mà người Israel và người Palestine cùng nhau hy vọng đảm bảo một tương lai tốt đẹp hơn.

 

Nghịch lý thay, cuộc thảo luận về khả năng bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Ả Rập Saudi đã làm sống lại một khái niệm then chốt của tiến trình Oslo, tập trung vào cái gọi là Khu C (Area C), chiếm 60% diện tích Bờ Tây và là nơi tập trung hầu hết các khu định cư của Israel. Có những báo cáo đáng tin cậy về nhiều đề xuất khác nhau được đưa ra bởi Chính quyền Dân tộc Palestine, Mỹ, và Ả Rập Saudi, cho rằng Israel nên đồng ý chuyển một phần đáng kể của Khu C cho người Palestine kiểm soát, như một phần thỏa thuận giữa Riyadh và Jerusalem, nhằm bình thường hóa quan hệ.

 

Một đề xuất như vậy gần như chắc chắn sẽ bị các bộ trưởng cực đoan trong chính phủ của Netanyahu phản đối, và không rõ Netanyahu – người đang khao khát một thỏa thuận với người Ả Rập – sẽ linh hoạt đến mức nào. Tuy nhiên, sẽ là một điều phi thường nếu kiến trúc đã chết yểu và bị chôn vùi của Oslo được hồi sinh, để cố gắng cứu vãn những hy vọng tiến bộ đang lụi tàn nhanh chóng trên con đường hoà bình Israel-Palestine.

 

Nhưng ngay cả với khả năng này, vẫn chưa xuất hiện con đường rõ ràng để chấm dứt xung đột, và vẫn chưa có nguyên tắc tổ chức nào mà đa số người Israel và Palestine có thể chấp nhận. Đừng từ bỏ hy vọng – và chúng ta không thể làm như vậy – và cũng đừng khuất phục trước những ảo tưởng và giả định dễ dãi về những “viên đạn bạc” có thể mang lại một tương lai hòa bình cho cả hai dân tộc. Nếu Oslo chứng minh được điều gì, thì đó là ngay cả với tài lãnh đạo và sự hợp tác, hành trình vẫn còn rất dài, chứa đầy khó khăn và thường xuyên thất bại.

 

Điều này không có nghĩa là quá khứ chính là điềm báo. Không ai trong chúng ta có thể nhìn thấu mọi chuyện, và từ bỏ việc tìm kiếm một nền hòa bình công bằng và lâu dài giữa Israel và Palestine là hành động không có trách nhiệm về mặt đạo đức – và nó không có lợi cho Mỹ. Chúng ta cần những nhà lãnh đạo coi hòa bình là điều quan trọng cho người dân của họ, những người sẵn sàng thấu hiểu và làm việc để đáp ứng nhu cầu của phía bên kia; một bên trung gian hòa giải sẵn sàng trấn an, kiên nhẫn, và cứng rắn với cả hai bên khi cần thiết; và hai quốc gia cuối cùng nhận ra rằng giải pháp lâu dài và công bằng phụ thuộc vào sự cân bằng lợi ích chứ không phải sự bất cân xứng về quyền lực.

 

Hiện tại vẫn chưa có điều nào trong số này. Tuy nhiên, một ngày nào đó, Mỹ có thể có một cơ hội khác để theo đuổi việc kiến tạo hòa bình giữa Israel và Palestine, và chúng ta nên làm như vậy mà không ảo tưởng hay cho rằng mình có thể làm mọi chuyện một mình, hoặc dễ dàng từ bỏ mục tiêu nếu gặp phải những thách thức nghiêm trọng. Với những người Israel và Palestine có tư duy đúng đắn và dũng cảm, sự hỗ trợ từ thế giới Ả Rập và hơn thế nữa, cùng rất nhiều may mắn, một ngày nào đó – ai biết được – chúng ta có thể đạt được nền hoà bình đó.

 

---------------------

Aaron David Miller là nghiên cứu viên cấp cao tại Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie và là cựu nhà phân tích và đàm phán về Trung Đông của Bộ Ngoại giao Mỹ trong các chính quyền của Đảng Cộng hòa và Dân chủ. Ông là tác giả của cuốn “The End of Greatness: Why America Can’t Have (and Doesn’t Want) Another Great President.”

 

 

Nguồn: Aaron David Miller, “Why the Oslo Peace Process Failed,” Foreign Policy, 13/09/2023






No comments:

Post a Comment

View My Stats