Tuesday 24 October 2023

QUAN HỆ VIỆT - TRUNG và CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI "ĐA HƯỚNG" CỦA HÀ NỘI (Minh Anh / RFI)

 



Quan hệ Việt – Trung và chính sách đối ngoại « đa hướng » của Hà Nội

Minh Anh  -  RFI

Đăng ngày: 23/10/2023 - 14:56

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20231023-quan-h%E1%BB%87-vi%E1%BB%87t-%E2%80....BB%9Bng-c%E1%BB%A7a-h%C3%A0-n%E1%BB%99i

 

Dựa vào nhiều nguồn thạo tin, Reuters ngày 06/10/2023 cho biết, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sớm công du Việt Nam và chuyến thăm cấp Nhà nước này có thể diễn ra vào cuối tháng 10 hay đầu tháng 11/2023. Nhà nghiên cứu khoa học chính trị Khang Vu, trường đại học Boston Hoa Kỳ đánh giá, chuyến thăm của lãnh đạo Trung Quốc « phản ảnh chính sách đối ngoại đa hướng » của Việt Nam, đồng thời cho thấy những nỗ lực trấn an Bắc Kinh của Hà Nội đã có kết quả.   

 

https://s.rfi.fr/media/display/c3515bc8-64cd-11ed-8cb2-005056a97e36/w:980/p:16x9/AP17316358875698.webp

Ảnh tư liệu: Tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng (P) đón chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại phủ chủ tịch, Hà Nội, Việt Nam, ngày 12/11/2017. AP - Hoang Dinh Nam

 

Chuyến thăm này, nếu có, sẽ diễn ra hai tháng sau chuyến công du Hà Nội của tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 10/09/2023 và một năm sau khi tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Bắc Kinh tháng 11/2022.  

 

Một trong những trọng tâm chuyến thăm lần này của ông Tập dường như là nâng cao quan hệ Việt – Trung, và nhất là đưa cụm từ « cộng đồng vận mệnh chung » vào tuyên bố chung. Điều này báo hiệu chính quyền của ông Tập muốn đặt Việt Nam ở « mức cao nhất » trong quan hệ song phương. 

 

Theo tác giả, Việt Nam lần này không nên lo sợ khi gia nhập « cộng đồng vận mệnh chung » của Trung Quốc như từng vấp phải nhiều phản đối nhân chuyến thăm Hà Nội của ông Tập Cận Bình năm 2017. Động thái này không nên được xem như là Hà Nội tham gia liên minh do Trung Quốc lãnh đạo chống lại Hoa Kỳ mà là một hình thức đền bù cho Bắc Kinh vì Việt Nam đã nâng cấp thẳng quan hệ với Hoa Kỳ lên hàng « Đối tác Chiến lược Toàn diện ».   

 

Nhà nghiên cứu trước hết nhắc lại, quan hệ Việt – Trung là một mối quan hệ bất cân xứng. Việc mở rộng các mối quan hệ với những cường quốc bên ngoài khu vực của Hà Nội phụ thuộc nhiều vào những đánh giá của Bắc Kinh xem chúng có đi ngược với các lợi ích của Trung Quốc hay không.

 

Do vậy, đối với Việt Nam, điều quan trọng là phải có được sự « khoan dung » của Trung Quốc đối với các sáng kiến chính sách đối ngoại. Đây là lý do giải thích vì sao các nhà lãnh đạo Việt Nam luôn thông báo và thuyết phục đối tác Trung Quốc về những ý định tốt đẹp của họ trước mỗi lần tiếp cận với Hoa Kỳ. Những nỗ lực xoa dịu đó đã được thấy rõ : Không có một từ nào đề cập đến Trung Quốc trong tuyên bố chung sau cuộc gặp Joe Biden – Nguyễn Phú Trọng.

 

Cũng theo chuyên gia Khang Vu, sở dĩ Hà Nội phải nỗ lực trấn an Bắc Kinh đó là do hai bên có nhìn nhận mối quan hệ Việt-Trung dưới hai lăng kính khác nhau. Trong con mắt Bắc Kinh, Việt Nam nằm trong phạm vi ảnh hưởng của Trung Quốc và bất kỳ nỗ lực nào của Việt Nam nhằm giảm bớt tầm ảnh hưởng đó đều cần có phản ứng từ Bắc Kinh. Ngược lại, Việt Nam muốn khẳng định quyền tự chủ của mình và mọi nỗ lực như vậy đều nhằm mục đích ngăn chặn sự xâm phạm của Trung Quốc đối với an ninh Việt Nam. 

 

Trong giới hạn quan hệ này, Trung Quốc vận hành theo mô hình chiến tranh xoắn ốc, nghĩa là Bắc Kinh sẵn sàng ra các đòn trừng phạt với hy vọng Hà Nội quay về đúng lối. Đổi lại, Việt Nam vận hành theo mô hình răn đe chiến tranh, khi nhận thức rằng cách tốt nhất để cản trở sự trừng phạt của Trung Quốc là phải đứng vững chứ không chiều theo các đòi hỏi của Trung Quốc. 

 

Đây là điều mà Việt Nam đã rút ra được từ những bài học kinh nghiệm xương máu mà cuộc chiến tranh Việt Nam chống Pol Pot ở Cam Bốt và cuộc chiến biên giới năm 1979 là những ví dụ điển hình nhất. Cuộc chiến xâm lược của Trung Quốc là một thất bại của Việt Nam khi muốn răn đe Trung Quốc qua việc ký kết liên minh quân sự với Liên Xô. Đối với Trung Quốc, đó là một bước leo thang và do vậy cần phải « dạy cho Việt Nam một bài học », buộc Hà Nội phải lùi bước. 

 

Từ bài học này, Việt Nam hiểu rằng họ phải luôn thuyết phục Trung Quốc trước bất kỳ động thái mở rộng quan hệ với những cường quốc khác nhằm tránh để Bắc Kinh hiểu rằng động thái này là một vòng xoáy leo thang và đó sẽ là một kết quả tồi tệ. 

 

Tóm lại, như tác giả lưu ý, điều này giải thích vì sao, Việt Nam, một nước nhỏ, « không may » sống cạnh một nước lớn, phải ưu tiên mối quan hệ với Trung Quốc hơn là với Mỹ !

 

----------------------------

Các nội dung liên quan

 

VIỆT NAM - TRUNG QUỐC

Việt Nam và Trung Quốc chuẩn bị cho chuyến thăm Hà Nội của ông Tập Cận Bình

 

VIỆT NAM - TRUNG QUỐC

Chủ tịch Trung Quốc nhắc Việt Nam về tình hữu nghị truyền thống giữa hai nước

 

ĐIỂM BÁO

Hành xử thiển cận, Trung Quốc « giúp » chuyến đi Việt Nam của ông Biden thành công

 

 

 

 



No comments:

Post a Comment

View My Stats