Wednesday, 4 October 2023

PHẬN NGƯỜI TRONG XE ĐÔNG LẠNH (Trần Long | VnExpress)

 



Phận người trong xe đông lạnh   

Trần Long, Nhà báo   |   VnExpress

Thứ tư, 4/10/2023, 00:00 (GMT+7)

https://vnexpress.net/phan-nguoi-trong-xe-dong-lanh-4660540.html

 

 Năm 2012, khi đang học tại Vương quốc Anh, tôi quen biết một số đồng hương là chủ xưởng nail. Họ nói vui: “Nếu chú trốn ở lại đây làm việc thì mặc nhiên đỡ mất một tỷ đồng”.

 

Một tỷ đồng là “lộ phí” để những người như các anh chị nhập cảnh vào Anh và một số nước châu Âu. Tôi “gặp lại” con số này năm 2019, khi xảy ra vụ 39 thi thể bị phát hiện chết ngạt trong thùng xe container ở hạt Essex, Vương quốc Anh. Nạn nhân chủ yếu là người Nghệ An, Hà Tĩnh – quê tôi.

 

Ông Phạm Văn Thìn, ở thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh), bố của một nạn nhân cho biết: Gia đình đã phải bỏ ra 30.000 bảng Anh (tương đương một tỷ đồng) để con gái tham gia đường dây đưa người sang Anh. Cháu đã phải làm giả thị thực Trung Quốc, rồi sang Đông Âu cho chuyến đi kéo dài cả tháng, kết thúc bằng cái chết trong thùng lạnh. Đó là hành trình không chỉ đắt đỏ mà còn rủi ro.

 

Nhưng những cuộc nhập cảnh chui không vì thế mà dừng lại. Bất chấp mọi cảnh báo, những chuyến vượt biên bằng cách trốn vào thùng xe container để đến đảo quốc sương mù vẫn diễn ra. Mới đây nhất, ngày 27/9, cảnh sát Pháp phát hiện và giải cứu sáu người, trong đó có bốn người Việt, trong một thùng xe container. Sự việc chỉ được phát giác khi một trong số nạn nhân phát hiện hành trình không như mong muốn là sang Anh hoặc Bắc Ireland nên đã liên lạc, báo tin với bên ngoài.

 

Câu hỏi đặt ra là không đi chui thì họ sẽ đi bằng cách nào? Vương quốc Anh và phần lớn các nước châu Âu hiện chưa cấp phép cho lao động phổ thông Việt Nam. Còn nếu đến Đức theo chương trình thực tập sinh thì điều kiện về ngoại ngữ, tay nghề là hết sức ngặt nghèo. Nếu tham gia vào các chương trình hợp tác lao động phổ thông thời hạn 2-3 năm với một số nước đã ký kết như Bồ Đào Nha, Cyprus, Thổ Nhĩ Kỳ… lại phải đối diện với bài toán chi phí. Số tiền mà người lao động phải trả cho các khâu trung gian thường cao hơn nhiều so với mức giá quy định.

 

Một người bạn của tôi, đang lao động chui tại Cộng hòa Cyprus cho biết: thời điểm đăng ký vào năm 2017, anh được thông báo là chỉ phải bỏ ra 3.000 USD, nhưng anh đã mất gần hai lần như vậy cho nhiều công đoạn. Sang Cyprus làm nông nghiệp, lương mỗi tháng 500 USD (không tính ăn ở), sau ba năm, anh dành dụm được khoảng 10.000 USD… Nếu không tiếp tục trốn ra ngoài trước khi kết thúc hợp đồng thì tính ra cũng chẳng tích lũy được bao nhiêu so với chi phí.

 

Con số 30.000 bảng Anh mà gia đình ông Phạm Văn Thìn tiết lộ trong vụ việc 39 thi thể phát hiện trên xe container vào năm 2019 chính là “đơn giá” chung cho một “đơn hàng” nhập cảnh vào Anh từ hơn 10 năm qua. Nếu nhập cảnh trót lọt, phần lớn sẽ được đón vào làm tại các xưởng nail và các cơ sở trồng cần sa bất hợp pháp.

 

Làm nail có thể kiếm tiền túc tắc nhưng trồng cần sa nếu không bị phát hiện, bỏ tù, trục xuất thì có thể kiếm được tiền. Bỏ ra một tỷ đồng, một lao động có thể gửi về gần chục tỷ đồng. Bên cạnh những hành trình thất bại hoặc phải trả giá đắt về tiền bạc, tính mạng, số người nhập cảnh trái phép trót lọt vào châu Âu nói chung và vào Anh nói riêng là không hề nhỏ.

 

Chính sách nhân văn dành cho người nhập cư ở Anh trước đây là một trong những lý do khiến người lao động ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam, liều chết đến quốc gia này. Thủ tục tị nạn ở Anh đơn giản hơn nhiều so với các quốc gia châu Âu.

 

Thực tế này cộng với những cam kết chắc nịch của các băng nhóm buôn người đã thôi thúc người lao động. Chỉ trong hai năm qua, có hơn 73.000 người nhập cảnh trái phép vào Anh bằng thuyền hơi, trong đó có hơn 1.800 người Việt Nam, theo Đại sứ Anh tại Việt Nam.

 

Tuy nhiên, gần đây Chính phủ Anh đã ban hành đạo luật mới, được thông qua vào ngày 20/7/2023, theo đó những người nhập cảnh trái phép sẽ không có quyền ở lại Anh hợp pháp mà bị tạm giữ và chuyển đến một nước thứ ba hoặc hồi hương. Chính sách này được hy vọng đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn các tuyến đường di cư bất hợp pháp, nguy hiểm vào Anh.

 

Trong thời gian học ở Anh, tôi đã chứng kiến những cuộc đời chôn vùi cả chục năm thanh xuân trong bốn bức tường để trồng cần sa bất hợp pháp. Tiền kiếm được, họ chỉ để gửi về gia đình, còn bản thân không có cơ hội sử dụng và cũng không biết cách sử dụng. Giá trị cuộc sống của một con người gần như bị tước mất hoàn toàn.

 

Áp lực mưu sinh luôn là sự biện bạch dễ được cảm thông nhưng để giải tỏa áp lực mưu sinh có lẽ cần đường đi bài bản hơn thế, một con đường được tạo lập từ kiến thức, tay nghề, ngoại ngữ… Mưu sinh bằng cách đánh cược – đặt chân lên một hành trình gần với cái chết, hoặc nếu sống sót, cũng không đúng nghĩa một cuộc đời tự do – là lựa chọn có “phí tổn” đắt hơn tiền bạc.

 

Không chỉ cá nhân người nhập cư trái phép chịu hậu quả, hệ lụy của tình trạng này sẽ tác động lâu dài lên cả cộng đồng, đòi hỏi những hành động hiệu quả hơn từ nhiều phía, để xã hội ngày càng ít đi những cuộc tha hương đặt cọc bằng tự do hoặc mạng sống con người.

 

Trần Long

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats