Friday, 20 October 2023

ÔNG VÕ VĂN THƯỞNG CÓ BỊ KẸT Ở 'VÀNH ĐAI và CON ĐƯỜNG'? (Lê Quốc Quân)

 



Ông Võ Văn Thưởng có bị kẹt ở ‘Vành Đai và Con Đường’?

Lê Quốc Quân

21/10/2023

https://www.voatiengviet.com/a/ong-vo-van-thuong-co-bi-ket-o-vanh-dai-va-con-duong-/7320383.html

 

Ông Võ Văn Thưởng có vẻ đã ghi điểm bằng một loạt gặp gỡ quan trọng và những người quan tâm đến tương lai đất nước có thể thở phào khi xem xét các thông tin báo chí chính thống của hai nước, nhưng liệu...

 

https://gdb.voanews.com/417220f6-c4a5-497b-b495-e1ace70a65fa_w650_r1_s.jpg

Chủ Tịch Võ Văn Thưởng và Tổng Thống Putin gặp gỡ bên lề diễn đàn BRI tại Bắc Kinh, 17 tháng 10.

 

Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng vừa tham dự Diễn đàn cao cấp “Vành đai và Con đường” lần thứ 3 tổ chức tại Bắc Kinh. Diễn đàn lần này quy tụ lãnh đạo và đại diện của 130 quốc gia trên toàn thế giới, trong đó có cả tổng thống Nga, người đang bị toà án hình sự quốc tế phát lệnh truy nã vì tội ác chiến tranh.

 

Sáng kiến Vành đai và con đường (Belt and Road Initiative -BRI) còn được biết đến là “Con đường tơ luạ của thế kỷ 21” nhằm xây dựng các tuyến đường nối Trung Quốc với phần còn lại của thế giới, được công bố lần đầu bởi chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 9/2013 trong chuyến thăm Kazakhstan.

 

Theo tạp chí Nghiên cứu Chiến lược lấy số liệu từ trang thông tin chính thức của BRI, tính tới tháng 6/2023 đã có đến 152 quốc gia và 32 tổ chức quốc tế ký kết hơn 200 văn kiện hợp tác. Nói cách khác, sáng kiến này có tầm ảnh hưởng tới 2/3 dân số thế giới và chiếm khoảng 40% GDP toàn cầu.

 

 

Trên bộ, trên không, trên biển và trên không gian số

 

Dù đang được che đậy dưới rất nhiều ngôn từ mềm mại và đẹp đẽ như “tơ lụa” thì cả thế giới đều biết rằng BRI là một biểu hiện về sự trỗi dậy đầy tham vọng của Trung Quốc. Những khoản đầu tư vật chất khổng lồ đang cố áp đặt các “giá trị” phi vật chất khác của Trung Quốc lên nhiều quốc gia.

 

Lúc đầu sáng kiến này chỉ là “1 vành đai và 1 con đường”, nhưng giờ đây nó được phát triển thành cả “trên đất liền, trên không, trên biển và trên không gian số”. Những nghi ngại về lòng tin làm cho Việt Nam chưa tích cực tham gia vào sáng kiến này nhưng không thể trì hoãn lâu được nữa vì Trung Quốc có thể bỏ qua Việt Nam, bằng cách kết nối chuỗi hạ tầng trên bộ, kéo dài từ Côn Minh, qua Lào, Thái Lan, Malaysia rồi đến Singapore trên đất liền song song với một “Con đường tơ lụa trên biển” cắt ngang qua Biển Đông.

 

Việt Nam rất có thể sẽ bị kẹt giữa 2 “gọng kìm” là đường trên bộ ở phía Tây và vành đai dưới Biển ở phía Đông nếu Việt Nam không tích hợp được với định hướng phát triển hạ tầng trong nước và trở thành một “đoạn” trong con đường mà Trung Quốc đã vạch ra.

 

Nhưng nghiêm trọng hơn là trên không gian số. Hiện nay Việt Nam đang tích cực số hoá toàn bộ dữ liệu để xây dựng “doanh nghiệp số”, “công dân số” và hướng đến “xã hội số. Thế nhưng hầu hết các camera giám sát an ninh, những thiết bị đầu cuối máy tính và máy móc thiết bị của ngành viễn thông ở Việt Nam hầu hết là do Trung Quốc sản xuất.

 

Đây chính là cửa ngỏ để Trung Quốc đổ bộ bằng “con đường số” hòng xâm chiếm và kiểm soát dữ liệu doanh nghiệp, công dân và chính phủ Việt Nam.

 

Việt Nam cũng đã bắt đầu tiến hành định danh công dân, kiểm soát việc “di biến động” của bất cứ cá nhân nào vào bất cứ thời điểm nào. Nó đang được lưu trữ tập trung vào một cơ quan của Bộ công an. Chúng ta thử nhắm mắt hình dung nếu cơ quan quản lý dữ liệu đó lọt vào tay Trung Quốc thì sẽ như thế nào?.

 

 

Thách thức của BRI: Công trình dang dở và nợ “độc”

 

Mặc dù đã đầu tư hàng ngàn tỉ đô la cho các dự án, BRI cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro và đang gây nghi ngờ trên diện rộng. Nhiều quốc gia cho rằng Trung Quốc thực sự muốn thông qua khuôn khổ hợp tác để đặt ra “bẫy nợ” và lôi kéo ngày càng nhiều nước vào quỹ đạo ảnh hưởng của mình.

 

Tôi đã từng đến Kenya, thăm các dự án của BRI, gặp những người dân Kenya và nghe rằng Trung Quốc đã để lại “Hàng loạt công trình dang dở cùng một đống nợ độc”. Rất nhiều dự án cơ sở hạ tầng, từ đường sắt đến đường bộ, của Trung Quốc tại Kenya và Tanzania đang chậm tiến độ, phá huỷ môi trường và bị các nhà môi trường biểu tình phản đối.

 

Sự thiếu minh bạch, tham nhũng và hiệu quả thấp trong các dự của BRI cũng đã để lại những cỗ máy hành chính hoại loạn và những con người chỉ biết đến lợi ích cá nhân. Đồng tiền tham nhũng đang tấn công không khoan nhượng vào các tổ chức nhà nước yếu kém tại Phi Châu.

 

Nghiêm trọng nhất đối với Viêt Nam là nếu như con đường tơ lụa trên biển được xác lập và thực hiện, Trung Quốc sẽ có căn cứ để nói rằng họ đã sở hữu con đường đó từ đầu thế kỷ thứ 15 khi Đô đốc Trịnh Hoà dẫn 7 đoàn thám hiểm và “đặt chân” lên những vùng biển đảo hiện đang tranh chấp.

 

Theo bài viết “đá ngầm” dọc con đường tơ lụa trên biển của Đỗ Minh Châu dịch từ The Economist đăng trên tạp chí Nghiên Cứu Quốc Tế thì một trong những tranh chấp có thể phát sinh là do “sự mơ hồ và không rõ ràng của những nét vẽ tham vọng”.

 

Đường “lưỡi bò” trên biển Đông đang là một bằng chứng của những nét vẽ đó. Nó vẫn tiếp tục là một thách thức không nhỏ với hàng loạt nước trong khu vực.

 

 

Ông Thưởng làm gì và mang được gì về?

 

Lần này đến Bắc Kinh tham dự diễn đàn BRI, chủ tịch nước Võ Văn Thưởng có cơ hội để thể hiện với nhiều lãnh đạo thế giới rằng mình là ai? ủng hộ điều gì?

 

Ngay khi vừa đến Bắc Kinh Ông Thưởng đã gặp tổng thống Nga, hội kiến với “đồng chí” Triệu Lạc Tế, Uỷ viên Bộ Chính Trị, Uỷ viên trưởng Nhân đại Trung Quốc (được coi như là chủ tịch quốc hội), trước khi dự chiêu đãi toàn thể do Tập Cận Bình chủ trì.

 

Trong ngày 19/10, ông Thưởng đã phát biểu tại Diễn đàn kinh tế số, gặp Tổng thống Uzbekistan, tổng thống Sri lanka, tổng thư ký của Liên Hiệp Quốc. Tối cùng ngày ông đã “hội kiến” với ông Thái Kỳ, Uỷ viên thường vụ Bộ chính trị, Bí thư ban bí thư, Chánh văn phòng TW đảng CS Trung Quốc.

 

Một cuộc gặp khác, bên lề nhưng rất quan trọng, là với thủ tướng Campuchia Hun Manet trong bối cảnh Trung Quốc đang tiến hành đầu tư mạnh mẽ tại quốc gia này và mới đây đã “mở ra một kỷ nguyên mới cho cộng đồng chung vận mệnh”. Đây cũng là lần đầu 2 nhân vật thế hệ 7X vừa giữ cương vị mới gặp nhau (ông Thưởng sinh năm 1970, làm chủ tịch nước từ tháng 3 trong khi Hun Manet sinh 1977, mới nhậm chức Thủ tướng tháng 8 năm nay).

 

Trung Quốc và Campuchia đã cùng “chung vận mệnh”, đang xây dựng cảng quân sự và chuẩn bị hỗ trợ đào kênh Phù Nam Techo lên đến 1,7 tỷ đô la. Điều này chắc chắn sẽ đặt ra cho Việt Nam nhiều thách thức trong tương lai nếu các bên “cơm không lành, canh không ngọt”.

 

Với 16% khối lượng phân giới, cắm mốc còn lại sẽ là một trở ngại, đặc biệt khi chủ nghĩa dân tộc đang trỗi dậy và đâu đó có sự “thọc gậy” của những ông lớn phía sau.

 

Quan trọng nhất, trước khi lên đường ra về, ông Thưởng đã có cuộc gặp với chủ tịch Tập Cận Bình và Reuters đưa tin nói rằng Ông Tập đã nhắc ông Thưởng rằng hai bên không được quên “nguồn gốc tình hữu nghị truyền thống của mình”.

 

Bản tin của Reuteur cũng trích 3 nguồn tin từ Hà Nội cho biết là chuyến đi của ông Tập trước đây dự kiến vào cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11 có thể bị hoãn lại đến tháng 12.

 

 

Ông Thưởng bị nhắc về “Cộng đồng tương lai chung”

 

Có những lo ngại về việc ông Thưởng sẽ cùng các lãnh đạo Trung Quốc đề cập đến “Cộng đồng chung vận mệnh” sau khi Tập Cận Bình đã nhiều lần nhắc điều đó với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nhiều người cũng lo ngại ông Thưởng sẽ bị kẹt giữa “Vành đai và Con đường” sau khi Việt Nam vừa nâng cấp quan hệ lên CSP với Hoa Kỳ.

 

Theo bản tin tiếng Anh của Xinhua ngày 20/10 thì ông Tập lại một lần nữa nhắc với Ông Thưởng về việc “Đối mặt với sự thay đổi nhanh chóng của bối cảnh quốc tế, hai nước cần hợp tác cùng nhau theo con đường XHCN và xây dựng một cộng đồng tương lai chung có ý nghĩa chiến lược” (Facing a rapidly changing interational landscape, the two counntries should work together in following the path of socialism and building a commuity of a shared future with strategic significance”, nhưng không đề cập đến chữ “Vận mệnh”.

 

Ông Võ Văn Thưởng có vẻ đã ghi điểm bằng một loạt gặp gỡ quan trọng và những người quan tâm đến tương lai đất nước có thể thở phào khi xem xét các thông tin báo chí chính thống của hai nước, nhưng liệu Việt Nam có thể tránh được mưu đồ về một “Cộng đồng chung vận mệnh” trong chuyến đi của Tập Cận Bình dự kiến đến Hà Nội vào tháng 12, nếu có, vẫn đang là một vấn đề.

 

Chúng ta hãy cùng chờ đợi và hy vọng.

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats