Friday, 13 October 2023

ÔNG DƯƠNG ĐỨC THỦY : 'ĐIỀN KINH VIỆT NAM ĐỪNG VUỐT VE NHAU NỮA' (Lâm Thóa / VnExpress)

 



 

Ông Dương Đức Thuỷ: ‘Điền kinh Việt Nam đừng vuốt ve nhau nữa’ 

Lâm Thoả

Posted on 12/10/2023 by Boxit VN

https://boxitvn.online/?p=86198#more-86198

 

Từng 16 năm dẫn dắt đội điền kinh quốc gia, ông Dương Đức Thủy cho rằng sự chủ quan, thi đấu dàn trải và kém chuyên nghiệp khiến điền kinh Việt Nam sa sút ở Asiad 19.

 

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEgSd8TMek42RdmsT55heD3k5G3Pjkyt-EXryntUxvt-V0sTbJs9222ovfpdulsUWT31xmvQHbvxjhKkw12mn4ATL5xf4UquKIUJJqpsFakzPwW6tgcOq_S4XxorXnOrJkq5w0e-VXOHjc6C9dh8vNO8jRoEzIX_pP7qpGP1ZVR6AwKFhKnKqPZgX8FRjzo/w640-h422/1.jpeg

Ông Dương Đức Thủy là cựu HLV trưởng tuyển điền kinh Việt Nam (Vụ Thể thao thành tích cao I, Cục Thể dục thể thao). Ảnh: Nam Anh

 

– Một trong những dấu lặng của Việt Nam ở Asiad 19 có lẽ là điền kinh, khi không giành được huy chương (HC) nào. Điều này trái ngược với Asiad 18, nơi chúng ta giành một HC vàng, hai bạc và ba đồng. Ông đánh giá thế nào về thất bại lần này?

 

+ Tôi choáng vì không ngờ thành tích của điền kinh Việt Nam tụt dốc quá. Chúng ta từng có nền tảng tốt nhưng sau đó rời rạc, chủ quan. Chúng ta cứ nói đến các khó khăn nhưng không chỉ ra nguyên nhân, không tìm ra cách giải quyết để rồi đi xuống.

 

 

– Việt Nam từng kỳ vọng vào 4×400 m nữ với tư cách đương kim vô địch châu Á. Nhưng nội dung này cũng thất bại. Theo ông đâu là nguyên nhân?

 

+ Thực ra, các VĐV đã tiến bộ khi cán đích sau 3 phút 31 giây 61, tốt hơn lúc vô địch châu Á (3 phút 32 giây 36). Nhưng chúng ta gặp các đối thủ quá mạnh. Không có Nhật Bản và Trung Quốc, nhưng có Bahrain, Sri Lanka và Ấn Độ… Nhân sự của chúng ta vẫn thế, chiến thuật vẫn thế, nhưng đối thủ ở tầm trên. Đội chạy Bahrain về nhất với 3 phút 27 giây 67, trong khi Việt Nam chưa bao giờ chạy được 3 phút 30.

 

Đi vào chi tiết con người, theo tôi, hai VĐV trẻ của Việt Nam có phần bị tâm lý. Tôi cũng có chút lăn tăn về Nguyễn Thị Huyền. Rõ ràng, cô ấy không có cửa cạnh tranh 400 m rào, nhưng Ban huấn luyện vẫn cho chạy. Đừng nói chuyện đi học hỏi, cọ sát. Asiad là đấu trường, đi làm nhiệm vụ giành giật huy chương. Nếu không có cơ hội thì nên tập trung cho nội dung chính 4×400 m nữ. Như thế, biết đâu sẽ tốt hơn. Chúng ta thua đội về thứ ba Sri Lanka chưa tới một giây, hoàn toàn có thể cạnh tranh được HC đồng nếu tính toán chặt chẽ hơn.

 

 

– Còn Nguyễn Thị Oanh thì sao? Thành tích của cô ở nội dung 1.500 m không bằng khi giành HC vàng SEA Games 32, và cũng không bảo vệ được HC đồng Asiad ở 3.000 m vượt chướng ngại vật?

 

+ Tôi cũng không đồng tình về trường hợp Nguyễn Thị Oanh. Cô ấy phải tham dự quá nhiều cự ly, quá nhiều giải đấu.

 

SEA Games là nhiệm vụ chính trị, phải thi đấu thì không cần bàn cãi. Nhưng giải châu Á ngay sau đó cũng thử sức nhiều cự ly. Tôi đã nói chuyện với HLV của Oanh, bảo rằng HC vàng SEA Games thì nằm trong tầm tay của VĐV này, từ nội dung 1.500 m, 3.000 m vượt chướng ngại vật và 10.000 m, thậm chí nếu thiếu người, Oanh cũng có thể thay thế và giành HC vàng 800 m. Nhưng ở tầm châu Á không thể dàn trải. Tôi đã nói rằng nếu muốn giành huy chương châu lục thì nên chọn 3.000 m vượt chướng ngại vật. Đánh châu lục thì phải tinh, phải chọn cự ly có cửa cao nhất, rèn cho giỏi. Chứ tham thi nhiều thì rất dễ bị bào mòn.

 

 

– Điền kinh Việt Nam đứng đầu SEA Games 31, nhì SEA Games 32 nhưng thua các nước Đông Nam Á khác ở Asiad 19. Theo ông, đâu là nguyên nhân?

 

+ Đó cũng là bài học để chúng ta thấy rằng đừng chỉ nhìn vào số lượng HC vàng SEA Games rồi đánh giá. Chúng ta giành HC vàng SEA Games nhưng chưa đạt chuẩn Olympic, chưa ngang ngửa thành tích có thể giành huy chương Asiad.

 

Trước đây, Vũ Thị Hương, Nguyễn Thị Huyền giành HC vàng SEA Games nhưng đạt chuẩn Olympic và tiệm cận cấp châu lục. VĐV của Singapore – Veronica Shanti Pereira cũng thế. Những tấm huy chương đó khác nhau lắm. Mọi người gọi SEA Games là “ao làng”. Tôi không quan tâm gọi gì, và quan điểm của tôi là phải duy trì bởi muốn lên tầm châu lục thì VĐV vẫn phải thử sức qua “lò lửa” này. Nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng điền kinh một số quốc gia trong khu vực không còn ở vùng trũng nữa, mà đã bắt đầu “leo lên bờ”.

 

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEhEjo4Tj2E1h6x7K_0e1sh8ZhubNUZdkXbaaJtuv7I_WrI0siJC3MZJYyAaoefEvPtRBpfvyXsW-l1AtbOoiEIKjy4oiIXGy4uhBUDyU8A7zbZ_p8XMZrbY3pJXGiqmzc9RjhKlNMQrApRQlp5jds5RKaga0LwUOn4DbRS462kCr-PT-klJPvYt2-Zu10Q/w640-h462/2.jpeg

Nguyễn Thị Oanh về áp chót ở 3.000 m vượt chướng ngại vật Asiad 19. Ảnh: Linh Huynh

 

– Theo ông, nguyên nhân nào khiến điền kinh Việt Nam tụt lùi như hiện nay?

 

Việt Nam đang một mình chơi một kiểu. Chiến lược đầu tư điền kinh của các nước đã được “cởi trói”, các liên đoàn được toàn quyền từ lâu rồi, trong khi chúng ta vẫn do nhà nước quản lý. Hệ quả là cơ sở vật chất kém. Tôi đang ở Singapore, sân điền kinh của trường cấp hai tại đây ngang sân thi đấu các tỉnh của Việt Nam. Các trường cấp ba có đủ tám đường chạy, chỗ ném búa, ném đĩa… Bên cạnh đó là phòng gym, có người hướng dẫn chứ không phải tùy tiện tập luyện. Còn ở Việt Nam, ngay cả các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia cũng không có được phòng tập như thế. Bây giờ lên đó, mọi người vẫn thấy những bộ tạ, đĩa như mấy chục năm trước chúng tôi tập luyện.

VĐV bây giờ ý thức không cao. Ngày xưa tôi đi tập, từng ghi nhật ký hàng ngày, từ việc sáng dậy đo nhịp tim thế nào, hôm nay chạy bao nhiêu, thầy hướng dẫn hấp thụ được gì. Tôi ghi từ năm 1973, tới khi nghỉ thi đấu mới dừng. Tôi sau đó tặng lại cuốn sổ cho học trò Bích Vân, dù bị mối mọt ít nhiều. Bây giờ chẳng VĐV nào làm thế. Tôi bắt ghi, theo dõi thì được vài bữa là họ bỏ.

Lúc tôi thi đấu, khi thua các đồng nghiệp là tự chất vấn bản thân xem tại sao, thua do chăm sóc bản thân không tốt, coi thường đối thủ hay không để ý thời tiết… VĐV bây giờ không làm điều đó. Thua xong thì tặc lưỡi. Họ phải hiểu trong các cuộc thi chỉ có một bục cao nhất, ai cũng muốn leo lên. Mình phải giữ, chứ sơ sểnh là bị xô xuống ngay.

Rồi khi chúng tôi đi tập, thấy sách mới là đọc, kể cả sách yoga, để giúp cho công việc của mình. Nhưng giờ, mấy người làm thế đâu. VĐV có Internet, có iPad, điện thoại thông minh nhưng không tận dụng để nghiên cứu. Tôi lấy ví dụ như trường hợp Bùi Thị Thu Thảo ở môn nhảy xa. Tôi tự hỏi tại sao cô ấy không vào Youtube, xem các VĐV đỉnh cao họ chạy đà thế nào để học. Tôi không thể chấp nhận việc một VĐV vào chung kết giải điền kinh châu Á, sáu lần nhảy thì năm lần phạm quy, Asiad thì hai vòng loại đều phạm quy, chung kết cũng thế. Cả thầy và trò phải nghiêm túc xem lại. Tôi đã nói với HLV Mạnh Hiếu, phải có bài tập chuyên để chạy đà.

 

.

– Vậy ông nghĩ sao về quan điểm cho rằng Việt Nam thua do chế độ dinh dưỡng, do kinh phí đầu tư thấp?

 

Dinh dưỡng là vấn đề phải quan tâm. Nhưng, chúng ta đang ăn cho no, thay vì tính toán đúng về mặt dinh dưỡng. Bây giờ được nâng chế độ nhưng chỉ soi xét xem tiền sử dụng thế nào, chứ không nghĩ cách cho VĐV ăn uống hợp lý. Ngày nào cũng ăn mấy món quen thì chết dở. Giờ ăn tinh, không nên ăn nhiều, lấy số lượng nữa. VĐV đỉnh cao phải dùng năng lượng kiểu khác. Chúng ta bây giờ không thể cho VĐV ăn như thời bao cấp, cứ tính bao nhiêu cân gạo, bao nhiêu cân thịt. Thời đó, chúng ta khó khăn, phải lấy lượng bù vào chất. Bây giờ không phải ăn no mà phải ăn ngon, ăn đúng và có tính đặc thù cho từng bộ môn.

Còn kinh tế thì so sánh khập khiễng lắm. Ai chẳng ước có những tỷ phú đầu tư vào. Chúng ta phải xã hội hóa thể thao, các liên đoàn phải tích cực tìm kiếm nguồn, đừng chỉ trông vào kinh phí. Muốn như vậy, phải cởi trói cơ chế cho họ. Đừng như hiện tại cứ “quê hương là chùm khế ngọt”, ngân sách nhà nước như “con bò sữa”, tất cả cùng trông vào. Điều đó tạo ra sự ỷ lại.

 

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEh7UW4CJIQHhZpeQbvZQZx97P-XbZ408mbMoVdvFFu0LiMd6FyElXNnfQ-HmVxR_15q3juWRy92MvvOjvv-l7z-nfQkzgGpmItoN16PWkGw-AiXipZONu4lRIAXlMSVwbkZBH-duAvVxdXFJ63Gh5rqFwReHttv9CW5WuTrVsuKQm1jy6L8x5DBNSh8jig/w640-h406/3.jpeg

Nguyễn Thị Huyền trao gậy cho Nguyễn Thị Hằng khi thi 4×400 nữ tại Asiad 19. Đội về thứ tư, kém đối thủ Sri Lanka giành HC đồng 0,1 giây. Ảnh: Linh Huynh

 

 

– Ông đánh giá thế nào về tương lai điền kinh Việt Nam?

 

Phải nói thẳng rằng chúng ta không có gì để hy vọng ở Olympic Paris 2024. Không có VĐV nào đủ đạt chuẩn, chắc lại quay về với suất dự đặc cách như trước đây.

Điều tôi lo lắng là SEA Games năm 2025 tại Thái Lan, đối thủ số một của Việt Nam. Họ sẽ bỏ xa chúng ta. Các VĐV của Việt Nam đã lớn tuổi, trong khi chưa nhìn thấy sự thay thế. Lại vẫn trông vào Nguyễn Thị Oanh, Nguyễn Thị Huyền thôi. Quách Thị Lan đang án cấm thi đấu, không biết tập luyện thế nào, trở lại được không.

 

.

– Vậy điền kinh Việt Nam phải làm thế nào?

 

Trước tiên phải thẳng thắn nhìn vào thất bại. Đừng kiểu ve vuốt nhau, tìm lý do này, đổ lý do kia nữa. Tôi nghe có người báo cáo rằng VĐV ốm nên thành tích không như mong muốn. Thi xong mới nói như thế thì mất hay. Tại sao trước khi thi không nói rõ vấn đề sức khoẻ VĐV, để nếu tốt thì thấy được sự vượt khó, còn nếu thất bại thì mọi người cũng hiểu?

Ngay lúc này, chúng ta phải làm việc rõ ràng với VĐV, phải yêu cầu họ chuyên nghiệp. Với những VĐV lớn tuổi như Nguyễn Thị Oanh hay Nguyễn Thị Huyền, phải hỏi rõ họ có quyết tâm thi đấu tiếp không để đầu tư. Bên cạnh việc họ hứa hẹn, các cấp lãnh đạo cũng phải giám sát, đánh giá. Tiền nhà nước, không có chuyện bảo sẽ cố gắng thi đấu, sau đó đi xuống, thi không tốt rồi ỉm đi, như kiểu “chẳng chết ai”.

Lãnh đạo cũng phải chịu trách nhiệm. Khi tôi làm trưởng bộ môn, có phóng viên hỏi tôi rằng SEA Games này đạt bao nhiêu huy chương, tôi nói thẳng con số. Họ bảo nếu không được thì sao, tôi tuyên bố không được thì tôi nghỉ trưởng bộ môn. Sẽ rất nguy hiểm nếu lãnh đạo không dám chịu trách nhiệm.

Với VĐV, chúng ta cũng phải nghiêm khắc. Khi tôi còn làm việc, Quách Công Lịch vi phạm nội quy, tôi lập tức đề xuất kỷ luật. Tổng thư ký Liên đoàn điền kinh Việt Nam lúc đó bảo “Tại sao động một chút là đòi kỷ luật, kỷ luật thì còn ai thi đấu?”. Nhưng, thể thao cũng như quân đội, kỷ luật là sức mạnh. Chúng ta là đoàn quân đi chiến đấu, VĐV như người lính, không kỷ luật làm sao có sức mạnh. VĐV hàng đầu mà chúng ta bao che, thì những người khác nhìn vào còn ra gì? Mỗi VĐV phải có ý thức, phải biết xấu hổ khi thất bại và nhìn thẳng vào thất bại.

Lãnh đạo cũng phải đưa những nhân tố tầm 18-19 tuổi vào trong tầm ngắm, như nội dung 400 m nữ, 800 m nữ hay nhảy xa ba bước nữ. Bộ lọc đầu tiên là giải quốc gia phải được tham dự, phải có được thành quả.

Một điều đáng lo nữa là các thầy hiện nay dạy theo kinh nghiệm. Chúng ta cần phải có những “thuyền trưởng” có chuyên môn, liên tục cập nhật phương pháp hiện đại để xây dựng kế hoạch, kiểm tra, giám sát, đào tạo VĐV.

 

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEjiyeNgvBrezy14c772VL_uSSAIkikLxJExJVVhrdkguYi9Kj8egILcaIttU-xQXoY6GZbN-m3KHhJuQFzUqjkgxANdoGLvrqsbiJozwhKtnWMKgTHlpSDyrawrL5zApx3BKpup_SATZcXWJmImdUlkRx_MZfwQh7bJlTC-7q_UVL8MsfDYRURg92atnrA/w640-h376/3.png

Thành tích điền kinh Việt Nam qua các kỳ ASIAD

 

.

– Một trong những bài toán khó của điền kinh là tìm kiếm các nhân tố trẻ. Ông có giải pháp nào để thay đổi điều này?

 

Muốn tuyển được VĐV từ 11-12 tuổi thì phải xuống các trường, làm việc với các “chân rết” là các thầy dạy giáo dục thể chất. Tất nhiên, vấn đề là bây giờ trẻ em chủ yếu thích bóng đá, với những thần tượng như Nguyễn Quang Hải, Bùi Tiến Dũng, Đỗ Duy Mạnh…

Nói tới đây, chúng ta mới thấy sự yếu kém của việc làm hình ảnh trong điền kinh, nói nôm na là “đánh bóng tên tuổi”. Đến Liên đoàn còn không có bộ phận này. Tôi cho rằng chúng ta cần làm sao để các VĐV nổi tiếng phải như hoa hậu, phải có trách nhiệm đi làm từ thiện, quảng bá, tiếp xúc giới trẻ, giao lưu. Thử hỏi được mấy VĐV nổi tiếng của điền kinh về giao lưu với các trường? Làm được điều này sẽ nuôi dưỡng tình yêu điền kinh với thế hệ trẻ. Như Singapore, họ biết đẩy hình tượng kình ngư Josheph Schooling lên và nhờ đó rất nhiều em nhỏ đã học bơi.

Giai đoạn bùng phát nhất của điền kinh Việt Nam là sau 2003 cho tới 2007 với Trương Thanh Hằng, Bùi Thị Nhung, Nguyễn Duy Bằng… làm khuấy đảo làng thể thao. Họ gây tiếng vang lớn và lượng sinh viên vào trường thể thao tăng đột biến. Nhưng sau này, chúng ta làm hình ảnh không tốt. Chúng ta có 12 hay 22 HC vàng ở SEA Games mà không gần gũi với thế hệ trẻ thì họ cũng không biết đến.

 

Ông Dương Đức Thủy là cựu HLV trưởng tuyển điền kinh (Vụ Thể thao thành tích cao I, Cục Thể dục thể thao)

Ông từng đoạt kỷ lục quốc gia hai nội dung Nhảy 3 bước (1984) và Nhảy xa (1985), là người Việt Nam đầu tiên nhảy qua 7 m và giữ kỷ lục này trong 10 năm và cũng là người Việt Nam đầu tiên nhảy qua 15 m ở Nhảy 3 bước và giữ kỷ lục này trong 15 năm. Ông từng năm lần được bầu chọn VĐV xuất sắc vào các năm 1980, 1982, 1983, 1984, 1985; hai lần được bầu chọn HLV xuất sắc vào năm 2007 và 2009. Ông Thủy từng tham dự Olympic Moscow 1980 và ASIAD New Delhi 1982.

Năm 1998 ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về huấn luyện điền kinh.

 

L.T.

Nguồn: VNExpress





No comments:

Post a Comment

View My Stats