Friday, 13 October 2023

ĐÔI ĐIỀU TRAO ĐỔI VỚI ÔNG GIẢN TƯ TRUNG (Nguyễn Đình Cống)

 



 

Đôi điều trao đổi với ông Giản Tư Trung

Nguyễn Đình Cống

13/10/2023

https://baotiengdan.com/2023/10/13/doi-dieu-trao-doi-voi-ong-gian-tu-trung/

 

Tiến sĩ Giản Tư Trung là Hiệu trưởng trường doanh nhân PACE, Viện trưởng Viện nghiên cứu giáo dục IRED. Ông được gọi là “Nhà hoạt động giáo dục”. Vừa qua, tôi rất thích thú xem video “bàn về sự học” (Vì sao học giỏi mà vẫn nghèo) do ông trao đổi với một phóng viên. Đó là môt video rất hay từ đầu đến cuối khi ông lý giải nhiều vấn đề về Đạo học.

 

VIDEO :

Bàn Về Sự Học | Nhà hoạt động giáo dục - Giản Tư Trung

https://www.youtube.com/watch?v=hfcWxZ3qCbE

 

Ông trình bày rất đúng rằng sự học là vô cùng quan trọng, không phải chỉ nhằm vào việc tăng kiến thức, để trở thành ông nọ, bà kia mà chủ yếu là sự học khai phóng, để trở thành con người tự do, học để trở nên tốt hơn, học để giải quyết vấn đề. Đó là triết lý của một nền giáo dục nhân bản.

 

Sự học của một con người gồm hai phần: Được dạy và tự học, mà phần tự học là suốt đời, chiếm phần lớn. Ông cho rằng (để tạo được sự học khai phóng) phải bắt đầu bằng “Cuộc cách mạng thực học”. Tôi muốn trao đổi về việc này, không những với ông mà với cả những người đã nghe ông nói (1).

 

Những điều ông trình bày là rất hay, rất đúng cho những người đã có sự trưởng thành đến một mức độ nào đó, những người đã biết tự học, chứ rất khó hoặc không thể dùng cho nền giáo dục trẻ em nói chung. Vì vậy khi gọi ông là “Nhà hoạt động giáo dục” thì nên thêm vào sau đó từ “người lớn”, cho đỡ gây ra nhầm lẫn (Nhà hoạt động giáo dục người lớn).

 

Phần đầu của việc học là phần “được dạy”. Phần này chiếm một tỷ lệ khá bé trong kiến thức của một người đã trưởng thành, nhưng đóng vài trò rất quan trọng trong cuộc đời vì xảy ra trong thời kỳ còn bé, trong giai đoạn chủ yếu là bị động vì trí não chưa phát triển, trong giai đoạn hình thành tính cách. Mà tính cách quan trọng hơn kiến thức, nó được hình thành từ khi còn bé. Những điều mà trẻ con tiếp thu được một cách bị động lúc bé, phần lớn trở thành “chân lý”, theo chúng suốt đời, kể cả một số điều bị nhận thức nhầm.

Khi trẻ còn bé, những điều dạy bảo của cha mẹ, của thầy cô, của người lớn sẽ được giữ lại khá chặt trong tiềm thức. Khi những điều đó là đúng thì tốt, nhưng nếu là bị nhầm thì khi lớn lên, chỉ những người có bản lĩnh cao mới dám “nhận thức lại”, mới dám “phản biện” để từ bỏ, để thay đổi, còn phần đông thì chậc lưỡi cho qua, tạo nên một sai lầm nguy hiểm: “Ra khỏi hang này để chui vào hang khác tăm tối hơn mà tưởng nhầm là đã được chiếu sáng” (Lời của ông Trung ở một video khác).

 

Ông Trung đã diễn đạt rất hay về nền giáo dục nhân bản, về sự học khai phóng, chủ yếu dành cho người biết tự học. Thế còn với trẻ em, chúng có cần sự học khai phóng không và sẽ học như thế nào? Điều này phụ thuộc rất nhiều vào cách dạy của thầy cô, vào chương trình và mục đích của giáo dục. Nếu không phải nền giáo dục nhân bản mà chỉ là nền giáo dục nhồi sọ thì làm sao thực hiện.

 

Tôi nghĩ rằng ông Trung biết rõ chuyện này, nhưng chưa tiện nói rõ ra, chỉ thỉnh thoảng ông nhắc qua một ý là “Thầy cô giúp trẻ sự học khai phóng”. Cách nói như vậy có thể làm cho một số người hiểu nhầm rằng thầy cô chỉ “giúp thêm”, chứ không phải nhiệm vụ chính của thầy cô là tạo ra cho trẻ sự học khai phóng.

 

Sao lại như thế? Vì rằng người ta đã nghe và dùng rất quen cụm từ: Thầy cô “dạy” học trò. Họ quen với ý nghĩ rằng thầy dạy là đem những điều chân, thiện, mỹ truyền cho trò, như thế không đúng với “sự dạy khai phóng” là thầy hướng dẫn cho trò tìm ra chân thiện mỹ để học.

 

Việc ông Trung thuyết giảng rất hay về sự học khai phóng cho đối tượng người lớn, mà ít quan tâm, ít đề cập tới sự học khai phóng của trẻ em, có thể làm cho một số người hiểu nhầm, rằng sự học khai phóng chỉ dành cho người đã trưởng thành, trong khi nó rất cần cho trẻ em, chủ yếu dành cho trẻ em. Và trách nhiệm đó lại thuộc về những người lớn, trước hết và trực tiếp là cha mẹ, thầy cô, nhưng quan trọng hơn là những người chịu trách nhiệm chính về nền giáo dục, đó là những người lãnh đạo quốc gia, những người lãnh đạo ngành giáo dục.

 

Chắc rằng ông Trung nhận thấy sự xuống cấp của giáo dục trong những năm vừa qua, rằng nền gíáo dục của Việt Nam đang đi sai đường, xa rời phương châm khai phóng. Ông có suy nghĩ gì về nguyên nhân cơ bản gây ra tình trạng đó và cách khắc phục cần bắt đầu từ đâu hay không?

 

Tôi dám chắc ông Trung biết khá rõ, nhưng chưa có dịp nói ra. Liệu ông có khả năng gì đóng góp cho sự chấn hưng giáo dục từ bậc tiểu học, là bậc học quan trọng nhất? Làm sao để trẻ từ trường mầm non, trường tiểu học được hưởng nền giáo dục nhân bản, được thực hiện sự học khai phòng?

 

Với trẻ em thì sự học khai phóng phải được bắt đầu bằng “sự dạy khai phóng” của thầy. Từ bậc trung học cơ sở trở xuống, việc học gắn chặt với việc dạy. Ông Trung nói nhiều, nói hay về sự học khai phóng, nhưng còn ít nói đến sự dạy khai phóng và rộng hơn là nền giáo dục khai phóng.

 

Như ông đã nhận xét, có bốn loại thầy. Thầy thường, dạy kiến thức; thầy giỏi, dạy suy nghĩ, dạy phương pháp; thầy lớn, truyền động lực; thầy vĩ đại là nhà khai sáng. Hỏi ở đâu ra những thầy như thế, ít nhất là thầy giỏi, làm sao để có được đội ngũ thầy giỏi trở lên?

 

Khi phát hiện ra vấn đề “Lấy người học làm trung tâm” thì một số người đã hiểu sai, vận dụng sai. Thực ra không phải lấy “người học” mà phải lấy “việc học” làm trung tâm và đó là trong từng vấn đề cụ thể, trong từng bài học. Còn trong một nền giáo dục phải biết lấy việc xây dựng đội ngũ giáo viên và quản lý làm then chốt. (Không nên nói nền giáo dục lấy người học làm trung tâm). Lãnh đạo phải quan tâm đến giáo viên và cán bộ quản lý để họ có động lực, có khả năng thực hiện nền giáo dục nhân bản.

 

Ông Trung có nói đến số mệnh, không bàn sâu về nó mà nêu ra một việc quan trọng là “niềm tin”. Cần tin rằng bằng việc học đúng, học thật người ta có thể cải tạo số mệnh. Nhân đây tôi xin trình bày, trao đổi vài hiểu biết về chuyện này.

 

Người ta sinh ra, lớn lên chịu tác động của hai nguồn: Tiên thiên và Hậu thiên. Tiên thiên là phần có trước khi sinh ra, với một chương trình lập sẵn (do di truyền, do nghiệp lực), nó đóng vai trò “số mệnh”. Hậu thiên là những sự việc xảy ra trong cuộc đời, từ khi sinh ra, do nuôi dưỡng, giáo dục, hoạt động, tu dưỡng.

 

Giống như một cây, tiên thiên là hạt giống, hậu thiên là môi trường. Bản chất của cây do hạt giống, sự phát triển của cây do môi trường. Như vậy, hậu thiên có thể làm tăng hay giảm tác động của số mệnh mà rất khó cải tạo (hoặc thay đổi) nó (2).

 

Tuy giáo dục xuống cấp, nhưng trong đó vẫn có được những thầy cô thuộc loại giỏi, những học sinh giỏi thật sự. Những người này không phải là sản phẩm chính của nền giáo dục hiện nay mà là do bản chất của họ có được từ “hạt giống” khi còn nằm trong bụng mẹ, là có nguồn gốc từ tiên thiên.

 

Ông đã nói khá hay về “Thân, Tâm, Trí, Thần”. Đó là một cách nhìn khá đúng, nhưng cũng chưa phải là bản chất. Nếu có điều kiện sẽ xin trao đổi thêm với ông vào dịp khác.

_________

Chú thích:

 

(1) Trước khi gửi đăng bài này, tôi đã gửi email đến contact@pace.edu.vn, tự giới thiệu và nhờ giúp liên lạc với ông Trung để trao đổi ý kiến, nhưng đợi đã nhiều ngày mà không nhận được hồi âm. Nếu ông Trung đọc được bài này, có ý gì cần trao đổi, xin liên lạc với tôi qua email ndcong37@gmail.com, hoặc gọi số 0389 578 620.

 

(2) Tôi đã viết về những điều này trong sách “Cùng học làm người” (NXB Tri thức) và “Cùng học để giáo dục con trẻ” (NXB Đại học Kinh tế quôc dân, NXB Hồng Đức), nhưng tiếc rằng sách đã không đến được với đông đảo bạn đọc, mặc dầu chúng được một số người đánh giá là hay, có giá trị.






No comments:

Post a Comment

View My Stats