Sunday, 8 October 2023

NGOẠI GIAO CÂY TRE (Nguyễn Thông)

 



Ngoại giao cây tre (kỳ 5, cuối)   

Nguyễn Thông (Nguyễn Thông Cào)

5-10-2023  00:23  

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid02vMGHtoV32ET3kYvFyas4nce1KiFaTwGLqScwfV5sE2SSF2fpSKcd4VAeDQHobxLXl&id=100024722048900

 

Ngoại giao tức là quan hệ (giao) với bên ngoài (ngoại). Nhà này với nhà kia có mối đi lại với nhau cũng là ngoại giao, dù chỉ láng giềng cách nhau bờ dậu mùng tơi hoặc bức tường gạch cắm mảnh chai mảnh sành. Nhiều người đã nhầm khi cho rằng đã nói tới ngoại giao thì chỉ ở tầm quốc gia.

 

Trong mối giao tiếp hàng xóm láng giềng đời thường đã đầy phức tạp, huống hồ giữa nước này với nước khác. Con người là thứ động vật nhiều mưu mẹo nhất trong muôn loài, và điều này được thể hiện rõ nhất ở ngoại giao. Đám cầm quyền mỗi quốc gia dùng đủ mọi thủ đoạn để giật lợi ích về cho nước mình, bất kể sự trơ tráo thủ đoạn hay mềm mỏng khéo léo. Dù nó có hiệu quả gì đi nữa thì cũng chẳng đáng khen. Không thể khen cái thứ trái với lương tâm, đạo đức con người.

 

Làm ngoại giao phải chân thật, lấy sự chân thật đặt lên hàng đầu. Mà không chỉ ngoại giao, mảng nào việc nào cũng vậy. Tôi còn nhớ đã đọc đâu đó chuyện về ông Nguyễn Thọ Chân từng làm đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại Liên Xô. Khi ông nhận nhiệm vụ với đôi chút lăn tăn thắc mắc, cụ Hồ có nói với ông rằng "Làm ngoại giao nhưng đừng có ngoại giao quá, đừng có lễ tân lắm. Cốt nhất là ở lòng chân thành của mình với người ta". Theo tôi, điều này thì cụ Hồ đúng. Cứ phải chân thành, tin nhau. Hay hớm gì cái thói mưu mẹo, xảo trá, lừa miếng, lật lọng.

 

Người ta vẫn thường tuyên truyền và khen chủ trương “vừa đánh vừa đàm” của người cộng sản hồi nội chiến Bắc - Nam trước 1975. Ông anh ruột tôi, một thương binh thời ấy, đảng viên đàng hoàng, tuy là đảng viên nhưng mà tốt, có lần cười bảo hay ho cái đếch gì, đánh là đánh, đàm là đàm, đánh thì thôi đàm, đàm thì thôi đánh, làm quái gì có cái kiểu nện cho ra bã, “giết, giết, giết, bàn tay không chút nghỉ” nhưng lại kêu gào muốn hòa bình, bắt tay nhau. Giả dối.

 

Hình như sự giả dối đã ăn sâu vào não giới cầm quyền xứ này, từ lâu chứ không phải chỉ bây giờ. Giờ họ thực hành ngoại giao cây tre “làm bạn với tất cả” nhưng thử coi trong cuộc chiến tranh đang diễn ra ở Ukraine họ đã tre pheo thế nào. Cả thiên hạ, toàn địa cầu, cả thế giới đều biết phân biệt thế nào là chiến tranh xâm lược, kẻ xâm lược, chính nghĩa, phi nghĩa, ngay chính những đám ủng hộ bọn xâm lược Ng.a cũng hiểu rõ điều ấy. Họ đã từng ở vào hoàn cảnh của Ukraine “hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta thì ta còn phải chiến đấu quét sạch nó đi”, nếm mùi sự tàn khốc của chiến tranh, nhưng vẫn cứ lửng lơ tre pheo, mà thực ra đã ngầm đứng về một phía. Thà như đám đ.ộc tài ở Triều Tiên, Cuba, Iran, Venezuela công khai theo đóm ăn tàn, ngưu tầm ngưu mã tầm mã, đằng này lại ở những người luôn tự nhận mình chính nghĩa. Những tuyên bố không theo phe, không đứng về bên nào, chỉ ủng hộ chính nghĩa… chỉ là sáo rỗng, giả tạo, lời nói gió bay. Thiên hạ hiểu cả, qua thực tế phơi bày. Những phiếu trắng, những phát biểu chung chung kiểu quan ngại này quan ngại nọ chả giấu được ai. Nói đâu xa, cứ xem họ chỉ đạo đám báo chí mậu dịch thì biết chẳng tre pheo gì. Thà đám Quang lùn, Mẫu, Cương, Thống đã đi một nhẽ, không ai thèm chấp cá nhân. Đằng này đó là “tiếng nói” của hệ thống chính trị. Đến ngay tên gọi thực chất của cuộc chiến tranh xâm lược cũng không dám chỉ ra, chỉ uốn éo thành “chiến dịch quân sự”, chiến tranh bị hạ thấp thành “xung đột”, ồn ào tin Nga thắng thế lọ thế chai, dựa vào truyền thông Nga để đem “tin vui bay đến tận bản làng”, háo hức trước tàn phá của bọn xâm lược đối với Ukraine… khiến người dân Việt không phân biệt được hay dở tốt xấu trắng đen phải trái. Ngay cả những “tờ” tưởng chừng nghiêm túc như Giáo dục & thời đại (bộ giáo dục), Thế giới & Việt Nam (bộ ngoại giao), báo Nghệ An (tiếng nói của đảng bộ và nhân dân Nghệ An), đài tivi Nghệ An… mọi người cứ mở thử xem, chúng nịnh bọn xâm lược, tâng bốc bọn xâm lược đến mức Cương Mẫu Thống phải tôn bằng cụ. Cây tre kiểu vậy làm nhơ bẩn cả hình ảnh cây tre cứng cỏi bất khuất thẳng thắn. Bây giờ con người có thể bị lừa bởi bộ máy tuyên giáo nhưng với lịch sử thì không dễ lừa. Sau này sẽ là nỗi nhục.

 

Ở những quốc gia dân chủ văn minh, điều may mắn cho người dân là không có tuyên giáo, không có báo mậu dịch, và quan trọng nhất, hầu hết những người cầm quyền là con người tử tế, chân thật.

 

Nguyễn Thông

 

                                                   ***

 

Ngoại giao cây tre (kỳ 4)   

Nguyễn Thông  (Nguyễn Thông Cào)

1-10-2023  19:51   

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid0HpFutYWCk2SnGh1e7UjpmdcsRtnDxK46bsiyQYBqwb7EGR6dagus2v2pkr4ehpbyl&id=100024722048900

 

Không ít người lý sự nước người ta khác, nước mình khác, so thế nào được. Họ bảo xứ ta nằm sát Tàu, mà Tàu thì mạnh, xưa nay luôn âm mưu thôn tính nên ta phải mềm dẻo mới có thể tồn tại. Không nhịn nó thì nó ăn tươi nuốt sống. Sống cạnh thằng đại bá thì phải thế... Đại loại vậy. Với các nhà lý luận về thuyết láng giềng ấy, tôi muốn nói, trên thế giới này đâu phải chỉ nước Việt ta nằm cạnh thằng to. Đầy. Như Mông Cổ kia, diện tích lớn gấp 5 lần VN, dân số rất ít (chỉ bằng 1/30 VN, bằng ¼ Sài Gòn) dứt khoát vứt cái áo chủ nghĩa xã hội, vẫn tồn tại và phát triển, không hề quỵ lụy kẻ láng giềng Trung Quốc. Như Israel kia, xung quanh cái nước nhỏ xíu đầy kẻ dã tâm gây sự nhưng nào có sợ ai, luôn khiến “kẻ thù” phải nể sợ. Tại sao? Họ đã chọn đúng đường, không cần tre pheo ngả ngớn gì cả.

 

Xứ này, hơn chục năm trở lại đây, mới bày vẽ tre pheo như thế, chứ trước kia lại rất cực đoan, chỉ nhăm nhăm phe phái, chẳng tre trúc gì sất. Suốt nhiều thập niên, giới nắm quyền cai trị luôn tôn sùng Liên Xô, Trung Quốc và phe xã hội chủ nghĩa, ca ngợi Liên Xô thành trì vững chắc không gì lay chuyển của cách mạng thế giới, Trung Quốc hậu phương vĩ đại, phe xã hội chủ nghĩa là xu thế tất yếu của nhân loại. Từ đứa trẻ con nông thôn xỉ mũi chưa sạch tới cán bộ trung ương đều bị nhồi nhét lập trường phe phái này. Đội thứ chủ nghĩa xã hội không tưởng ấy lên đầu, lúc ngả vào Liên Xô, lúc ôm chân Trung Quốc, ngay cả khi cái phe ấy lủng củng, rệu rã, tan vỡ, họ vẫn cứ tôn thờ một cách mù quáng, bị lợi dụng biến thành tên lính xung kích khiến bao đầu rơi máu chảy, xương chất thành núi, máu chảy thành sông. Rút cục gặt được cái gì? Nghèo đói, chậm tiến, lạc hậu, thụt lùi so với số phần đông còn lại của thế giới, so với cái phe mà họ đã quyết chôn vùi. Được gì nữa, một con số 0 tròn trĩnh sau khi Liên Xô đầy ung nhọt sụp đổ tan tành, cả phe tan nát. Chủ nghĩa xã hội, thứ ảo tưởng, mị dân, tự đánh lừa, cố chấp, thích chiến tranh (hãy kiêu hãnh trên tuyến đầu chống Mỹ/có miền Nam anh dũng tuyệt vời/Miền Nam trong lửa đạn sáng ngời), đường đi không đến… đã bị chính đa số thành viên ném vào sọt rác.

 

Năm chưa xa, 1982, khi cuộc sống đang bị đẩy vào chân tường, tôi chứng kiến hai ông anh vợ uống trà suông trò chuyện. Một ông dân tập kết 1954, ông kia ở lại với gia đình, ba má, chị em. Ông ở lại bảo, anh hai à, chúng em đang sống yên ổn, đầy đủ, dư dả, ai biểu các anh vào giải phóng làm chi để ra nông nỗi này. Ông tập kết trầm ngâm buồn bã, không biết nói sao.

 

Cho tới tận bây giờ, khi rất nhiều sự thực vốn bị giấu diếm che đậy đã được bạch hóa, vẫn còn khá nhiều người u mê cho rằng phải biết ơn anh em Liên Xô, Trung Quốc, Cuba, Triều Tiên… đã giúp đỡ chí tình bằng tinh thần quốc tế vô sản, nên ta mới thắng Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Họ cố ý che giấu điều hệ trọng, rằng chính cái phe của họ chỉ thí ra vũ khí, vật dụng, đứng sau xúi bẩy người khác lao vào chỗ chết, nói mồm kiểu “vì VN, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”, xúi tiến hành cuộc chiến tranh ý thức hệ vì sự tồn tại của phe. Mấy triệu người cả hai miền bỏ mạng, thực chất cũng chỉ vì cái ý thức hệ phe phái ấy. Món nợ máu xương, xứ này không đòi thì thôi, chứ làm sao phải biết ơn này nọ.

 

Thực tế cay đắng ấy nhẽ ra phải là bài học đau đớn, là thứ kinh nghiệm xương máu để tỉnh lại, để tháo phăng sợi dây trói, dứt khoát chọn đường, chọn chỗ đứng trong dòng chảy chính của nhân loại. (còn tiếp)

 

Nguyễn Thông

 

https://www.facebook.com/photo/?fbid=1513629312804456&set=a.133382914162443

Lũy tre làng

 

.

69 BÌNH LUẬN    

 

 

                                                     ***

 

Ngoại giao cây tre (kỳ 3) 

Nguyễn Thông (Nguyễn Thông Cào)

29-9-2023  07:26   

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid02VPu3oFwo744315Hb1NDSRhmfDS6AuYKZjzUhCWjhgrytSBCkM9DWz2Chv4aw6fGml&id=100024722048900

 

Người cộng sản trên thế giới và ở Việt Nam, nhất là những năm xưa khi chủ nghĩa cộng sản mới xâm nhập vào xứ này, thường ao ước, mong mỏi về một thế giới đại đồng không còn phe phái, tầng lớp tàn hại nhau, tất cả quốc gia trên địa cầu chỉ còn chính thể cộng sản, con người bình đẳng, mọi nước đều độc lập tự do. Tôi còn nhớ, hồi đi học, trong sách giáo khoa có bài thơ của nhà cách mạng Nguyễn Văn Năng người tỉnh Thái Bình, ông viết “Bao giờ thế giới đại đồng/Chúng ta sẽ thoát khỏi vòng gian truân”. Một ước mơ thật đẹp, nhưng không tưởng, viển vông.

 

Thực tế đã cho thấy mỗi quốc gia có lối đi riêng của mình, nhiều quốc gia gần nhau về ý thức hệ thì tạo thành phe. Từ đầu thế kỷ 20 đã hình thành rõ rệt phe tư bản dân chủ và phe xã hội chủ nghĩa tiến lên chủ nghĩa cộng sản. Hai phe kình nhau kịch liệt, gây ra chiến tranh, mà cuộc chiến tranh ý thức hệ ở Việt Nam là rõ nhất, cụ thể nhất. Sư nói sư phải, vãi nói vãi hay, anh nào cũng cho mình cao cả, tốt đẹp, chính nghĩa. Phe xã hội chủ nghĩa khăng khăng có nhiệm vụ đào mồ chôn chủ nghĩa tư bản. Có anh hăng tiết vịt còn đòi canh giữ hòa bình thế giới, “vui gì hơn làm người lính đi đầu/trong đêm tối tim ta làm ngọn lửa”, “ta vì ta ba chục triệu người/cũng vì ba nghìn triệu trên đời”… Rốt cục ai hay ai dở, ai tốt ai xấu, ai tồn tại ai bị diệt vong, không nói ra thì thiên hạ đều biết. Tốt đẹp hay không, có đáng là ước mơ khát vọng hay không, do tự thân thể chế và xã hội, chứ không do bộ máy tuyên truyền. Nhìn dòng con cái quan chức cộng sản lũ lượt đi học hành, định cư ở nơi đâu thì rõ ngay, bàn làm chi cho mất công.

 

Nhân loại, địa cầu sẽ còn rất lâu, thậm chí không bao giờ chấm dứt tình trạng phe phái. Đừng nghĩ Liên Xô tan rã (năm 1991) thì các thành viên khác đều tỉnh ngộ sau nhiều năm dài u mê lú lẫn. Những Đông Đức, Ba Lan, Tiệp Khắc, Bulgaria… đã mau chóng đoạn tuyệt với chủ nghĩa xã hội không tưởng, đã phát triển vượt bậc, thực sự cơm no áo ấm, đi trên con đường lớn của nhân loại. Nhưng phe xã hội chủ nghĩa vẫn còn, với Cuba, Triều Tiên, Việt Nam, Lào… nhắm mắt nhắm mũi đi tiếp, cố chấp, sĩ diện, và nhất là do đám nắm quyền cai trị sợ bị mất quyền lợi. Hình như với họ, thà nghèo đói lạc hậu còn hơn cái đường lối vốn lẽo đẽo theo đuổi bấy lâu bị chôn vùi. Cực đoan thì dẫn tới độc tài, ngồi xổm lên dân chủ, chà đạp quyền lợi của dân tộc, nhân dân.

 

Cuba, hòn đảo vốn xinh đẹp giàu có là thế, sau gần 64 năm dưới ách cai trị của anh em nhà Fidel, giờ như cái nhà tù khổng lồ nhốt dân trong lạc hậu đói nghèo. Người ta bán anh em xa mua láng giềng gần, còn anh em nhà độc tài Fidel quyết bán láng giềng gần mua anh em xa, bởi dân với họ cũng chả là gì. Họ được cái tiếng cách mạng kiên định, còn dân chịu cảnh đói nghèo bền vững. Triều Tiên cũng vậy, suốt 3 triều vua cha con ông cháu nối nhau, thậm chí còn khệ nệ ngang ngược hơn vua, giờ thu được cái gì ngoài sự hăm dọa chiến tranh hạt nhân và nghèo đói. Hai anh cộng sản này suốt ngày đổ vạ do bị cấm vận, mà không chịu hiểu tại sao bị cấm, hoặc cấm lại người ta đi cho biết tay nhau.

 

Chơi với đám Nga phát xít xâm lược gieo rắc chiến tranh, với Triều Tiên cùn chí phèo, với Cuba ngoan cố bảo thủ, với những Iran, Venezuela… ngày càng độc tài phát xít, coi số phận dân như rác, thì càng lộ rõ bản chất của người chơi. Thử xem cả thế giới này có bao nhiêu nước chơi với đám ấy. Cổ nhân nói không sai, hãy cho tôi biết anh chơi với ai, tôi sẽ nói anh là người thế nào. Tre pheo gì mặc lòng, cũng không che giấu được thực chất. (còn tiếp)

 

Nguyễn Thông

 

Ảnh:

https://www.facebook.com/photo?fbid=1513629312804456&set=a.133382914162443

Tre Việt Nam (nguồn internet)

 

 

                                                       ***

 

Ngoại giao cây tre (kỳ 2) 

Nguyễn Thông  (Nguyễn Thông Cào)

26-9-2023  20:51   

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid0xJqWX35CXLDoBhJKtzuFj14MNX8UtvaEBbAMxyXr2aFxnNTPKXuqSK3TYU9TZkjtl&id=100024722048900

 

Chỉ thoạt nhìn vào bụi tre khóm trúc là nhận ra ngay trúc tre luồng nứa vầu họ nhà tre đều mọc thẳng, thẳng tắp. Dân gian có câu “Trúc dẫu cháy, đốt ngay vẫn thẳng” (cây trúc dù có bị cháy thành than nhưng mỗi đốt trúc vẫn cứ ngay thẳng như vốn có chứ không hề xiên xẹo). Ông Thép Mới viết “Tre là thẳng thắn, bất khuất”. Bác nhà thơ Nguyễn Duy người xứ Thanh nơi nhiều tre nứa nhất nước tổng kết ngắn gọn “Nòi tre đâu chịu mọc cong/Chưa lên đã nhọn như chông lạ thường”, “Tre xanh không đứng khuất mình bóng râm”. Dẫn thế để chốt lại: Tre là thẳng, thẳng đuột, không có cái trò uốn éo đu đưa. Đừng bôi bẩn, xuyên tạc, làm xấu hình ảnh cứng cáp hiên ngang từng là biểu tượng bao đời của con người xứ ta.

 

Những tác giả của “ngoại giao cây tre” mỗi lần nhắc tới cụm từ này đều có vẻ đắc chí lắm. Họ tự cho rằng đó là kết quả của trí tuệ siêu việt, bộ óc vĩ đại. Ông thủ tướng trong chuyến công du tận Brazil vừa rồi còn cất công đem bức tranh vẽ bụi tre tặng bà chủ tịch đảng cộng sản nước sở tại, khiến bà ta cứ tấm tắc khen ngợi ngoại giao cây tre, rồi chả biết có bắt chước không. Ai khen, chứ bà ni khen cũng bằng không bởi với một nước dân chủ như Brazil thì đảng cộng sản chỉ tồn tại cho vui cửa vui nhà. Tôi chưa hề thấy những người dạng đấng bậc, chẳng hạn ông Lý Hiển Long, ông Biden, bà Merkel, ông Trudeau… nhắc tới thứ đặc sản địa phương này bao giờ. Các vị đó hiểu thực chất món ấy, và không quan tâm. Tre pheo đu đưa kinh bỏ mẹ. Chuông khánh còn chẳng ăn ai, nữa là mảnh chĩnh vứt ngoài bụi tre.

 

Ngoại giao cây tre chỉ lừa được kẻ dại khờ hoặc bị kẻ tham lam lợi dụng, chứ không qua mặt được người tử tế. Thiên hạ thừa biết nó là kiểu khôn lỏi, đi hai hàng, gió chiều nào che chiều ấy, chơi với tất cả không phân biệt tốt xấu hay dở phải trái đúng sai, làm bạn với đủ thượng vàng hạ cám không chừa một ai, kể cả những kẻ bị lương tâm con người lên án. Cũng là kiểu hai mặt, ở với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy. Chơi/quan hệ, nhưng chỉ cốt lợi cho mình. Đừng nghĩ người ta không biết. Biết cả đấy, hiểu cả đấy. Chính vì vậy, chả ai dại gì chơi thân, chơi hết mình với đứa không thật thà, bắt cá hai tay.

 

Chơi với tất cả, làm bạn với mọi nước, thực chất là không chơi với ai. Quanh đi quẩn lại vẫn là tự cô lập mình, mình chơi với mình, tự sướng “ta là ta mà ta cứ say ta”. Bạn thân của cả những “đối tượng” có vấn đề như Nga, Triều Tiên, Cuba, Trung Quốc sẽ khiến người ta dù có dễ tính mấy chăng nữa cũng gợn trong đầu câu “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”. Không ai dám đặt niềm tin vào anh ba phải, đu đưa, thực dụng ích kỷ. (còn tiếp)

 

Nguyễn Thông

 

.

61 BÌNH LUẬN    

 

 

                                                         ***

 

Ngoại giao cây tre   (Kỳ 1)

Nguyễn Thông (Nguyễn Thông Cào)

25-9-2023  07:09   

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid02krxKwZNgyBqGeQ96SBwWfEGww3tG88zbZsYD7J1UcjmArHYL9mJkuq4TxHEMwxWCl&id=100024722048900

 

Cây tre là hình ảnh, biểu tượng quen thuộc của làng quê, nông thôn Việt Nam thời vài chục năm về trước. Giờ nếu chạy xe máy vòng vèo khắp làng, bói cũng chả tìm được cây tre, chỉ còn những nhà bê tông, hàng rào bê tông, mái bằng mái chóp. Người ta gọi đó là nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu. Ai nặng tình với tre chắc chắn sẽ thất vọng.

 

Ngày xưa làng tôi rất nhiều tre, hầu như nhà nào cũng một vài bụi, có những nhà trồng tre bao bọc hết xung quanh, cả cái cổng cũng bằng tre. Họ nhà tre đủ loại, tre nứa trúc mai vầu luồng dùng, mỗi loại được dùng vào việc thích hợp nong nia cót thúng mủng giần sàng dậm lờ đó đăng đòn gánh rui mè kèo cột cái tăm đôi đũa cái giường chiếc chõng cái thang… Nói tới nông thôn, người đời thường dùng hình ảnh cô đọng “bờ tre gốc rạ”. Đời đứa trẻ nông thôn, ngoài mối gắn bó với ông bà, thày bu, anh chị em, xóm giềng, đồng ruộng, cây lúa củ khoai, thì “quan hệ” với tre nhiều nhất. Cho tới giờ, chấp chới tuổi già, tôi vẫn không hình dung nổi nếu ký ức của mình mất mảng tre sẽ trống như thế nào.

 

Tre ngày cũ khá đẹp trong tâm tưởng. Khó quên cảnh chiều quê khói bếp quấn quít lũy tre xanh khi mặt trời chưa lặn hẳn, đèn chưa được thắp. Tre vào bài học thuộc lòng của bọn trẻ con “Lũy tre xanh xanh/Làng tôi làng anh/Cùng giống nhau nhỉ/Có lũy tre xanh/Chúng ta yêu lũy tre xanh/Yêu làng yêu xóm yêu anh đi cày”. Tre vào văn Thép Mới, nhạc Văn Cao, thơ Nguyễn Duy. Nhớ tới tre, tình cảm dịu lại, tâm hồn thư thái lạ thường.

 

Giờ đây, tre dường như chỉ còn ở những vùng sâu vùng xa, miền núi. Năm ấy tôi ra xứ Thanh, ông bạn Nguyễn Xuân Phi lôi lên tuốt những Ngọc Lặc, Bá Thước, Quan Hóa, Quan Sơn, tre còn nhiều lắm. Một lão khác, thổ công vùng này, bảo tre được coi là một trong 5 thế mạnh "L" của tỉnh Thanh gồm lúa, lợn, lạc, luồng và… nâng đỡ trong sáng. Cả bọn cười tủm tỉm.

 

Mà tôi đang viết về ngoại giao cây tre, thứ sản phẩm ngang ngược của nhà cầm quyền xứ này hiện thời, mở bài như thế hơi bị dài. Chẳng qua cái tình của mình với tre đằm thắm quá, chứ mình không lợi dụng bạn ấy như người ta. Thật đáng buồn, giờ cứ nghĩ, liên tưởng tới tre là không ít người bĩu môi, cười cợt. Tre trở nên uốn éo, cong cớn, giả dối, cạn tình. Không phải tại tre mà bởi con người. (còn tiếp)

 

Nguyễn Thông

 

Ảnh: https://www.facebook.com/photo?fbid=1513629312804456&set=a.133382914162443

Tre Việt Nam (nguồn internet)

 

.                                                                

69 BÌNH LUẬN   





No comments:

Post a Comment

View My Stats