Wednesday, 11 October 2023

NẾU CUỘC CHIẾN ISRAEL - HAMAS LAN RỘNG, BIỂN ĐÔNG SẼ TRỞ NÊN CĂNG THẲNG? (RFA)

 



Nếu cuộc chiến Israel - Hamas lan rộng, Biển Đông sẽ trở nên căng thẳng?

RFA
2023.10.11

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/if-the-israel-hamas-war-spreads-will-the-south-china-sea-become-more-tense-10112023081008.html

 

Hôm 7/10, tổ chức Hamas tiến hành tấn công bằng bộ binh và tên lửa vào Israel, giết hại khoảng gần một ngàn thuờng dân và bắt cóc nhiều con tin. Israel đã tuyên chuyến với Hamas. Như vậy tiếp theo cuộc chiến Ukraine, một cuộc chiến nữa đã bùng nổ. Liệu cuộc chiến này ở Trung Đông giữa Israel và Hamas có thể ảnh hưởng ra sao tới thế bố trí chiến lược của Hoa Kỳ và Châu Âu? Liệu Trung Quốc có nhân cơ hội Mỹ và Phương Tây tập trung vào khu vực Trung Động để động binh ở Biển Đông hay Biển Hoa Đông? Việt Nam sẽ lựa chọn quan điểm như thế nào với cuộc chiến này? RFA phỏng vấn nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Phương ở Đại học UNSW Canberra, Australia về các vấn đề này.

 

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Phương, hiện tại, chưa thể kết luận được điều gì. Trong những ngày sắp tới, nếu cuộc xung đột chỉ khoanh vùng trong phạm vi Israel - Hamas thì ảnh hưởng của cuộc chiến tới Châu Á-Thái Bình Dương không nhiều. Nhưng nếu cuộc xung đột đó lan rộng thành cuộc chiến cấp vùng ở Trung Đông, với sự tham gia của nhiều "tay chơi" khác như Iran, Hezbola, thì phía Châu Á- Thái Bình Dương trong đó có Biển Đông có thể sẽ trở nên căng thẳng hơn. 

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/if-the-israel-hamas-war-spreads-will-the-south-china-sea-become-more-tense-10112023081008.html/@@images/59e523e2-b595-4c7d-888f-d599bfa67162.jpeg

Hệ thống phòng thủ Iron Dome của Israel đánh chặn tên lửa phóng từ Dải Gaza, nhìn từ thành phố Ashkelon, Israel ngày 9/10/2023. (Ảnh minh họa)  -   REUTERS/Amir Coh

 

*

RFA: Theo ông, tiếp theo cuộc chiến Ukraine, cuộc chiến Israel sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam như thế nào về quan hệ quốc tế? Việt Nam sẽ chọn cách ứng xử ra sao đối với các bên tham chiến trong cuộc chiến đó? Sự lựa chọn đó có thể sẽ ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia của Việt Nam ra sao? 

 

Nguyễn Thế Phương: Cuộc chiến giữa Israel và Hamas ở Trung Đông cũng có một số ảnh hưởng nhất định đến Việt Nam, nhưng so sánh với cuộc chiến giữa Nga với Ukraine thì nó không ảnh hưởng trực tiếp nhiều lắm. Cuộc chiến Nga - Ukraine ảnh hưởng tới Việt Nam nhiều hơn. 

 

Hiện tại thì Bộ Ngoại giao Việt Nam đã đưa ra phát ngôn chính thức. Phát ngôn ấy tương đối mang tính ngoại giao. Lập trường của Việt Nam từ trước tới nay là ủng hộ giải pháp hai nhà nước, dựa trên đường biên giới năm 1967. Đó là một giải pháp mà nhiều quốc gia đồng tình. Theo tôi, quan điểm ngoại giao đó của Việt Nam là tương đối phù hợp. Vì Việt Nam có mối quan hệ ngoại giao khá tốt với Israel. Gần đây Việt Nam có ký kết một hiệp định thương mại tự do với Israel. Hai nước cũng có ngoại giao nhân dân. Quan hệ quốc phòng, an ninh của hai bên cũng rất tốt. 

 

Vì vậy, có hai vấn đề ở đây. Một là Việt Nam sẽ không ủng hộ Hamas vì về mặt đạo đức là không phù hợp, và về mặt chính sách thì không thực tế. Thứ hai, Việt Nam ủng hộ Palestin giành độc lập nhưng ủng hộ tổ chức PLO (Palestine Liberation Organization - Tổ chức Giải phóng Palestin) chứ không phải Hamas. Do đó, phát ngôn hiện nay của Việt Nam về xung đột Israel và Hamas hiện nay là tương đối phù hợp với chính sách nói chung, với cả Israel và Palestin hiện tại. 

 

Ảnh hương trực tiếp của cuộc chiến Trung Đông này thì sẽ không lớn, như tôi đã nói, nếu chúng ta so với cuộc chiến Nga - Ukraine. Nga là một cường quốc lớn, có ảnh hưởng lớn, có quan hệ song phương lâu đời với Việt Nam như vậy thì ảnh hưởng sẽ lớn hơn. Còn xung đột Israel và Hamas chỉ ảnh hưởng gián tiếp, thông qua tác động của cuộc chiến đó tới tâm lý và môi trường quan hệ quốc tế, rồi từ đó tác động ngược trở lại Việt Nam. Tác động trực tiếp sẽ không nhiều. 

 

*

RFA: Theo ông, cuộc chiến mới bùng nổ ở Trung Đông có thể khiến cho Mỹ và Phương Tây khó tập trung ở phía Đông Bắc Á và Biển Đông hay không? Khu vực này do đó có thể trở nên mất cân bằng về quyền lực không? 

 

Nguyễn Thế Phương: Trước hết, cần phải quan sát, theo dõi xem cuộc chiến Israel và Hamas sẽ lan rộng tới đâu. Ở thời điểm hiện nay thì đa số giới phân tích đều nhận định rằng cuộc chiến này sẽ là một điểm thay đổi căn bản tình hình an ninh ở khu vực Trung Đông. Nhưng thay đổi như thế nào thì chúng ta rất khó đoán ở thời điểm hiện nay.     

  

Nếu như cuộc xung đột Israel - Hamas hiện nay lan rộng ra, ví dụ có sự tham gia của Hezbolla ở Li Băng chẳng hạn, hoặc có sự nhúng tay trực tiếp và lớn hơn của Iran thì khi đó cuộc xung đột vốn chỉ khoanh vùng ở dải Gaza sẽ bị lan ra toàn Trung Đông. Khi kịch này đó xảy ra thì sự quan tâm của Mỹ sẽ dồn về Trung Đông nhiều hơn. Sự hỗ trợ của Mỹ và Châu Âu cho Ukraine sẽ bị tác động lớn.

 

Ở đây, trước mắt vẫn cần xem xét cuộc chiến này có khả năng lan rộng hay không. Hiện nay, khả năng lan rộng là chưa cao. Bởi vì cả Hezbola và Iran đều lên tiếng công khai tuyên bố rằng họ không ủng hộ Hamas và không trực tiếp tham gia. Đây là tín hiệu cho thấy cuộc chiến này sẽ khu biệt trong dải Gaza chứ không mở rộng ra. 

 

Nếu cuộc xung đột ở Trung Đông không mở rộng ra thì nó sẽ không ảnh hưởng lớn đến thế bố trí chiến lược của Mỹ. Thế bố trí chiến lược của Mỹ sẽ không thay đổi, không chỉ ở khu vực Trung Đông mà còn ở các khu vực châu Á - Thái Bình Dương. 

 

Chỉ khi cuộc chiến Trung Đông này lan rộng ra thì chúng ta mới cần tính toán xem nó ảnh hưởng thế nào tới thế bố trí chiến lược của Mỹ ở Châu Á - Thái Bình Dương. Dẫu sao thì Mỹ cũng đã có Hạm đội 5 ở khu vực Trung Đông. Một số hạm đội khác của Mỹ cũng được triển khai ở Địa Trung Hải gần đó. Những lực lượng này có thể giúp Mỹ kiềm chế sự lan rộng của cuộc xung đột, kiểm soát thế cục tại khu vực. 

 

*

RFA: Nếu xung đột Israel - Hamas lan rộng thành một cuộc chiến tầm khu vực ở Trung Đông, Phương Tây và truyền thông quốc tế có thể tập trung nhiều hơn vào Israel và Ukraine, liệu có xuất hiện một sự mất cân bằng quyền lực ở phía Châu Á - Thái Bình Dương hay không? Trong trường hợp đó, Trung Quốc có thể đẩy mạnh căng thẳng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông không? Nếu có, đâu có thể là mục tiêu tiềm năng của họ?

 

Nguyễn Thế Phương: Trong trường hợp cuộc xung đột Israel và Hamas lan rộng thì hoàn toàn có khả năng Hoa Kỳ bị thu hút cả về mặt nguồn lực và chính sách đối ngoại về khu vực Trung Đông. Điều đó có nghĩa là nguồn lực của Mỹ bị dàn trải ra. Rất khó đoán nếu kịch bản này xảy ra thì Mỹ sẽ làm gì. Trong hiện tại, khả năng Trung Quốc gây một cuộc chiến ở Biển Đông là có, nhưng không cao lắm. Điểm nóng có thể phát sinh nếu Trung Quốc leo thang xung đột sẽ là mấy điểm sau đây. 

 

Một là khu vực xung quanh bãi cạn Scaborough và khu vực khác đang có tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc. Hiện tại, Philippines đang giữ thái độ khá cứng với Trung Quốc. Trung Quốc có thể tận dụng cơ hội này để đẩy căng thẳng lên cao. 

 

Hai là vấn đề Đài Loan. Bởi vì khả năng răn đe của Đài Loan phụ thuộc rất lớn vào hỗ trợ của phương Tây, đặc biệt là hỗ trợ về quân sự, an ninh. Nếu một cuộc xung đột lớn bùng nổ ở toàn Trung Đông thì cùng với cuộc chiến Ukraine, những nguồn lực về chính sách, tài chính, quân sự của Phương Tây nói chung và Mỹ nói riêng sẽ dồn về Trung Đông nhiều hơn. Hiện tại ở Mỹ đã có nhiều tiếng nói phản đối việc ủng hộ quá nhiều các nước khác. 

 

Bên cạnh đó, cuộc chiến Ukraine đã làm bộc lộ nhiều lỗ hổng trong năng lực sản xuất thiết bị vũ khí của Phương Tây. Họ không có các kịch bản cho việc sản xuất vũ khí để đối phó với một cuộc chiến thông thường. Nếu cuộc chiến Trung Đông hiện nay bùng phát và lan rộng thành một cuộc chiến thông thường, giống như cuộc chiến Ukraine, thì nó sẽ rất khó cho Đài Loan vì nó làm cho nguồn lực quốc phòng của Phương Tây bị huy động để hỗ trợ cho hai cuộc xung đột ở Trung Đông và Châu Âu. Nó có thể thay đổi tính toán của Trung Quốc, trong vấn đề liệu họ có nên đẩy mạnh sự uy hiếp đối với Đài Loan hay không.      

  

Tuy nhiên, trong kịch bản cuối cùng, xấu nhất, là Trung Quốc muốn xâm lược Đài Loan, thì điều này không chỉ phụ thuộc vào sự thay đổi trong thế bố trí chiến lược của Mỹ. Nó còn phụ thuộc vào những yếu tố khác, trong đó yếu tố quan trọng nhất là liệu Trung Quốc có tin rằng quân đội của họ sẽ đánh thắng và thành công trong việc chiếm đóng Đài Loan hay không. Tức là, nếu kịch bản xấu nhất ở Trung Đông xảy ra, Mỹ phải dồn nguồn lực về khu vực đó, thì khu vực Châu Á Thái Bình Dương bị khoảng trống về quyền lực. Nhưng để Trung Quốc quyết định gây xung đột thì một trong yếu tố quyết định vẫn là năng lực hiện tại của họ. Đó là một tính toán mà Trung Quốc phải thực hiện. 

 

Hiện tại có vẻ Trung Quốc chưa đủ lực để tiến hành một cuộc tấn công và chiến thắng toàn diện Đài Loan. Nhưng họ có đủ lực để đẩy căng thẳng Biển Đông lên một nấc mới.  

 

Trong trường hợp xung đột Trung Đông lan rộng, thì điểm nóng sẽ không phải là Đài Loan mà là các tranh chấp vùng xám ở Biển Đông. Đó là các tranh chấp với Philippines, Việt Nam và các thực thể địa lý ở phía Nam Biển Đông như bãi Tư Chính. Đặc biệt hiện nay đối đầu giữa Philippines và Trung Quốc ở bãi Cỏ Mây và bãi cạn Scaborough khá căng thẳng. Điểm nóng này có thể tăng cao nếu cuộc chiến Trung Đông lan rộng hơn và Mỹ bị hút sự chú ý của họ vào khu vực đó. 

 

*

RFA: Xin cảm ơn nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Phương đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này. 

 

--------------------------------

Tin, bài liên quan

THỜI SỰ

 

Hoa Kỳ sẽ giúp Việt Nam đối phó với Trung Quốc trên Biển Đông ra sao?

 

Trung Quốc tấn công ngư dân Việt Nam: chiến thuật “rung cây dọa khỉ”?

 

Biển Đông là địa bàn trọng yếu nhằm đề kháng sự bành trướng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

 

Cam kết của Mỹ với Đông Nam Á bị nghi ngờ khi Biden bỏ qua Hội nghị thượng đỉnh khu vực

 

Quan hệ Việt Nam-Philippines có xấu đi bởi chiến thuật chia rẽ từ Trung Quốc?

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats