Tuesday, 10 October 2023

NẠN NHÂN TRÁI PHIẾU SCB : 'MONG SỚM NHẬN LẠI ĐỦ TIỀN' (VOA Tiếng Việt)

 



Nạn nhân trái phiếu SCB: ‘Mong sớm nhận lại đủ tiền’

VOA Tiếng Việt

10/10/2023

https://www.voatiengviet.com/a/7304097.html

 

Các nạn nhân trái phiếu SCB nói với VOA rằng họ tin tưởng ‘Nhà nước sẽ giúp dân lấy lại tiền’ và mong mỏi ‘sớm lấy lại đủ số tiền đã bị lừa đảo’ tròn một năm sau ngày nổ ra vụ khủng hoảng lừa đảo trái phiếu lớn nhất trong lịch sử Việt Nam tại ngân hàng SCB.

 

https://gdb.voanews.com/03220000-0aff-0242-1ada-08dac6731f04_w650_r1_s.jpeg

Các nạn nhân trái phiếu đã ròng rã lên các chi nhánh ngân hàng SCB trong năm qua để đòi lại tiền

 

Bộ Công an mà cụ thể là Cục Cảnh sát điều tra về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu, tức C3, hôm 30/9, đã loan báo trên các phương tiện thông tin đại chúng kết quả điều tra và thông báo tìm người bị hại trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và công ty An Đông đều của bà Trương Mỹ Lan.

Theo kết luận điều tra này, vụ việc được xác định là lừa đảo với những người đã mua trái phiếu của các công ty này qua ngân hàng SCB được xem là ‘nạn nhân’ và họ sẽ được bồi thường sau khi vụ án xét xử xong.

Ngày 7/10 năm 2022, bà Trương Mỹ Lan, trùm bất động sản và là một trong những người giàu nhất Việt Nam, đã bị công an bắt và khởi tố về tội ‘gian dối trong phát hành trái phiếu’ nhằm lừa đảo chiếm đoạt tiền của người dân.

Theo đó, từ năm 2018 đến 2020, tập đoàn Vạn Thịnh Phát của bà Lan và các công ty con của nó như An Đông, Quang Thuận, Sunny World… đã tạo lập 25 gói trái phiếu với tổng giá trị hơn 30.000 tỉ đồng, tức gần 1,4 tỷ đô la bán cho người dân thông qua ngân hàng SCB để huy động vốn và sau đó chiếm đoạt.

Tổng cộng có hơn 40.000 nạn nhân trên khắp cả nước bị lừa đảo mà họ cho là họ bị ngân hàng SCB dẫn dụ từ gửi tiết kiệm sang thành mua trái phiếu trong khi họ không hề biết gì về trái phiếu mà chỉ nghĩ đó là gói sản phhẩm tiết kiệm mới của ngân hàng.

Nhiều nạn nhân là những người lớn tuổi hay về hưu bị mất hết tiền tiết kiệm, tiền dành dụm để phòng thân, tiền thuốc men… Suốt một năm qua, các nạn nhân đã ròng rã lên các chi nhánh ngân hàng SCB phản đối, đòi tiền, tọa kháng và gửi đơn đến các cơ quan chức năng kêu cứu.

Bộ Công an kêu gọi các nạn nhân trái phiếu SCB khẩn trương đến trụ sở công an nơi cư trú hay nơi đặt chi nhánh ngân hàng SCB mà họ đã giao dịch để trình báo và nộp hợp đồng mua bán trái phiếu với SCB để công an có cơ sở xem xét giải quyết, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp trước khi vụ án kết thúc.

‘Nuôi hy vọng’

Một nạn nhân là bà Trần Kinh Anh, vốn làm nghề bán hàng tự do tại quận Ba Đình, Hà Nội, nói với VOA bà đã mua 1 tỷ đồng trái phiếu Quang Thuận từ tiền tiết kiệm của bố mẹ để họ có thêm tiền lời khám bệnh hay thuốc thang.

Bà nói gần một năm nay, bà lo lắng vụ này sẽ như vụ lừa đảo nước hoa Thanh Hương từng gây chấn động một thời mà khi đó các nạn nhân đã không lấy được tiền mặc dù bà có nghe các cơ quan nhà nước ‘có hứa sẽ giải quyết cho dân’.

“Trong một năm qua, tôi vẫn nuôi hy vọng pháp luật Việt Nam sẽ tìm ra được hết những kẻ làm sai để xứ lý,” bà bày tỏ. Ngay sau khi nghe Bộ Công an phát thông báo tìm người bị hại qua báo đài, bà đã chủ động ra công an quận trình báo.

“Mà trái phiếu của tôi là của Quang Thuận chưa đáo hạn nên công an họ bảo là ‘sẽ mời bác lên đợt hai vì bọn cháu phải xử lý số lượng nạn nhân quá đông’,” bà Anh nói và cho biết ‘các chú công an không hứa hẹn gì cả’ mà ‘chỉ nói là thu thập chứng cứ thôi’,

Theo lời bà thì từ khi có thông báo của Bộ Công an ‘mấy hôm nay người ta nhốn nháo hết cả lên để đi khai báo’.

Bà Anh cho biết bà đã gửi tiết kiệm được 30 năm nhưng ‘chưa bao giờ bị lừa kiểu như thế này’ và ‘có rất nhiều dân nghèo chắt chiu đồng tiền mồ hôi nước mắt để dưỡng già đều bị ngân hàng SCB lừa đảo chuyển đổi sang trái phiếu’.

Bà đã ký hợp đồng với SCB đến 5-6 tháng sau, khi bà Lan bị bắt, thì bà mới mới ngã ngửa là ‘đã mua trái phiếu’ vì bà cứ đinh ninh là gửi tiết kiệm cho SCB.

“Tôi có nói với mẹ là mẹ ơi yên tâm đi. Đợt này là sẽ không mất tiền. Chính phủ người ta vào cuộc thì sẽ lấy lại được tiền. Mẹ tôi nghe cũng phấn khởi,” bà Anh kể với VOA.

Khi được hỏi bà có lo là sẽ không được trả đủ tiền hay không, bà cho biết bà thường lên công ty chứng khoán Tân Việt, đơn vị phát hành trái phiếu cho bà Lan, để hỏi và bà nhận được câu trả lời ‘khả quan’.

“Tân Việt nói tiền của dân sẽ được trả cho dân,” bà thuật lại và nói thêm rằng ‘chỉ sợ lâu thôi’.

“Nhưng tôi phải đành chờ chứ biết làm thế nào. Nhà nước đã can thiệp như vậy đã là mừng rồi. Hy vọng là lấy lại được đủ tiền.”

Bà cho biết bố mẹ bà may mắn là nhờ có lương hưu hơn 10 triệu đồng một tháng nên cũng tạm đủ sống, chỉ là không có tiền thuốc men phải nhờ con cháu hỗ trợ.

Mặc dù thông báo phát đi của Bộ Công an không đề cập đến SCB, ngân hàng đứng ra lừa dân mua trái phiếu, bà Anh nói bà mong SCB ‘phải bị xét xử’.

“Mình chỉ biết mình đến ngân hàng, ngân hàng lừa mình thì phải xử ngân hàng đấy và các tổ chức có liên quan như Tân Việt, tổ chức phát hành và nhân viên nào làm cho mình bị thiệt hại như vậy thì phải bị xử lý theo pháp luật,” bà giãi bày.

Theo lời nạn nhân này thì sau ngày vụ việc vỡ lở, người nhân viên ngân hàng tư vấn cho bà ‘đã chuyển đi đâu mất tiêu, chặn luôn số liên lạc của tôi’ và ra giám đốc chi nhánh hỏi thì người ta ‘nói chỉ làm theo lệnh của cấp trên’.

Bà nói bà đã gửi đơn lên Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và tham gia cùng các nạn nhân khác ‘đi kêu cứu khắp nơi’ nhưng ‘người chỉ phản hồi là đã nhận được đơn thế thôi’.

‘Phải xử tội’

Từ phố Phạm Ngọc Thạch trên quận Đống Đa, một nạn nhân khác là bà Lại Lệ Hằng, vốn là một thủ quỹ cho cơ quan nhà nước đã nghỉ hưu, cho VOA biết bà đã bị ‘nhân viên tư vấn SCB nịnh bợ, dụ dỗ, năn nỉ, đeo bám để bà phải mua trái phiếu’ và bà đã sập bẫy với số tiền 200 triệu đồng.

“Tôi chưa bao giờ biết trái phiếu là gì chỉ gửi tiết kiệm thôi. Họ nói là cô gửi cái này đi lúc nào cô cần thì rút ra cũng được,” bà kể và cho biết mà cũng đã tham khảo một số bạn bè đã mua trái phiếu của SCB thì được họ bảo ‘không sao cả, cứ mua đi’.

“Tôi mua từ tháng 7 năm 2022 đến tháng 10 thì xảy ra vụ Trương Mỹ Lan.”

Theo lời bà thì bà đã lên công an quận Đống Đa lấy mẫu đơn, đem về điền, rồi đem ra trụ sở công an ở địa phương có chi nhánh ngân hàng SCB mà bà đã giao dịch để nộp. Công an có cắt cử cán bộ ra tiếp đón và ‘làm thủ tục rất nhanh’.

“Các chú công an đọc, kiểm tra và bắt tôi ký nháy vào các trang hồ sơ mà tôi photo đem ra, xong rồi bảo cô cứ về. Giờ chúng cháu thu lại để nộp lên trên,” bà kề về việc bà ra công an trình báo.

“Hôm tôi ra công an tôi thấy mấy ông bà già đông lắm. Có những người không biết điền đơn thế nào phải nháo nhào nhờ con cháu.”

Bà Hằng mong mỏi là Nhà nước thu lại hết được số tiền mà tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã chiếm đoạt của dân qua ngân hàng SCB. “Bọn ấy toàn là bọn lừa đảo, toàn là lừa những người già, những người về hưu thiếu hiểu biết,” bà lên án.

Khác với bà Anh, trong thời gian chờ đợi Nhà nước xử lý, bà Hằng không tham gia đi biểu tình, đến các chi nhánh ngân hàng SCB phản đối hay gửi đơn kêu cứu vì theo bà ‘chỉ mất thời gian, mất tiền in áo, in cờ này nọ’.

Khi được hỏi bà có sợ quá trình đền bù sẽ diễn ra lâu hay không, bà giải thích: “Công an bây giờ người ta phải thu được hết tài sản của Vạn Thịnh Phát, rồi người ta phát mãi, bán được thì người ta mới trả tiền cho mình.”

Theo lời bà thì các nạn nhân như bà ‘ai cũng mong nhận lại được đủ tiền’ vì nhiều gia đình đã lâm vào cảnh trắng tay – cá biệt có người bán nhà chưa kịp mua nhà mới đem tiền đi gửi tiết kiệm SCB thì bị lừa không còn đồng nào.

Do số tiền bà bị gạt tương đối ít so với các nạn nhân khác nên bà nghĩ ‘thôi, của đi thay người, nhiều người còn khổ hơn mình’, bà cho biết.

“Cũng là do sự không hiểu biết của mình. Cũng do mình chứ Nhà nước có bảo mình mua đâu. Mình không hiểu biết thì lỗi một phần là tại mình,” bà Hằng giãi bày.

Bà nói nhờ bà có lương hưu và các khoản tiết kiệm khác cùng nhà cho thuê nên cũng ‘không đến nỗi’. “Chỉ có điều mất đồng tiền mồ hôi nước mắt của mình thì đau lòng thôi,” bà nói.

Bà nói trong trường hợp được đền bù không đủ ‘thì thôi được đồng nào hay đồng đó vì người ta thu được đến đâu trả đến đấy chứ làm gì có chuyện nhà nước bỏ tiền ra trả cho mình’.

Giống như bà Anh, bà Hằng nói bà muốn ‘những kẻ đã lừa đảo dân phải đi tù hết’. Trong phần ghi ý kiến trong đơn trình báo, bà ghi rõ tên người tư vấn đã lừa đảo bà, số điện thoại và đề nghị phải truy tố hình sự cô đấy và ngân hàng SCB đã tiếp tay cho Vạn Thịnh Phát.

“Nó có cầm máy đâu? Nó xóa số rồi. Tôi gọi thì không liên lạc được. Ra ngân hàng hỏi thì họ bảo nó mất tích rồi. Hàng bao nhiêu tư vấn viên như vậy,” bà kể về nỗ lực của bà liên lạc với nhân viên tư vấn của ngân hàng sau khi vụ việc vỡ lở.





No comments:

Post a Comment

View My Stats