Friday, 20 October 2023

HỨA BỒI THƯỜNG “KHÁ HƠN”, DÂN CÒN TIN KHÔNG? (RFA)

 



Hứa bồi thường “khá hơn”, dân còn tin không?

RFA
2023.10.18

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/promised-better-compensation-do-people-still-believe-it-10182023123711.html

 

Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân (UBND) thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM), khi làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội địa phương đã cho biết có nghe phản ánh của cử tri liên quan đến giá bồi thường khi thu hồi đất và UBND TPHCM sẽ vận dụng tối đa các cơ chế để có giá đền bù ‘khá hơn’ cho người dân.

 

Ông Cao Thăng Ca, một người dân bị nhà nước thu hồi đất, nhưng không được bồi thường thỏa đáng, nói với RFA từ TP HCM hôm 18/10:

 

“Người ta bồi thường khá hơn, không quan trọng bằng người ta có bồi thường đúng diện tích mà người dân sử dụng hay không? Pháp lý sử dụng nhà đất của người dân thì người ta cắt đầu, cắt đuôi, thậm chí có sổ hồng, sổ đỏ thì người ta cũng cắt mất 20 %, chưa có sổ thì chỉ còn 60%, còn những người chưa có nhà thì họ nói chiếm dụng đất công chỉ đền bù có 40 %. Thành ra pháp lý với nhà đất là quan trọng, còn người ta cứ bảo bồi thường thỏa đáng cho người dân thì có lợi cho người dân không, khi mà pháp lý đất đai của người dân người ta cứ cắt đầu cắt đuôi, thì làm sao mà có lợi được…”

 

Ông Cao Thăng Ca dẫn khoản 7, điều 50, Luật đất đai năm 2003 quy định người được giao đất hoặc thuê đất đều là người sử dụng đất, khi bồi thường thì phải đền bù đủ, và khi đó người sử dụng đất có nghĩa vụ tài chính. Nhưng theo ông Ca, chính quyền địa phương đã không cho người dân làm nghĩa vụ tài chính, mà cứ trừ diện tích của dân… thì làm sao dân có lợi, và làm sao mà đúng luật được.

 

Mục sư Nguyễn Hồng Quang, cũng là người bị nhà nước thu hồi đất ở Thủ Thiêm, nhưng không được bồi thường thỏa đáng, nói với RFA hôm 18/10/2023:

 

“Bất cứ ai lên lãnh đạo cũng đều hứa, hứa và hứa… Vận dụng gì đó không cần, chỉ cần làm đúng pháp luật của nhà nước về thu hồi đất, bồi thường và tái định cư. Làm bằng, tốt hơn cũ… thì người dân cũng không cần, chỉ cần làm gần bằng là đủ rồi. Mấy ông đó chỉ hứa hay, chứ không có cái gì là sự thật hết, cho nên tôi không tin bất cứ ông nào.”

 

Từ Sài Gòn hôm 18/10/2023, ông Nguyễn Đình Đệ cho biết không trông mong gì vào lời hứa của lãnh đạo TPHCM, ông Đệ dẫn chứng trường hợp thu hồi đất ở Khu Đô thị mới Thủ Thiêm:

 

“Theo tôi nghĩ từ ‘cơ chế’ là cái gì đó chung chung, họ dùng những cái từ ngữ để nói thôi. Cơ chế là cơ chứ gì, có rõ ràng hay không, các anh đã vận dụng bao nhiêu thứ, nhưng cuối cùng có giải quyết được gì cho dân Thủ thêm đâu? Vấn đề sai ở đây là vấn đề đã quyết định 1997, quyết định đó đã sai bét mà vẫn cứ vận dụng. Đưa ra những chỉ định, quyết định kèm theo quyết định 1997 thì không giải quyết được vấn đề gì.”

 

Theo ông Nguyễn Đình Đệ nếu việc đền bù cho dân chỉ loanh quanh, luẩn quẩn như vậy, thì không giải quyết được vấn đề gì và người dân không trông mong cơ chế nào để mà đền bù cho người dân được giá thỏa đáng.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/promised-better-compensation-do-people-still-believe-it-10182023123711.html/450e635b-6f5f-4ee5-a043-5c41f147f50f.jpeg/@@images/c76c7a83-ce49-4e4d-b3e4-60b76a26a18a.jpeg

Ảnh minh họa: Người dân ngoại thành Hà Nội lên Quốc Hội khiếu kiện về đất đai trước đây. AFP PHOTO.

 

Báo cáo Bộ Xây dựng gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội liên quan đến tình hình thị trường bất động sản, phát triển nhà ở xã hội hôm 3/5/2023, nêu rằng có 50% dự án bất động sản chậm triển khai do vướng khâu xác định giá đất. Ngoài khó khăn trong việc xác định giá đất, theo Bộ Xây dựng, còn có những khó khăn liên quan đến pháp luật về quy hoạch, đầu tư, quy định về nhà ở, đô thị và xây dựng…

 

Vậy liệu lời hứa Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi sẽ vận dụng mọi cơ chế để bồi thường khá hơn cho dân khi thu hồi đất… có thể thực hiện khi chính phủ đã có bảng quy định về giá đất? Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường từ năm 2002 đến năm 2007, khi trả lời RFA liên quan vấn đề này hôm 18/10/2023 giải thích:

 

“Hiện nay pháp luật không quy định là đền bù phải theo bảng giá đất. Nhưng ở Việt Nam có một quy định của pháp luật là có một phương pháp định giá các trường hợp cụ thể, bằng cách lấy bảng giá đất nhân với một hệ số do UBND cấp tỉnh quyết định. Thế thì hệ số cũng do con người quyết định, nhân với bảng giá đất cũng do con người quyết định, thì chắc chắn chủ động sẽ là do con người, sẽ bồi thường thấp vì chỉ cần đưa hệ số xuống thấp.”

 

Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, quy định của pháp luật thì vẫn có vẻ đền bù theo giá thị trường. Nhưng thực chất giá đất đưa vào bồi thường không bao giờ bằng thị trường. Ông Võ nói tiếp:

 

“Thành ra người dân luôn luôn vẫn cứ khiếu nại, nhưng không thể thắng được, vì các tỉnh vẫn đang làm theo đúng quy định pháp luật. Bản chất ở đây là pháp luật quy định sai. Tức phương pháp ‘bảng giá đất nhân với hệ số’ là phương pháp chẳng nước nào áp dụng cả, chỉ mỗi Việt Nam áp dụng thôi.”

 

Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng, vì pháp luật quy định như vậy, nên bây giờ chỉ cần thành phố Hồ Chí Minh quyết định hệ số cao lên, thì tuyên bố của Chủ tịch TPHCM là hoàn toàn có thể làm được. Tuy nhiên ông Võ lo ngại:

 

“Nhưng cao lên là bao nhiêu? Liệu có bằng thị trường không? Đấy lại là vấn đề hoàn toàn khác. Thành ra nếu TPHCM tuyên bố là chúng tôi sẽ bồi thường theo đúng giá thị trường, thì điều đó mới có nghĩa, chứ còn chỉ nói cố gắng bồi thường cao hơn, thì không phải là cái gì cụ thể cả.”

 

Về nguyên tắc bồi thường về đất khi nhà nước thu hồi đất, thì Luật Đất đai 2013, điều 74 quy định việc bồi thường được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất. Tuy nhiên nhiều người dân có đất bị thu hồi khi trao đổi với RFA đều cho rằng, giá đền bù của nhà nước thường thấp hơn giá thị trường rất nhiều.

 

-----------------------

Tin, bài liên quan

THỜI SỰ

 

·        Đến bao giờ việc thu hồi đất không khiến dân phản đối?

·        Cơ chế “phân lô bán nền”: cái bẫy bất động sản của kinh tế Việt Nam

·        Đất quốc phòng: ai "lấn chiếm"?

·        Đánh thuế bất động sản thứ hai có giúp chống đầu cơ?

·        Xác định giá đất: Vì sao vẫn khó khăn?

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats