Tuesday, 17 October 2023

ĐẢNG TRẤN AN DOANH GIỚI KHI KINH TẾ ẢM ĐẠM và ỒN ÀO CHỐNG THAM NHŨNG (PGS, TS Phạm Quý Thọ)

 



Đảng trấn an doanh giới khi kinh tế ảm đạm và ồn ào chống tham nhũng

PGS,TS Phạm Quý Thọ

17-10-2023

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/vcp-appease-business-economic-slow-anti-corruption-10172023100251.html

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/vcp-appease-business-economic-slow-anti-corruption-10172023100251.html/@@images/e42e91a1-37a0-45a7-9a56-35107e20699c.jpeg

Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng, chụp ngày 10/9/2023.

 

Bài bình luận của ông Phạm Quý Thọ- PGS,TS nguyên Trưởng Khoa Chính sách Công, Học Viện Chính sách & Phát triển, Bộ Kế hoạch- Đầu tư, Việt Nam. 

 

Ngày 13 tháng 10 hàng năm (từ năm 2011) là ngày Doanh nhân, trong đó Chính phủ thường tổ chức mít tinh để vinh danh các chủ doanh nghiệp tiêu biểu có nhiều cống hiến cho đất nước và đóng góp cho sự phát triển. Năm nay có điều “đặc biệt” là trong buổi gặp của ông Thủ tướng Chính phủ với đại diện giới doanh nghiệp người ta công bố Nghị quyết số 41 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới do ông Tổng Bí thư Đảng Cộng sản ký ban hành ngày 10/10/2023. Đã từng có một nghị quyết tương tự được ban hành vào năm 2011, Nghị quyết số 09 (09-NQ/TW) về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đảng CS lãnh đạo đất nước, nền kinh tế thông qua các nghị quyết, một kiểu chính sách đặc thù, chúng thường được rà soát, sửa đổi sau mỗi giai đoạn 10 năm, và như vậy Nghị quyết số 41 “chậm” ban hành 2 năm so với thường lệ. Có nhiều lý do để biện minh nhưng chủ yếu là “sự bất an” của giới doanh nhân trong bối cảnh nền kinh tế ảm đạm và chống tham nhũng tăng cường.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/cong-nhan-dinh-cong-thang-102023.png/@@images/ddd7a7a6-52ef-4a8c-82f6-58837ff98322.png

Công nhân Viet Glory ở Nghệ An đình công hôm 7/10/2023


“Kinh tế ảm đạm”

 

Trước hết, nền kinh tế đang trong thời kỳ khó khăn, ảnh hưởng tiêu cực đến giới doanh nhân để duy trì sản xuất kinh doanh, dịch vụ. Cú sốc từ đại dịch Covid-19, chiến tranh, xung đột địa chính trị, biến đổi khí hậu làm kinh tế kinh tế thế giới rơi vào suy thoái. Chuỗi cung ứng đứt gãy, trừng phạt kinh tế, đơn hàng giảm sút, khiến cho nhiều doanh nghiệp (DN) buộc phải thu hẹp quy mô hoặc ngừng hoạt động, cắt giảm việc làm khiến cho thu nhập, tiền lương người lao động giảm và thất nghiệp gia tăng. Tổng sản phẩm quốc nội GDP thấp, dự kiến chỉ khoảng 5% so với mục tiêu 6-6,5% năm 2023, phản ánh bức tranh chung “không sáng sủa” nhưng nếu xem xét tình cảnh doanh nghiệp thì thực tế kinh tế ảm đạm, đáng lo ngại.

 

Cuộc khảo sát mới đây cho thấy những khó khăn mà giới doanh nghiệp đang và sẽ phải trải qua. Tính đến giữa năm 2023 có hơn 90 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng 21% và số DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể tăng 35% và số hoàn tất thủ tục giải thể tăng khoảng 7%... Dự kiến trong những tháng còn lại của năm 2023 sẽ có 82,3% DN dự kiến giảm quy mô, tạm ngừng kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh, trong đó, tỷ lệ DN chờ giải thể là 10,9%, tạm ngừng kinh doanh 12,4%; giảm mạnh quy mô 38,5% và dự kiến giảm nhẹ quy mô là 20,5%. Trong số DN còn đang hoạt động có 71,2% dự kiến giảm quy mô lao động trên 5% và, trong số này có 22,2% dự kiến giảm trên 50%; có 80,7% DN dự kiến giảm doanh thu trên 5%, trong đó tỷ lệ giảm trên 50% doanh thu là 29,4%...

 

Hơn thế, tình hình “ảm đạm” còn do một số nguyên nhân bên trong nền kinh tế, trong đó sự khủng hoảng mang tính cấu trúc như khủng khoảng lĩnh vực bất động sản, không chỉ tác động mạnh tiêu cực tức thì, dây chuyền sang ngành tài chính, ngân hàng, tiêu dùng giảm sút niềm tin, gây hoang mang trong giới doanh nhân cũng như công chúng. Cũng theo nghiên cứu trên, niềm tin của doanh nghiệp đối với kinh tế vĩ mô, kinh tế ngành trong bối cảnh hiện nay đặc biệt thấp. Có đến 81,4% DN được khảo sát có đánh giá tiêu cực/rất tiêu cực về triển vọng kinh tế Việt Nam nói chung và 83,7% về triển vọng kinh tế ngành trong các tháng còn lại của năm 2023. Ngoài ra, theo báo cáo PCI của VCCI, tỷ lệ DN dự đoán được thay đổi trong quy định pháp luật của trung ương từ năm 2013 đến năm 2021 có chiều hướng giảm, cao nhất vào năm 2014 với 15,75% DN được hỏi, nhưng đến 2021 chỉ báo này chỉ còn 4,55%...

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/giai-cuu-1.gif/@@images/f40003f4-3bab-4fe5-bd47-1140aaa7b2f6.png

Xử vụ án giải cứu


“Chống tham nhũng tăng cường”

 

Yếu tố thứ hai khiến giới doanh nhân “bất an” là số chủ doanh nghiệp bị “truy cứu trách nhiệm hình sự” trong cuộc chống tham nhũng tăng cường do Đảng CS phát động ngày càng nhiều, đặc biệt trong mấy năm gần đây. Theo số liệu công khai từ Toà án tối cao trong 5 năm 2016-2021 đã có 7.463 vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp với 14.540 bị cáo bị xét xử, và từ ngày 01/10/2021 đến 30/9/2022 có 2.626 vụ với 5.586 bị cáo (tăng 213 vụ so với năm 2021). Từ đó đến nay, trong vòng 1 năm, theo báo cáo mới nhất do ông Chánh án Toà án tối cao gửi tới Quốc hội khoá 15, toà án các cấp đã xét xử 562 vụ với 1207 bị cáo trong các vụ án tham nhũng…

 

Cần lưu ý rằng vấn nạn tham nhũng dưới chế độ tập quyền do Đảng CS toàn trị chứa đựng nghịch lý tăng trưởng cao và tham nhũng tràn lan, phản ánh mối quan hệ “thân hữu” giữa quan chức và các doanh nhân. Nghĩa là, sau mỗi vụ án lớn đều có dấu ấn vi phạm của doanh nghiệp và các quan chức suy thoái như vụ “những chuyến bay giải cứu” vừa xét xử mới đây với hơn 50 bị cáo, trong đó có cựu quan chức Cục Lãnh sự, các bộ ngành và các chủ doanh nghiệp. Đặc biệt đối với các đại án tham nhũng gần đây “in đậm” bàn tay các bị cáo - đại gia từng nổi tiếng một thời. Sau đây là một số đại án đang làm rung động xã hội và giới doanh nhân: AIC (bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn – Công ty CP Tiến bộ Quốc tế), Việt Á (ông Phan Quốc Việt, Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á), các cựu lãnh đạo của các tập đoàn: Tân Hoàng Minh (ông Đỗ Anh Dũng), Tân Hiệp Phát (ông Trần Quý Thanh), Vạn Thịnh Phát (bà Trương Mỹ Lan), FLC (ông Trịnh Văn Quyết), Mường Thanh (ông Lê Thanh Thản)… Cảnh báo ở đây là rõ ràng rằng nghịch lý tăng trưởng nhanh và tham nhũng tràn lan đang là thực tế thách thức sự ổn định chính trị đặc biệt ở thượng tầng đồng thời tạo sức ép lớn đối với tăng trưởng khi giới doanh nhân bất an. Kiểm soát quyền lực và quản lý sở hữu, tài sản công là hai chủ đề cần cải cách “đột phá” nhưng chưa có lời giải thuyết phục.

 

Hãy thôi “tự lừa dối” về những “điểm mới” của nghị quyết này! Từ nhiều năm nay, đặc biệt sau Đại hội 11 năm 2011 Đảng CS xác định và “cam kết” chống tham nhũng luôn phải được tăng cường nếu không muốn chế độ toàn trị bị sụp đổ. Tuy nhiên, “quyết tâm” chống tham nhũng khi lấy quyền lực tuyệt đối đối đầu với sự tha hoá quyền lực mang tính hệ thống, khiến cho kết quả không đạt như mong muốn, tình hình thêm phức tạp, nghiêm trọng là quay lại mô hình toàn trị kiểu cũ. Trong Nghị quyết số 09 - NQ/TW (năm 2011) có đoạn “Một bộ phận doanh nhân còn thiếu văn hóa kinh doanh và trách nhiệm xã hội, chưa tự giác tuân thủ pháp luật, lợi dụng những kẽ hở của pháp luật để trục lợi, móc nối với những phần tử thoái hóa, biến chất trong bộ máy quản lý nhà nước, vì lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm, làm trầm trọng thêm các tiêu cực xã hội…” Việc bổ sung trong Nghị quyết số 41 - NQ/TW (năm 2023): “Chú trọng công tác phát triển đảng, xây dựng tổ chức đảng trong các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế… Kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân vào Đảng…” liệu có thực tế và tạo nên khác biệt?

 

Phạm Quý Thọ

 

------------------------------------------------------------

 *Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự do.





No comments:

Post a Comment

View My Stats