Sunday, 15 October 2023

ẤN ĐỘ - TRUNG QUỐC : TỪ HỮU NGHỊ GIẢ TẠO ĐẾN ĐỐI THỦ CẠNH TRANH (Minh Anh  -  RFI)

 



 

Ấn Độ - Trung Quốc : Từ hữu nghị giả tạo đến đối thủ cạnh tranh

Minh Anh  -  RFI

Đăng ngày: 14/10/2023 - 11:46Sửa đổi ngày: 14/10/2023 - 11:48

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20231014-%E1%BA%A5n-%C4%91%E1%BB%99-trung-qu%E1%BB%91.....BB%A7-c%E1%BA%A1nh-tranh

 

Trung Quốc và Ấn Độ, hai ông khổng lồ tại Châu Á với những điểm mạnh và điểm yếu. Nếu kể từ giờ Ấn Độ qua mặt Trung Quốc về mặt dân số, thì nước này vẫn còn kém xa nước láng giềng về kinh tế, chiến lược, quân sự. Trong khi đó, Trung Quốc có tham vọng chiếm vị trí lãnh đạo toàn cầu nhưng phải đối mặt với chính những điểm yếu của mình : Dân số già, tăng trưởng trì trệ…

 

https://live.staticflickr.com/65535/53259595240_04c938a349.jpg

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại một cuộc họp thượng đỉnh quốc tế ngày 04/09/2017. Reuters/Kenzaburo Fukuhara

 

Trả lời phỏng vấn Ban tiếng Việt đài RFI, nhà nghiên cứu Didier Chaudet, chuyên gia về địa chính trị các nước vùng Nam – Trung Á, Viện Nghiên cứu Pháp về Trung Á (IFEAC) cho rằng "cạnh tranh Ấn – Trung là khó thể tránh". RFI Tiếng Việt lần lượt giới thiệu các phân tích, đánh giá của ông Didier Chauder về mối quan hệ đặc biệt giữa hai ông khổng lồ Châu Á.

 

                                       **********

 

Trong phần I có tựa đề "Ấn Độ - Trung Quốc : Từ hữu nghị giả tạo đến đối thủ cạnh tranh", nhà nghiên cứu về Nam – Trung Á, trước hết, điểm lại ba giai đoạn lớn trong lịch sử quan hệ Trung - Ấn.

 

Giai đoạn đầu trong quan hệ Trung - Ấn, bắt đầu từ cuối những năm 1940, thời kỳ giành độc lập cho đến cuộc chiến 1962. Một thời kỳ mà nhà nghiên cứu Nam – Trung Á gọi là "tình hữu nghị giả tạo". Ông giải thích :

 

Didier Chaudet : Giai đoạn "tình hữu nghị giả tạo", cuối những năm 1940 cho đến khi xảy ra cuộc chiến tranh năm 1962, đây là một giai đoạn mà vào thời kỳ này một học thuyết đã bị tan vỡ trước thực tế địa chính trị. Học thuyết này nói rằng, Ấn Độ và Trung Quốc là hai nước Châu Á, cựu thuộc địa. Hai nước này trong quá khứ chưa bao giờ gây chiến, do vậy, họ chỉ có thể thông cảm cho nhau.

 

Vấn đề là, chính Ấn Độ ngay khi giành được độc lập, ngay khi chia cắt với Pakistan và thậm chí trước đó một chút, thông qua Công đảng, đã muốn tự khẳng định mình như là tâm điểm địa chính trị của một Châu Á vừa giành được độc lập. Và dĩ nhiên đối với Trung Quốc, nước này không thể chấp nhận bị xem như là một nước anh em, vì chúng ta đã quên rằng trong những năm 1940 và đầu những năm 1950, Ấn Độ thời thủ tướng Nehru đã từng xem Trung Quốc của Mao Trạch Đông như là một đứa em, chứ không phải như là một anh cả.

 

Và trên thực tế, rất nhanh chóng đã có những xung đột liên quan đến các đường biên giới, nhưng không chỉ thế, đó còn là một vấn đề về vị thế : Ai sẽ là cường quốc thứ ba ? Quý vị đã có Mỹ, có Nga, vậy ai sẽ là cường quốc thứ ba, cường quốc Châu Á ? Phía Ấn Độ, họ đã tự xem mình là trung tâm của Châu Á. Nhưng phía Trung Quốc, dĩ nhiên, họ không thể chấp nhận cách tiếp cận này.

 

Ở đây có những khác biệt về cảm nhận, bởi vì Ấn Độ quả thật nghĩ rằng Trung Quốc là quốc gia anh em. Trong khi đối với Trung Quốc, người Ấn Độ chỉ là những người lính, những người làm thuê, họ là đại diện của đế quốc Anh trong suốt thế kỷ nhục nhã.

 

Trong cuộc chiến chống phong trào Nghĩa Hòa Đoàn, trong suốt thời kỳ hiện diện của phương Tây và nhất là của Anh Quốc tại một số vùng ở Trung Quốc, những binh sĩ có mặt tại Trung Quốc lúc bấy giờ đều là binh sĩ người Ấn. Do vậy, đối với Trung Quốc, trong cuộc trấn áp bằng vũ lực do Anh Quốc tiến hành, trên thực tế chính những binh sĩ Ấn là người nã súng vào người Trung Quốc. Rồi nha phiến cũng đến từ Ấn Độ. Do vậy, đối với Trung Quốc, Ấn Độ gắn liền với những ký ức buồn có liên hệ đến đế chế Anh.

 

*

Vào thời điểm này, Trung Quốc và Ấn Độ cũng đã có những vấn đề về biên giới, vốn dĩ chưa thực sự được xác định. Các vấn đề về Tây Tạng hay Tân Cương vốn dĩ chiếm một vị trí chiến lược quan trọng đối với Trung Quốc. Đặc biệt việc kiểm soát Tây Tạng là một trong số các điểm mấu chốt quan trọng trong mối quan hệ căng thẳng Ấn – Trung.

 

Didier Chaudet : Đường kiểm soát thực tế (LAC), vẫn chưa được xác định đầy đủ và đặt ra câu hỏi về việc Tây Tạng có là một quốc gia độc lập hay không. Một điều đã không được chấp nhận ngay từ dưới thời nhà Thanh, điều này lại càng không thời Trung Quốc cộng sản, Trung Quốc của Mao Trạch Đông, bởi vì trên thực tế, bất kể là Tây Tạng hay Tân Cương, về mặt lịch sử, ngay từ thời triều đại cuối cùng cai trị đất nước trước nền Cộng hòa, chế độ trước thời cộng sản, đây là những vùng đệm chống lại các mối đe dọa khác.

 

Tân Cương là tuyến phòng thủ chống Liên Xô, còn Tây Tạng là để đối phó với Nam Á và trước đó là chống đế chế Anh. Vì vậy, đối với Trung Quốc, việc bảo vệ những vùng lãnh thổ này là rất quan trọng. Vấn đề đường biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc là một mối đe dọa trực tiếp đến quyền kiểm soát Tây Tạng. Trong suốt thời kỳ, trong suốt giai đoạn tình hữu nghị giả tạo đó Trung Quốc tái khẳng định sự thống trị của mình ở Tây Tạng và quý vị có đức Đạt Lai Lạt Ma phải đến Ấn Độ.

 

Tại Ấn Độ, có một số phát biểu dường như chấp nhận sự kiểm soát của Trung Quốc ở Tây Tạng, nhưng cùng lúc có những chỉ trích gián tiếp đặt lại vấn đề này. Trên thực tế, cho dù đó là về vấn đề Tây Tạng hay là về các quốc gia vùng đệm giữa Trung Quốc và Ấn Độ như Nepal hay Bhutan, ảnh hưởng của Trung Quốc và ảnh hưởng của Ấn Độ đều va chạm nhau.

 

*

"Hai hổ không thể sống cùng trên một ngọn núi". Chiến tranh 1962 là cột mốc để Trung Quốc tái khẳng định vị thế cường quốc khu vực đã bị đánh mất. Sự kiện cũng cho thấy tầm ảnh hưởng của Ấn Độ trong giai đoạn này bắt đầu bị suy giảm.

 

Didier Chaudet : Vì vậy, ở đây chúng ta đang chuyển từ lý thuyết tình hữu nghị giữa hai dân tộc được giải phóng khỏi ách thuộc địa sang một điều gì đó rất cổ điển trong quan hệ quốc tế : Cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc lớn khi họ sống cạnh nhau. Ngạn ngữ Trung Quốc có câu hai con hổ không sống trên cùng một ngọn núi.

 

Tương tự, chúng ta có hai cường quốc ở đây có chung một đường biên giới quá lớn 3788 km và cả hai đều muốn là thủ lĩnh của Châu Á. Khi quý vị nhìn lại cuộc chiến năm 1962, cuộc chiến này đã không giải quyết dứt điểm vấn đề đường biên giới, nhưng cuộc chiến này sau đó khẳng định thế thống trị của Trung Quốc ở cấp khu vực.

 

Trung Quốc từ đó tự khẳng định lại mình là một cường quốc ở Châu Á. Khi chúng ta nhìn sự việc từ góc độ lịch sử, trước đó, Trung Quốc đã là một quốc gia rơi vào tình trạng suy đồi, bị tất cả các cường quốc phương Tây ngược đãi, tuy chưa từng bị đô hộ nhưng đã trải qua một tình huống nhục nhã như chế độ thuộc địa với tất cả những hiệp ước bất bình đẳng. Và cuộc chiến tranh năm 1962 cùng với chiến tranh Triều Tiên, khi Trung Quốc kháng cự sức ép từ Mỹ đã khiến thế giới hiểu rằng Trung Quốc của Mao Trạch Đông là một cường quốc.

 

Vì vậy, kể từ thời điểm điều này được khẳng định, thì Ấn Độ lại bị mất đi vị thế của mình ở bên ngoài môi trường khu vực. Ấn Độ vẫn có ảnh hưởng mạnh mẽ tại Sri Lanka, Nepal, v.v… nhưng người ta không còn xem Ấn Độ là trung tâm Châu Á. Nước này vẫn cố gắng đóng một vai trò quan trọng, nhưng ý tưởng về khả năng lãnh đạo tự nhiên của Ấn Độ đã bị phai nhạt từ thời điểm đó.

 

*

Giai đoạn thứ hai đi từ hậu thập kỷ 1960 cho đến năm 2000. Căng thẳng giữa hai nước tạm thời hòa dịu. Cuộc chiến tranh 1962 ít nhiều đã "phân chia thắng bại", vị thế cường quốc nghiêng về phía Trung Quốc, nhưng những rắc rối về biên giới vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm.

 

Didier Chaudet : Trong giai đoạn hậu những năm 1960 cho đến năm 2000, quý vị có một thời kỳ yên tĩnh nhất định. Trước tiên bởi vì chiến tranh đã xử lý vấn đề này, tuy không hẳn dứt điểm vấn đề biên giới, bởi vì Trung Quốc biết rất rõ là nếu họ đẩy cuộc chiến đi quá xa, Liên Xô rất có thể xoay qua chống lại Trung Quốc. Và điều đó thực sự là một vấn đề cho Trung Quốc, vì nước này chưa đủ mạnh để tiến hành chiến tranh ở cả hai mặt trận, nhưng chí ít, vấn đề về vị thế đã được giải quyết và phía Ấn Độ, thì họ tập trung vào chính sách khu vực.

 

Rồi Chiến Tranh Lạnh kết thúc, thời điểm để cả hai nước Ấn Độ cũng như Trung Quốc tập trung vào phát triển kinh tế và nhiều vấn đề khác khiến những căng thẳng được coi là thứ yếu và đó là lý do tại sao trong giai đoạn từ đầu những năm 80 cho đến thập niên 2000, người ta thấy Ấn Độ và Trung Quốc nói chuyện với nhau, cố gắng cải thiện mọi việc ở biên giới, hạ nhiệt căng thẳng.

 

Tôi lấy ví dụ về giao thức năm 2016, quy định rằng tại những khu vực mà binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ có thể gặp nhau trên cùng một vùng lãnh thổ, họ không được phép mang vũ khí nhằm tránh sự cố dẫn đến đôi bên nã súng vào nhau…

 

*

Cuối cùng là giai đoạn hậu kết thúc Chiến Tranh Lạnh. Ấn Độ đã bắt đầu có những thay đổi sâu sắc về chính sách đối ngoại, nhất là kể từ khi đảng chính trị của ông Narendra Modi lên cầm quyền. Một thời kỳ căng thẳng, cạnh tranh mới giữa Ấn Độ và Trung Quốc lại mở ra.

 

Didier Chaudet : Nhưng thực tế trong thời kỳ này, Ấn Độ có những biến đổi sau Chiến tranh Lạnh. Chúng ta thấy Ấn Độ ngày càng trở nên thân Mỹ hơn, hoặc ít nhất là gần gũi với Mỹ hơn, từ bỏ diễn ngôn xã hội hóa, trở nên tư bản hơn, cởi mở hơn với phương Tây, sẵn sàng hợp tác với Mỹ, hợp tác với Israel.

 

Điều này cũng gắn liền với tiến triển ở trong nước, không chỉ về kinh tế mà cả trong chính trị với sự trỗi dậy của đảng chính trị mới thời kỳ đó là BJT – đảng cánh hữu. Trên thực tế, đó là một sự kết hợp giữa cánh hữu cứng rắn và cánh hữu ôn hòa tại Ấn Độ. Ngay khi thành lập, BJT đã gắn liền với giới doanh nhân, những người chỉ muốn kiếm tiền với Hoa Kỳ, muốn làm kinh doanh và những người mang tư tưởng bản sắc, những người Hindu cực hữu.  

 

-----

Trong phần II kế tiếp, chuyên gia địa chính trị các vùng Trung – Nam Á sẽ nói về những thay đổi trong chính sách đối ngoại của « Ấn Độ, từ phi liên kết đến đa liên kết ». Mời quý vị theo dõi tiếp.





No comments:

Post a Comment

View My Stats