Wednesday, 9 November 2022

TỪ "XẾP HÀNG CẢ NGÀY" ĐẾN "XUỐNG HỐ CẢ NÚT" (Lâm Công Tử / Saigon Nhỏ)

 



Từ “xếp hàng cả ngày” đến “xuống hố cả nút”

Lâm Công Tử  -  Saigon Nhỏ
8 tháng 11, 2022

https://saigonnhonews.com/thoi-su/viet-nam/tu-xep-hang-ca-ngay-den-xuong-ho-ca-nut/

 

Báo chí Việt Nam không biết từ lúc nào khi viết đến chữ “Xã Hội Chủ Nghĩa” đều đồng loạt… viết tắt. Cụm từ XHCN đương nhiên chỉ định cho xã hội chủ nghĩa và người dân cứ như thế mà hiểu mà theo.

 

Mà người dân theo và hiểu theo cách riêng của họ. XHCN cũng đương nhiên trong lòng người dân, trong các quán café cóc, trong bàn tiệc bạn bè, trong lúc chị em ngồi tán gẫu… trở thành “xếp hàng cả ngày”. Nó cũng chỉ ra rằng chỉ ở những nơi lú lẫn “xã hội chủ nghĩa” mới xảy ra cái vấn nạn xếp hàng cả ngày mà thôi.

 

Còn nhớ vào ngày 28 Tháng Tư 1975, tức còn hai ngày nữa thì Sài Gòn được “hoàn toàn giải phóng”, cả thành phố sống trong hồi hộp, tán loạn. Ai về nhà nấy đóng cửa chờ đợi một điều gì đó khó tưởng tượng sẽ xảy ra. Ngoài đường xe ít hơn lúc thường nhưng lạ một điều là xăng bỗng nhiên khan hiếm. Người ta ùn ùn chạy về hướng Long An, Bình Chánh mua xăng về trữ vì giá chênh lệch khá lớn. Những chiếc xe gắn máy đèo hai bình nhựa hai bên hông chứa đầy xăng về Sài Gòn bán lẻ, đủ kiếm sống cho những ngày sống trong hồi hộp lo âu.

 

Rồi sau đó dần dần trở lại bình thường một thời gian ngắn cho tới hai năm sau đó, xăng lại bắt đầu khan hiếm. Lúc này nhà nước ra lệnh cấm bán xăng lẻ trên đường phố. Thế là hiện tượng “cây xăng cục gạch” xuất hiện. Người ta mua xăng lậu từ những chiếc xe bồn, từ những cây xăng vẫn còn bị nhà nước quản lý… Những lít xăng cất giấu phía sau nhà khi khách tới mua thì mang ra lấm la lấm lét đổ vào bình cho khách. Những cục gạch đơn giản trở thành biểu tượng cây xăng đã “sống mãi” trong lòng người dân trong nhiều chục năm cho tới khi đợt đổi mới xảy ra thì mới dần biến mất.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/11/cay-xang-cuc-gach_621616515222.jpg

“Cây xăng” nhỏ nhất thế giới (ảnh: báo PhuNu)

 

Nhưng dù sao thì cây xăng cục gạch vẫn tốt hơn chế độ mậu dịch, quốc doanh mà người dân miền Bắc từng sống hơn nửa thế kỷ. Những dòng người xếp hàng chờ mua thực phẩm bằng tem phiếu vẫn là nỗi ám ảnh của hàng triệu người, và cụm từ XHCN trở thành “xếp hàng cả ngày” cũng từ miền Bắc mà ra. Những đồng bào tội nghiệp hiểu hơn ai hết miếng thịt heo mậu dịch, mét vải thô hay vài ký đường xứng đáng để xếp hàng cả ngày để được mua nó như thế nào. Không những xếp hàng cả ngày mà nhiều người thậm chí xếp hàng cả đời để được một chân tài xế cho cán bộ cấp cao, vốn là nỗi khao khát của không ít người dân miền Bắc, kể cả bây giờ.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/11/photo-1-16677286811381971555921-crop-1667728987988477648902.jpg

Xăng hiếm nhưng từ đâu mà xăng lại được bày bán vỉa hè khắp nơi? (ảnh: TT)

 

Xếp hàng cả ngày chưa bao giờ hết ám ảnh người dân cả nước. Hơn 40 năm sau ngày “cây xăng cục gạch” xuất hiện, nó vẫn nằm đâu đó trong tiềm thức người dân, cho tới tháng này mọi sự bắt đầu vào guồng quay… cũ. Trước nhất là xếp hàng mua xăng cả ngày, kế đến là cây xăng cục gạch dần dần xuất hiện. Tuy nhiên, rất nhanh và kịp thời, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên ký và ban hành Chỉ thị số 09/CT-BCT về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu. Chỉ thị này nêu việc “Xử nghiêm hành vi bán xăng qua thùng, can, chai”… Nhưng hỡi ơi, cứ mỗi lần có lệnh cấm thì nhân dân lại càng… thi nhau vi phạm.

 

Bắt đầu từ Sài Gòn rồi sau đó dần dần lan ra vài tỉnh khác, hàng ngàn cây xăng ban đầu từ chối bán xăng cho người dân rồi sau đó đổ xăng theo tiêu chuẩn do… cây xăng quy định: Xe nào được đổ bao nhiêu lít một ngày…, cho tới lúc từ chối hẳn không bán xăng nữa với lý do: Hết xăng. Ừ thì hết xăng nên không còn bán nữa là phải rồi, nhưng xăng ở đâu mà chạy ra “cây xăng cục gạch” với giá cao hơn vài ngàn một lít? Thì từ cây xăng nhà nước chứ không lẽ từ mấy cái mỏ dầu ở Biển Đông?

 

Cây xăng đóng cửa, tuồn xăng ra ngoài bán chui là hình thức tự cứu mình trước các quyết định duy ý chí và hoàn toàn sai nguyên tắc kinh tế thị trường. Thuế và việc kềm giá xăng không cho tăng là hai nguyên nhân gây ra việc khan hiếm xăng hiện nay. Mỗi một lít xăng gánh hơn 44% thuế phí và các khoản quy định khác đã làm giá xăng bán ra tăng, trong khi giá cho phép doanh nghiệp tăng trên mỗi lít chỉ làm cho vui, cho người bán xăng hy vọng về một ngày mai giá bán ra sẽ theo kịp thuế.

 

Những loại thuế phí như: Thuế nhập khẩu (10%); Thuế tiêu thụ đặc biệt (7-10%); Thuế bảo vệ môi trường (1.000 – 4.000 đồng/lít); Thuế giá trị gia tăng (10%); Chi phí kinh doanh định mức (950 – 1250 đồng/lít); Lợi nhuận định mức (300 đồng/lít); Mức trích lập Quỹ bình ổn giá (300 đồng/lít)… cộng vào mỗi lít xăng không những làm cho nhân dân khốn đốn mà các doanh nghiệp xăng dầu cũng thấy trước mắt là sự phá sản không thể tránh khỏi. Tiền của mang ra đầu tư bị nhà nước khống chế giá bán nhưng vô tư cộng các loại thuế trời ơi vào xăng thì làm sao chịu cho thấu?

 

Chờ đợi lên giá bằng cách tung ra cây xăng cục gạch tuy là giải pháp tiêu cực nhưng cũng làm cho xã hội thấy thêm mặt trái của nền kinh tế xếp hàng cả ngày. Ông TBT Đảng từng than thở không biết đến cuối thế kỷ này có tìm thấy XHCN hay không thì nhân dân chứng minh họ tinh tế hơn ông ta rất nhiều. Khi phải xếp hàng cả ngày thì cái thứ XHCN mà ông Trọng sang tới Bắc Kinh tìm kiếm chỉ là ảo tưởng rất mờ mịt, kể cả cái vòng lục lạc mà ông ta được Tập bệ hạ phân phát để tuyên dương tinh thần đạp lên sự thật của ông ta cũng không giá trị gì khi so với một lít xăng cụ thể.

 

Đối với ông Trọng và Đảng của ông ta dù xếp hàng cả trăm năm nữa để tìm kiếm XHCN cũng không sao vì bọn ông ta đã giao phó cho các đảng viên trung kiên đặt cục gạch hộ trong dòng người dài lê thê đó rồi. Còn chính ông ta và đồng bọn cao cấp thì ngồi một chỗ kín đáo đếm tiền, kín đáo phân ghế và kín đáo chọn kẻ nào phải vào lò để che bớt khuôn mặt rất đen tối của ông ta và đồng bọn. Thì ra, xếp hàng cả ngày cũng là một nghệ thuật, thứ nghệ thuật mà chỉ có XHCN mới có.





No comments:

Post a Comment

View My Stats