Wednesday 30 November 2022

"LO MÀ HỌC, ĐỪNG QUAN TÂM ĐẾN CHÍNH TRỊ" (Nguyễn Trường Sơn)

 



"Lo mà học, đừng quan tâm đến chính trị"   

Nguyễn Trường Sơn

29-11-2022  01:10 

https://fr-fr.facebook.com/truongson.nk/posts/pfbid0eqJoAhs3JxfzxPYRXEb21uZHwJGoddom9DErw38Z7fYtSkZKiWB5WSkdNHMWY27Ql

 

Buổi sáng hôm nay khi tới trường tôi đã thấy các bạn sinh viên dán mấy tờ giấy A4 lên tường nhằm ủng hộ phong trào biểu tình bên Trung Quốc, và thể nào mấy hôm tới sinh viên trường tôi cũng tổ chức biểu tình.

 

Điều này thực ra không bất ngờ, bời vì trước giờ thì sinh viên Đài Loan vẫn rất hăng hái tham gia chính trị, chí ít là trên phương diện thảo luận, và họ rất quan tâm đến Trung Quốc.

Theo học ở Đài Loan khiến tôi không khỏi nghĩ về quãng thời gian sinh viên của mình ở Hà Nội. Lúc đó đang diễn ra phong trào biểu tình chống Trung Quốc chiếm đóng phi pháp các đảo, bãi đá trên Biển Đông. Bản thân tôi cũng tham gia nhiều lần.

 

Nhưng thay vì được khuyến khích thì nhà trường lại tìm cách ngăn cản. Điều này xảy ra với hầu hết các bạn sinh viên ở các trường khác cùng tham gia phong trào biểu tình lúc đó. Có trường còn dọa đuổi học nếu sinh viên không chấm dứt việc đi biểu tình.

 

Và lời khuyên kinh điển luôn là "lo mà học, đừng quan tâm đến chính trị".

 

Có lẽ đến bây giờ thì sinh viên ở nước ta vẫn nhận được lời khuyên này.

 

Đó là sự khác biệt giữa môi trường học thuật ở Việt Nam với các nước Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, và bây giờ là cả Trung Quốc.

 

Trước nay có lẽ nhiều người vẫn cho rằng Trung Quốc cũng tương tự như Việt Nam. Đều có nền giáo dục chú trọng vào việc "tẩy não", thay vì khai phóng. Tức là gò ép sinh viên vào một khuôn khổ nhất định thay vì khuyến khích tư duy. Và do đó sinh viên ở hai nước này đều xa lánh chính trị. Nhưng, những gì đang diễn ra ở Trung Quốc lại cho thấy định kiến trên là không hoàn toàn chính xác.

 

Trên thực tế thì sinh viên ở Trung Quốc hiện đang tham gia tích cực vào phong trào biểu tình đòi thay đổi chính sách, và yêu cầu tự do. Họ tổ chức biểu tình ở ngay ngôi trường mình theo học, hoặc xuống đường. Nếu không biểu tình tập thể thì cũng bày tỏ chính kiến một mình.

 

Đây là điều chưa từng xảy ra ở Việt Nam kể từ năm 1975.


Có lẽ có nhiều nguyên do dẫn đến việc sinh viên Việt Nam không mặn mà với chính trị. Từ chính sách giáo dục, các vấn đề kinh tế-xã hội, văn hoá, và cả môi trường chính trị trong nước. Nhưng lại nhớ hồi tôi còn là sinh viên, thì điều khiến sinh viên xa lánh chính trị nhất vẫn là những câu hỏi căn bản như sau:

 

Để làm gì? Có giải quyết được gì không?

 

Thế là các cuộc tranh luận cứ dồn vào khía cạnh đó, tất cả đều không đi đến đâu, vì rõ ràng để chứng minh lợi ích ngay trước mắt của việc tham gia bàn luận chính trị, hay biểu tình, là bất khả thi.

 

Trong nhiều video quay lại các cuộc biểu tình ở Trung Quốc thì có một đoạn video ngắn khiến tôi chú ý. Hai bạn sinh viên trẻ, một nam một nữ, tham gia biểu tình và được hỏi vì sao họ có mặt ở đó. "Vì đây là nghĩa vụ của tôi", cả hai đáp.

 

Đến đây thì tôi nhận ra giới trẻ Trung Quốc đã đi trước các bạn cùng thế hệ ở Việt Nam rất nhiều.

 

Thậm chí nội dung của các cuộc biểu tình cũng cho thấy sự trưởng thành về mặt chính trị của thế hệ trẻ Trung Quốc.

 

Bằng chứng là họ nhắm đích danh Tập Cận Bình và đảng Cộng Sản. Quy trách nhiệm cho người đứng đầu đất nước và đảng cầm quyền khi chính sách mà họ ban hành tạo ra đau khổ cho nhân dân, chính là sự trưởng thành trong chính trị. Chứ không phải bài ca "bản chất của đảng là tốt, chỉ có một vài con sâu làm rầu nồi canh", vốn vẫn được ca đi ca lại ở Việt Nam.

 

Nhớ hồi năm 2017, tôi có dịp gặp một nhóm luật sư tới từ Trung Quốc với tư cách khách mời, để trình bày về phong trào dân chủ ở Việt Nam. Đến giờ tôi vẫn nhớ như in vẻ mặt u sầu của họ sau khi nghe tôi trình bày, vì họ cho rằng Trung Quốc sẽ có dân chủ sau Việt Nam. Như thể họ cho đó là một sự hổ thẹn.

 

Bây giờ, khi chứng kiến phong trào biểu tình trên khắp Trung Quốc. Dù lý trí có mách bảo khả năng để phong trào này tạo ra một cuộc cải tổ chính trị ở Trung Quốc là rất thấp. Nhưng tôi không khỏi cảm thấy đượm buồn. Đến lượt tôi cảm thấy hổ thẹn vì giờ đây có vẻ như người Trung Quốc đã vượt lên.

 

Hình : https://www.facebook.com/photo.php?fbid=5672741119478349&set=a.144450858974097&type=3&eid=ARB_xHO-ahMvlyb0BDVdfJCzobe3nM9AYFcS7w4uZmK3kxmmKAPvU7gR4bcYyGcOuh0teYTbIXR7Zu-F

 


6 BÌNH LUẬN





No comments:

Post a Comment

View My Stats