Wednesday, 30 November 2022

CHIẾN LƯỢC ẤN - THÁI CỦA CANADA CHỈ RÕ MỐI NGUY TỪ TRUNG QUỐC (Phan Hoài Minh, RFA)

 



Chiến lược Ấn Thái của Canada chỉ rõ mối nguy từ Trung Quốc

Bài phân tích của Phan Hoài Minh
2022.11.30

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/canada-indian-pacific-strategy-warns-of-china-s-threat-11302022122557.html

 

Ngày 27/11, Canada đã công bố Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương,[1] vốn được chờ đợi từ lâu, của riêng mình nhằm “thúc đẩy hòa bình khu vực cũng như những lợi ích an ninh của Canada”, đồng thời cam kết đối phó với một Trung Quốc “ngày càng gây rối”.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/canada-indian-pacific-strategy-warns-of-china-s-threat-11302022122557.html/@@images/390cbddb-9e1e-45ef-ade7-c9a7ea259afa.jpeg

Cờ Canada và cờ Trung Quốc

 

Tài liệu chiến lược dài 26 trang này được công bố trong bối cảnh sự trỗi dậy của Trung Quốc, bất chấp các chuẩn mực và quy tắc quốc tế, có tác động to lớn đến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cũng như tham vọng của Bắc Kinh trở thành cường quốc hàng đầu trong khu vực.

 

Tăng cường can dự Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

 

Theo bản chiến lược, Canada xác định Ấn Ðộ Dương-Thái Bình Dương sẽ đóng vai trò quan trọng xuyên suốt tiến trình định hình tương lai của nước này trong nửa thế kỷ tới. Chính phủ của Thủ tướng Justin Trudeau nhấn mạnh mọi vấn đề quan trọng đối với người dân Canada - bao gồm an ninh quốc gia, kinh tế thịnh vượng, tôn trọng luật pháp quốc tế, các giá trị dân chủ, y tế cộng đồng, bảo vệ môi trường và quyền con người - sẽ được định hình bởi các mối quan hệ của quốc gia Bắc Mỹ (cùng các đồng minh và đối tác) với các nước trong khu vực Ấn Ðộ Dương-Thái Bình Dương.

 

Canada khẳng định Ấn Ðộ Dương-Thái Bình Dương đang mang đến những cơ hội mới, đòi hỏi một sự thay đổi mang tính thế hệ trong chính sách đối ngoại của Canada, để đảm bảo cho người dân nước này và người dân trong khu vực được hưởng lợi từ sự tham gia của Canada. Giai đoạn năm năm đầu tiên trong chiến lược Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương của Canada bao gồm các sáng kiến mới, với nguồn vốn đầu tư 1,72 tỷ USD.

 

Ấn Ðộ Dương-Thái Bình Dương hiện là khu vực có tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhất thế giới. 40 quốc gia tại khu vực này đang chiếm tới 37.400 tỷ USD về hoạt động kinh tế. Ðến năm 2030, đây sẽ là nơi sinh sống của 2/3 tầng lớp trung lưu toàn cầu. Dựa trên mối quan hệ lịch sử, văn hóa của Canada với Ấn Ðộ Dương-Thái Bình Dương và hàng chục năm gắn bó với các đối tác trong khu vực, chính sách vừa được công bố thể hiện cam kết mạnh mẽ của Canada về việc đầu tư vào các nguồn lực, vì tương lai và lợi ích của Ottawa cũng như của khu vực.

 

Phát biểu tại cuộc họp báo công bố chiến lược ở thành phố Vancouver, Ngoại trưởng Melanie Joly nhấn mạnh: “Tương lai của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là tương lai của chúng tôi và chúng tôi có vai trò trong việc định hình nó. Để làm được như vậy, chúng tôi cần phải là một đối tác thực sự đáng tin cậy”. Bà Joly cho biết chiến lược gửi một thông điệp rõ ràng tới khu vực rằng “Canada đang ở đây và có thể tin tưởng vào chúng tôi”.[2]  

 

Chính quyền do Đảng Tự do của Thủ tướng Canada Justin Trudeau lãnh đạo muốn đa dạng hóa các mối quan hệ thương mại và kinh tế, vốn rất phụ thuộc vào Mỹ. Các số liệu chính thức vào tháng 9 cho thấy thương mại song phương với Trung Quốc chiếm chưa đến 7%, so với mức 68% đối với Mỹ. Việc Canada tiếp cận các đồng minh châu Á diễn ra trong bối cảnh Washington cũng có dấu hiệu ngày càng ngờ vực về thương mại tự do trong những năm gần đây.

 

Tài liệu này cũng nhấn mạnh đến thế tiến thoái lưỡng nan của Canada trong việc thắt chặt các mối quan hệ với Trung Quốc, vốn mang lại những cơ hội đáng kể cho các nhà xuất khẩu Canada, thậm chí khi Bắc Kinh đang hướng đến việc định hình một trật tự quốc tế để hướng đến “một môi trường dễ chấp nhận hơn đối với các lợi ích và giá trị ngày càng khác biệt so với của chúng ta”.

 

Thách thức mang tên Trung Quốc

 

Canada nỗ lực làm sâu sắc quan hệ với khu vực Ấn Ðộ Dương-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, trọng tâm trong chiến lược của Canada là Trung Quốc khi tên quốc gia này được nhắc đến hơn 50 lần, ở thời điểm quan hệ song phương đang nguội lạnh.

 

Tài liệu đánh giá nền kinh tế Trung Quốc mang lại những cơ hội đáng kể cho các nhà xuất khẩu Canada, nhưng Bắc Kinh cũng đang “tìm cách định hình trật tự quốc tế thành một môi trường để phục vụ cho những lợi ích và giá trị ngày càng rời xa Ottawa”. Thế nên, Canada sẽ siết chặt các quy định về đầu tư nước ngoài để bảo vệ tài sản trí tuệ và ngăn chặn các công ty Trung Quốc thâu tóm các nguồn cung khoáng sản quan trọng. Canada cũng sẽ tăng cường sự hiện diện của hải quân trong khu vực và “đẩy mạnh sự tham gia của quân đội và tình báo như một phương tiện để giảm thiểu hành vi cưỡng ép và các mối đe dọa đối với an ninh khu vực”.

 

Dù vậy, tài liệu cũng cho biết sự hợp tác với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là cần thiết để giải quyết một số “áp lực hiện hữu của thế giới”, bao gồm biến đổi khí hậu, y tế toàn cầu và phổ biến vũ khí hạt nhân. Chiến lược này nhấn mạnh: “Trung Quốc đang ngày càng trở thành một cường quốc toàn cầu gây vấn đề. Cách tiếp cận của chúng ta... được định hình bằng sự phân tích thực tế và rõ ràng về Trung Quốc của ngày nay. Trong các khu vực có bất đồng sâu sắc, chúng ta sẽ thách thức Trung Quốc”.

 

Canada đầu tháng này đã yêu cầu ba công ty Trung Quốc bán các khoản đầu tư vào thị trường khoáng sản quan trọng của Canada, viện dẫn lý do an ninh quốc gia.

 

Tài liệu này, trong phần đề cập đến Trung Quốc, có nói Ottawa sẽ xem xét và cập nhật điều luật, cho phép Canada có thể hành động “quyết đoán khi các khoản đầu tư từ những doanh nghiệp nhà nước và các thực thể nước ngoài khác đe dọa đến nền an ninh quốc gia, bao gồm chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng của chúng ta”.

 

Tài liệu cũng cho biết Ottawa đang tham gia trong khu vực cùng các đối tác như Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Theo chiến lược này thì Canada cần trao đổi với các quốc gia có những bất đồng mang tính nền tảng, nhưng không nêu tên quốc gia cụ thể.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/canada-indian-pacific-strategy-warns-of-china-s-threat-11302022122557.html/000_32nd7lx.jpg/@@images/63728115-9c1a-4881-8160-7a865b7a74b7.jpeg

Thủ tướng Canada Justin Trudeau bắt tay Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Thượng đỉnh ASEAN - Canada ở Phnom Penh hôm 12/11/2022. AFP

 

Quan hệ Việt Nam - Canada

 

Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Canada sẽ là một tài liệu quan trọng để các quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam cần xem xét kỹ. Nếu như việc phát triển quan hệ với Mỹ, Việt Nam đang lừng chừng vì lo ngại sự đe doạ từ Trung Quốc, nhưng với Canada thì không có lý do gì để Việt Nam lo ngại, vả lại Canada lại là đồng minh thân thiết của Mỹ.

Việt Nam và Canada vốn có mối quan hệ truyền thống rất tốt đẹp. Năm 2022 là năm đánh dấu mốc kỷ niệm năm năm thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện (2017-2022) và hướng tới 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2023) giữa Việt Nam và Canada. Kể từ khi xác lập quan hệ Đối tác toàn diện, giữa hai quốc gia đã có các nguyên tắc cơ bản định hướng cho quan hệ đôi bên. Các phương hướng cũng như biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác được tập trung vào bảy lĩnh vực, đó là: Chính trị - ngoại giao, thương mại - đầu tư, hợp tác phát triển, quốc phòng - an ninh, văn hóa - giáo dục, khoa học - công nghệ và giao lưu nhân dân. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến lĩnh vực thương mại - đầu tư và giáo dục và đào tạo.

Trong quan hệ ngoại giao - chính trị, Việt Nam và Canada đã khẳng định đề cao việc tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982; nhất trí tiếp tục hợp tác chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế như Liên hợp quốc, APEC, ASEAN, Cộng đồng Pháp ngữ Francophonie.[3]

 

Bản Chiến lược này cũng khẳng định Canada sẽ tăng cường sự hiện diện hải quân trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và “tăng cường năng lực tham gia quân sự và tình báo cũng như các phương tiện để giảm thái độ mang tính cưỡng ép và những đe dọa đến an ninh trong khu vực”. Đây cũng sẽ là điều mà Hà Nội cần, vì việc những quốc gia như Canada tham gia tuần tra và bảo vệ tự do hải hành trên Biển Đông là rất cần thiết, khi các hành động hung hăng của Trung Quốc ở đây ngày càng leo thang.

 

Bộ trưởng Quốc phòng Canada Anita Anand đã phát biểu trong một cuộc họp báo riêng rằng điều này sẽ bao gồm việc huy động thường niên ba tàu khu trục đến khu vực (hiện tại là hai tàu), cũng như sự tham gia của các phi công và binh lính Canada trong các cuộc tập trận quân sự của khu vực.[4]

 

Trong chuyến viếng thăm Hà Nội hồi tháng 4 năm nay, Ngoại trưởng Canada đã nêu rõ:

 

Chúng tôi muốn củng cố Việt Nam, cũng như trong ASEAN, trong hình thức đa phương của ASEAN. Chúng tôi tin rằng, với tư cách là một quốc gia, Canada phải tôn trọng cách tiếp cận của các thành viên ASEAN và vì các thành viên của ASEAN, chúng tôi không ở đó để áp đặt tầm nhìn của mình. Chúng tôi ở đó để làm việc với Việt Nam, để làm việc với các nước ASEAN. Và chúng tôi nghĩ rằng đó là cách tốt nhất để đảm bảo rằng có sự ổn định trong khu vực và sự ổn định đó sẽ giúp phát triển kinh tế và thương mại.”[5]

 

Với cách tiếp cận này của Canada, chúng ta có thể so sánh với cách tiếp cận mang tính cưỡng bức và đe doạ từ Bắc Kinh. Việc rất nhiều quốc gia phát triển trên thế giới, trong đó có Canada xác định rõ mối nguy mang tên Trung Quốc cũng sẽ giúp Việt Nam có cách nhìn đúng và khách quan hơn đối với láng giềng “bốn tốt, mười sáu chữ vàng” này.

_______________

 

Tham khảo:

 

[1] https://www.international.gc.ca/transparency-transparence/indo-pacific-indo-pacifique/index.aspx?lang=eng

 

[2] https://www.rfi.fr/en/international-news/20221128-canada-unveils-new-asia-pacific-strategy-with-eye-on-china

 

[3] https://consosukien.vn/viet-nam-canada-nang-tam-quan-he-doi-tac-toan-dien.htm

 

[4] https://www.voanews.com/a/canada-to-boost-defense-cybersecurity-in-indo-pacific-policy/6852296.html

 

[5] https://vietnamnews.vn/politics-laws/1173708/canada-sees-viet-nam-as-important-strategic-partner-in-indo-pacific-foreign-minister.html

 

-----------------------------------------------------------------

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.





No comments:

Post a Comment

View My Stats