Saturday 26 November 2022

HIMARS THÀNH BIỂU TƯỢNG CHIẾN TRANH UKRAINA, VŨ KHÍ MỸ LỂN NGÔI (Thụy My / RFI)

 



Himars thành biểu tượng cuộc chiến tranh Ukraina, vũ khí Mỹ lên ngôi

Thụy My  -  RFI

Đăng ngày: 26/11/2022 - 20:48

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20221126-himars-th%C3%A0nh-bi%E1%BB%83u-t%C6%B0%E1%B....AAn-ng%C3%B4i

 

Putin xâm lăng Ukraina khiến NATO hồi sinh, vai trò của Hoa Kỳ ngày càng bao trùm. Khí hóa lỏng của Mỹ thay cho khí đốt Nga, bắp Mỹ bù đắp vào số ngũ cốc bị Nga chặn, những loại vũ khí Mỹ đã chứng tỏ hiệu quả trên chiến trường Ukraina được săn lùng. Washington qua NATO đã đánh động các đồng minh về mối nguy từ Trung Quốc. Khoảng 500 nhà báo Nga đã chạy ra nước ngoài cũng góp sức chống lại các luận điệu của Kremlin.

 

https://s.rfi.fr/media/display/1164dbc0-6dc3-11ed-bd08-005056bfb2b6/w:1024/p:16x9/himars_03.webp

Ảnh tư liệu : Một thủy quân lục chiến Mỹ trên giàn Himars trong cuộc tập trận tại Georgia (Hoa Kỳ) ngày 13/06/2015. Giàn phóng rốc-kết cơ động tầm xa có độ chính xác cao Himars đã gây kinh hoàng cho quân Nga trên chiến trường Ukraina. AP - Corey Dickstein

 

Trang bìa L'Obs kỳ này dành cho người dẫn chương trình truyền hình Cyril Hanouna có nhiều ảnh hưởng mà tuần báo cho là nguy hiểm. Le Point tố cáo những trùm băng đảng mới, giàu có, bạo lực cùng các đường dây buôn ma túy. Courrier International nói về một thế hệ đấu tranh cho môi trường với các biện pháp gây chú ý. Trên trang nhất L'Express là tổng thống Mỹ Biden đang tươi cười, xung quanh nào là trực thăng, hỏa tiễn...chạy tựa « Hoa Kỳ, người thắng lớn trong cuộc chiến ».

 

NATO hồi sinh, Hoa Kỳ tăng ảnh hưởng

 

Tuần báo kể ra « Khí đốt, vũ khí, ngũ cốc, NATO...Từ địa chiến lược cho đến năng lượng hay kỹ nghệ, nước Mỹ của ông Joe Biden được lợi nhiều nhất từ cuộc chiến tranh Ukraina ». Theo L'Express, năm nay Biden giành được hai chiến thắng. Không chỉ làn sóng đỏ Cộng Hòa không tràn ngập được trong cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ, mà sự ủng hộ bền bỉ đối với Kiev khiến Hoa Kỳ thu được nhiều lợi ích mà không một anh GI nào phải đặt chân lên đất Ukraina.

 

Trước hết, cuộc xâm lăng đã làm NATO lấy lại sức sống. Lần đầu tiên kể từ 2005, số lính Mỹ trú đóng tại châu Âu được tăng lên 100.000, cho các đồng minh thấy có thể trông cậy vào Washington. Thông qua NATO, từ 24/02 Hoa Kỳ và châu Âu phối hợp được việc chuyển giao thiết bị quân sự cho Kiev. Theo Viện Kinh tế Thế giới Kiel, Lầu Năm Góc đã cung cấp 2,5 tỉ đô la vũ khí cho Ukraina trong số 15,2 tỉ được hứa. Nhà nghiên cứu Camille Grand giải thích, Washington chi quân sự bằng gấp hai đến ba lần so với tất cả các nước đồng minh cộng lại, thế nên đóng góp nhiều như vậy, chưa kể tình báo và tin học...

 

Cuộc chiến Ukraina làm gia tăng ảnh hưởng Mỹ trong NATO, vốn đã báo trước cuộc tấn công của Nga nhưng nhiều nước không chịu tin. Washington thông qua NATO cũng đã đánh động các đồng minh về nguy cơ từ Trung Quốc. Trong tương lai, thậm chí có thể mở rộng liên minh sang khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.

 

Khí đốt tăng giá, ngũ cốc bán chạy : « Món quà » của Putin cho Mỹ

 

Về năng lượng, châu Âu nay lệ thuộc vào khí hóa lỏng (GNL) của Mỹ. Trong khi Putin làm áp lực với robinet khí đốt, Hoa Kỳ cam đoan cung cấp thêm 15 tỉ mét khối khí hóa lỏng cho châu Âu trong năm nay. Các nhà cung cấp Mỹ có cơ hội sản xuất với giá rẻ và bán theo giá thị trường, một món quà từ trên trời rơi xuống. Chuyên gia năng lượng Denis Florin cho biết tiềm năng của nước Mỹ rất lớn, nhờ có sự đồng thuận về khai thác khí đá phiến, có mạng ống dẫn trải rộng ở nhiều nước và đầu tư quy mô vào các bến cảng.

 

Về ngũ cốc, chiến tranh Ukraina làm đảo lộn mọi thăng bằng, và châu Âu là một trong các nạn nhân. Trong thập niên qua, châu Âu mua bắp từ nhà cung cấp lớn nhất là Ukraina, nhưng nay sản lượng sút giảm và bị Nga cản trở không xuất khẩu được, các nhà nông miền trung tây nước Mỹ có thể thế chỗ.

 

Ngoài Hoa Kỳ, một số nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Algérie, Hàn Quốc cũng được lợi từ cuộc chiến tranh Ukraina, đặc biệt là Erdogan bỗng trở thành người trung gian không thể thiếu. Giá nguyên vật liệu tăng phi mã giúp các tập đoàn thương mại lớn có được lợi nhuận lịch sử. Các ông hoàng Ả Rập thì tha hồ làm mưa làm gió khi châu Âu loay hoay tìm nguồn dầu khí.

 

Himars, Javelin thành biểu tượng trong chiến tranh Ukraina

 

Đặc biệt kỹ nghệ quốc phòng Mỹ giờ đây làm không hết việc. Nếu tiêm kích Spitfire nổi bật trong Đệ nhị Thế chiến, B52 là biểu tượng cho cuộc chiến tranh Việt Nam, thì tại Ukraina không phải các phi cơ làm cho quân Nga phải rút chạy. Mà đó là Himars, các hỏa tiễn định hướng bằng GPS có thể tấn công mục tiêu cách xa đến vài chục cây số với độ chính xác vài centimet. Và Javelin, loại hỏa tiễn vác vai có tầm hoạt động 2.500 mét, có khả năng xuyên thủng bất kỳ loại xe bọc thép nào, gây khủng hoảng cho quân Nga trên chiển trường Ukraina. Cả hai đều được sản xuất bởi tập đoàn Lockheed Martin, nhà cung cấp vũ khí lớn nhất thế giới. Một thành công chiến lược vang dội cho cỗ máy chiến tranh Mỹ.

 

Cùng với Lockheed MartinRaytheon Technologies, Boeing, Northrop GrummanGeneral Dynamics, Hoa Kỳ giành trọn năm vị trí hàng đầu thế giới về vũ khí ; với doanh số gần 183 tỉ đô la, chiếm 40 % thị trường xuất khẩu. Kho vũ khí cạn dần vì viện trợ cho Ukraina, kỹ nghệ vũ khí phải ra sức sản xuất, chưa kể vô số nước đang phải lo khẩn cấp mua sắm.

 

Đứng đầu là Đức, muốn mua 35 chiến đấu cơ F-35, Hải quân Anh bỏ ra 300 triệu đô la mua hỏa tiễn Tomahawk, Hà Lan chi 1 tỉ đô la cho hệ thống phòng không Patriot, Estonia đặt hàng 6 giàn Himars và hỏa tiễn có tầm bắn 300 kilomet, Bulgari chi tổng cộng 1,3 tỉ đô la mua chiến đấu cơ F-16. Mới đây thứ trưởng quốc phòng Kathleen Heeks phải họp với các tập đoàn vũ khí yêu cầu tăng tốc sản xuất, để đề phòng trường hợp phải can thiệp khi Trung Quốc xâm lăng Đài Loan.

 

Thản nhiên trước sự uy hiếp của hỏa tiễn Nga

 

Về tình hình Ukraina, đặc phái viên Le Point thuật lại « Ukraina : Tại vùng Bakhmut, chạy trốn hay là chết khi quân Nga tiến vào ». Le Point nói về « Cuộc săn lùng những kẻ nằm vùng sau khi Kherson được giải phóng ». Đó thường là những người lớn tuổi còn nuối tiếc Liên Xô và bị truyền hình Nga nhồi sọ. L'Express thuật lại « Tám tháng khủng hoảng và kháng chiến ở Kherson », The Economist nhận thấy dù đang chiến tranh « Ở Ukraina, sống như bình thường cũng là một cách kháng chiến ». Nhà hàng, tiệm buôn và ngay cả vũ trường tiếp tục hoạt động.

 

Mọi người đều biết mùa đông này sẽ khó khăn : cúp điện luân phiên, nhiệt độ có thể xuống đến -20°C, lạm phát tăng vọt, thất nghiệp 20-30 %. Đường phố rộn tiếng máy phát điện tư nhân. Tiệm ăn trữ sẵn đèn cầy, khi cúp điện thì thay đổi thực đơn, dọn những món xà-lách hay sandwich. Những siêu thị và trạm xăng ở Kiev vẫn mở cửa phục vụ khi Nga đánh vào thủ đô dù nguy hiểm và không mấy lời lãi, nay có thêm nhiều khách hàng trung thành. Ở các tiệm ăn, nhiều thực khách vẫn bình thản khi hồi còi báo động oanh kích nổi lên. Nếu trước đây, quán cà phê và nhà hàng là nơi để thư giãn, nay trở thành hoài niệm của một cuộc sống hạnh phúc trước chiến tranh.

 

Truyền thông Nga hải ngoại : Ngòi bút là kiếm sắc

 

Đối với người Nga, trong bài « Cây bút và thanh gươm », The Economist cho biết các « nhà báo hải ngoại » thách thức vương quốc dối trá của Vladimir Putin như thế nào. Theo trang web điều tra Proekt Media, đã có ít nhất 500 nhà báo Nga rời khỏi đất nước kể từ đầu cuộc xâm lăng. Sống rải rác ở khắp châu Âu, từ Riga (Latvia), Tbilissi (Gruzia), Vilnius (Litva) cho đến Berlin, Amsterdam, hầu hết các phóng viên này chưa đến 40 tuổi, có lượng độc giả cao.

 

Trang Meduza đã đưa tin về vụ thảm sát thường dân Ukraina ở Bucha và số lượng tù hình sự đông đảo tham gia lực lượng lính đánh thuê Wagner. Trang mạng Mediazona do hai cựu thành viên Pussy Riot thành lập, cố gắng thống kê số nạn nhân Nga dựa vào các nguồn mở, như số lượng kết hôn cao một cách bất thường. Được biết những người bị bắt quân dịch được phép đăng ký kết hôn trong cùng ngày, vì chẳng biết khi nào mới q về được. Mediazona ước lượng số bị bắt lính lên đến nửa triệu chứ không phải 300.000 như Kremlin thông báo. Một điều tuayra mới đây của báo mạng Insider phối hợp với Bellingcat tố cáo khoảng mấy chục kỹ sư và lập trình viên hướng dẫn cho hỏa tiễn Nga đánh vào các thành phố Ukraina.

 

Một số cơ quan truyền thông vẫn còn ở Nga, không bị dán nhãn « cơ quan nước ngoài » bị siết chặt. TV Rain, kênh truyền hình độc lập nổi tiếng nhất bị tắt suốt 8 ngày sau khi khởi đầu cuộc xâm lăng, nay dời sang Latvia và thông qua YouTube đưa tin cho 20 triệu khán giả/tháng. Đài Tiếng vọng Matxcơva có 5 triệu thính giả cũng phải im lặng, nay đóng ở Berlin, phát đi các thông tin và những buổi talk-show trực tiếp thông qua một ứng dụng smartphone mà Kremlin vẫn chưa chặn được. Hơn một chục báo mạng khác đi theo hướng báo chí điều tra. Trước chiến tranh, Nga đứng thứ 40 trong số các nước có nhiều người sử dụng VPN (mạng riêng ảo) để né kiểm duyệt, nay đứng đầu thế giới.

 

Putin « sống ở thế kỷ 21, chiến tranh như thế kỷ 20, tư tưởng thế kỷ 19 »

 

Trên L'Express, nhà văn từng đoạt giải văn chương Goncourt danh giá của Pháp năm 2006, ông Jonathan Littell kêu gọi không nên sợ hãi trước lời đe dọa dùng vũ khí nguyên tử của Putin. Đã chứng kiến tất cả các cuộc chiến của Vladimir Putin, từ Chechnya, Gruzia cho đến Syria, Ukraina với tư cách nhà hoạt động nhân đạo và nhà văn, ngay từ đầu cuộc xâm lăng ông đã nhấn mạnh cần tỏ ra không khoan nhượng trước Matxcơva.

 

Nhà văn mô tả « Putin là một người sống ở thế kỷ 21 nhưng lại tiến hành một cuộc chiến tranh theo kiểu thế kỷ 20, để đạt được những mục tiêu của thế kỷ 19 ». Ông giải thích, Putin tung ra một cuộc chiến tổng lực với xe tăng, pháo binh, hủy diệt hàng loạt thành phố…Trong khi những cuộc xung đột gần đây ở Irak, Afghanistan hoàn toàn khác biệt, với kỹ thuật gọn nhẹ hơn như vũ khí có độ chính xác cao, các lực lượng cơ động. Mục tiêu của Putin thì thuộc loại dân tộc chủ nghĩa đơn thuần trong thế kỷ 19, chối bỏ sự hiện diện của dân tộc Ukraina, coi họ chỉ là một nhánh của dân tộc Nga.

 

Các nhà lãnh đạo phương Tây nhất là Đức và Pháp mỗi lần Putin ra tay đều cố giảm nhẹ vấn đề. Chechnya bị cho là chuyện nội bộ, cuộc tấn công Gruzia năm 2008 thì chóng vánh và ít người chết, các « nước cộng hòa » ly khai là việc đã rồi. Năm 2014 khi Nga dấn lên sáp nhập Crimée và chiếm đóng Donbass, phản ứng tương đối yếu ớt vì Đức không muốn ảnh hưởng đến kinh tế. Matxcơva còn dùng tiền bạc để dẫn dụ, như trường hợp cựu thủ tướng Đức Gerhard Schroider và đồng nhiệm Pháp François Fillon.

 

Chế độ Putin sẽ dần sụp đổ ?

 

Trong bối cảnh hiện nay, Jonathan Littell hoàn toàn không cho rằng Nga dùng đến vũ khí nguyên tử. Ông tin là người Mỹ đã thông báo riêng về hậu quả, và Putin có lẽ đã hiểu. Bắc Kinh cũng đã công khai phản đối. Điều tệ hại nhất Putin đã và đang làm, là tấn công vào cơ sở hạ tầng để Ukraina phải chìm trong bóng tối và lạnh giá. Theo nhà văn, đừng quên rằng phương Tây mạnh hơn Nga nhiều, không nên quỵ lụy trước Matxcơva. Putin đã phá hoại đủ kiểu : cho nổ các đường ống ở biển Baltic, cho drone dọ thám các cơ sở chiến lược của Na Uy… Cần tạo mọi điều kiện để chế độ Putin phải sụp đổ, như duy trì áp lực quân sự, trừng phạt kinh tế, cung cấp vũ khí để Ukraina có thể giành chiến thắng.

 

Trả lời L’Express, giáo sư Daniel Treisman nhận thấy trị vì suốt 22 năm qua, Putin và chế độ của ông ta đã bị lão hóa, xơ cứng. Dần dà, những người xung quanh chỉ « tâu » lên những gì Putin muốn nghe. Hai tuần trước chiến tranh, tướng Leonid Ivachov đứng đầu một tập thể cựu chiến binh quan trọng, tuy là « diều hâu » nhưng vẫn khẳng định xâm lăng Ukraina là sai lầm. Quân đội Nga ý thức rõ hơn về những khiếm khuyết của mình, còn phe FSB thì lo giành trước những căn nhà vừa ý ở Kiev, tưởng rằng chỉ trong ba ngày là chiếm được thủ đô Ukraina.

 

Giáo sư nêu ra nhiều khả năng cho tương lai Putin, và theo ông « Một sự sụp đổ chế độ có thể xảy ra, thay vì đảo chánh ». Ông lý giải, Putin đã làm mọi cách để tránh rủi ro này. Các cơ quan FSB (tình báo), GRU (tình báo quân đội), FSO (bảo vệ yếu nhân) và Vệ binh Quốc gia giám sát lẫn nhau, và FSB cài nhân viên trong tất cả các đơn vị quân đội. Trong hệ thống cạnh tranh này, mỗi bên đều báo cáo những dấu hiệu đáng ngờ cho Vladimir Putin. Trong trường hợp Putin phải rời quyền lực, quá trình sụp đổ sẽ từ từ diễn ra với một loạt khủng hoảng, thay vì một cuộc đảo chánh.

 

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Trung Quốc đổ bộ chiếm Đài Loan ?

 

Nhìn sang châu Á, Le Point đặt vấn đề « Trung Quốc có thể thất bại trước Đài Loan hay không ? ». Trước tấm gương kháng chiến của Ukraina, mọi điều đều có thể nếu Bắc Kinh xâm lăng hòn đảo, và một thất bại sẽ khiến chế độ cộng sản phải trả giá đắt. Đa số chuyên gia cho rằng việc Trung Quốc tiến đánh Đài Loan khó thể xảy ra trong thời điểm hiện nay, Bắc Kinh luôn chờ đợi lúc thuận lợi nhất mới ra tay. Nhưng sự kiện Nga bất ngờ xua quân sang Ukraina khiến các nhà quan sát phải thận trọng.

 

Hãy hình dung ra kịch bản. Sau khi bắn đợt đầu hàng trăm hỏa tiễn đạn đạo và hỏa tiễn hành trình từ Hoa lục, cùng với tấn công tin học ồ ạt, hạm đội xâm lược gồm mấy trăm tàu chiến và tàu dân sự hướng về Đài Loan. Dù thiệt hại khá nhiều khi vượt qua eo biển, khoảng mấy chục ngàn lính Trung Quốc đổ bộ được trên hơn một chục bờ biển phía tây đảo chính của Đài Loan, trong khi biệt kích được thả dù xuống phía sau. Chính ở đây khó khăn bắt đầu : mặt đất sình lầy, đầy mìn bẫy, quân phòng thủ chống cự dữ dội. Đổ bộ vào lãnh thổ đối phương chưa bao giờ là chuyện dễ dàng. Cũng vì vậy mà Mỹ hồi năm 1944 rốt cuộc đã từ bỏ kế hoạch đổ bộ lên...Đài Loan (chiến dịch Causeway), lúc đó đang bị Nhật Bản chiếm đóng.

 

Bên thủ thường thuận lợi hơn bên công, và Ukraina là cú sốc khiến quyết tâm bảo vệ lãnh thổ của người Đài Loan tăng cao, ý tưởng kéo dài thời gian quân dịch nay được ủng hộ. Và nước Mỹ bước vào sân chơi. Tuy Đài Bắc không có được cam kết chính thức từ Washington, nhưng nếu Mỹ từ chối bảo vệ hòn đảo, cái giá phải trả sẽ rất lớn. Hoa Kỳ đứng trước nguy cơ Trung Quốc khóa lối vào Tây Thái Bình Dương, tự tin lao vào cuộc cạnh tranh ngôi vị hàng đầu thế giới. Và làm thế nào các đồng minh Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Úc, châu Âu...có thể tin tưởng được Mỹ ? Năm 2021, lần đầu tiên thăm dò dư luận cho thấy đa số người Mỹ ủng hộ một chiến dịch bảo vệ Đài Loan.

 

Hoa Kỳ sẽ huy động hải quân đóng ở Nhật Bản, trong khi các lực lượng ở Guam và Hawai nhanh chóng đến chiến địa. Tàu ngầm, chiến hạm, oanh tạc cơ và drone sẽ lao đến đánh chìm các tàu Trung Quốc ; thủy quân lục chiến Mỹ sẽ « nhảy cóc » từ đảo này sang đảo khác để tiêu hủy các cơ sở hạ tầng mà Bắc Kinh dựng lên trên các đảo nhỏ đang tranh chấp.

 

Lối thoát : Rút lui sau khi « cho Đài Bắc một bài học »

 

Ngược với Mỹ, Trung Quốc từ lâu không biết đến chiến tranh, cuộc xung đột ngắn ngủi với Việt Nam năm 1979 chẳng lấy gì làm vẻ vang cho Giải phóng quân Hoa lục. Dù được huấn luyện đầy đủ, quân đội của một nước độc tài vẫn không để các sĩ quan tác chiến có quyền quyết định, và hiệu quả vũ khí Trung Quốc cũng rất đáng ngờ. Tất nhiên khi bị thất thế, Bắc Kinh sẽ trả đũa. Có thể là kích hoạt các virus đã cài vào các hệ thống ở Mỹ trước đó, thậm chí phá hủy các vệ tinh cần cho tình báo và viễn thông. Để làm dư luận Mỹ hoảng sợ, Bắc Kinh cũng nghĩ đến việc dùng vũ khí nguyên tử, chẳng hạn thả xuống đảo Guam hoặc Hawai.

 

Trong giả thiết này, không quân và hải quân Hoa Kỳ sẽ tấn công ồ ạt vào các căn cứ và lực lượng Trung Quốc ở miền duyên hải, gây ra thiệt hại nghiêm trọng. Dân Trung Quốc liệu có sẵn sàng với một cuộc chiến trực diện như vậy hay không ? Chấp nhận thất bại hay bị tiêu diệt ? Lối thoát duy nhất cho chế độ Bắc Kinh là rút quân với lý do đã « dạy một bài học » cho ý định độc lập của Đài Loan.

 

David vẫn chưa thắng được Goliah. Đài Loan không có được một quân đội thiện chiến sau 8 năm chiến đấu như Ukraina. Còn Trung Quốc, từ nhiều năm qua đã chuẩn bị cho kịch bản xâm lược quy mô, cũng rút ra các bài học từ cuộc phiêu lưu của Putin, về vũ khí, chiến lược, cách tổ chức. Rất có thể Bắc Kinh tìm cách khuất phục Đài Loan mà không dùng đến vũ lực, như phá hoại chính trị, phong tỏa kinh tế.

 

Giáo sư Treisman cho rằng cần khẩn cấp răn đe để Bắc Kinh không sử dụng biện pháp cực đoan, vì kịch bản trên đây có thể làm kinh tế thế giới thiệt hại 2.500 tỉ đô la một năm. Về phía châu Âu sẽ không sẵn sàng « chết cho Đài Loan », và nếu tham gia về quân sự cũng không đóng góp được mấy, thậm chí còn làm vướng chân Mỹ. Chủ yếu là lo giữ sân nhà, và đóng góp vào việc duy trì tự do hàng hải ở Đông Nam Á chẳng hạn. Ngược lại, châu Âu có thể giúp răn đe bằng cách hạn chế sự lệ thuộc vào Trung Quốc, báo trước cho Bắc Kinh là các trừng phạt sẽ gây khốn đốn cho mô hình tăng trưởng mà chế độ đang dựa vào để làm nên quyền lực.

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats