Tuesday 29 November 2022

CUỘC CÁCH MẠNG GIẤY TRẮNG KHÁC Ở VIỆT NAM (Tuấn Khanh)

 



Cuộc cách mạng giấy trắng khác ở Việt Nam

Tuấn Khanh
29 tháng 11, 2022

https://saigonnhonews.com/thoi-su/viet-nam/cuoc-cach-mang-giay-trang-khac-o-viet-nam/

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/11/GettyImages-1445139558.jpg

 Biểu tình ủng hộ người dân Trung Quốc chống chính phủ Bắc Kinh tại Melbourne, Úc ngày 28 Tháng Mười Một 2022 (ảnh: Tamati Smith/Getty Images)

 

Không có dòng tin nào về diễn biến lớn đang xảy ra tại Trung Quốc trên các trang báo Việt Nam. Trong khi khắp mạng xã hội người Việt đều có những hình ảnh và tin tức liên quan sự tức giận của dân chúng, bùng nổ tại nhiều thành phố tại Trung Quốc vào cuối Tháng Mười Một 2022 thì báo chí dòng chính Việt Nam lại đẩy mạnh những câu chuyện về việc mùa Đông đang đến ở châu Âu với nỗi khốn khổ vì thiếu khí đốt Nga hoặc bạo loạn ở Bỉ sau trận thua tại World Cup.

 

Có thể thấy giới tuyên truyền viên và ban Tuyên giáo Việt Nam cũng hết sức bối rối trước bối cảnh này, mặc dù sự kiện đã dội đến Việt Nam gần một tuần. Lệnh trên đưa xuống là ngăn chặn các báo không được đưa tin tức nóng bỏng hiện có ở Trung Quốc, trong khi giới tuyên truyền viên thì vẫn chưa được chỉ đạo những ngôn ngữ hợp lý nào để phản bác lại những người đưa tin. Cho đến khi giới sinh viên và người dân Trung Quốc ở trên khắp thế giới bắt đầu hưởng ứng biểu tình thì người ta mới thấy xuất hiện một giọng điệu phê bình cũ mòn, rằng đó chỉ là những thành phần bất mãn chế độ nhân cơ hội, chứ còn thật ra đa số người dân Trung Quốc đều ủng hộ Tập Cận Bình.

 

Tại Trung Quốc, sự bất lực trong việc ngăn chặn tin tức của Bắc Kinh đã được tờ The Guardian phanh phui. Các tài khoản bot (giả) của Trung Quốc đang được sử dụng tối đa để làm tràn ngập các bề mặt truyền thông bằng quảng cáo dịch vụ khiêu dâm và cờ bạc, khi người dùng tìm kiếm tin về một thành phố lớn trong Trung Quốc, chẳng hạn Thượng Hải hoặc Bắc Kinh, hoặc sử dụng chữ viết Trung Quốc, với từ khóa liên quan. Các bài đăng đầy tính khuyến khích hưởng thụ được thiết kế để che khuất tin tức về các cuộc biểu tình ở Trung Quốc, trong một nỗ lực rõ ràng do nhà nước chỉ đạo nhằm ngăn chặn các tin tức hay video ghi lại các cuộc biểu tình.

 

Dĩ nhiên Hà Nội cũng không muốn lan truyền những hình ảnh mang tính đoàn kết và phẫn nộ của người dân Trung Quốc, với bối cảnh cũng rất quen thuộc ở Việt Nam vào một năm trước. Món nợ của chính quyền Bắc Kinh bất lực không thể đối phó được với giải pháp chống dịch, chỉ có cách duy nhất là giam nhốt người dân, dường như là một mô tả gián tiếp về sai lầm đang được chia đôi của hai nước liền kề nhau.

 

Nếu Việt Nam có một nền kinh tế dẻo dai và đủ mạnh, có lẽ giờ phút này nhiều thành phố ở Việt Nam vẫn đang tiếp tục trong tình cảnh phong tỏa tương tự. Thành phố lớn nhất và giàu có nhất của miền Nam đã được đưa vào để thí nghiệm cho một cuộc xiết chặt y tế, bao gồm cả an ninh và lương thực đã dẫn đến một sự mệt mỏi tận Trung ương: bởi Sài Gòn là thành phố duy nhất có khả năng đóng góp đến 82% ngân sách.

 

Không phải là người Việt Nam đã lãng quên cơn ác mộng đại dịch COVID-19, chỉ là thói quen không nói ra đã trở thành một tập quán xã hội để giữ an toàn cho bản thân mình. Câu chuyện hỏa hoạn trong vùng phong tỏa tại Urumqi (Tân Cương) giết chết ít nhất 10 người trong một tòa nhà chung cư – đã nhắc cho không biết người Việt nhớ lại những ngày tháng khắc nghiệt mà họ đã từng trải qua: Chắc chắn con số xác thực về những người chết bởi COVID-19 ở Việt Nam không phải chỉ là hơn 43 ngàn, ít nhất đối với nhiều bệnh nhân ngày thường khác, cũng đã chết lặng lẽ trong phong tỏa. Cách Trung Quốc đối xử một cách tàn nhẫn với người dân, tạo ra một sự liên tưởng, cho thấy chính sách “zero Covid” là một mệnh lệnh thép để duy trì chế độ chứ không kể đến sự tồn vong của thường dân.

 

Thế khó của Ban Tuyên giáo và báo chí Việt Nam lúc này là tránh nói về chuyện phản ứng của hàng trăm ngàn người dân Trung Quốc, bởi không muốn mô tả về sức mạnh của người dân đang đòi hỏi thay đổi chính quyền và cả việc nhắc lại một sai lầm còn nóng hổi, đã diễn ra bằng xương máu.

 

Tiến sĩ Hà Sĩ Phu, nhà phân tích sự bế tắc của chủ nghĩa cộng sản bằng luận thuyết khoa học của mình, đã từng có một nhận định hết sức thú vị “Mọi sự ớn lạnh của Trung Quốc đều dẫn đến run rẩy ở Việt Nam”. Trong khi những thanh niên và người dân Trung Quốc đang giơ tờ giấy trắng để mô tả về một xã hội bị thanh trừng sạch sẽ theo ý đảng cộng sản thì báo chí Việt Nam cũng gián tiếp đưa những tờ giấy trắng trên trang báo của mình, trơ trẽn nói rằng thế giới này không có gì đáng lưu tâm ngoài lao động xây dựng xã hội chủ nghĩa và thụ hưởng.

 

Bất chấp sự tảng lờ cố ý của truyền thông nhà nước, những hình ảnh và tin tức về sự bất mãn của người dân Trung Quốc đang được người dân Việt Nam đưa lại, xuất hiện ngày càng nhiều trên Twitter, Telegram, Facebook hay YouTube. Nó mở ra cho những ai chứng kiến một suy nghĩ khác về sự hùng mạnh bất toại của chế độ độc tài rằng: Nếu một chính quyền bất lương với nhân dân thì nó sẽ bị gọi tên để loại bỏ. Chắc chắn không có ngoại lệ nào trên hành tinh này, kể cả việc lý tưởng hóa về một loại chủ nghĩa được đặt lên người dân, để tuyên truyền rằng giai cấp cầm quyền là tuyệt đối chính nghĩa hay vinh quang mãi mãi.

 

==================================

 

XEM THÊM TIN TỨC

 

.

Hà Tĩnh: TTVH huyện xây hơn một năm chỉ xong phần móng đã được ứng 20 tỷ

Công trình Trung tâm văn hóa – truyền thông huyện Lộc Hà (tỉnh Hà Tĩnh) do UBND huyện Lộc Hà làm chủ đầu tư. Việc thi công do Công ty…

·         Lê Thiệt-

·         29 tháng 11, 2022

 

.

Đắk Lắk: Trẻ mới sinh cũng phải đóng tiền xây dựng nông thôn mới

Theo người dân tại thôn 8, từ năm 2012 đến nay, thôn 8 đã thực hiện được bốn lần vận động đóng góp để làm đường giao thông nông thôn.

·         Lê Thiệt-

·         29 tháng 11, 2022

 

.

Hiệu trưởng có ‘quan hệ bất chính’ bị kỷ luật

Đó là vị hiệu trưởng mà nhiều người cho là “khả kính” ở trường tiểu học B Mỹ An (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) tên Trần Cao Nhân (49 tuổi).

·         Lê Thiệt-

·         29 tháng 11, 2022





No comments:

Post a Comment

View My Stats