Tuesday, 29 November 2022

CÁC CUỘC BIỂU TÌNH HIẾM HOI PHẢN ĐỐI CHÍNH SÁCH 'KHÔNG COVID' CỦA TRUNG QUỐC NỔ RA TRÊN KHẮP CẢ NƯỚC (The Washington Post)

 



Các cuộc biểu tình hiếm hoi phản đối chính sách ‘không covid’ của Trung Quốc nổ ra trên khắp cả nước   

The Washington Post  

Cù Tuấn dịch

27-11-2022  12:37    

https://www.facebook.com/tuan.cu.5/posts/pfbid09j8vLdXkjaR7Sp4S22VA45sUQtnNNH6MfULx9wToTKWfuSBqwATxPgcg7Fdqs2Bkl

 

 Các cuộc biểu tình đã nổ ra ở các thành phố và trong các trường học trên khắp Trung Quốc vào cuối tuần này khi những người dân thất vọng và phẫn nộ xuống đường trong một làn sóng biểu tình đáng kinh ngạc chống lại chính sách “Zero covid” của chính phủ và các nhà lãnh đạo thực thi nó.

 

Cư dân ở Thượng Hải, thành phố đông dân nhất của Trung Quốc, đã tụ họp vào tối thứ Bảy và sáng Chủ nhật, kêu gọi chấm dứt phong tỏa do đại dịch và hô vang “Chúng tôi muốn tự do!” và “Bỏ phong tỏa Tân Cương, bỏ phong tỏa toàn bộ Trung Quốc!”, theo các nhân chứng tại hiện trường. Có một số hình ảnh thậm chí còn phi thường hơn về sự tức giận của công chúng nhằm vào nhà lãnh đạo cao nhất của chính phủ, một nhóm người biểu tình ở đó đã hô vang: “Tập Cận Bình, hãy từ chức!” và “Đảng Cộng sản, hãy từ chức!”

 

Trần, 29 tuổi, cư dân Thượng Hải, đến dự buổi cầu nguyện vào khoảng 2 giờ sáng 27/11, cho biết: “Có nhiều người ở khắp mọi nơi. “Lúc đầu, mọi người la hét yêu cầu dỡ bỏ lệnh phong tỏa ở Tân Cương, sau đó nó trở thành ‘Tập Cận Bình, hãy từ chức, Đảng Cộng sản hãy từ chức!'”, anh nói và chỉ cho biết họ của mình vì lo ngại về an ninh.

 

Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các cuộc biểu tình, vốn cũng diễn ra tại các trường đại học ở Bắc Kinh, Tây An và Nam Kinh vào thứ Bảy 26/11, là một vụ hỏa hoạn chết người ở Urumqi, thủ phủ của Tân Cương, ở vùng viễn tây bắc của Trung Quốc vào ngày 24/11. Mười người, trong đó có ba trẻ em, đã thiệt mạng sau khi lực lượng cứu hỏa khẩn cấp không thể tiếp cận đủ gần một tòa nhà chung cư bị chìm trong biển lửa. Người dân đổ lỗi cho các biện pháp liên quan đến phong tỏa đã cản trở nỗ lực cứu hộ.

 

Các quan chức hôm 25/11 đã phủ nhận rằng các lệnh phong tỏa do covid là một yếu tố gây cứu hộ bất thành và đổ tại vào “khả năng tự giải cứu bản thân quá yếu” của một số cư dân. Việc này càng làm tăng thêm sự chế giễu và tức giận trên các nền tảng mạng xã hội Trung Quốc. Cư dân ở Urumqi, một trong những thành phố được kiểm soát chặt chẽ nhất ở Trung Quốc do một cuộc đàn áp an ninh rộng lớn hơn, đã biểu tình hôm 25/11. Nhiều người vẫy quốc kỳ Trung Quốc và kêu gọi dỡ bỏ hoàn toàn lệnh phong tỏa.

 

Tình trạng bất ổn này bắt đầu lan rộng. Vào ngày hôm sau 26/11, cư dân Thượng Hải đã tập trung để thắp nến cầu nguyện trên Đường Trung lộ Wulumuqi, được đặt theo tên của Urumqi, và cuộc tập trung này đã biến thành một cuộc biểu tình. Các bức ảnh do một nhiếp ảnh gia tại hiện trường gửi tới The Washington Post cho thấy những người biểu tình đang giơ những tờ giấy trắng - biểu tượng phản đối sự kiểm duyệt tràn lan của Trung Quốc - và đặt hoa và nến tưởng niệm các nạn nhân, trong khi cảnh sát đứng nhìn.

 

Một người giơ mảnh giấy có số '10' được viết bằng tiếng Uyghur và tiếng Trung Quốc để ám chỉ 10 nạn nhân ở Urumqi. Đám đông bắt đầu chuyền tay nhau những tờ giấy trắng.

 

“Mọi người đều cầm nó,” Meng, nhiếp ảnh gia, người chỉ cho biết họ của mình vì lo ngại về an toàn, cho biết. “Không ai nói gì cả, nhưng tất cả chúng tôi đều biết điều đó có nghĩa là gì. Chính quyền có thể xóa tất cả những gì họ muốn. Bạn không thể kiểm duyệt những gì chưa được nói ra.”

 

Những cuộc biểu tình như vậy cực kỳ hiếm ở Trung Quốc, nơi chính quyền thường hành động nhanh chóng để dập tắt mọi hình thức bất đồng chính kiến. Các nhà chức trách đặc biệt cảnh giác với các cuộc biểu tình tại các trường đại học, nơi đã diễn ra các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ vào năm 1989 mà đã lan rộng khắp đất nước và kết thúc bằng một cuộc đàn áp và tàn sát đẫm máu quanh Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh.

 

Tại Đại học Truyền thông Trung Quốc ở Nam Kinh, các áp phích chế nhạo chính sách “zero covid” đã bị gỡ xuống vào thứ Bảy 26/11, khiến một sinh viên ra đứng hàng giờ đồng hồ cầm một tờ giấy trắng để phản đối. Hàng trăm sinh viên tham gia cùng đứng với sinh viên này để biểu lộ sự đoàn kết.

 

Một số người đặt hoa trên mặt đất để tưởng nhớ các nạn nhân vụ hỏa hoạn Urumqi và hô vang “hãy yên nghỉ”. Những người khác hát quốc ca Trung Quốc cũng như bài quốc ca cánh tả “Quốc tế ca”. Họ hét lên, “Nhân dân muôn năm!”

 

“Tôi từng cảm thấy cô đơn, nhưng hôm qua mọi người đã sát cánh bên nhau,” một sinh viên nhiếp ảnh 21 tuổi giấu tên cho biết vì lo ngại về an toàn. “Tôi cảm thấy tất cả chúng ta đều dũng cảm, đủ dũng cảm để theo đuổi những quyền lợi mà chúng ta đang còn chưa được trao, đủ dũng cảm để chỉ trích những sai lầm này, đủ dũng cảm để bày tỏ quan điểm của mình.”

 

“Học sinh như chiếc lò xo, ngày nào cũng bị đè nén. Hôm qua, lò xo đó đã bật trở lại,” anh nói.

 

Các video được đăng trên phương tiện truyền thông xã hội vào ngày 27/11 cho thấy một đám đông sinh viên tại Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh giơ cao những mảnh giấy trắng và hô vang: “Dân chủ, pháp quyền, tự do ngôn luận!” Qua loa phóng thanh, một phụ nữ trẻ hét lên: “Nếu vì sợ bị bắt mà chúng tôi không nói, tôi tin đồng bào sẽ thất vọng về chúng tôi. Là một sinh viên Thanh Hoa, tôi sẽ hối hận cả đời.”

 

Theo các bài đăng trên mạng xã hội, đám đông cũng tập trung tại Học viện Mỹ thuật Tây An, giơ cao điện thoại của họ như một phần của lễ tưởng niệm những người đã chết ở Urumqi. Các bài đăng khác hiển thị các khẩu hiệu phản đối bị làm mờ trong các khuôn viên trường đại học ở bốn thành phố và hai tỉnh.

 

Trên khắp đất nước, và không chỉ ở các trường đại học, công dân dường như đang đạt đến ngưỡng đột phá. Nhân danh “không covid”, họ đã sống qua gần ba năm chịu sự kiểm soát không ngừng, khiến nhiều người bị phong tỏa trong nhà, bị đưa đến các trung tâm cách ly hoặc bị cấm đi lại. Cư dân phải thực hiện các xét nghiệm coronavirus lặp đi lặp lại và bị chính phủ giám sát tình trạng di chuyển và sức khỏe của họ.

 

Vụ hỏa hoạn ở Urumqi xảy ra sau vụ tai nạn xe buýt hồi tháng 9 khiến 27 người thiệt mạng khi họ đang trên đường được đưa đến trung tâm kiểm dịch. Vào tháng 4, lệnh phong tỏa đột ngột ở Thượng Hải khiến cư dân không có đủ lương thực và gây ra các cuộc biểu tình trực tuyến và ngoại tuyến. Những cái chết liên quan đến các hạn chế, bao gồm một đứa trẻ 3 tuổi chết sau khi cha mẹ không thể đưa con mình đến bệnh viện, càng làm tăng thêm sự tức giận của công chúng.

 

Các cơ quan y tế cho biết chiến lược cắt đứt sự lây truyền covid càng sớm càng tốt và cách ly tất cả các ca dương tính là cách duy nhất để ngăn chặn sự gia tăng các ca bệnh nặng và tử vong, vốn sẽ làm quá tải hệ thống chăm sóc sức khỏe. Do tỷ lệ lây nhiễm thấp, dân số 1,4 tỷ người của Trung Quốc có mức độ miễn dịch tự nhiên thấp. Những người đã được chủng ngừa đã nhận được vắc-xin sản xuất trong nước, mà đã được chứng minh là kém hiệu quả hơn đối với biến thể omicron vốn dễ lây nhiễm hơn.

 

Vụ hỏa hoạn ở Tân Cương cũng xảy ra sau nhiều tuần người dân đặc biệt thất vọng về các chính sách đối với đại dịch, vốn được nới lỏng rồi lại siết chặt ở một số nơi trong bối cảnh số ca nhiễm mới gia tăng. Vào Chủ nhật 27/11, Trung Quốc đã báo cáo 39.791 ca nhiễm mới, ngày thứ tư liên tiếp ghi nhận số ca mắc kỷ lục.

 

Một bài báo trên tờ Nhân dân Nhật báo của nhà nước vào ngày 27/11 đã kêu gọi “sự cam kết kiên định” đối với các chính sách covid hiện tại. Tại một cuộc họp giao ban vào Chủ nhật, các quan chức Urumqi cho biết giao thông công cộng sẽ hoạt động trở lại một phần vào ngày 28/11 như một phần trong nỗ lực dỡ bỏ dần các biện pháp phong tỏa.

 

Tại Thượng Hải, cảnh sát cuối cùng đã bao vây địa điểm diễn ra buổi cầu nguyện và chặn các con đường. Họ đụng độ với những người biểu tình, đẩy họ vào ô tô trước khi giải tán đám đông vào khoảng 5 giờ sáng. Có thời điểm, đám đông cố gắng ngăn cản các cảnh sát lôi đi một người đàn ông đang đọc một bài thơ để vinh danh các nạn nhân.

 

Các video được đăng vào ngày 27/11 cho thấy đám đông trong khu vực la hét, “Hãy để họ đi,” rõ ràng ám chỉ những người bị bắt. Trần cho biết anh đã chứng kiến ​​hàng chục người bị bắt giữ.

 

“Tôi không phải là kiểu người lãnh đạo,” anh nói, “nhưng nếu có cơ hội để lên tiếng hoặc làm điều gì đó để giúp đỡ họ, tôi sẽ làm.”

 

Hình ảnh:

 

1 – https://www.facebook.com/photo?fbid=5913010108737620&set=pcb.5913010605404237

Cảnh sát và người biểu tình đụng độ ở Thượng Hải trong ngày 27/11 trong các cuộc biểu tình phản đối chính sách “không covid” của Trung Quốc. Nhiều người đổ lỗi cho các hạn chế phong tỏa do đại dịch đã gây ra cái chết của 10 người trong vụ cháy chung cư cách đây vài ngày ở Urumqi, thủ phủ của khu vực Tân Cương.

 

2 – https://www.facebook.com/photo?fbid=5913010142070950&set=pcb.5913010605404237

Hàng trăm sinh viên tập trung tại Đại học Truyền thông Trung Quốc ở Nam Kinh vào ngày 26/11 để phản đối lệnh phong tỏa do đại dịch đang diễn ra của Trung Quốc.

 

3 – https://www.facebook.com/photo?fbid=5913010118737619&set=pcb.5913010605404237

Người biểu tình ở Thượng Hải cầm những mảnh giấy trắng tượng trưng cho sự phản đối của họ đối với sự kiểm duyệt quá mức của Trung Quốc

 

4 – https://www.facebook.com/photo?fbid=5913010132070951&set=pcb.5913010605404237

Người dân Thượng Hải tưởng niệm các nạn nhân của vụ cháy chung cư tuần trước ở Urumqi. Các cuộc biểu tình cuối tuần ở một số thành phố trên khắp Trung Quốc đã liên kết số người chết trong vụ hỏa hoạn với các biện pháp phong tỏa và hạn chế đại dịch đang áp dụng khắp Trung Quốc.

 

5 – https://www.facebook.com/photo?fbid=5913010122070952&set=pcb.5913010605404237

Cảnh sát Trung Quốc chặn lối vào một địa điểm nơi những người biểu tình tập trung ở Thượng Hải vào ngày Chủ nhật 27/11.

 

.

9 BÌNH LUẬN 

 

Cù Tuấn

Video biểu tình tại Thượng Hải

https://www.facebook.com/tuan.cu.5/posts/pfbid09j8vLdXkjaR7Sp4S22VA45sUQtnNNH6MfULx9wToTKWfuSBqwATxPgcg7Fdqs2Bkl

 

.

Cù Tuấn

Link bài gốc https://www.washingtonpost.com/.../china-covid-lockdown.../

WASHINGTONPOST.COM

Rare protests against China’s ‘zero covid’ policy erupt across country

Rare protests against China’s ‘zero covid’ policy erupt across country

 

.

Cù Tuấn

Bài viết liên quan

 

Phóng sự Trung Quốc: Nỗi sợ hãi và hoảng loạn bao trùm thành phố Trung Quốc được đồn đoán sẽ ngưng áp dụng chính sách Covid Zero

https://www.facebook.com/tuan.cu.5/posts/pfbid0KPVc5HSGMnsKt77FFKpbj2YeBCNpSf5kV9yiVYgDJzTy3Y8Wr1TKe3sncm6Lmrpdl

 

Hoàng đế Tập Cận Bình giá lâm!

https://www.facebook.com/tuan.cu.5/posts/pfbid0veLui36P9ho5Fdddn3DREbJVBR5pVBQHEfDZRv2MQ1GneVS8CwfNh7WVZt6DEhRLl

 

Chùm ảnh Tập Cận Bình

https://www.facebook.com/tuan.cu.5/posts/pfbid0MkrbqqS1PkN82C1cPdjL1gvAijTL3rdzWMAvzqRSRDQrdxnAMZJoZLtwN6VhhF7ol

 

TRẬT TỰ THẾ GIỚI MỚI CỦA TẬP CẬN BÌNH (phần 1)

https://www.facebook.com/tuan.cu.5/posts/pfbid0s9WsAooxdtGEpZidMi66frH9FPj8pdGvnHQBa6wYQ7n3pc3qAHAJpxyQKdcZc8Ycl

 

TRẬT TỰ THẾ GIỚI MỚI CỦA TẬP CẬN BÌNH (phần 2)

https://www.facebook.com/tuan.cu.5/posts/pfbid02vNhbpxXWRufZVkL7N2GQMkuNLr25MpRPvZW4ffuRu6hvxZWAu9earssHKEUDT7t4l

 

Có phải Trung Quốc đã đặt cược vào thất bại của Nga?

https://www.facebook.com/tuan.cu.5/posts/pfbid02a2o41LNSKs5SQ9D38pbqEDvdShzrYWDNRkHqnP5eLSQqbyLEY1qCb6Y9Vp5F61Efl

 

Tập Cận Bình đối mặt với quyết định định mệnh về Ukraina

https://www.facebook.com/tuan.cu.5/posts/pfbid028ZHsUgCcFTm31o4pFGGGGzvxEVsmV3cSZusJXi1cNmqjJTPVT9C6BdtZJbWvrojHl

 

Châu Á so sánh cuộc chiến tại Ukraina với bối cảnh Đài Loan.

https://www.facebook.com/tuan.cu.5/posts/pfbid02Rr4KX6u2s1pDbF3LcZnsDgFoDSgLekt9jRwTDaPC7tmkDkGnttfzfDeAAt7SCfNkl

 

Liệu Trung Quốc có giúp đỡ Nga về tài chính?

https://www.facebook.com/tuan.cu.5/posts/pfbid02DwJciTqcmCKfx8ixAFnA7kG1mpqqRNG64aBJCZytMnXLMKFMYrpjFAoaf6MSGuFol

 

Hơn nửa thế kỷ đối đầu giữa Trung Quốc và Đài Loan

https://www.facebook.com/.../pfbid0KcTuxXWWJW7JrYDyCiKTwE...

 

 



No comments:

Post a Comment

View My Stats