Sunday, 27 November 2022

PHILIPPINES"QUAY LẠI" VỚI ĐỒNG MINH MỸ, VIỆT NAM VẪN "CHẦN CHỪ" (Trần Công Thượng)

 



Philippines “quay lại” với đồng minh Mỹ, Việt Nam vẫn “chần chờ”

Bình luận của Trần Công Thượng
2022.11.26

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/philippines-us-relationship-warms-up-11262022093928.html

 

Quan hệ Mỹ - Philippines nồng ấm trở lại

 

Các quan chức cao cấp của Mỹ đã có một loạt chuyến thăm tới Philippines, đồng minh quân sự lâu đời của Washington ở Đông Nam Á. Đặc biệt, chặng dừng chân của Phó Tổng thống Kamala Harris hôm 21/11 tại tỉnh Palawan của quốc gia Đông Nam Á này cho thấy một điều gì đó mới mẻ. Bà Harris là quan chức Mỹ đầu tiên đến đó, mà theo các nhà quan sát, động thái này có ý nghĩa như một thông điệp gửi tới Trung Quốc, chứ không chỉ gửi tới Philippines.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/philippines-us-relationship-warms-up-11262022093928.html/@@images/c8b304b6-f4a4-4b07-a0b9-b9de38751bd5.jpeg

Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris và Tổng thống Philippines Ferdinand “Bongbong” Marcos tại Manila, Philippines hôm 21/11/2022.  Reuters

 

Bà Harris đã thăm quan một tàu tuần duyên và nói chuyện với các quan chức Philippines ở Palawan để nhấn mạnh các giá trị và hy vọng của Mỹ đối với khu vực: “tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, thương mại hợp pháp không bị cản trở, giải quyết tranh chấp một cách hòa bình và tự do hàng hải”. (1)

 

Washington hiện đang tìm cách củng cố liên minh an ninh với Manila dưới thời người kế nhiệm của ông Duterte. Điều đó bao gồm một hiệp ước phòng thủ chung và một thỏa thuận năm 2014, được biết đến dưới tên gọi Thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng (EDCA), cho phép quân đội Mỹ cất giữ các thiết bị và vật tư quốc phòng tại năm căn cứ quân sự của Philippines, đồng thời cho phép quân đội Mỹ luân chuyển qua các căn cứ đó. Mỹ và Philippines đã bày tỏ sự ủng hộ đối với việc đẩy nhanh thực hiện EDCA trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng trở nên quyết đoán.

 

Philippines từng là thuộc địa của Mỹ và trở thành đồng minh của Mỹ vào năm 1951, năm năm sau khi giành được độc lập. Trong Chiến tranh Lạnh, một số căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở nước ngoài được đặt tại Philippines và đóng góp quan trọng cho các cuộc chiến của Mỹ trên Bán đảo Triều Tiên và tại Việt Nam. Sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc tại Philippines đã buộc Washington phải đóng cửa các căn cứ này trong thập niên 1990, nhưng trong những năm gần đây, hai đồng minh đang hợp tác với nhau trong lĩnh vực chống khủng bố và để đối phó với áp lực quân sự gia tăng của Trung Quốc ở Biển Đông, nơi Philippines có tuyên bố chủ quyền.

 

Vai trò quan trọng của Philippines

 

Ngày nay, nhờ vị trí địa lý của mình, Philippines là trung tâm trong các kế hoạch của Mỹ nhằm ngăn chặn và đáp trả bất kỳ cuộc tấn công nào của Trung Quốc nhằm vào Đài Loan, hòn đảo mà Bắc Kinh tuyên bố là một phần lãnh thổ.


Trong số năm đồng minh của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, bao gồm Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippines và Thái Lan, Philippines nằm gần Đài Loan nhất, với vùng đất ở cực Bắc đảo Luzon của nước này chỉ cách Đài Loan 200 km (120 dặm).

 

Theo các chuyên gia như Randall Schriver, người từng phục vụ trong chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump với tư cách là quan chức cấp cao nhất của Lầu Năm góc về Đông Á, đảo Luzon được Quân đội Mỹ đặc biệt quan tâm vì đây là một địa điểm tiềm năng để bố trí các hệ thống rocket, tên lửa và pháo nhằm đối phó với một cuộc đổ bộ xâm lược Đài Loan (2). Cũng theo chuyên gia này, một môi trường chính trị có lợi cho khả năng tiếp cận quân sự lớn hơn của Mỹ đang được cải thiện dưới thời Tổng thống Marcos sau khi hai nước trải qua một giai đoạn quan hệ đầy chông gai trong nhiệm kỳ sáu năm của Tổng thống Rodrigo Duterte, người đã tìm kiếm mối quan hệ chặt chẽ hơn với Trung Quốc.

 

Ông Gregory Poling, Giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) ở Washington DC, cho biết ngoài những lời hoa mỹ, sự hiện diện của bà Harris ở Palawan gửi đi một “tín hiệu rõ ràng” rằng Mỹ sẽ có những động thái nhằm củng cố và duy trì các cam kết liên minh ở Biển Đông. Ông Poling nói: Thời gian của bất kỳ nhà lãnh đạo nào cũng là tài sản quý giá nhất của họ và nơi họ chọn đến thăm luôn gửi đi một thông điệp. Trong trường hợp này, Phó tổng thống Mỹ muốn nói rằng dành một ngày ở Puerto Princesa quan trọng hơn bất cứ điều gì khác mà bà có thể làm trong ngày hôm đó” (3).

 

Các hoạt động này đều nằm trong nỗ lực mới của Washington nhằm củng cố mối quan hệ với đồng minh lâu đời nhất của họ ở châu Á, mối quan hệ then chốt trong chiến lược của chính quyền Biden ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

 

Theo một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ, ít nhất chuyến thăm của Phó Tổng thống cũng tìm cách thúc đẩy hơn nữa thông điệp rằng Mỹ ngày càng nghiêm túc hơn trong việc cải thiện quan hệ với Philippines (4). Về mặt kinh tế, cơ hội để tăng cường hợp tác đã chín muồi với chuyến đi New York của ông Marcos mang lại 3,9 tỷ USD cam kết đầu tư vào các lĩnh vực bao gồm nông nghiệp, công nghệ thông tin, quản lý quy trình kinh doanh, năng lượng và hàng không.

 

Quan chức Mỹ cho biết thêm, một điểm nổi bật khác của chuyến thăm – bà Harris đến Palawan – cũng cho thấy rõ rằng chính quyền Biden cam kết “sát cánh cùng đồng minh Philippines trong việc duy trì trật tự hàng hải quốc tế dựa trên luật lệ ở Biển Đông, hỗ trợ sinh kế hàng hải và chống lại việc đánh cá bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU)” (5). Trung Quốc là quốc gia đứng đầu trong danh sách các quốc gia có đội tàu IUU đông nhất thế giới.

 

Bà Harris đã nói với ông Marcos khi bắt đầu cuộc hội đàm tại Dinh Tổng thống ở Manila: “Chúng tôi sát cánh với các bạn để bảo vệ các quy tắc và chuẩn mực quốc tế liên quan đến Biển Đông. Một cuộc tấn công vào lực lượng vũ trang, tàu công vụ hoặc máy bay của Philippines ở Biển Đông sẽ kích hoạt cam kết phòng thủ chung của Mỹ… đó là cam kết vững chắc của chúng tôi đối với Philippines”. (6)

 

Về phần mình, ông Marcos nói: “Trong bối cảnh những biến động mà chúng ta đang chứng kiến, mối quan hệ đối tác giữa Philippines và đồng minh lâu đời của nước này càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết”. Ông Marcos đồng thời chỉ rõ: “Tình hình đang thay đổi nhanh chóng. Chúng ta phải phát triển để phản ứng đúng đắn với tình huống đó, vì vậy đó là lý do tại sao điều rất quan trọng là chúng ta tiếp tục tiến bộ, tiếp tục củng cố khi xác định lại các mối quan hệ đó… Tôi không nhìn thấy một tương lai nào cho Philippines nếu không có Mỹ”. (7)

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/philippines-us-relationship-warms-up-11262022093928.html/2022-11-22t122303z_118630873_rc2uqx9pj66b_rtrmadp_3_asia-harris-philippines.jpg/@@images/679d747d-08c3-42c8-a192-290d0f03853f.jpeg

Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris thăm tàu tuần duyên Philippines ở cảng Puerto Princesa, Philippines hôm 22/11/2022. Reuters

 

Philippines dưới thời Duterte đã khước từ các cơ hội khi từ bỏ Phán quyết Trọng tài Biển Đông năm 2016. Duterte muốn xích lại gần Trung Quốc để thúc đẩy nền kinh tế Philippines và thoả mãn những quyết định cá nhân của mình. Thế nhưng, Duterte và nền kinh tế Philippines cũng không giành được lợi ích gì nhiều. Chính vì vậy, Marcos Jr. đã phải quay trở lại với đồng minh truyền thống của mình là Mỹ. 

 

Mỹ đã và sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho Philippines. Mỹ cũng đóng một vai trò răn đe quan trọng cho Philippines trước sự đe doạ của Trung Quốc ở Biển Đông. Chính vì lẽ đó mà Marcos Jr. đã tính toán như vậy.

 

Việt Nam đang có rất nhiều điều kiện để phát triển quan hệ với Mỹ. Đặc biệt từ sau năm 2014, với sự kiện Giàn khoan, quan hệ Việt - Mỹ đã có những bước phát triển mạnh mẽ, với ước muốn “thoát Trung” của Việt Nam. Thế nhưng, kể từ khi Nga xâm lược Ukraine, Hà Nội đã dường như lo sợ trở thành một “Ukraine bên cạnh Trung Quốc”, nên đã thay đổi thái độ với Mỹ. Mỹ vẫn đang nỗ lực thúc đẩy quan hệ với Việt Nam lên một tầm cao mới, nhưng Hà Nội vẫn đang lảng tránh cơ hội này.

 

Đã có nhà quan sát lo lắng rằng Mỹ sẽ chuyển hướng sang các quốc gia ASEAN khác khi Việt Nam vẫn luôn e dè, kiêng kị, “sợ bóng sợ gió” trong quan hệ với Mỹ. Và điều này sẽ khiến Việt Nam đánh mất cơ hội hiện đại hoá đất nước. Chuyến thăm Trung Quốc hồi đầu tháng của ông Nguyễn Phú Trọng đã cho thấy, Việt Nam vẫn luôn nghiêng về phía Trung Quốc. Các nhà ngoại giao Việt Nam vẫn xôn xao bàn tán về việc Việt Nam đã bỏ phiếu chống lại việc loại Nga ra khỏi Hội đồng Nhân quyền LHQ, điều đó cho thấy thái độ bất nhất của Việt Nam, cho dù các lãnh đạo lại luôn mở miệng đề cao công lý, lẽ phải.

 

Philippines tuy cũng không muốn chọn bên, nhưng cũng đã tỏ rõ ý, trong trường hợp Đài Loan bị tấn công thì nước này sẽ chấp nhận việc cho Mỹ sử dụng các căn cứ quân sự của mình để bảo vệ Đài Loan. Sự an nguy của Đài Loan liên quan mật thiết đến tình trạng an ninh của Đông Nam Á và khu vực châu Á, cũng như đến an ninh của các thực thể tại Trường Sa mà Việt Nam đang kiểm soát ở Trường Sa.

 

Năm 2014, Trung Quốc đã thất bại khi phải mang Giàn khoan trở về, ngoài lý do là Việt Nam đã “đeo bám” quyết liệt, thì cũng còn có lý do là Mỹ và các quốc gia khác lên tiếng mạnh mẽ ủng hộ Việt Nam và lên án Trung Quốc.

 

Vậy nếu tương lai Đài Loan bị Bắc Kinh tấn công thì Hà Nội sẽ hành xử ra sao để bảo vệ chính mình? Liệu lúc ấy Việt Nam sẽ không cần đến bạn bè quốc tế, mà chỉ mình Việt Nam có thể chống lại được sự đe doạ từ Trung Quốc? Câu hỏi ấy đang chờ lãnh đạo Việt Nam trả lời.

___________

 

Tham khảo:

 

1. https://time.com/6236010/kamala-harris-philippines-visit-china/

 

2. https://hk.news.yahoo.com/explainer-why-u-seeks-closer-061107035.html

 

3. https://edition.cnn.com/2022/11/21/asia/philippines-south-china-sea-kamala-harris-visit-intl-hnk/index.html

 

4. https://www.nytimes.com/2022/11/22/world/asia/kamala-harris-philippines.html

 

5. https://www.nytimes.com/2022/11/22/world/asia/kamala-harris-philippines.html

 

6. https://www.gmanetwork.com/news/topstories/nation/852120/harris-tells-marcos-attacks-vs-ph-in-south-china-sea-will-invoke-us-mutual-defense-commitments/story/

 

7. https://www.gmanetwork.com/news/topstories/nation/852120/harris-tells-marcos-attacks-vs-ph-in-south-china-sea-will-invoke-us-mutual-defense-commitments/story

 

--------------------------------------------------------------------

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

 

Tin, bài liên quan

BLOG

·         Việt Nam - Ấn Độ tăng cường hợp tác trước mối nguy Trung Quốc

·         Tập Cận Bình dịu giọng ở các thượng đỉnh khu vực, nhưng hoà bình chưa quay lại ở Biển Đông

·         Huân chương nước mắt cho tình đồng bào

·         Câu hỏi từ các vật phẩm có “đường lưỡi bò” của Trung Quốc

·         Biển Đông: Trò lừa mị của Bắc Kinh lại tái diễn

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats