Tuesday 29 November 2022

GIẢM MỨC THẢI KHÍ CO2, TĂNG CAM KẾT và THÍCH . . . NGƯỢC CHIỀU (Trân Văn)

 



Giảm mức thải CO2, tăng cam kết và thích... ngược chiều

Trân Văn

29/11/2022

https://www.voatiengviet.com/a/giam-muc-thai-co2-tang-cam-ket-va-thich-nguoc-chieu/6854587.html

 

https://gdb.voanews.com/c36e0000-0aff-0242-864a-08d9ecc59c82_w1023_r1_s.jpg

Những nhà hoạt động môi trường tại Việt Nam đối mặt nguy hiểm ngày càng cao đối với xách nhiễu của chính quyền. Hình minh họa.

 

Bởi giá phải trả cho việc tự do thải CO2 càng ngày càng đắt, giảm thải CO2 để kềm giữ nhiệt độ toàn cầu, qua đó giảm thiểu thiệt hại nhân mạng và tài sản do thời tiết cực đoan khiến thiên tai khốc liệt hơn đã trở thành nỗ lực chung của nhân loại.

 

Chuyện Việt Nam bất chấp các cam kết với cộng đồng quốc tế vào năm ngoái tại Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu toàn cầu (COP) thứ 26 (giảm mức thải CO2 để đến 2050 đạt mức “phát thải ròng bằng 0” - nghĩa là giảm thải CO2 đến mức tối đa và trồng rừng, ứng dụng công nghệ thu hồi carbon,... để cân bằng với lượng CO2 đã thải ra môi trường[1], vẫn tiếp tục thúc đẩy các kế hoạch sử dụng than để phát điện cho đến 2030 cũng như thu hẹp kích thước của các kế hoạch phát triển năng lượng tái tạo, có thể khiến cộng đồng quốc tế chưng hửng, thất vọng tràn trề (2) nhưng không như thế (vi phạm cam kết, hành xử giống như sắm dây để tự trói,...) thì lại không phải là... Việt Nam!

 

                                                             ***

Bởi giá phải trả cho việc tự do thải CO2 càng ngày càng đắt, giảm thải CO2 để kềm giữ nhiệt độ toàn cầu, qua đó giảm thiểu thiệt hại nhân mạng và tài sản do thời tiết cực đoan khiến thiên tai khốc liệt hơn đã trở thành nỗ lực chung của nhân loại. Tuy nhiên giá phải trả cho việc áp dụng các biện pháp giảm thải CO2 không rẻ chút nào nên không phải quốc gia nào cũng muốn thực thi. Song, nếu không tiến hành đồng bộ, nỗ lực giảm thải CO2 sẽ không đạt mục tiêu mong muốn (giữ để nhiệt độ toàn cầu chỉ tăng thêm 1,5 độ C vào cuối thế kỷ này). Đó là lý do thông qua các COP, cộng đồng quốc tế vừa thuyết phục các quốc gia thải nhiều CO2, vừa hỗ trợ và áp đặt một số chế tài nhằm thúc ép giảm thải.

 

Chẳng hạn tháng 7 năm ngoái, Liên hiệp châu Âu (EU) – khu vực đi đầu trong cuộc vận động giảm thải CO2 – thông qua “Fit for 55 package” (gói chính sách để đến 2030 đạt được mục tiêu là giảm tối thiểu ‘55%’ lượng CO2 gây ra hiệu ứng nhà kính so với năm 1990[3]. Theo đó, EU sẽ áp “Carbon Border Tax” (thuế carbon) lên hàng hóa của những quốc gia có mức thải CO2 cao hơn mức thải CO2 của các quốc gia thành viên EU nhằm bảo đảm sự công bằng trong cạnh tranh giữa hàng hóa của những quốc gia nỗ lực thực thi việc giảm thải CO2 (phải chi nhiều hơn, giá thành cao hơn) với những quốc gia lờ đi, không áp dụng các biện pháp giảm thải CO2 (chi phí thấp hơn, giá thành rẻ hơn).

 

Khi EU - một trong những thị trường quan trọng nhất đối với nhiều quốc gia trên thế giới – dùng thuế carbon như hàng rào thương mại thì dù muốn bảo vệ môi trường hay không nhiều chính phủ vẫn buộc phải tính đến chuyện giảm thải CO2 để sản xuất trong nước không đình đốn, tỉ lệ thất nghiệp không tăng, duy trì được nguồn thu từ xuất cảng... Dẫu không nằm trong nhóm dẫn đầu về phát thải CO2 nhưng Nam Hàn đã thử tính toán tác động của thuế carbon nếu không nỗ lực điều chỉnh mức độ thải CO2 của các ngành công nghiệp Nam Hàn (thép, nhôm, điện, xi măng, phân hóa học,...). Viện Chính sách kinh tế đối ngoại Nam Hàn (KIIEP) ước đoán, nếu EU áp mức thuế 30 euro/tấn CO2 thì cs1c doanh nghiệp Nam Hàn phải trả thêm khoản tiền tương đương 1 tỷ Mỹ kim/năm.

 

Muốn thoát thuế carbon khi xuất cảng hàng hóa sang EU vào năm 2026, các doanh nghiệp Nam Hàn phải cải tiến công nghệ để giảm thải CO2, chuyển sang sử dụng các dạng năng lượng mới như điện gió, năng lượng hydro, năng lượng mặt trời,... Cho dù chuyển đổi phương thức cung cấp năng lượng trong vòng năm năm là hết sức khó khăn nhưng Nam Hàn không thể quay lưng lại với những thị trường như EU nên năm ngoái, Nam Hàn ban hành “Luật căn bản về trung hòa carbon và tăng trưởng xanh nhằm đối phó với biến đổi khí hậu”. Nam Hàn hi vọng việc chính phủ trực tiếp thúc đẩy chuyển đổi phương thức cung cấp năng lượng, xây dựng các cơ sở năng lượng tái tạo, sẽ giúp doanh nghiệp Nam Hàn có thể thuyết phục EU nới tay khi thuế carbon đến hạn phải thu (4)...

 

                                                        ***

Nam Hàn chỉ là một trong số những ví dụ minh họa cho xu thể giảm thải carbon dioxide, tuân thủ luật chơi chung về môi trường và qua đó có thể thấy mức độ ngổ ngáo của hệ thống công quyền Việt Nam. Theo tường thuật của Reuters (VOA đã chuyển ngữ - có thể dùng link ở phần chú thích để tham khảo) thì hồi trung tuần tháng này, chính quyền Việt Nam đã làm những quốc gia muốn tài trợ cho Việt Nam chuyển đổi các nguồn năng lượng ô nhiễm thành năng lượng sạch “choáng váng” khi quyết định sẽ tiếp tục phát triển các nguồn điện dùng than cho đến 2030 để “bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia” và giới hữu trách bỉ bôi rằng “năng lượng mặt trời, năng lượng gió phát triển quá nhanh ở Việt Nam nên đã gây ra nhiều vấn đề do lưới điện của Việt Nam còn hạn chế”.

 

Dựa trên các nguồn tin trong lĩnh vực ngoại giao và công nghiệp, Reusters cho biết: Một loạt đề nghị là những khoản vay trị giá hàng tỉ Mỹ kim của nhóm G7 để hỗ trợ chuyển đổi năng lượng đã không thuyết phục được những người đại diện chính quyền Việt Nam tham gia đàm phán - những người muốn có thêm tài trợ và được kiểm soát nhiều hơn cách thức giải ngân vốn... Trung tuần tháng 7 vừa qua, tại cuộc họp lần thứ ba của “Ban Chỉ đạo Quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26”, ông Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Đạt mức “phát thải ròng bằng 0” vào năm 2050 là mục tiêu phát triển tất yếu của thế giới. Đây là yêu cầu mới về thương mại, đầu tư toàn cầu. Sau cam kết mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế Việt, Nam đã khẩn trương cụ thể hóa, bắt tay thực hiện ngay những cam kết của mình...

 

Giờ, cứ như tường thuật của Reuters thì... thiên hạ nghi ngại về việc có thể đạt được thỏa thuận nào đó về giảm thải CO2 với Việt Nam nếu đàm phán không “hấp dẫn đáng kể” vì những bất đồng nội tại trong phát triển nguồn điện. Vướng mắc trong việc thực hiện tiến trình giảm thải CO2 tại Việt Nam dường như không nằm ở nhận thức mà chỉ thuần túy là... “xung đột lợi ích”. Trong chuyện giảm thải CO2, giữa lợi ích của quốc gia, dân tộc và lợi ích của các băng nhóm thì loại lợi ích nào lớn hơn? Có thể duy trì được “vị thế” quốc gia khi sau cam kết luôn là “làm mình, làm mẩy” theo kiểu... “em chả”?

 

---------------------

Chú thích

 

(1) https://moit.gov.vn/bao-ve-moi-truong/no-luc-thuc-hien-cac-cam-ket-cua-viet-nam-tai-hoi-nghi-cop26.html

 

(2) https://www.voatiengviet.com/a/6846978.html

 

(3) https://www.consilium.europa.eu/en/policies/green-deal/fit-for-55-the-eu-plan-for-a-green-transition/

 

(4) http://world.kbs.co.kr/service/contents_view.htm?lang=v&menu_cate=business&id=&board_seq=407008





No comments:

Post a Comment

View My Stats